Tư vấn về việc thu thập tài liệu, đồ vật phục vụ việc bào chữa, bảo vệ:
Luật sư bào chữa, bảo vệ không chỉ được tham gia cuộc hỏi cung, lấy lời khai mà còn được tham gia nhiều hoạt động điều tra khác, như: Thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, kê biên tài sản, khám chỗ ở, địa điểm, đối chất, nhận dạng… Khi tham gia vào những hoạt động trên của CQĐT, Luật sư vừa thu nhận được những thông tin cần thiết về vụ án, đồng thời còn giám sát các hoạt động của những người tiến hành tố tụng.
Ví dụ:
Thành phần những người tham gia các hoạt động điều tra trên có đúng không? Sơ đồ hiện trường đã được vẽ đầy đủ chưa, có bỏ sót chi tiết nào không và chi tiết đó có lợi cho khách hàng của mình như thế nào, từ đó Luật sư tư vấn cho khách hàng có ý kiến, yêu cầu cũng như đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập kịp thời; Biên bản khám nghiệm lập đã đúng chưa, chưa đúng sẽ đề nghị khám nghiệm lại hoặc không công nhận!…
Đối với những vụ án tai nạn giao thông, dấu vết tại hiện trường là chứng cứ rất quan trọng để khẳng định khách hàng của mình có lỗi hay không có lỗi khi tham gia giao thông. Đối với Luật sư bào chữa thì cần quan tâm đến những dấu vết vật chứng tại hiện trường để tư vấn cho khách hàng của mình.
Ví dụ:
Trong một vụ tai nạn giao thông, hiện trường là vị trí chiếc xe đỗ, vết va chạm giữa xe ô tô và xe mô tô, nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu, đặc biệt chú ý về dấu vết rê của bánh xe mô tô, vị trí va đập và có ai làm chứng biết về vụ việc đó không? Người tham gia giao thông đã đủ tuổi chưa? Có bằng lái xe không? Có dùng rượu bia, chất kích thích không? Luật sư cần nắm bắt tất cả các vấn đề nêu trên để tư vấn cho khách hàng của mình có những lời khai đúng đắn, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng đối với họ.
Đối với những vụ án khác, ví dụ vụ án giết người xảy ra tại thôn Me – nạn nhân là chị H (xem ví dụ 5 của chương), khi đoàn khám nghiệm được thành lập đến hiện trường thấy xuất hiện nhiều dấu vết chân đi lại tại hiện trường (dấu vết chân của hung thủ, dấu vết chân của y tá thôn đến xem chị H đã chết chưa, dấu vết chân của mẹ chị H). Với ba vết chân đi lại trên hiện trường mà CQĐT chỉ thu giữ có hai vết chân cạnh xác chết là sự thiếu sót nghiêm trọng của cán bộ khám nghiệm. Luật sư có mặt tại hiện trường lúc này cần yêu cầu CQĐT thu thập tất cả những dấu vết chân xuất hiện tại hiện trường mới chính xác. Hoặc hung thủ sau này khai có với tay tắt công tắc điện, đồng thời tự ý mở cánh cửa tủ ra lục lọi tài sản sau khi đâm chết chị H; tuy nhiên, CQĐT đã không thu thập hai dấu vết về vân tay này của hung thủ ở hai vị trí quan trọng (cạnh công tắc điện và trên cánh tủ) đó là một trong những nguyên nhân CQĐT khởi tố bị can oan, sai. Luật sư tư vấn cho khách hàng khai báo, đưa ra các yêu cầu, soạn đơn gửi các cơ quan chức năng để minh oan cho khách hàng của mình.
Khi Luật sư tham gia bào chữa cho bị can ở những vụ án về ma túy, cần xem xét kỹ biên bản thu giữ vật chứng, về quy trình thu giữ, cách thức niêm phong, biên bản lập… để có tư vấn cho khách hàng được kịp thời và chính xác.
Đặc biệt, đối với những vụ án đòi hỏi tuổi chịu TNHS phải “đủ 18 tuổi trở lên”, ví dụ: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có quy định “người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu…” thì việc thu thập chứng cứ chứng minh độ tuổi “từ và đủ” là yếu tố hết sức quan trọng, Luật sư tham gia tư vấn cho khách hàng trong giai đoạn này là rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong các vụ án hình sự.
Nhiệm vụ của Luật sư tư vấn là bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích của bị can. Vì vậy, các chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết mà Luật sư thu thập phải có lợi cho bị can như: để chứng minh bị can không phạm tội, phạm tội nhẹ hơn, giảm nhẹ được TNHS hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại. Để thu thập được những tài liệu quan trọng, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng của mình cung cấp những tài liệu liên quan đến vụ án mà họ có hoặc đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị được cung cấp, Luật sư có thể thu thập cả các ý kiến của những người hàng xóm biết việc, có thể quay phim, chụp ảnh lại hiện trường vụ án, phỏng vấn những người biết việc để phục vụ cho việc bào chữa cho khách hàng của mình.
Đối với Luật sư bảo vệ điều quan trọng là tham gia các hoạt động điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình. Chính vì thế, việc yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ, tài liệu trong giai đoạn này, hoặc tự mình thu thập để bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng là điều có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Khi tham gia các hoạt động thực nghiệm điều tra, Luật sư bảo vệ cần quan sát kỹ diễn biến hành vi thực hiện, đối chiếu nó với lời khai mà đối tượng khai nhận trong hồ sơ vụ án, từ đó sẽ chỉ ra những điểm mâu thuẫn giữa lời khai của người phạm tội với hành vi thực tế diễn ra. Nhiều vụ án đã mở rộng điều tra và phát hiện thêm những đối tượng khác cùng tham gia trong vụ án đó, không phải chỉ có một mình bị can thực hiện như lời khai ban đầu nhận tội.
Luật sư quan tâm nhiều đến dấu vết vật chứng tại hiện trường và dấu vết về thương tích mà hung thủ thực hiện với khách hàng của mình, vật chứng mà chúng sử dụng để tấn công người bị hại là gì, có được thu thập đầy đủ không? Với những dấu vết để lại trên thân thể thì những vật chứng đó đã thu thập hết chưa? Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường trong vụ án hiếp dâm, có thu giữ đầy đủ tinh dịch ở hiện trường không? Thu thập như vậy đã đúng quy trình chưa, vì tất cả những dấu vết vật chứng đó sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng cho giám định để truy nguyên về hung khí tấn công cũng như truy nguyên hung thủ gây án. Tại hiện trường có nhiều dấu vết về lông, tóc CQĐT đã thu thập đầy đủ chưa, có bỏ sót gì không?
Khi tham gia các hoạt động này, Luật sư nắm bắt được toàn bộ vụ án, qua đó sẽ có những tư vấn hợp lý giúp khách hàng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của họ. Luật sư cần tư vấn cho khách hàng giữ lại những hóa đơn, chứng từ chi phí hợp lý cho việc chữa trị thương tích, chi phí phục vụ mai táng cho nạn nhân, những tổn thất mà gia đình phải hứng chịu. Luật sư tư vấn cũng phải nắm vững các văn bản hướng dẫn để tư vấn cho khách hàng nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, giúp khách hàng tự tin, yên tâm khi tham gia vụ án vì đã có người giúp đỡ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình.
Tư vấn cho khách hàng trong hoạt động trưng cầu giám định:
Đối với Luật sư tư vấn cho khách hàng là bị can, người bị tạm giữ, Luật sư cần nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, đặc biệt lưu ý khi nghiên cứu về bản kết luận giám định, các biên bản hỏi cung, lấy lời khai, biên bản thu giữ vật chứng. Sau khi đối chiếu với các quy định của BLTTHS và quy định của pháp luật khác có liên quan, nếu thấy có căn cứ xác định kết quả giám định không phản ánh đúng sự thật khách quan hay có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thì Luật sư cần tư vấn cho khách hàng của mình thực hiện quyền khiếu nại, kiến nghị giám định lại, giám định bổ sung để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho khách hàng.
Ví dụ:
Trần Đình D bị CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và nghiên cứu lời khai của các đối tượng, Luật sư thấy mâu thuẫn nhiều điểm về nguyên nhân gây thương tích của B và ngày B bị thương. Tại CQĐT, bị can Trần Đình D không thừa nhận đâm vào đùi của B. Bản thân lời khai của B (người bị thương) có nhiều mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với Giấy chứng thương. Cụ thể tại bút lục số… B khai: “… H chạy trước, tôi chạy sau thì D đâm một nhát vào đùi trái tôi sâu 2cm và D chạy về không đuổi chúng tôi nữa… Tôi đưa H lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Lúc này tôi không có tiền và tôi đã đặt đồng hồ để cho H cấp cứu trước. Và 02 ngày sau, tôi vào bệnh viện SanhPôn khâu 3 mũi vết thương do D đâm vào đùi tôi”. Theo lời khai này, B bị D đâm vào đùi trái từ phía sau, do không có tiền để chữa trị (ngày 01/02/2018) nên hai ngày sau, ngày (03/02/2018) B mới khâu vết thương tại bệnh viện SanhPôn. Tại bút lục số… ngày…, B lại khai: “D chạy đuổi theo H một vòng quanh lều và dùng dao chém vào sườn H, tôi đứng ngay ở đó. Sau đó, D chạy vào trong nhà (vào nhà lấy dao) cầm ra một chiếc thục lốp chạy lại đâm một nhát vào đùi trái của tôi. Sau đó tôi đi khám tại bệnh viện Sanh Pôn và bị khâu 3 mũi”. Theo lời khai trên thì D lại dùng “thục lốp” mà không phải dao đâm vào đùi trái B. Như vậy, có mâu thuẫn về hung khí gây án, mâu thuẫn về vị trí gây thương tích. Do đó, Luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng của mình làm đơn gửi đến Thủ trưởng CQĐT trưng cầu giám định pháp y, xác định chính xác vị trí đâm, ngày mà đối tượng đâm.
Trường hợp có nghi ngờ việc khách hàng của mình thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất đi khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng làm đơn gửi CQĐT, kèm theo bệnh án gửi đến CQĐT để đề nghị cho tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Đối với Luật sư tư vấn để bảo vệ cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bản kết luận giám định có ý nghĩa rất lớn đối với khách hàng mà mình đang tham gia tư vấn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho họ. Khi nghiên cứu về cơ chế hình thành vết thương, vật chứng thu giữ được tại hiện trường gây án, cũng như lời khai của các đối tượng, Luật sư cần xác định rõ: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được thể hiện trong bản giám định có phản ánh đúng thực tế của vết thương và sự tổn hại về sức khỏe mà đối tượng phạm tội đã gây ra không? Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể đó không chỉ có ý nghĩa về việc truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi mà còn có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền lợi về chế độ lao động đối với họ (như trong trường hợp người bị hại là người đang thực thi nhiệm vụ của Nhà nước). Khi thấy nghi ngờ về kết quả giám định, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng làm đơn gửi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền cho tiến hành giám định bổ sung, hoặc giám định lại.
Tư vấn cho khách hàng trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, nhập hoặc tách vụ án:
Luật sư cần tư vấn cho khách hàng về các căn cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với khách hàng của mình. Theo đó, cần xem xét kỹ việc bắt người đó có đúng quy định của pháp luật không (về căn cứ bắt; thẩm quyền bắt; trình tự, thủ tục tiến hành biện pháp bắt người, việc bắt người trong một số trường hợp phải có lệnh và có sự phê chuẩn của VKS cần xem xét kỹ các thủ tục đó có chuẩn không…) để có tư vấn cụ thể đối với khách hàng.
Trong trường hợp khách hàng của Luật sư đang bị tạm giam, gia đình muốn Luật sư giúp đỡ để chuyển sang biện pháp ngăn chặn khác như “cấm đi khỏi nơi cư trú” hoặc hình thức bảo lĩnh, Luật sư cần nghiên cứu kỹ quy định của BLTTHS về thay đổi biện pháp ngăn chặn, đối chiếu với điều kiện thực tế của gia đình để tư vấn cho khách hàng biết có hay không đủ điều kiện thay đổi biện pháp ngăn chặn cho khách hàng. Trong một số trường hợp, khi xét thấy có đủ căn cứ pháp lý, Luật sư có thể soạn thảo văn bản kiến nghị gửi cơ quan tiến hành tố tụng đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với khách hàng của mình.
Ví dụ :
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2019
KIẾN NGHỊ
(v/v thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can Trần A)
Kính gửi: Tòa án nhân dân huyện P tỉnh BP
Tôi là: Lê Ngọc N Sinh năm: 19xx
Thẻ Luật sư số: xxxx/LS do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp ngày: xx/yy/kkkk.
Nơi công tác: Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Là Luật sư được cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện P chấp thuận bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Trần A thuộc vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 15/12/2018 tại Thôn 1, xã L, huyện P, tỉnh BP.
Tôi xin phép được trình bày và đề nghị nội dung như sau: Sau khi trực tiếp cùng Điều tra viên, Kiểm sát viên hỏi cung, gặp, trao đổi với bị can Trần A tại Trại tạm giam, tôi nhận thấy quá trình điều tra bị can A đã nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình, ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Bị can Trần A phạm tội lần đầu ở thời điểm chưa đủ 17 tuổi, đang là học sinh trường dân tộc nội trú, có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn định tại thôn 1, xã L, huyện P, tỉnh BP hoàn toàn đủ điều kiện để được bố và mẹ của bị can Trần A đứng ra nhận bảo lĩnh xin được tại ngoại dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và giúp đỡ của gia đình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án nêu trên. Ngày 20/9/2019, bố và mẹ bị can Trần A đã có đơn xin thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can Trần A có xác nhận của địa phương, có cam kết quản lý, giáo dục bị can Trần A trong thời gian tại ngoại là yêu cầu chính đáng, rất cần được Quý Cơ quan lưu tâm xem xét giải quyết.
Bằng văn bản này, với tư cách là Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Trần A, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 tôi kính đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện P và VKSND huyện P trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình áp dụng Điều 121, Điều 125 BLTTHS năm 2015 quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lĩnh đối với bị can Trần A để bị can được tạm trở về với gia đình dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, tiếp tục đến trường đi học và cam kết bảo đảm có mặt làm việc kịp thời khi Quý Cơ quan có yêu cầu tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi xin trân trọng cảm ơn.
Người kiến nghị Luật sư Lê Ngọc N (Đã ký)
Luật sư cần đối chiếu với các quy định của BLTTHS để kiểm tra về các trường hợp lệnh tạm giam có quá hạn không, thời hạn tạm giam để điều tra khi vụ án chuyển từ cấp quận, huyện lên cấp tỉnh, thành phố cho đúng thẩm quyền điều tra, thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra có đúng với quy định của pháp luật không? Có trường hợp nào giam không đúng không.
Ví dụ:
Bị can 15 tuổi phạm tội nghiêm trọng bị CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam; hoặc bị can 17 tuổi phạm tội nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng cũng bị bắt giam; hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam với phụ nữ có thai… Đối với những trường hợp này, Luật sư cần nghiên cứu kỹ về căn cứ pháp luật của BLTTHS để tư vấn cho khách hàng được chính xác. Trong trường hợp CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn trái quy định, Luật sư tư vấn và hướng dẫn khách hàng làm đơn kiến nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền để hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đó.
Khi vụ án mà mình tham gia tư vấn bào chữa cho khách hàng, cần nhập vụ án lại để giải quyết sẽ có lợi và tốt hơn cho khách hàng; hoặc ngược lại cần tách vụ án ra để bảo đảm quyền và lợi ích cho khách hàng được tốt nhất, thì Luật sư cần tư vấn cho khách hàng làm đơn xin nhập hoặc tách vụ án. Luật sư chỉ tư vấn cho khách hàng khi có cơ sở pháp lý, tránh trường hợp không có căn cứ mà đề xuất sẽ gây mất niềm tin, uy tín của Luật sư đối với khách hàng.
Đối với Luật sư tư vấn để bảo vệ cho đương sự là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, lợi ích liên quan đến vụ án, xét thấy người phạm tội đối với khách hàng của mình không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào, thậm chí có biểu hiện đe dọa, thách thức đối với khách hàng của Luật sư; trong trường hợp đó, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan đó có biện pháp phù hợp để khách hàng của Luật sư được bảo vệ an toàn.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn