Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghiên cứu toàn diện, đầy đủ các chứng cứ, tài liệu là kết quả của quá trình điều tra, trên cơ sở phân tích, nhận định và đánh giá các tài liệu giám định và hồ sơ giám định; đặc biệt nghiên cứu hình thức và nội dung kết luận giám định, Luật sư sẽ có những nhận định chuẩn xác về vụ án hình sự mà Luật sư đang tham gia giải quyết.
Sử dụng tài liệu là kết luận giám định
Theo đó, tùy thuộc từng vụ án cụ thể, tùy thuộc từng giai đoạn tố tụng, mà Luật sư sử dụng chứng cứ là tài liệu giám định trong việc: (1) Trao đổi, kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng; (2) Sử dụng chứng cứ giám định để xác định hướng bào chữa, bảo vệ cho khách hàng;
Theo đó, tùy từng giai đoạn tố tụng mà Luật sư có những kỹ năng giải quyết cho phù hợp, cụ thể:
Sử dụng kết luận giám định để xác định hướng bào chữa cho khách hàng theo hướng vô tội
Thứ nhất, nếu ở giai đoạn điều tra, truy tố thì Luật sư sẽ soạn thảo văn bản kiến nghị với CQĐT, VKS đề nghị đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án đối với khách hàng mà Luật sư đang bào chữa;
Thứ hai, nếu ở giai đoạn xét xử thì Luật sư sẽ đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.
Ví dụ:
Nguyễn Văn L chung sống với chị Phan Thanh N như vợ chồng, không đăng ký kết hôn. Đàm Ngọc H sinh 12/3/2005 là con gái riêng của N với người chồng đã ly hôn. H có tình cảm với Lê Thanh M và nhiều lần quan hệ tình dục với M. Trong một lần khi H và M quan hệ tình dục tại phòng trọ của chị N, thì bị ông L phát hiện. Từ đó, ông L nảy sinh ý định muốn quan hệ tình dục với H.
Khoảng 21h ngày 21/3/2018, L đến phòng trọ của chị N, lúc đó chỉ có H ở nhà. L đã rủ H đến một ngôi nhà vắng chủ. Sau những lời hứa hẹn sẽ cho H tiền mua quần áo, nhưng H vẫn không đồng ý cho quan hệ, L dọa sẽ nói cho mẹ H biết việc H và M có quan hệ tình dục với nhau và sẽ đưa ảnh chụp hai đứa quan hệ tình dục cho mẹ M biết. Lo sợ sự việc bị phát hiện và mẹ M biết chuyện, nên H đã đồng ý để L quan hệ tình dục.
Trong suốt thời gian này, L đã quan hệ với H 6 lần, đến ngày 15/10/2018, khi H có biểu hiện lạ, chị N đã đưa H đi khám và phát hiện H đã có thai 19 tuần. Đến ngày 10/02/2019, H sinh con tại bệnh viện.
Qua đơn tố cáo của chị N, cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi đối với Nguyễn Văn L và Lê Thanh M. Gia đình M đã mời Luật sư bào chữa. Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy H và M đều khai hai người tự nguyện quan hệ tình dục. Về tuổi của M, không có thông tin chính xác, giấy khai sinh không có, các giấy tờ khác có tài liệu ghi M sinh năm 2004, có tài liệu ghi sinh năm 2003. Để bảo đảm quyền lợi khách hàng, Luật sư đề nghị cho giám định tuổi thực của M và giám định xác định ai là bố của đứa con do H sinh ra. Kết quả giám định ADN, xác định đứa trẻ là con của Nguyễn Văn L. Kết quả giám định tuổi xác định M chưa đủ 14 tuổi. Trên cơ sở đó, M chưa đủ tuổi chịu TNHS. Luật sư bào chữa cho Lê Thanh M cần tiến hành các công việc sau để bào chữa tốt nhất cho khách hàng của mình:
– Nếu vụ án đang thụ lý giải quyết trong giai đoạn điều tra hoặc truy tố, thì Luật sư sẽ soạn thảo văn bản kiến nghị gửi đến CQĐT và VKS đề nghị đình chỉ điều tra vụ án đối với Lê Thanh M (nếu ở giai đoạn điều tra) hoặc đình chỉ vụ án đối với M (nếu ở giai đoạn truy tố) vì M chưa đủ tuổi chịu TNHS (theo kết luận giám định xác định độ tuổi của M);
– Nếu VKS đã có bản cáo trạng truy tố các đối tượng ra Tòa án để xét xử và Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì tại phiên tòa, khi trình bày bản luận cứ bào chữa cho M, Luật sư sẽ đề nghị HĐXX tuyên M vô tội.
Sử dụng kết luận giám định để xác định hướng bào chữa cho khách hàng theo hướng giảm nhẹ.
Thứ nhất, căn cứ kết quả điều tra và kết luận giám định, Luật sư thấy có căn cứ để đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can sang tội danh khác nhẹ hơn (nếu ở giai đoạn điều tra, truy tố);
Thứ hai, ở giai đoạn xét xử, Luật sư sẽ đề nghị HĐXX chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn cho bị cáo. Đồng thời, Luật sư cần đề xuất hướng xử lý cho khách hàng được hưởng án treo, hoặc áp dụng mức hình phạt thấp nhất có thể.
Ví dụ:
Ngày 12/02/2018, CQĐT nhận được tin tố giác của chị N tố cáo anh X có hành vi hiếp dâm chị N. Theo đơn của chị N thì chị bị anh X chặn đường đòi quan hệ tình dục, anh X đã khống chế chị, dùng đoạn gỗ đánh chị thâm tím cả hai cánh tay và bóp cổ chị. Chị N chạy thoát được và làm đơn tố cáo anh X. Đồng thời, chị N còn chỉ được nơi anh X hiện đang ở. CQĐT đã triệu tập anh X lên trụ sở CQĐT làm việc về đơn tố giác của chị N. Tại CQĐT, anh X không thừa nhận những gì mà chị N khai báo, đồng thời anh X cho rằng giữa anh và chị N đã thuận tình quan hệ tình dục, không có chuyện dùng vũ lực để hiếp dâm chị N. Gia đình anh X đã mời Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho anh X. Theo trình bày của anh X, chị N là gái bán dâm, anh X và chị N đã thỏa thuận mua bán dâm, sau khi quan hệ tình dục, thừa lúc anh X không để ý, chị N đã lấy trộm tiền và giấy tờ tùy thân trong ví của anh X. Khi phát hiện hành vi lấy trộm tiền của chị N, anh X đã yêu cầu chị N trả lại nhưng chị N bỏ chạy, anh X đuổi theo và có đánh hai cái cảnh cáo vào vai của chị N, dùng tay bóp cổ chị N để đòi lại tiền.
Để làm sáng tỏ sự việc, Luật sư đã đề nghị CQĐT:
(1) Tiến hành lấy mẫu dịch âm đạo của chị N để giám định. Kết quả tromg âm đạo của chị N có tinh dịch của anh X. Như vậy, việc anh X và chị N có quan hệ tình dục là đúng như lời anh X khai;
(2) Trưng cầu giám định thương tích cho chị N. Kết quả giám định cho thấy tổn hại sức khỏe là 2%; vết bầm tím ở cánh tay chị N do vật tày tác động; vết bầm tím ở vùng cổ do vật tày diện nhỏ tạo nên,
Trên cơ sở đó tiến hành đấu tranh với anh X và chị N, sự thật được làm sáng tỏ như sau:
– Chị N và anh X không có quan hệ từ trước, hai người có thỏa thuận mua bán dâm, không có chuyện giằng co và vật lộn như chị N khai trước đó tại CQĐT;
– Chị N đã lấy trộm tiền của anh X cùng giấy tờ tùy thân trong ví và bị anh X phát hiện, anh X đã dùng đoạn gậy đánh và bóp cổ chị N yêu cầu trả tiền, chị N đã bỏ chạy. Theo kết luận giám định chị N bị tổn thương cơ thể là 2%;
– Số tiền mà anh X bị chị N lấy là 5 triệu đồng.
Chị N bị khởi tố về Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015; anh X không cấu thành Tội hiếp dâm nhưng bị truy tố Tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.
Sử dụng kết luận giám định để xác định hướng bào chữa cho khách hàng theo hướng đề nghị VKS hoặc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Nếu kết quả giám định có nhiều mâu thuẫn với lời khai và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, chưa đủ căn cứ và cơ sở để buộc tội khách hàng, thì Luật sư cần đề nghị VKS trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung (nếu vụ án đã kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang truy tố) hoặc đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung (nếu vụ án đang ở giai đoạn xét xử). Tuy nhiên, Luật sư cần hết sức thận trọng trong nhận định và quyết định của mình, đó là luôn luôn bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng mà mình đang nhận lời bào chữa.
Hơn nữa, qua nghiên cứu thấy kết luận giám định không đúng, chưa chính xác, Luật sư nghi ngờ có nhiều vấn đề khuất tất trong đó, cần yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng giám định lại hoặc nếu thấy việc giám định chưa đầy đủ, còn sai sót, đề nghị giám định bổ sung. Luật sư cần phân tích, nghiên cứu, đánh giá và cân nhắc cẩn thận để có quyết định tư vấn đúng, chính xác cho khách hàng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Ví dụ:
Do tranh chấp lối đi nên anh A và anh B đã xảy ra xô xát dẫn đến hai bên đánh nhau. Quá trình đánh nhau, A có đẩy B ngã đồng thời A nhảy lên người B giậm, khiến B bị gẫy 04 xương sườn. Theo kết luận giám định thì 04 xương sườn gẫy của B ở 2 điểm vị trí và đều là xương can tốt, có khả năng hồi phục nhanh. Kết luận giám định B bị tổn thương cơ thể là 15%. Do anh B có đơn yêu cầu xử lý nghiêm đối với A nên vụ án đã được khởi tố về Tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. Sau khi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, anh A có đến VPLS bảo vệ quyền và lợi ích cho A.
Sau khi kết thúc điều tra, Luật sư N đã tiến hành sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án và tiến hành nghiên cứu hồ sơ để phục vụ cho việc xác định hướng bào chữa cho A. Khi nghiên cứu đến tài liệu giám định, Luật sư thấy: có tất cả 04 xương sườn bị gẫy, ở 2 vị trí và đều là xương can tốt, đồng thời nghiên cứu đến kết quả xét nghiệm của anh B thấy khả năng phục hồi tốt, sau 03 tuần các mấu xương đã lành. Tìm hiểu thêm thông tin địa phương thì anh B đã tiến hành đi cấy và đi cày sau 04 tuần bị A đánh. Như vậy, vết thương không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của A.
Luật sư tiếp tục nghiên cứu Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, thấy: với 04 xương sườn gẫy ở hai vị trí khác nhau, xương can tốt có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 8% đến 10%.
Sau khi xác định được đầy đủ thông tin, Luật sư cho rằng việc giám định thương tích đối với B có nhiều điểm chưa chính xác, điều đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đối với khách hàng của Luật sư là bị can A trong vụ án. Luật sư đã soạn văn bản kiến nghị, đề nghị VKS cho tiến hành giám định lại để xác định chính xác tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với B. Sau khi nghiên cứu đơn của Luật sư, VKS đã ra quyết định trưng cầu giám định lại đối với thương tích của B. Kết quả, B đã giảm tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 15% xuống còn 9%. Theo đó, A đã được đình chỉ vụ án vì tỷ lệ tổn thương cơ thể chưa đủ để truy cứu TNHS.
Qua vụ án trên cho thấy, việc nắm vững các quy định về giám định pháp y xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được quy định tại Thông tư 20/2014/TT-BYT có ý nghĩa rất quan trọng, đã giúp Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng trong vụ án nêu trên.
Đối với Luật sư bảo vệ cho khách hàng là bị hại hoặc là đương sự trong vụ án.
Luật sư sẽ sử dụng kết luận giám định để xác định hướng bảo vệ cho khách hàng của mình trong vụ án, như:
– Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi phạm tội, xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của khách hàng;
– Luật sư sẽ định hướng cho khách hàng yêu cầu về bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Ví dụ:
Ngày 01/01/2018, ông Chử Đức Th bị đối tượng Nguyễn Đức Ch cùng vợ đấm, đánh, đạp ông Th, gây tổn hại sức khỏe cho ông Th hết sức nghiêm trọng, dẫn đến sức khỏe suy sụp.
Theo giấy chứng nhận thương tích tại bệnh viện nơi ông Th điều trị ngay sau khi bị đánh thì trên cơ thể của ông Th có 8 vết thương, tại nhiều vị trí khác nhau.
Tuy nhiên, cơ quan giám định chỉ tiến hành giám định và kết luận trên 03 vết thương của ông Th, tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 16%, còn 05 vết thương khác không giám định và cho kết luận.
Điều này có thể khẳng định là cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự sai sót, gây ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của ông Th. Ngoài ra, trong bệnh án điều trị tại bệnh viện có ghi: Ông Th bị di chứng dẫn đến tình trạng điếc tạm thời, hiện nay ông Th đã bị điếc do hậu quả của chấn thương. Với những chứng cứ nêu trên, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho ông Th căn cứ vào các điều 34, 39, 45, 205, 206, 280 BLTTHS năm 2015; Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, Luật sư đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ, đồng thời đề nghị trưng cầu giám định bổ sung đối với ông Th. Lý do trả hồ sơ: Thu thập chứng cứ không đầy đủ, giám định không đầy đủ, dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ông Th.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn