Kỹ năng của luật sư trong phần thủ tục phiên tòa:
Luật sư cần theo dõi xem Chủ tọa phiên tòa có thực hiện đúng các thủ tục tố tụng hay không? Việc giải thích các quyền tố tụng cho khách hàng có đầy đủ không? Ai trong số những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập vắng mặt, lý do vắng mặt… Tùy từng trường hợp cụ thể Luật sư có thể đề xuất với HĐXX về các vấn đề sau đây:
– Hoãn phiên tòa, nếu người được triệu tập vắng mặt có thể gây bất lợi cho khách hàng;
– Đề nghị thay đổi hoặc phản đối yêu cầu của người tham gia tố tụng khác về việc thay đổi người tiến hành tố tụng (các thành viên HĐXX, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án,…) hoặc người phiên dịch, giám định viên (nếu có);
– Bổ sung, chỉnh sửa các tình tiết liên quan đến nhân thân của PNTM;
– Đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng hoặc bổ sung các chứng cứ, tài liệu.
Kỹ năng của luật sư trong phần xét hỏi:
Kỹ năng của Luật sư ở phần này thể hiện ở một số điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Luật sư phải tập trung theo dõi và ghi chép vắn tắt và đầy đủ các nội dung (vấn đề) đã được các thành viên HĐXX, Kiểm sát viên, các Luật sư khác hỏi và đã làm rõ để tránh đặt ra những câu hỏi lặp lại.
Thứ hai, Luật sư phải phát hiện được những điểm mâu thuẫn trong lời khai của những người đã được xét hỏi, những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các tình tiết chưa được làm rõ hoặc mới phát sinh… để chỉnh sửa các nội dung, đối tượng hỏi, các câu hỏi và tình huống trong kế hoạch xét hỏi của mình cho phù hợp với diễn biến phiên tòa. Căn cứ vào tình hình và kết quả xét hỏi, có thể điều chỉnh luận cứ bào chữa đề phù hợp và có lợi cho khách hàng; ghi chú những vấn đề bất lợi để tìm căn cứ, lập luận “phản bác” kịp thời khi tranh luận, đối đáp với Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng của bên đối trọng.
Thứ ba, trong phần hỏi của mình, ngoài những vấn đề chung như trong các vụ án hình sự khác, Luật sư cần tập trung hỏi để làm rõ những vấn đề có tính chất đặc trưng của vụ án PNTM phạm tội (như đã nêu ở phần Lập kế hoạch tham gia hỏi).
Thứ tư, cần chú ý hỏi cơ quan và người giám định, định giá tài sản, đại diện của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý chuyên ngành… nhằm làm rõ các vấn đề có lợi cho khách hàng liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản; đến công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh…
Thứ năm, lựa chọn thời điểm phù hợp đề nghị Chủ tọa cho phép hoặc yêu cầu Thư ký Tòa án công bố các chứng cứ, tài liệu cần thiết có lợi cho khách hàng (như Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ vật chứng, tài liệu; kết luận giám định, định giá tài sản, lời khai của những người vắng mặt…). Đề nghị hỏi bổ sung về các tình tiết còn mâu thuẫn hoặc mới phát sinh nhằm làm rõ theo hướng có lợi cho khách hàng.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn