Nghiên cứu, phân tích dấu vết hình sự, qua đó xác định chính xác, đầy đủ nội dung, tính chất và quá trình diễn biến của vụ việc
Khi nghiên cứu, phân tích dấu vết hình sự, Luật sư cần nắm vững quy luật hình thành dấu vết, tính chất phản ánh của các dấu vết hình sự trong sự tác động lẫn nhau, qua đó làm rõ được nội dung, tính chất của vụ việc xảy ra và quá trình diễn biến của vụ việc đó. Vì vậy, dấu vết hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động chứng minh tội phạm, bởi lẽ chứng minh tội phạm chính là hoạt động nhằm xác định tính chất của vụ việc đã xảy ra, xác định xem vụ việc đó có dấu hiệu của tội phạm (mang tính chất hình sự) hay không. Việc nghiên cứu, phân tích các dấu vết hình sự thu thập được không chỉ xác định được tính chất của vụ việc xảy ra mà còn làm rõ được quá trình diễn biến của vụ án. Thông qua đó chứng minh một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ về hành vi phạm tội và người đã thực hiện hành vi phạm tội đó.
Ví dụ :
Khoảng 20h30 ngày 12/3/2018, tại Km 20+500 Quốc lộ 1 thuộc địa bàn P. Long Bình, TP. BH xảy ra vụ tai nạn giao thông. Theo trình bày của các nạn nhân, thì tại thời điểm này có một nhóm thanh niên (cùng quê NA và tạm trú tại P. Long Bình) gồm: Trần Thanh C, Trần Hồng Đ và Trần Văn H đang đứng nói chuyện thì bất ngờ có 04 thanh niên đi trên 2 xe máy chạy đến và một xe máy đã đâm vào chân của H đang đứng nghe điện thoại. Thấy vậy, nhóm bạn của H đều nhìn vào mấy người đi xe máy tỏ vẻ khó chịu. Đáp lại thái độ này, một người trong nhóm mặc quần Jeans và áo sơ mi xuống xe và hỏi: “Tụi mày tụm ba, tụm bẩy ở đây làm gì, giải tán đi”. C trả lời: “Giờ này còn sớm, đứng đây có ảnh hưởng gì đâu” rồi 2 bên xảy ra cãi vã xô xát với nhau. C xông tới đấm người thanh niên mặc quần Jeans. Bị tấn công, người thanh niên này đã bất ngờ rút súng bắn 3 phát vào người C khiến nạn nhân gục ngã và tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, nhóm thanh niên này lên xe chạy trốn khỏi hiện trường… Giám định dấu vết đầu đạn trong người nạn nhân và vỏ đạn thu được tại hiện trường xác định khẩu súng được sử dụng gây án là loại K54 trang bị cho lực lượng công an. Sau đó CQĐT đã truy tìm được người đã nổ súng gây ra án mạng là trung sĩ Nguyễn Hoài T – Cảnh sát khu vực phụ trách khu phố 5, P. Long Bình, TP. BH.
Trung sĩ Hoài T khai rằng, trong khi đang làm nhiệm vụ thì bị nhóm thanh niên 6-7 người tấn công nên phải rút súng bắn 01 phát chỉ thiên và sau đó bắn tiếp viên thứ 2 vào đối tượng đang xông đến để tự vệ… Trước lời khai như vậy của T, Luật sư bảo vệ cho bị hại đã nghiên cứu, phân tích kỹ về hồ sơ giám định liên quan đến dấu vết súng đạn, nhận thấy: Căn cứ vào dấu vết đường đạn trên người nạn nhân cho thấy cự ly bắn là tương đối gần và cả 02 viên đạn đều trúng vào bụng và ngực nạn nhân. Mặt khác, khi gây án T không mặc quân phục, không mang thẻ ngành nên không phải đang thi hành nhiệm vụ… Dấu vết đường đạn trên người nạn nhân cho thấy đường đạn đi từ phía lưng ra phía trước ngực, phù hợp với dấu vết để lại trên thân thể nạn nhân, cũng như phù hợp với lời khai của những người làm chứng. Trước những chứng cứ này, T đã phải thừa nhận về hành vi phạm tội của mình, đó là T đã dùng súng bắn nạn nhân phía sau lưng khi nạn nhân bỏ chạy.
Vụ án trên cho thấy, nhờ có dấu vết hình sự (dấu vết đường đạn trên người nạn nhân) đã xác định được nội dung, tính chất của vụ việc và người phạm tội, cụ thể là: T đã lợi dụng vũ khí được trang bị để thực hiện hành vi cố ý giết người mà không phải là gây chết người khi đang thi hành công vụ. Việc Luật sư nắm vững kiến thức về dấu vết hình sự, phân tích chính xác và đưa ra những kiến nghị phù hợp, qua đó đã bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng của Luật sư là nạn nhân trong vụ án đang được bảo vệ.
Lưu ý: Khi nghiên cứu, phân tích dấu vết hình sự, Luật sư cần nghiên cứu kỹ về:
– Dấu vết sắc gọn hay dấu vết nham nhở;
– Dấu vết tươi mới hay đã khô;
– Mức độ nông, sâu của dấu vết…,
– Xác định đúng phương thức, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc phạm tội đó.
Qua đó có những đề xuất, kiến nghị kịp thời, hợp lý bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng mà Luật sư bào chữa hoặc bảo vệ.
Để chứng minh về hành vi phạm tội xảy ra cần phải xác định được phương thức, thủ đoạn, công cụ phạm tội, thời gian, địa điểm xảy ra. Các dấu vết hình sự thu thập được ở hiện trường sẽ hỗ trợ đắc lực giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ sự thật về vụ án. Trên cơ sở đó có thể xác định được ai là người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khách quan về vụ án, tránh được việc oan sai trong quá trình điều tra chứng minh người thực hiện hành vi phạm tội. Đối với Luật sư bào chữa, bảo vệ cho khách hàng, dấu vết đôi khi đã minh oan cho khách hàng bị kết tội, nhưng ngược lại dấu vết cũng tố cáo sự thật về hành vi của người đã gây ra thiệt hại cho khách hàng mà Luật sư đang bảo vệ.
Ví dụ :
Đối với vụ án Giết người xảy ra tại thôn Me, BG, rõ ràng những dấu vết để lại trên hiện trường vụ án (Con dao dính máu; Những dấu vết chân đi lại trên hiện trường; Dấu vết vân tay trên cánh cửa, ổ công tắc điện, bàn uống nước, cánh tủ…) đã chỉ ra chính xác rằng: khách hàng của Luật sư (là ông C) không phải là người thực hiện hành vi phạm tội, mà hung thủ thực sự của vụ án chính là đối tượng LTC. Trước những dấu vết thu thập được tại hiện trường và sự bất minh về thời gian xảy ra sự việc phạm tội, buộc LTC phải cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình, đồng nghĩa với khách hàng của Luật sư là ông C được minh oan.
Ví dụ :
Theo lời khai của NVA (là chồng của nạn nhân – chị LTB), khoảng 06h00 ngày 25/8/2018, A gọi vợ là chị B dậy nấu cơm (hàng xóm nhà của A đều nghe thấy và có lời khai là nghe thấy A gọi rất to) nhưng không thấy chị B nói gì. Tiếp đó, tại CQĐT A khai: khi đó tôi nghĩ là vợ mệt nên tôi để vợ ngủ rồi đi chạy xe ôm. Khoảng 8h00 A quay về nhà, thì thấy chị B nằm trên sàn nhà, tay cầm chai thuốc trừ sâu, trên miệng còn nồng nặc mùi thuốc sâu. Thấy vậy, anh A liền hô hàng xóm đến giúp nhưng chị B đã tắt thở, cơ thể đã cứng. Không cam lòng nhìn thấy con mình chết, bố mẹ chị B đã đến VPLS HH mời Luật sư bảo vệ cho con gái họ, họ cho rằng con gái họ bị giết, không thể tự tử được.
Khi nghiên cứu và phân tích tài liệu khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, Luật sư thấy: Theo kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi thấy rằng: Thuốc sâu chỉ có ở trong miệng và một chút ở cổ họng của nạn nhân, mà không thấy có trong dạ dày và ruột, thức ăn trong ruột tối hôm trước chưa tiêu hóa hết… Trên thân thể nạn nhân không có bất kỳ dấu hiệu nào của việc bị trúng độc, nhưng phát hiện trên cổ có một vết lằn mảnh tím bầm. Mặt khác, nếu theo lời khai của A thì 06h00 sáng anh ta còn gọi chị B dậy nấu cơm, nhưng chị B không dậy. Anh ta đi chạy xe ôm đến 8h về và phát hiện ra sự việc. Nhưng vết hoen tử thi đã tố cáo thời gian chết của chị B là khoảng 20h00-21h00 ngày hôm trước (24/8/2018).
Kết luận giám định xác định nạn nhân chết là do bị ngạt thở do một sợi dây mảnh gây ra mà không phải do trúng độc thuốc sâu. CQĐT đã giữ khẩn cấp A, sau đó ra lệnh bắt A đồng thời khởi tố A về tội giết người. Quá trình đấu tranh A khai: đã giết vợ chết từ tối hôm trước, sáng hôm sau dựng hiện trường giả để tránh bị trừng phạt trước pháp luật. Tuy nhiên, những dấu vết trên thân thể nạn nhân cũng như kết luận giám định xác định chính xác thời gian chết đã tố cáo hành vi gian dối của A. Như vậy, việc nghiên cứu và phân tích dấu vết chứng cứ của Luật sư phù hợp với kết luận giám định, với kết quả khám nghiệm hiện trường thu giữ vật chứng và lời khai nhận tội của A, người đã thực hiện hành vi giết vợ.
Những dấu vết trên người nạn nhân đã phản bác toàn bộ lời khai của A và nhờ đó, xác định được nguyên nhân cái chết của nạn nhân, công cụ, thủ đoạn phạm tội, thời gian hành vi phạm tội xảy ra và việc tạo dựng hiện trường giả của A.
Luật sư nghiên cứu, phân tích những dấu vết tại hiện trường vụ án thông qua:
– Biên bản khám nghiệm hiện trường
– Biên bản khám nghiệm tử thi
– Biên bản khám nghiệm tang vật
– Phương tiện của vụ án
– Bản ảnh hiện trường,…
Thậm chí để làm rõ thêm nhiều chi tiết quan trọng Luật sư cần đến hiện trường xem xét kỹ các dấu vết. Qua đó, Luật sư xác định đúng và chính xác quá trình xảy ra sự việc phạm tội cũng như các tình tiết xác thực về vụ án để có những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
Ví dụ :
Trong vụ án “Vợ đốt chồng” xảy ra như sau: Khoảng 02h00 sáng ngày 25/3/20…, hàng xóm láng giềng có nghe tiếng kêu thất thanh của anh A“Cứu tôi với…” và thấy lửa bốc cháy ở căn nhà số 12/XX Văn Miếu, mọi người xung quanh chạy đến để cứu chữa nhưng cửa bị khóa trái nên không vào được. Sau khi phá được cửa và dập lửa, mọi người phát hiện chị Nguyễn Thị B đang ngồi trong bể nước, còn anh A đầu, tóc, mặt, quần áo bị cháy xém ngồi gục trong chiếc chậu nhôm có 01 ít nước… Trong suốt quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, B đều khai kết hôn với anh A nhiều năm nhưng không có con. Hàng ngày anh A thường đi làm về muộn, chị B nghi anh có quan hệ bồ bịch nên theo dõi. Từ khi phát hiện A có quan hệ thân thiết với cô X là người cùng cơ quan, vợ chồng thường xuyên cãi nhau và mâu thuẫn ngày càng gay gắt… Sau khi suy nghĩ và quyết định sẽ giết A để trả thù vì sự bội bạc, B đã mua sẵn 01 can xăng 03 lít và cất giấu phía sau tủ lạnh trong bếp… Khoảng gần 24h00 ngày 25/3/20… A mới về nhà và hai vợ chồng cãi nhau gay gắt đến 02h00 sáng… Bực tức, B lôi can xăng sau tủ lạnh ra rồi tưới lên nền nhà, giường ngủ và tuyên bố sẽ đốt nhà để cả hai cùng chết… Nghe vậy, A đi vào bếp lấy bật lửa đưa cho B và thách thức: “Cô giỏi thì đốt đi”. B bật quẹt rồi ném xuống nền nhà. Thấy lửa bùng cháy dữ dội, B hoảng sợ chạy vào bếp và chui vào bể nước…
Trong vụ án này, chứng cứ trực tiếp chỉ có các lời khai của bị can B trong quá trình điều tra trước sau như một về quá trình diễn biến của vụ án như đã nêu trên. Các chứng cứ còn lại như lời khai của những người làm chứng, Biên bản khám nghiệm hiện trường, các ảnh chụp hiện trường (chiếc giường ngủ bị cháy, vị trí của B trong bể nước và tư thế ngồi của nạn nhân A ngồi trong chậu nước…) đều là chứng cứ gián tiếp. Qua nghiên cứu hồ sơ, phân tích từng dấu vết trong hồ sơ vụ án, Luật sư nhận định: thứ nhất, tại sao cửa lại khóa trái? Thứ hai, tại sao chỉ có tiếng kêu cứu của anh A mà không thấy chị B kêu cứu? Ngoài ra, Luật sư nghiên cứu thấy lời khai hàng xóm: gia đình anh A và chị B thường xuyên xảy ra cãi nhau, chửi nhau, Tổ dân phố đã nhiều lần đến khuyên giải, họ cũng đã nhận lỗi và hứa sửa chữa, nhưng việc cãi vã vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, hôm xảy ra sự việc thì không nghe thấy họ to tiếng với nhau. Như vậy, việc chị B khai “Hai vợ chồng cãi nhau gay gắt đến 2h sáng thì xảy ra sự việc” hoàn toàn không phù hợp với lời khai của hàng xóm. Mặt khác, khi Luật sư nghiên cứu dấu vết trên thân thể của anh A, nhận thấy: mặt mũi, đầu tóc, quần áo bị đốt cháy, trong khi chị B hoàn toàn không bị cháy bất cứ một chỗ nào trên người. Điều này là hết sức vô lý vì cùng ở nơi hiện trường xảy ra, mà một người cháy đen, một người không làm sao, đó là mâu thuẫn rất lớn cần tìm câu trả lời thỏa đáng.
Với đề nghị xem xét kỹ vụ án của Luật sư, CQĐT đã tiếp tục đấu tranh với chị B, trước những chứng cứ mâu thuẫn đó buộc chị B phải khai nhận hành vi phạm tội của mình là đã lợi dụng lúc anh A ngủ say, tưới xăng đốt hồng… Từ việc phân tích dấu vết vật chứng tỷ mỷ, khoa học, logic, Luật sư xác định chính xác sự thật về vụ án, qua đó định hướng bào chữa hoặc bảo vệ cho khách hàng một cách đúng đắn, hiệu quả nhất.
Nghiên cứu, phân tích những thông tin từ các dấu vết thu thập được, Luật sư xác định chính xác người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết về vụ án.
Ví dụ :
Trong các năm 2015 – 2018, trên địa bàn các huyện BC, Tân Uyên và TP. Thủ Dầu Một (BD) liên tiếp xảy ra 04 vụ hiếp dâm và cướp tài sản, khiến dư luận quần chúng vô cùng hoang mang, các nạn nhân và gia đình họ đều rất đau khổ. Mong muốn của quần chúng nhân dân là CQĐT cần sớm tìm ra thủ phạm để họ yên tâm làm ăn. Tuy nhiên, qua thời gian khá lâu mà sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Quá trình khám nghiệm hiện trường, CQĐT thu được một số mẫu tinh dịch, mẫu lông, tóc nghi là của kẻ gây án. Ngoài ra, theo lời khai của một trong số các nạn nhân thì tên tội phạm đã bị nạn nhân cắn đứt một mẩu tai, khi cắn đứt mẩu tai này, nạn nhân đã ngậm và hiện đã cung cấp cho CQĐT… các mẫu vật được gửi đi giám định… cùng với CQĐT, gia đình, nạn nhân cũng như người dân luôn nâng cao cảnh giác, cứ phát hiện thấy đối tượng khả nghi là báo CQĐT, song tất cả đều không trùng với những mẫu vật mà CQĐT thu được tại hiện trường (lông, tóc và tinh dịch…).
Trong quá trình điều tra, có một người đàn ông là V (bị mất một mẩu tai) đã đến Công an trình diện và nhận mình là thủ phạm của các vụ hiếp dâm này. Tuy nhiên, kết luận giám định các mẫu tinh dịch, lông, tóc này cho thấy ADN của ông V không trùng với các mẫu ADN của những vật và dấu vết thu được tại hiện trường, kể cả mẩu tai cũng không trùng vị trí bị cắn cũng như ADN… Trước kết quả giám định này, ông V buộc phải thừa nhận, do chán nản và bi quan với cuộc sống hiện tại nên ông ta đã đến nhận tội thay cho người khác… Còn bên tai của ông bị sứt là do ông bị tai nạn trong một lần ngã bị kẹt và đứt 1 mẩu tai. Trải qua gần 20 lần giám định ADN của các đối tượng nghi vấn không ra kết quả.
Qua trao đổi với một số bị hại, Luật sư nhận định: đối tượng bị cắn đứt tai chắc chắn phải luôn che giấu tai có tật của mình bằng việc quấn khăn hoặc đội mũ. Ở Bình Dương mà quấn khăn thì chắc không có vì thời tiết nóng quanh năm, mà đội mũ thì vẫn hở phần đuôi tai bị cắn, chắc chắn sẽ đội mũ kiểu khác người để che giấu dị tật đó. Sau một thời gian tìm kiếm nỗ lực, cuối cùng Luật sư đã tìm được hung thủ khả nghi, điều đáng nói là hắn luôn đội mũ rộng vành chùm kín đầu và tai, Luật sư đã báo ngay với CQĐT. Sau khi triệu tập đối tượng và cho tiến hành giám định ADN, CQĐT đã được xác định được mẫu ADN của Nguyễn Văn Đ (36 tuổi, trú tại Tân Uyên – BD) hoàn toàn trùng với các mẫu ADN đã thu giữ được tại hiện trường vụ án trước đó
Cùng với sự phân tích dấu vết và suy luận lô gic về sự việc, sự phối hợp giữa Luật sư và bị hại trong vụ án, đã đưa đến những nhận định chính xác, qua đó Luật sư đã giúp CQĐT tìm ra hung thủ gây án.
Vụ án trên cho thấy, nếu không có các dấu vết hình sự (các mẫu tinh dịch, lông tóc, mẩu tai bị cắn…) thì việc xác định hung thủ gây án sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí bế tắc. Quá trình nghiên cứu các dấu vết hình sự thu giữ được tại hiện trường đã giúp CQĐT truy nguyên đối tượng để lại dấu vết và chứng minh tội phạm. Chính vì vậy việc thu giữ mẫu vật là quan trọng, việc bảo quản cũng hết sức quan trọng, tuy nhiên thời gian sẽ làm giảm đi độ chứng minh cao của dấu vết, vật chứng. Do đó, kết quả điều tra càng nhanh, thì hiệu quả chứng minh làm rõ người thực hiện hành vi phạm tội càng chính xác.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn