Bị hại là cá nhân bị thiệt hại về tính mạng thường liên quan đến các tội danh được quy định tại Chương XIV Bộ Luật Hình sự (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe…). Tuy nhiên, có trường hợp tội danh được quy định tại các chương khác như các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng gây ra hậu quả chết người…
Ngay sau khi bị hành vi phạm tội xâm hại, trạng thái tâm lý bị hại lúc này có nhiều bất ổn, không ổn định, tinh thần hoảng loạn, lo sợ, thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi của mình. Trong nhiều vụ án xảy ra quá đột ngột và dã man khiến bị hại sốc và ngất, nhiều vụ án làm bị hại phát điên, thành người tâm thần như trong các vụ án hiếp dâm, cố ý gây thương tích, giết người…
Trong các vụ án xâm phạm tính mạng, được thực hiện với lỗi cố ý như vụ án giết người,…khi nạn nhân đã chết, bị hại (thường là những người thân thích, người đại diện của nạn nhân mời Luật sư). Vào thời điểm vụ án vừa mới xảy ra, nỗi đau mất người thân còn chưa kịp nguôi ngoai, họ mang trong mình nỗi bức xúc cao độ, thậm chí sự căm thù đối với người phạm tội, kẻ đã cướp đi tính mạng người thân của họ. Xuất phát từ trạng thái tâm lý như vậy nên những người đại diện cho bị hại trong các vụ án giết người thường mong muốn pháp luật phải xử lý nghiêm minh đối với người phạm tội. Thậm chí có người vì quá bức xúc còn đề nghị Luật sư phải yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải tuyên án “tử hình” kẻ phạm tội để “đền mạng” cho người thân của họ. Do đó, khi tiếp xúc, trao đổi với những người đại diện cho nạn nhân trong vụ án giết người, Luật sư cần biết lắng nghe, chia sẻ với những nỗi đau, thiệt hại mà bị hại đã phải gánh chịu, từ đó, có những lời tư vấn, khuyên nhủ, động viên có tình, có lý, đúng quy định pháp luật.
Tâm lý bức xúc của bị hại trong nhiều vụ án giết người không chỉ xuất phát từ hành vi của người phạm tội mà còn có thể xuất phát từ chính cách hành xử của phía gia đình, thân nhân người phạm tội sau khi sự việc xảy ra. Luật sư cần nắm được tâm lý này để trong trường hợp nhận bảo vệ cho bị hại hoặc đương sự có liên quan đến vụ án như trên cần có sự chia sẻ, động viên kịp thời và tư vấn chính xác cho phía gia đình khách hàng để có cách hành xử có tình, có lý, văn minh.
Ví dụ :
Trong vụ án giết người xảy ra tại huyện Ph, tỉnh Q.N, do xích mích, va chạm trong cuộc sống, bốn anh em trong một gia đình đã cầm dao đâm chết một thanh niên cùng thôn. Vụ việc được khởi tố, cả bốn anh em đã bị bắt tạm giam. Khi xét xử, cả bốn người đều phải nhận mức án rất nặng.
Theo nhận định của Luật sư, một trong những nguyên nhân dẫn đến cả bốn anh em trong cùng một gia đình bị xử mức án cao liên quan đến cách hành xử của gia đình người phạm tội. Cụ thể là, sau khi xảy ra sự việc, khi gia đình nạn nhân tổ chức ma chay, phía gia đình các bị can không những không đến thăm viếng, không bồi thường mà nghiêm trọng hơn nữa, khi nạn nhân mất được 3 ngày, gia đình nạn nhân đem đồ lễ đến nơi nạn nhân bị đâm chết để thắp hương, sau khi gia đình nạn nhân rời đi, thân nhân của các bị can đã đem phân lợn đổ vào nơi gia đình nạn nhân vừa thắp hương. Gia đình nạn nhân biết sự việc sau đó gây nên sự bức xúc cao độ, họ đã làm đơn khiếu kiện, tố cáo khắp nơi, từ Trung ương đến địa phương, yêu cầu phải xét xử nghiêm minh đối với các bị can, dẫn đến quá trình giải quyết vụ án luôn chịu áp lực rất căng thẳng, kết quả là một bản án rất nghiêm khắc đã được tuyên với cả bốn anh em trong cùng một gia đình.
Điều này cũng có nghĩa là, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, dù là Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo hay Luật sư bảo vệ cho bị hại và đương sự trong vụ án, việc nắm được đặc điểm tâm lý bị hại rất quan trọng, giúp Luật sư có các kỹ năng, thao tác giải quyết công việc phù hợp, hiệu quả trên thực tiễn.
Trong các vụ án xâm phạm tính mạng con người, về nguyên tắc phía bị hại đã được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, có những trường hợp, bị hại mời Luật sư vì có những lý do khiến họ nghĩ rằng dường như các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc chưa khách quan, công bằng. Từ tâm lý bức xúc vì hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đã lấy đi mạng sống của người thân, nay họ lại cảm thấy việc giải quyết có dấu hiệu thiếu khách quan, không công bằng, do đó họ cần phải mời Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Qua tiếp xúc, trao đổi với bị hại, lắng nghe những nội dung họ trình bày, Luật sư có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, lý do họ đến mời Luật sư để từ đó có sự định hướng giải quyết vụ án một cách chính xác.
Ví dụ :
Trong vụ án xảy ra tại huyện P tỉnh H.T, do mâu thuẫn từ việc mời nhau uống rượu trong đám cưới, anh M đã xô xát, đánh nhau với anh K, trong lúc đánh nhau, anh M đã chạy vào bếp lấy con dao chọc tiết lợn và lao vào đâm anh K dẫn đến hậu quả là anh K tử vong trên đường đi cấp cứu. CQĐT đã khởi tố anh M về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Tuy nhiên, gia đình anh K không đồng ý và cho rằng, vì gia đình anh M có người thân làm việc trong các cơ quan chức năng, và đã có những tác động vào vụ án nên anh M chỉ bị khởi tố về tội danh cố ý gây thương tích mà không phải tội giết người. Chính vì tâm lý bức xúc, nghi ngờ như vậy nên họ đã đến mời Luật sư tham gia vụ án để bảo đảm quá trình giải quyết vụ án được công bằng, khách quan.
Sau khi tham gia, với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho bị hại, căn cứ vào bản chất sự việc, các tình tiết của vụ án, Luật sư và gia đình bị hại đã làm đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại tội danh. Kết quả là các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền đã quyết định thay đổi tội danh của bị can từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người, đúng với bản chất của vụ án.
Trong vụ án hình sự liên quan đến các tội xâm phạm tính mạng, cùng với việc giải quyết vấn đề TNHS của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng còn xem xét, giải quyết cả các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, như việc bồi thường thiệt hại. Khi trao đổi với khách hàng là bị hại, Luật sư cần nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ không chỉ về mức hình phạt đối với người phạm tội mà cả mong muốn của họ về vấn đề bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh các tội danh xâm phạm đến tính mạng con người được thực hiện với lỗi cố ý, có nhiều tội danh xâm phạm đến tính mạng người khác nhưng được thực hiện với lỗi vô ý như các tội danh vô ý làm chết người, vi phạm quy định về giao thông dẫn đến hậu quả chết người…, trong những trường hợp này, khi đến gặp Luật sư, tâm lý bị hại thường không quá bức xúc, bởi họ cũng phần nào hiểu được là người phạm tội không cố ý tước đoạt tính mạng người thân của mình, hậu quả chết người xảy ra nằm ngoài mong muốn của người phạm tội. Trong các trường hợp này, việc mời Luật sư thường nhằm mục đích để được tư vấn, hỗ trợ trong quá trình giải quyết vụ án và thường tập trung vào các yêu cầu bồi thường thiệt hại và bảo đảm vụ án được giải quyết khách quan, công bằng. Nắm được đặc điểm tâm lý này, khi nhận bào chữa, bảo vệ cho bị can, bị cáo trong các vụ án xâm phạm tính mạng được thực hiện do lỗi vô ý, Luật sư cần tư vấn, giúp khách hàng tiếp xúc với phía bị hại, từ đó để bị hại cảm thông, xin giảm nhẹ cho bị can, bị cáo.
Ví dụ :
Trong vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, anh Trần Văn M điều khiển chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát là 30X-1xx45, do thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ nên khi tránh một chiếc xe đi ngược chiều đã gây ra tai nạn làm chị Lê Thu P tử vong. Khi nhận bào chữa cho anh M, Luật sư đã đến gia đình nạn nhân xin thắp hương cho chị P, qua tiếp xúc, trao đổi với gia đình chị P, Luật sư đã trình bày hoàn cảnh của gia đình anh M, vợ thường xuyên ốm đau, 2 con còn nhỏ, nếu anh M bị án tù giam thì gia đình sẽ rất khó khăn. Qua trao đổi, nhận thấy các thành viên trong gia đình chị P cũng rất hiểu biết, cảm thông với hoàn cảnh của anh M, Luật sư đã tư vấn cho gia đình anh M thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ nỗi mất mát, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho gia đình chị P. Kết quả là đại diện gia đình bị hại đã gửi đơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng xin giảm nhẹ cho anh P, Tòa án đã xét xử và cho anh M được hưởng án treo.
Liên quan đến việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có hậu quả chết người, chúng ta hiểu rằng tính mạng của con người là vô giá, không thể đo được bằng tiền, nên trong một số vụ án, bị hại đưa ra yêu cầu mức bồi thường quá cao, không có cơ sở pháp lý, có bị hại do không hiểu biết pháp luật, nhưng cũng có trường hợp bị hại lợi dụng vụ án, vị thế của mình để “làm tiền” từ phía người phạm tội. Luật sư cần nắm được tâm lý này để có hướng tư vấn cho khách hàng của mình theo đúng quy định pháp luật.
Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự
Lưu ý: Việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn