Vấn đề chung về thủ tục truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại
Thủ tục tố tụng truy cứu TNHS đối với PNTM phạm tội được xác định là thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, được quy định tại Chương XXIX của BLTTHS năm 2015.
Mặc dù được quy định là thủ tục đặc biệt nhưng cần phải hiểu rằng, thủ tục truy cứu TNHS đối với PNTM không phải là hoàn toàn riêng biệt với thủ tục truy cứu TNHS đối với cá nhân. Điều 431 ở Chương XXIX của BLTTHS năm 2015 quy định: “Thủ tục tố tụng đối với pháp nhân bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.
Qua các quy định của BLTTHS năm 2015 cho thấy, về cơ bản thì trình tự và thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án PNTM phạm tội được thực hiện như đối với các vụ án cá nhân phạm tội. Bên cạnh đó, có một số thủ tục có tính chất đặc thù sau:
Về người đại diện cho Pháp nhân thương mại để tham gia tố tụng
Cũng giống như cá nhân, khi có đủ căn cứ xác định pháp nhân đã thực hiện hành vi phạm tội mà BLHS quy định là tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố đối với pháp nhân. Như vậy, khi có quyết định khởi tố của cơ quan có thẩm quyền thì PNTM trở thành bị can. Tuy nhiên, khác với bị can là cá nhân, do tính chất đặc thù nên “bị can” là PNTM không thể trực tiếp tham gia các hoạt động tố tụng mà phải thông qua cá nhân, là người có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân. Điều 434 BLTTHS năm 2015 quy định: “Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu TNHS được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân”. Điều luật này cũng quy định trường hợp người đại diện theo pháp luật không thể tham gia tố tụng thì pháp nhân phải cử người khác làm đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng; trường hợp tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là người đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.
Như vậy, cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng – trong đó có Luật sư với tư cách là người bào chữa hoặc bảo vệ – trong quá trình tiến hành hoặc tham gia giải quyết vụ án đều phải hết sức chú ý xác định tư cách của người đại diện cho PNTM. Về nguyên tắc thì việc xác định tư cách của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân dựa trên cơ sở quy định của BLDS, Luật doanh nghiệp; tuy nhiên, trên thực tế cần phải xác định cụ thể theo từng trường hợp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp của nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, vì có thể có sự khác biệt trong vấn đề này giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia khác.
Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng chính là quyền và nghĩa vụ của PNTM trong tố tụng hình sự, được quy định tại Điều 435 của BLTTHS năm 2015. Với tư cách là người bào chữa cho PNTM phạm tội, Luật sư cần phải nắm vững các quy định này để thực hiện tốt việc bào chữa cho PNTM.
Về các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân
Các biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với PNTM được quy định tại Điều 436 của BLTTHS năm 2015, bao gồm các biện pháp: Kê biên tài sản của PNTM; Phong tỏa tài khoản của PNTM; Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của PNTM; Buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án. Mặc dù chỉ được áp dụng những biện pháp này đối với những tài sản, tài khoản, hoạt động có liên quan đến hành vi phạm tội của PNTM nhưng chắc chắn sẽ tác động tới toàn bộ các hoạt động của pháp nhân, trong đó có lợi ích của những người lao động.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn