Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường nghe về thuật ngữ “bảo lãnh”, việc hiểu và giải thích thuật ngữ này xem ra sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, để tiếp cận với góc độ pháp lý về thuật ngữ bảo lãnh thì chúng ta cùng xem xét quy định của pháp luật.
Trong pháp luật Việt Nam, thuật ngữ bảo lãnh xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 tại Bộ luật dân sự số 44-L/CTN trong khoản 1 điều 366. Theo đó Bảo lãnh là việc người thứ ba (gọi là người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (gọi là người nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (gọi là người được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc người bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Định nghĩa này được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 tại Điều 361 Bộ luật dân sự 33/2005/QH89 với nội dung: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Về cơ bản, việc sửa đổi này chỉ điều chỉnh phần chủ thể từ “người” thành “bên”, vì dùng từ “bên” thì sẽ bao quát được các đối tượng hơn gồm cá nhân và pháp nhân, tổ chức.
Đến năm 2015 khi Bộ luật Dân sự mới nhất được ban hành thì định nghĩa về bảo lãnh được ghi nhận như sau: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Tại định nghĩa mới nhất năm 2015 thì quy định pháp luật đã bỏ câu cuối “Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.”. Việc bỏ câu cuối tạo ra các ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng việc này đồng nghĩa với các bên không được quyền thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Ý kiến thứ hai cho rằng việc thỏa thuận là quyền của các bên, miễn sao vẫn tuân thủ đúng nguyên tắc của bộ luật dân sự, không trái với quy định pháp luật là các bên có thể tự do. Pháp luật trong trường hợp này không cần thiết gợi ý hay quy định cụ thể về một trường hợp nào đó mà các bên có thể thỏa thuận.
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu về nội dung bảo lãnh theo định nghĩa của pháp luật.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn