[Kỹ năng Luật sư Hình sự] Xác định tâm lý của người bị buộc tội tại phiên tòa

Mỗi bị cáo phạm tội sẽ có những trạng thái tâm lý rất khác nhau diễn ra tại phiên tòa tùy theo mức độ phạm tội, hành vi phạm tội, vị trí, vai trò tham gia trong vụ phạm tội đó. Đặc biệt, đối tượng lần đầu phạm tội trạng thái tâm lý cũng khác với những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự. Nhân thân của đối tượng, trình độ học vấn, nghề nghiệp, lối sống, công việc của người phạm tội trước khi thực hiện hành vi bị cho là tội phạm… sẽ quyết định đến tâm lý và thái độ của bị cáo tại phiên tòa. Luật sư phải hiểu được từng đối tượng, hoàn cảnh và tâm lý từng diện người để có phương án và kế hoạch bào chữa hiệu quả nhất.

Tại phiên tòa, các bị cáo thường có tâm trạng rất lo lắng và hoang mang, nhiều bị cáo bị áp lực tâm lý, mặt xanh xám lại, tay chân  run rẩy, vã mồ hôi và nhiều bị cáo dường như không còn sức lực để tham gia phiên tòa, nói lí nhí, thở không ra hơi. Đặc biệt, khi bị xét hỏi, với những câu hỏi dồn dập từ phía HĐXX, đại diện VKS, rồi Luật sư các bên tham gia hỏi… khiến bị cáo rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, đôi khi trả lời theo phản xạ tự nhiên, không suy nghĩ, dẫn đến nhiều bất lợi. Hiểu được tâm lý của bị cáo lúc này, Luật sư cần động viên, khích lệ, dặn dò bị cáo chu đáo, cần phải bình tĩnh, suy nghĩ kỹ rồi hãy trả lời các câu hỏi, Luật sư cần định hướng cho bị cáo rõ ràng để bị cáo bình tĩnh, chủ động trong phiên tòa.

Ví dụ :

Vụ án bác sĩ Hoàng Công L phạm tội ở trên (tại ví dụ 6), khi đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, với 11 Luật sư bào chữa, bị cáo khá bình tĩnh và vẫn cho rằng mình vô tội. Tuy nhiên, HĐXX thành phố HB nhận định: Bị cáo L đã phạm tội với lỗi vô ý vì sự cẩu thả, tắc trách trong công việc dẫn đến hậu quả 9 người chết, sự cố trong y khoa này là vô cùng đáng tiếc và hậu quả lại quá mức nghiêm trọng. Do đó bác sĩ L không thể nói là vô tội được. Khép lại phiên tòa là mức án sơ thẩm 42 tháng tù giam. Trước và trong quá trình xét xử bị cáo Hoàng Công L bình tĩnh ra sao, thì sau phiên tòa và chuỗi những ngày tiếp theo chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bao nhiêu nghị lực và sự tự tin đã mất hết. Thay vào đó là trạng thái tâm lý cực kỳ hoang mang, lo lắng cực độ. Điều này đã đưa bác sĩ L đến trạng thái tâm lý mất hoàn toàn phương hướng và phó mặc cho mọi việc xảy ra, thay bằng việc chối tội, bị cáo đã nhận tội mong được hưởng sự khoan hồng, cho hưởng án treo. Song, HĐXX tỉnh HB có chung nhận định như phiên tòa sơ thẩm: đây là sự cố y khoa hy hữu, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết, dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ song không thể cho bị cáo L được hưởng án treo, tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, giảm án xuống còn 30 tháng tù. Tuy nhiên, L và gia đình mong muốn được hưởng án treo, các gia đình nạn nhân đều có thư xin cho bác sĩ được hưởng án treo gửi đến tòa án. Bản án phúc thẩm như đóng sập cánh cửa hy vọng đối với bác sĩ L và gia đình, khiến vị bác sĩ rơi vào trạng thái như không còn năng lượng, tụt xuống vực sâu.

Hiểu được trạng thái tâm lý này của khách hàng, Luật sư cần an ủi, động viên khách hàng hãy vững tin, hãy cố gắng, vì phúc thẩm không phải là kết thúc, cần tiếp tục viết đơn kiến nghị gửi đến cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, công việc không hề đơn giản và cần một Luật sư có tâm, có nghề và giỏi chuyên môn mới có thể giúp khách hàng trong vụ án này, Luật sư cần nghiên cứu kỹ hồ sơ và hiểu sâu sắc diễn biến của sự việc, phân tích yếu tố lỗi của bác sĩ L, hậu quả xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó để xem xét trên diện rộng, tổng thể về vụ án. Vì là chỗ dựa tinh thần của khách hàng, Luật sư cần tỏ ra mạnh mẽ và tự tin để thổi nguồn hy vọng và quyết tâm đến với khách hàng.

Ví dụ :

Vụ án nổi tiếng liên quan đến ba đối tượng xảy ra tại tỉnh BP, cả ba bị cáo đều phạm phải hai tội danh là giết người và cướp tài sản. Trong đó, hành vi phạm tội của bị cáo D là đặc biệt man rợ, dã man, gây hoang mang lớn trong dư luận, xã hội. Với gương mặt lầm lì, bản tính man rợ khi thực hiện hành vi cứa cổ ba nạn nhân, thì tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hải D cũng đã bộc lộ sự lo sợ, tìm cách bao biện và xin được giảm nhẹ TNHS cho mình với lý do không giết bé N và tự cho rằng mình vẫn còn nhân tính. Đối mặt với án tử hình thì bất kỳ người phạm tội nào, cho dù có ra tay dã man đến đâu và tàn ác đến thế nào thì cũng tỏ ra rất sợ hãi, đó là trạng thái tâm lý chung của tội phạm tại phiên tòa.

Cùng với trạng thái tâm lý lo sợ của D, T tham gia cùng D với vai trò đồng phạm thực hành, luôn đổ lỗi cho D, tại D và bị D lợi dụng, dụ T tham gia vào vụ án trên. Bản thân T không thù oán ai trong gia đình đó, chỉ vì trót đi theo D và lúc đó không còn sự lựa chọn nào khác đành phải làm theo yêu cầu của D. Tại phiên tòa sơ thẩm, T khóc, sợ bị chết và ân hận, quay sang đổ lỗi cho đồng bọn trong vụ án. Đó cũng là trạng thái tâm lý thường gặp của các bị cáo trong những vụ án có đồng phạm.

Bị cáo Th, nhân vật được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức trong vụ án đã bật khóc khi nghe Luật sư bào chữa cho mình trong phần tranh luận. Mặc dù không trực tiếp tham gia sát hại các nạn nhân, nhưng bị cáo Th cũng phải nhận hình phạt 16 năm tù (gồm 13 năm cho tội giết người và 3 năm cho tội cướp tài sản). Bị cáo Th đã nhắm chặt đôi mắt, khuỵu xuống ghế khi nghe tòa tuyên án. Bản thân Th luôn nghĩ là mình bị oan, cho rằng mình không tham gia thực hiện hành vi, sao lại đồng phạm với tội danh giết người như vậy.

Trên đây là ba đối tượng với những biểu hiện trạng thái tâm lý khác nhau tại phiên tòa, nhưng nhìn chung đều là trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, suy sụp khi phải đối diện với bản án nghiêm khắc, mất phương hướng và đổ lỗi cho nhau, trách móc nhau tại phiên tòa. Đối với Luật sư cần nắm được những trạng thái tâm lý này của khách hàng để có được kế hoạch bào chữa phù hợp, hiệu quả.

Đối với những vụ án mà bị cáo có nhiều lần bị xét xử và đi tù, thì tâm lý cũng khác. Nhìn chung những đối tượng này khá lì lợm, thủ đoạn và mánh khóe, có một đặc điểm chung là họ hiểu ý và nắm bắt ý tưởng của người bào chữa rất nhanh, nên định hướng bào chữa khi trao đổi với bị cáo thuộc diện người này thường không bị phá vỡ. Tuy nhiên, điều khó nhất là khi hành vi phạm tội của khách hàng rất rõ ràng, định hướng xin giảm nhẹ, nhưng họ vẫn cãi và khai rằng họ oan, họ vô tội, khiến việc bào chữa của Luật sư tại phiên tòa cũng rơi vào tình trạng khó xử lý. Hoặc ngược lại, có nhiều khách hàng chưa hiểu được định hướng bào chữa của Luật sư, ra tòa quá run nên khi xét hỏi đã khai ra tất cả, thậm chí có những nội dung HĐXX và VKS không hỏi cũng chủ động khai. Điều này đã khiến cho Luật sư bào chữa bị “vỡ trận” và khó để có thể định hướng lại cho khách hàng trong những trường hợp như trên.

Trái lại, đối với những vụ án người phạm tội ở vào hoàn cảnh khá đặc biệt, tâm lý cũng diễn biến phức tạp (vụ án bạo lực gia đình dẫn đến người vợ phạm tội giết chồng; con giết cha, mẹ; hoặc những vụ án liên quan đến giao cấu với người dưới 16 tuổi, hiếp dâm vì yêu nhầm người chưa đủ 13 tuổi…) tâm lý chung của những bị cáo này là rất xấu hổ, rất ngại gặp mọi người, mong muốn được xử kín. Bị cáo giết chồng cả phiên tòa gục mặt khóc ròng, suy sụp và ân hận, họ muốn ôm con nhưng lại sợ không dám quay xuống nhìn con, họ muốn xin gia đình chồng tha thứ nhưng tâm lý lại sợ gặp ánh mắt hờn trách, oán hận của gia đình chồng. Tâm lý chung, họ đều cầu xin được tha thứ, tự biện hộ cho mình do bị dồn ép quá mức, bước đường cùng phải phạm tội, vì họ sợ khi đi tù rồi, các con sẽ sống như thế nào, ai chăm sóc. Tâm lý đau khổ, lo lắng cho con hơn bản thân mình bao trùm lấy họ. Có lẽ họ có muốn xin mức án nhẹ nhất để sớm trở về chăm sóc các con. Hiểu được tâm lý của bị cáo, nắm được hoàn cảnh phạm tội, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, Luật sư cần có bản luận cứ bào chữa lột tả được hết những vấn đề uẩn khúc và nguyên nhân thẳm sâu dẫn đến hành vi phạm tội.

Trong quá trình tham gia bào chữa tại phiên tòa trong những vụ án hình sự đối với bị cáo là người chưa thành niên, trước áp lực của HĐXX và Kiểm sát viên luôn sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau để làm rõ sự thật của vụ án phục vụ cho công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm; Xét hỏi, tranh luận mang tính dồn ép, khép tội là đặc trưng trong các phiên tòa hình sự. Điều này, đòi hỏi Luật sư bào chữa cho bị cáo dưới 18 tuổi tại phiên tòa phải có kinh nghiệm, có kiến thức tổng hợp, áp dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo đồng thời phải nắm bắt được tâm lý của bị cáo thì hoạt động bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa mới đạt hiệu quả cao. Ngoài các quy định chung áp dụng cho mọi chủ thể tham gia tố tụng hình sự, BLTTHS còn dành một chương riêng với các quy định áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Như vậy, có thể thấy chính sách pháp luật hình sự của nước ta rất quan tâm trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là bị cáo. Luật sư cần chú ý tới một số đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này để tác động tới bị cáo, giúp bị cáo vượt qua trở ngại về tinh thần, khai báo đầy đủ, tự tin trước các câu hỏi của HĐXX và Kiểm sát viên cũng như của các Luật sư tham gia phiên tòa.

Ở lứa tuổi này, người dưới 18 tuổi tạo ra rất nhiều stress, “bão tố” và “nổi loạn” ở họ, điều này được thể hiện tại phiên tòa xét xử nếu bị kích động, bị khích bằng những câu nói như “dám làm mà không dám chịu cũng đòi là anh hùng hảo hán cơ đấy!” Hoặc hiểu tâm lý “anh hùng rơm”, sẵn sàng nhận thay cho bạn… Nhiều em đã vì vài câu nói “kháy” mà khai hết như kiểu dám làm dám nhận, các bị cáo ở lứa tuổi này thường khó kiểm soát, cũng như không kiềm chế được cảm xúc nhất thời của bản thân. Trái lại, nếu các em rơi vào trạng thái bi quan, chán chường thì xuất hiện tâm lý tiêu cực, cực đoan, không hợp tác, việc này gây khó cho HĐXX cũng như làm khó cho Luật sư bào chữa cho các em.

Luật sư bào chữa cho bị cáo dưới 18 tuổi cần phối hợp với người đại diện hợp pháp của họ, tiến hành những biện pháp tìm hiểu các thông tin về nhân thân, nghiên cứu các thông tin, tài liệu phản ánh đặc điểm tâm lý của bị cáo là người chưa thành niên về nhu cầu, hứng thú, quan điểm sống, những lý tưởng sống; các tri thức có được trong quá trình học tập tại trường, những kinh nghiệm sống có được khi giao tiếp với gia đình, bạn bè và những người xung quanh; những đặc điểm về tính cách, những thói quen tốt và xấu như: Khí chất, tính cách, nhu cầu, năng lực, lối sống,…

Sau khi nghiên cứu đặc điểm tâm lý của bị cáo là người chưa thành niên, Luật sư cần xây dựng kế hoạch hỏi phù hợp tác động tâm lý để tìm hiểu sự thật khách quan đằng sau hành vi phạm tội là gì, vì mục đích của phiên tòa phải đạt được mục tiêu là hướng tới giáo dục nhân cách để giúp cho bị cáo nhận rõ đúng sai mà hoàn lương, cải tạo thành người có ích trong xã hội. Có như vậy, việc bào chữa cho bị cáo dưới 18 tuổi tại phiên tòa mới đạt hiệu quả cao.

Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự

Lưu ý: Việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan