Hoạt động kiểm tra chứng cứ là dấu vết hình sự là hoạt động xem xét của Luật sư đối với các dấu vết hình sự được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố cũng như được bổ sung tại phiên tòa nhằm đánh giá, xác định lại tính hợp pháp, tính khách quan, độ tin cậy và tính liên quan của chứng cứ. Cũng như các chứng cứ khác, chỉ có các dấu vết hình sự có đầy đủ các thuộc tính này mới được coi là chứng cứ, mới có giá trị chứng minh và mới được sử dụng làm căn cứ để Luật sư đưa ra các ý kiến đánh giá, phân tích, nhận định, kết luận, đề nghị của mình về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án.
Kỹ năng đánh giá tính hợp pháp của dấu vết hình sự
Kỹ năng kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp của dấu vết hình sự thu thập được là kỹ năng đầu tiên mà Luật sư cần thực hiện khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án, bởi lẽ chỉ khi các dấu vết hình sự được thu giữ, bảo quản hợp pháp mới được coi là chứng cứ và mới có giá trị chứng minh.
Tính hợp pháp của các dấu vết hình sự được thể hiện ở sự tuân thủ các quy định của các điều 88, 90, 105, 106 của BLTTHS năm 2015 về trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động phát hiện, thu giữ, bảo quản, niêm phong vật chứng là các vật mang dấu vết của tội phạm.
Luật sư cần nghiên cứu kỹ các biên bản về thu giữ, bảo quản, niêm phong, mở niêm phong nhằm phát hiện có hay không vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ, bảo quản, niêm phong, mở niêm phong như thời điểm lập biên bản thu giữ, niêm phong, mở niêm phong; kiểm tra xem đã có đầy đủ chữ ký xác nhận của những người tiến hành hoặc tham dự theo quy định hay không? Nếu Luật sư phát hiện có một hoặc nhiều điểm vi phạm như nêu trên thì có đủ căn cứ xác định các dấu vết này bị coi là không hợp pháp, không được coi là chứng cứ và không có giá trị chứng minh trong tố tụng hình sự.
Ví dụ :
Ngày 01/02/2018, khi nghiên cứu hồ sơ trưng cầu giám định đối với mẫu vật số 03, Luật sư phát hiện thấy biên bản niêm phong, ký niêm phong, biên bản mở niêm phong có vấn đề sai phạm như: biên bản niêm phong tên một người, ký trên giấy niêm phong tên người khác. Theo đó, Luật sư đã có kiến nghị yêu cầu xem xét lại chứng cứ là dấu vết được thu thập này vì đã không bảo đảm tính hợp pháp.
Kỹ năng đánh giá tính khách quan, độ tin cậy của dấu vết hình sự
Kỹ năng kiểm tra, đánh giá tính khách quan, độ tin cậy của dấu vết hình sự là kỹ năng tiếp theo của Luật sư đánh giá nhằm sự phù hợp giữa các dấu vết này với các chứng cứ, tài liệu khác đã được thu thập về vụ án. Để kiểm tra, đánh giá được tính khách quan, độ tin cậy của dấu vết, Luật sư phải xem dấu vết đó có phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác trong vụ án như dấu vết thương tích trên thân thể nạn nhân có phù hợp với công cụ, phương tiện nghi là gây án đã thu giữ được ở hiện trường, có phù hợp với lời khai của nạn nhân và những người làm chứng hay không. Nếu phát hiện có mâu thuẫn giữa dấu vết và các chứng cứ, tài liệu khác thì Luật sư cần trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng để tìm ra nguyên nhân có sự mâu thuẫn đó, có văn bản kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục như trả hồ sơ điều tra bổ sung, thu thập thêm chứng cứ, giám định lại, giám định bổ sung theo quy định.
Ví dụ :
Dấu vết đường đi của viên đạn xuyên từ phía sau lưng ra phía trước trên thi thể nạn nhân phản ánh thực tế khách quan vì nó phù hợp lời khai của những người làm chứng cho rằng nghi can đã nổ súng bắn nạn nhân khi nạn nhân đã quay đầu bỏ chạy (quay lưng về phía nghi can). Dấu vết này đồng thời là căn cứ để phản bác lời khai của nghi can cho rằng anh ta nổ súng để tự vệ khi bị nạn nhân tấn công. Theo đó nắm chắc quy luật hình thành dấu vết, phân tích và đánh giá dấu vết trên thân thể nạn nhân sẽ giúp Luật sư có nhận định chính xác và định hướng bào chữa, bảo vệ cho khách hàng phù hợp, hiệu quả.
Kỹ năng đánh giá tính liên quan của dấu vết hình sự
Kỹ năng tiến hành kiểm tra, đánh giá tính liên quan của dấu vết hình sự là kỹ năng tiếp theo của Luật sư xác định được dấu vết đó có liên quan đến tình tiết cụ thể nào của vụ án hay không, có phù hợp với lời khai của bị can về hành vi phạm tội, công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội, địa điểm, thời gian xảy ra hành vi phạm tội hay không, đồng thời cần so sánh, đối chiếu với các chứng cứ, tài liệu khác xác định sự phù hợp giữa chúng.
Ngoài việc kiểm tra, đánh giá tính liên quan của dấu vết hình sự thông qua nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, khi cần thiết Luật sư có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng cho mình trực tiếp xem xét dấu vết hình sự lưu giữ trên vật chứng để có cơ sở đánh giá chính xác tính liên quan của dấu vết hình sự khi có nghi ngờ về nguồn gốc chứng cứ, dấu vết, cơ chế hình thành dấu vết hình sự.
Ví dụ :
Dấu vân tay để lại trên mặt bàn hay cốc, chén hay đầu mẩu thuốc lá để lại ở hiện trường vụ án phản ánh tình tiết đối tượng để lại dấu vân tay hay mẩu thuốc lá là đối tượng đã có mặt ở hiện trường gây án. Từ dấu vết này có thể truy nguyên, xác định được đối tượng này là ai và thông qua các chứng cứ khác về vụ án có thể xác định được đối tượng này có mặt ở hiện trường vào thời điểm nào, trước, trong hoặc sau khi xảy ra vụ án. Theo đó, Luật sư cần nghiên cứu kỹ các dấu vết này, phân tích và đánh giá chúng một cách khách quan trên cơ sở phù hợp với lời khai và các chứng cứ vật chất khác đã được thu thập trong hồ sơ vụ án.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn