[Kỹ năng Luật sư Hình sự] Kỹ năng xác định tâm lý bị hại trong giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử

Ở giai đoạn này, do hành vi phạm tội của bị can vừa xảy ra, hậu quả, tâm lý còn nặng nề, theo đó, bị hại lúc này chất chứa nhiều cảm xúc, thể hiện ra rất mạnh mẽ, quyết liệt. Tâm lý chung ở giai đoạn này thường là hoang mang, căm hận đạt ngưỡng đỉnh điểm hoặc cao hơn là sự xuất hiện rối loạn tâm lý khiến trạng thái tâm lý đó ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai báo, cung cấp đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. Nếu bị hại ở trạng thái bức xúc, bực tức cao độ (Ví dụ: các vụ án Trộm cắp tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cướp tài sản; Cướp giật tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Cố ý gây thương tích…) thì họ sẽ tích cực khai báo, hợp tác với Luật sư, với các cơ quan tiến hành tố tụng để mong muốn tìm ra kẻ phạm tội, cũng như trừng trị nghiêm người đã thực hiện hành vi phạm tội và yêu cầu họ phải bồi thường thiệt hại cho bị hại. Trái lại, với tâm lý lo sợ bị trả thù, bị ám ảnh về hành vi phạm tội man rợ, hoặc bị hại rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý… thì hầu như không có sự hợp tác hoặc hợp tác không chính xác về lời khai. Do đó gây nhiều bất lợi cho khách  hàng của Luật sư. Hiểu được tâm lý này, Luật sư cần đưa ra phương án và kế hoạch bảo vệ cho khách hàng phù hợp. Nếu là Luật sư bào chữa cũng cần có phương án bào chữa làm sao để tránh gây xung đột thêm với bị hại trong những trường hợp diễn biến tâm lý xấu như trên.

Bị hại bị thiệt hại về sức khỏe thường liên quan đến các tội danh được quy định tại Chương XIV BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi chung là BLHS năm 2015) như các tội về cố ý gây thương tích gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc các tội phạm quy định trong các chương khác nhưng có hậu quả liên quan đến sức khỏe con người.

Trong các vụ án xâm phạm về sức khỏe, nếu cần mời Luật sư thì thường chính bị hại, người trực tiếp bị thiệt hại về sức khỏe do hành vi phạm tội gây ra sẽ đến mời Luật sư. Trong các vụ án xâm phạm về sức khỏe được thực hiện với lỗi cố ý, như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, khi bị hại tìm đến với Luật sư, họ thường ở trạng thái tâm lý căng thẳng, tâm trạng đầy ấm ức, bức xúc, căm tức tột độ vì bị hành hung, đánh đập gây thương tích, theo đó họ mong muốn phải xử lý thật nghiêm người phạm tội theo đúng quy định pháp luật và được bồi thường thỏa đáng với thương tích mà họ phải gánh chịu. Tuy nhiên, diễn biến tâm lý của bị hại và đương sự thường có nhiều thay đổi theo diễn biến của tiến trình giải quyết vụ án và thái độ cũng như cách ứng xử của phía bên bị can, bị cáo đối với họ và gia đình họ. Khi sự việc mới xảy ra, tâm lý bị hại thường rất bức xúc, chỉ mong muốn xử lý hình sự thật nặng đối với người phạm tội, tuy nhiên, qua thời gian giải quyết vụ án, sự bức xúc thường giảm đi, đến khi xét xử, thường bị hại quan tâm nhiều đến vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự. Tùy theo địa vị tố tụng của Luật sư khi tham gia vụ án, hiểu được diễn biến tâm lý của bị hại trong các vụ án xâm phạm sức khỏe nói riêng cũng như các diễn biến tâm lý bị hại trong các vụ án hình sự khác, Luật sư có thể tư vấn, xác định phương pháp, định hướng bào chữa, cũng như bảo vệ cho khách hàng của mình hiệu quả nhất.

Trong thực tiễn, có nhiều vụ án về tội cố ý gây thương tích xảy ra do lỗi của cả hai bên khi đánh nhau, cùng gây thương tích cho nhau dẫn đến cả hai bên đều bị khởi tố, truy cứu TNHS. Các đối tượng liên quan vừa là người phạm tội, vừa là bị hại trong cùng một vụ án. Khi được mời tham gia vụ án, Luật sư cần hiểu rõ tâm lý của các bên để có hướng bào chữa, bảo vệ có lợi nhất cho khách hàng của mình.

Ví dụ:

Trong vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện T.L thành phố H.P, A và B là hàng xóm, có đầm nuôi tôm cạnh nhau. Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều mâu thuẫn, dẫn đến xô xát, đánh nhau. A dùng dao chém B bị thương, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 27%; B cũng dùng gậy sắt đánh lại A gây thương tích cho A, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 2%, sau đó, cả hai bên đều có đơn đề nghị xử lý hình sự người đã gây thương tích cho mình. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T.L đã khởi tố cả A và B về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS năm 2015. Trong quá trình giải quyết vụ án, cả A và B, với tư cách là bị hại đã gửi nhiều đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu phải xử lý nghiêm người đã gây thương tích cho mình. TAND huyện T.L xử sơ thẩm tuyên A mức án 26 tháng tù, B mức án 3 tháng tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, cả A và B đều làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo. Sau khi được bị cáo B (đồng thời là bị hại) mời tham gia vụ án với tư cách là người bào chữa, bảo vệ cho B trong giai đoạn phúc thẩm, qua nghiên cứu hồ sơ, trao đổi với các bên liên quan, Luật sư nhận thấy một trong những lý do Tòa sơ thẩm xử A và B mức án tù giam, không cho hưởng án treo là vì cả trong suốt quá trình giải quyết vụ án, cả A và B đều có thái độ rất căng thẳng với nhau, đơn gửi nhiều nơi. Luật sư đã tiếp xúc với cả A và B, qua trao đổi nhận thấy sau khi bị xử án giam, cả A và B đều đã nhận ra sai lầm của mình và chỉ mong được hưởng án treo. Nhận thấy, cả A và B đều có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, có nơi cư trú rõ ràng và cùng có con nhỏ…, Luật sư đã giúp hai bên hòa giải, với tư cách là bị hại cùng gửi đơn đến Tòa phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt cho nhau. Kết quả là Tòa phúc thẩm đã xét xử và tuyên cho cả A và B cùng được hưởng án treo. Mấu chốt của vụ án là phải hiểu được tâm lý của các đối tượng trong vụ án, giải quyết được những khúc mắc của họ, giúp họ hiểu được, nhận thức được sai lầm để việc giải quyết vụ án đạt hiệu quả cao nhất.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về các tội xâm phạm sức khỏe, không phải trường hợp nào bị hại cũng có tâm lý cảm thông, thấu hiểu cho người phạm tội. Có những vụ án, bị hại lợi dụng hoàn cảnh của người phạm tội để yêu cầu mức bồi thường thiệt hại quá cao, không có cơ sở pháp lý, ngoài khả năng của người phạm tội. Luật sư cũng cần nắm được tâm lý này để có hướng giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng.

Ví dụ :

Trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện K tỉnh B.N, trong đám hội làng, vì xích mích liên quan đến việc mời nhau uống rượu, anh H đã dùng tay đấm vào mặt anh D, khi bị đấm, anh D cũng cầm cốc bia đang uống dở ném thẳng vào mặt anh H gây chảy máu. Sau khi bị ném chảy máu, anh H liền đập vỡ một chai bia và lao vào tấn công anh D khiến anh D bị thương. Sau đó, anh D đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 16% và có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với anh H. Cơ quan cảnh sát điều tra huyện K đã khởi tố, bắt tạm giam anh H về tội cố ý gây thương tích. Vì biết lỗi của mình là người gây ra sự việc nên khi CQĐT hỏi về vết thương do anh D gây ra cho anh H khi đánh nhau, anh H đã từ chối đi giám định và không yêu cầu xử lý hình sự đối với anh D, chỉ mong được hòa giải với anh D và được hưởng án treo. Tuy nhiên sau đó, mặc dù gia đình anh H đã bồi thường thiệt hại cho anh D nhưng phía bị hại vẫn tiếp tục yêu cầu một khoản bồi thường quá lớn, bất hợp lý cùng với điều kiện là nếu không được đáp ứng sẽ đơn từ đến mọi nơi, không để anh H được hưởng án treo… Thái độ và cách hành xử của bị hại đã gây ra sự phản cảm ngay cả đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Là người bào chữa cho anh H, để tạo thế cân bằng khi đàm phán, hòa giải, Luật sư đã tư vấn và anh H, tại phiên tòa sơ thẩm đã có đề nghị xin được đi giám định, xem xét TNHS của anh D. Chấp nhận đề nghị của anh H, Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. CQĐT đã cho anh H đi giám định và tỷ lệ thương tật đủ điều kiện để khởi tố anh D. Sau đó, anh D đã nhận ra vị thế của mình trong vụ án, có thể bị khởi tố trở thành bị can, do đó anh D đã rút các đơn từ cũng như yêu cầu đòi bồi thường bất hợp lý, đồng thời có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho anh H. Anh H cũng có đơn xin rút yêu cầu xử lý hình sự đối với anh D, kết quả, khi xét xử, Tòa án đã tuyên cho anh H được hưởng án treo.

Trong các vụ án xâm phạm về sức khỏe do lỗi vô ý, như tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ…, về mặt tâm lý, nếu phía người phạm tội cư xử có tình có lý, bị hại thường không quá bức xúc đối với hành vi của người phạm tội, do đó không quan tâm nhiều về mức án mà thường tập trung vào vấn đề trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại. Nắm được tâm lý này giúp Luật sư tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, chỉ vì cách cư xử không có tình, có lý làm bị hại bức xúc, thậm chí gây bức xúc cả dư luận xã hội dẫn đến hậu quả bất lợi cho người vi phạm.

Ví dụ :

Trong vụ án “Thẩm mỹ viện CT”, sau khi đã gây ra hậu quả chết người, việc người phạm tội vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng đã gây ra một sự bức xúc cao độ không chỉ đối với gia đình nạn nhân mà ngay cả với dư luận xã hội. Tiếp đó, trong quá trình giải quyết vụ án, và tại phiên tòa, việc người phạm tội không chịu thừa nhận hành vi vi phạm của mình càng gây ra sự bất bình trong xã hội, gây phản cảm cho HĐXX cũng như những người tham dự phiên tòa, làm mất đi nhiều tình tiết giảm nhẹ của bản thân. Thái độ của người phạm tội khiến gia đình bị hại rất bức xúc, đơn gửi nhiều nơi yêu cầu phải xử lý nghiêm, thậm chí còn đề nghị chuyển tội danh từ tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh sang tội giết người. Kết quả cuối cùng là người phạm tội đã phải chịu một mức án cao trong quá trình giải quyết vụ án.

Trong các bị hại là người bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm thường xuất hiện trong các nhóm tội được quy định tại Chương XIV BLHS năm 2015, liên quan đến các hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, làm nhục người khác, vu khống…

Tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại trong các vụ án xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đặc biệt đối với các tội như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi, dâm ô…, Luật sư cần nắm được đặc điểm tâm lý của bị hại trong các vụ án này, họ thường có thái độ sợ hãi, hoảng loạn, không tự tin, xấu hổ, không muốn nhắc lại sự việc mà họ đã trải qua, nhiều người có tâm lý không muốn người khác biết sự việc đã xảy ra với mình… Họ thường mong muốn pháp luật xử lý nghiêm khắc người phạm tội và được bồi thường thỏa đáng.

Trong nhóm tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người, các tội danh liên quan đến xâm phạm tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý bị hại. Trong thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam có xu hướng gia tăng và để lại những hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Khi tham gia vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, tiếp xúc với bị hại, Luật sư cần lưu ý một số đặc điểm tâm lý của bị hại là trẻ em bị xâm hại tình dục, cụ thể như:

Trẻ bị xâm hại tình dục thường có cảm giác xấu hổ và tội lỗi, trẻ tự đổ lỗi cho bản thân mình về những gì đã xảy ra với trẻ và có cảm giác xấu hổ vì mình là nạn nhân. Từ tâm lý xấu hổ, mặc cảm tội lỗi này sẽ ngăn cản việc trẻ khai báo, trình bày lại sự việc với Luật sư cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hiểu được trạng thái tâm lý trẻ em như vậy, giúp Luật sư tìm hiểu thêm về tâm lý trẻ em và diễn biến tâm lý của trẻ để có phương pháp tiếp xúc, trao đổi và kế hoạch bảo vệ tốt nhất cho các em.

Trẻ tự ti và nhút nhát không tin tưởng vào bản thân, vào người khác và vào môi trường xung quanh. Trẻ mất khả năng chia sẻ cảm xúc và vật chất của mình với người khác do đó sẽ thiếu sự hợp tác trong quá trình làm việc với Luật sư cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật. Với đặc điểm tâm lý này, trẻ thường có độ lì cao, không nói và không trả lời, không nghe. Trạng thái này không thuộc dạng chống đối bất hợp tác mà quá tự ti dẫn đến không thể hợp tác được.

Trẻ thể hiện nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân khác nhau như tự gây ra tai nạn cho mình, cố tình để bị đau ốm, đến việc có hành vi cố gắng tự sát… Đây là cách để trẻ thoát khỏi cảm nhận không tốt về bản thân. Dạng tâm lý này còn được gọi là tâm lý của dạng tự kỷ, trầm cảm, stress nên thường có những hành vi hành hạ bản thân mới thấy mình đỡ xấu hổ, tủi nhục. Hiểu được trạng thái tâm lý bất ổn này, giúp Luật sư có phương án tiếp cận và đưa trẻ ra khỏi trạng thái đó, an ủi và động viên kịp thời giúp trẻ bình tĩnh và hợp tác với Luật sư.

Trẻ coi các đối tượng xung quanh gắn liền với mối đe dọa, sự sợ hãi, với nguy cơ sẽ bị đối xử tồi tệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Một trong những biểu hiện lớn nhất của rối loạn tinh thần ở trẻ bị xâm phạm tình dục là sự khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh, kể cả người lớn và bạn bè cùng trang lứa. Thường gặp trạng thái tâm lý này ở trẻ em có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, như trẻ em lang thang đường phố, trẻ mồ côi, trẻ em bị lạm dụng tình dục hoặc sức lao động…

Trẻ có phản ứng bốc đồng, hiếu chiến, ngang bướng do bắt chước hành vi của kẻ xâm hại, có thể lặp lại hành động tình dục đó với trẻ khác… Những điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn bè, do vậy càng làm cho trẻ thêm tự ti, tự hạ thấp giá trị bản thân;

Trẻ thường có tâm lý bực tức, căng thẳng điều này có thể ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phục hồi và cuộc sống sau này của trẻ;

Trẻ trở nên thụ động, tránh né mọi khả năng phải đối đầu, hoàn toàn phục tùng và nghe lời của người khác, lựa chọn thái độ quá cẩn trọng trong mọi việc, luôn tỏ ra cần sự bảo vệ để tránh mọi rắc rối, nhạy cảm với những lời phê bình, không tự nhiên, thiếu tự tin;

Trẻ có thể có biểu hiện rối loạn hành vi. Mức độ bị xâm hại tình dục có ảnh hướng lớn đến tâm lý của các em và những biểu hiện rối loạn hành vi của mỗi em cũng khác nhau;

Đối với bị hại trong các vụ án về tội làm nhục người khác, tội vu khống… họ thường không có tâm hoảng loạn, xấu hổ như đối với các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu với người dưới 16 tuổi…, nhưng cũng có cùng tâm lý mong muốn pháp luật phải xử lý nghiêm kẻ phạm tội.

Trường hợp bị hại bị thiệt hại về tài sản thường xuất hiện trong các tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm về sở hữu quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015. Các tội danh trong nhóm các tội xâm phạm quyền sở hữu luôn có vai trò bị hại. Trong cuộc sống cũng như thực tiễn hành nghề Luật sư, các tội danh liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu chiếm một tỷ lệ lớn so với các loại án khác như các tội trộm cắp tài sản, cướp, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản… Trong vụ án xâm phạm sở hữu, ví dụ như vụ án cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản… Luật sư có thể tham gia với tư cách là bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại… Dù ở bất cứ địa vị pháp lý nào, việc nhận định được tâm lý của bị hại cũng có ý nghĩa quan trọng giúp Luật sư giải quyết vụ án, bảo vệ tốt cho quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Trong trường hợp tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại, khi tiếp xúc với bị hại, qua trao đổi hoặc nghiên cứu lời khai, đơn từ của bị hại, Luật sư có thể hiểu được tình trạng tinh thần, suy nghĩ, nguyện vọng của khách hàng mình. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt như các tội trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt tài sản… thường diễn ra bất ngờ, giữa bị hại và người phạm tội không có quan hệ, mâu thuẫn với nhau nên về mặt tâm lý, sự bức xúc của bị hại đối với người phạm tội thường không cao, khi người phạm tội đã phải chịu TNHS, bị hại thường cũng không quan tâm nhiều đến mức án của người phạm tội. Điều họ quan tâm nhất là thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt. Nắm được tâm lý này, nếu bảo vệ cho bị hại, Luật sư có thể trao đổi, tiếp xúc với người phạm tội hoặc gia đình họ, động viên họ thực hiện việc hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại cho bị hại để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nếu là người bào chữa cho bị can, bị cáo, từ việc nhận định tâm lý của bị hại, Luật sư có thể tiếp xúc, trao đổi với bị hại, giúp khách hàng thực hiện việc hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại, có thể đề nghị bị hại viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội.

 

Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự

Lưu ý: Việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan