Xác định đúng định hướng bào chữa có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính chất quyết định đối với hoạt động bào chữa của Luật sư trong các giai đoạn tiếp theo. Bởi lẽ, định hướng bào chữa sẽ là cơ sở để Luật sư lập kế hoạch tham gia xét hỏi, xây dựng bản luận cứ bào chữa, xác định sự cần thiết cũng như nội dung trao đổi với VKS, Tòa án và làm các công việc chuẩn bị khác để tham gia phiên tòa.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án và những chứng cứ, tài liệu tự mình thu thập được, Luật sư có thể lựa chọn bào chữa theo một trong các hướng sau:
Bào chữa theo hướng PNTM không phạm tội
Luật sư lựa chọn bào chữa theo hướng này khi có một trong các khả năng sau:
Thứ nhất: Có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra nhưng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà PNTM phải chịu TNHS quy định tại Điều 75 BLHS. Trong trường hợp này, để chứng minh PNTM không phải chịu TNHS, Luật sư bào chữa phải chứng minh (chỉ ra được) hành vi vi phạm của PNTM thuộc một trong trường hợp sau:
1. Hành vi vi phạm pháp luật do nhân viên của PNTM thực hiện nhưng không phải là nhân danh pháp nhân đó.
Ví dụ :
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là trưởng phòng giao dịch 1 của Ngân hàng X chi nhánh TP.HCM, đã thỏa thuận ngầm với các khách hàng về việc trả lãi suất cao ngoài hợp đồng từ 2% đến 7% nhằm huy động vốn của khách hàng… Sau đó H đã làm giả con dấu, giả chữ ký, đánh tráo, thay đổi một số nội dung trong hợp đồng gửi tiền của khách hàng với Ngân hàng X… Bằng các thủ đoạn này H đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều khách hàng với tổng số tiền 85 tỉ đồng… Trong vụ án này, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng X phải đưa ra các chứng cứ chứng minh việc thỏa thuận ngầm giữa H với khách hàng về trả lãi suất cao ngoài hợp đồng là sự thỏa thuận trái pháp luật, vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng… Vì vậy, H phải chịu TNHS về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng danh nghĩa của Ngân hàng X để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, đồng thời H phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền 85 tỷ đồng đã chiếm đoạt của khách hàng.
2. Hành vi vi phạm pháp luật do nhân viên của PNTM thực hiện nhưng không phải vì lợi ích của pháp nhân.
Ví dụ:
Công ty X giao cho Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B vận chuyển một số thiết bị y tế mà Công ty mua của một Công ty Y từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Trong quá trình nhận và vận chuyển số hàng trên, A và B đã bàn với nhau vận chuyển 3.500 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu ra Hà Nội để tiêu thụ. Trên đường vận chuyển thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Khi bị bắt, để trốn tránh trách nhiệm A và B khai tất cả số hàng trên xe (bao gồm cả 3.500 bao thuốc lá nhập lậu) là của Công ty X. Để bào chữa cho Công ty X không phải chịu TNHS về hành vi buôn bán hàng cấm, Luật sư phải đưa ra các chứng cứ để chứng minh số thuốc lá điếu ngoại nhập là của cá nhân A và B mua chứ không phải của Công ty X. Vì vậy, Công ty X không phải chịu TNHS về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập.
3. Hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện không có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM.
Ví dụ:
Cơ quan quản lý thị trường phát hiện và thu giữ một lô hàng gồm 10.000 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu đang được cất giấu tại kho hàng của Công ty X. Quá trình điều tra Nguyễn Văn A (là Trưởng phòng kế hoạch của Công ty X) và Nguyễn Văn B (là Thủ kho) khai báo việc cho gửi lô hàng lậu này đã báo cáo và được Lãnh đạo Công ty X cho phép… Trên thực tế vụ việc này Lãnh đạo Công ty X hoàn toàn không biết và không cho phép, mà do Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B đã bàn bạc, thông đồng với nhau cho Công ty H gửi lô hàng lậu này trong kho để nhận 20.000.000 đồng chia nhau. Như vậy, trong vụ việc này, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty X phải chứng minh hành vi cho Công ty H gửi lô hàng lậu trong kho là do A và B tự bàn bạc, thông đồng với nhau thực hiện để lấy tiền chia nhau. Công ty X hoàn toàn không có lỗi vì lãnh đạo của Công ty không biết, không chỉ đạo hay cho phép gửi lô hàng lậu này trong kho của Công ty. Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B đã lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích cá nhân (chứ không phải vì lợi ích của Công ty). Vì vậy, A và B phải hoàn toàn chịu TNHS về tội “tàng trữ trái phép hàng cấm” theo quy định tại điểm b khoản 3 Ðiều 191 BLHS.
4. Hành vi vi phạm pháp luật của PNTM đã hết thời hiệu truy cứu TNHS, tức là tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã quá các thời hạn được quy định tại Điều 27 BLHS:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, hành vi xảy ra không cấu thành một trong các tội phạm mà PNTM phải chịu TNHS theo quy định tại Điều 76 của BLHS năm 2015. Đây là trường hợp hành vi do PNTM thực hiện nhưng không cấu thành một trong các tội phạm được quy định.
Ví dụ:
Công ty H bị khởi tố, điều tra và truy tố về tội “xâm phạm quyền tác giả” theo khoản 1 Điều 225 BLHS. Kết luận điều tra và Cáo trạng đã căn cứ vào kết luận giám định (theo giá ghi trên bìa sách) đối với số lượng sách in lậu và xác định số lượng hàng hóa vi phạm trị giá là 120.000.000 đồng. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư thấy rằng giá ghi trên bìa của sách in lậu cao hơn 20.000 đồng/ quyển so với giá ghi trên bìa của sách thật. Theo yêu cầu của Luật sư và Tòa án, cơ quan giám định đã xác định lại giá trị số lượng sách in lậu (tính theo giá ghi trên bìa của sách thật) là 98.000.000 đồng. Như vậy, hành vi in lậu sách của Công ty H chưa cấu thành tội “xâm phạm quyền tác giả” vì chưa đủ về định lượng giá trị hàng vi phạm (100.000.000 đồng) theo quy định tại khoản 1 Điều 225 BLHS.
Thứ ba, hành vi của PNTM thuộc trường hợp loại trừ TNHS theo quy định của BLHS. Trong trường hợp này để chứng minh PNTM không phải chịu TNHS, Luật sư bào chữa phải chứng minh hành vi của PNTM xảy ra là do “Sự kiện bất ngờ” (quy định tại Điều 20 BLHS năm 2015) hoặc do “Tình thế cấp thiết” (quy định Điều 23 của BLHS năm 2015).
Ví dụ :
Công ty K bị khởi tố, điều tra và truy tố về tội “vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường” theo khoản 1 Điều 237 BLHS vì đã để xảy ra sự cố vỡ đập chứa chất thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của một số xã, phường trên địa bàn xung quanh và làm thiệt hại về tài sản của các hộ dân và các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn 1.500.000.000 đồng. Quá trình nghiên cứu hồ sơ Luật sư thấy rằng trên thực tế Công ty này đã thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường như: Đã lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; lắp đặt các trang bị, thiết bị, dụng cụ, phương tiện để kịp thời ứng phó với sự cố vỡ đập chứa chất thải; đã tổ chức đào tạo, huấn luyện và xây dựng lực lượng tại chỗ để ứng phó, nếu xảy ra sự cố môi trường… Nguyên nhân chính dẫn đến sự cố vỡ đập chứa chất thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và gây thiệt hại về tài sản là do mưa lũ quá lớn bất thường do ảnh hưởng của cơn bão số 5 gây ra chứ không phải do lỗi của Công ty K. Đây là “sự kiện bất ngờ”, là sự kiện bất khả kháng đối với con người. Vì vậy, Công ty K không phải chịu TNHS về vỡ đập chứa chất thải.
Bào chữa theo hướng có tội nhưng giảm nhẹ TNHS
Luật sư lựa chọn hướng bào chữa này khi đã có căn cứ xác định PNTM phạm tội nhưng có những tình tiết có thể giảm nhẹ TNHS. Bào chữa theo hướng này, Luật sư cần xác định được các vấn đề sau:
- Có căn cứ để chuyển sang tội phạm khác nhẹ hơn hoặc áp dụng điều khoản khác nhẹ hơn;
- Có căn cứ để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 84 BLHS;
- Có căn cứ để bác bỏ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng TNHS theo quy định tại Điều 85 BLHS không?
- Có căn cứ đề nghị miễn hình phạt theo quy định tại Điều 88 BLHS năm 2015;
- Có căn cứ đề nghị áp dụng loại hình phạt và mức hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) nhẹ/thấp nhất;
- Có căn cứ đề nghị thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 85 BLHS;
Bào chữa cho pháp nhân thương mại theo hướng trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Khi lựa chọn hướng bào chữa này, Luật sư cần cân nhắc thận trọng các vấn đề sau đây:
- Có căn cứ để đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280 BLTTHS năm 2015;
- Kết quả điều tra bổ sung sẽ có lợi đối với PNTM.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn