BLHS năm 2015 đã chính thức quy định TNHS của pháp nhân, đánh dấu bước phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của pháp luật hình sự trên thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng và đấu tranh chống tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Vấn đề chung Trách nhiệm hình sự của Pháp nhân thương mại
Chế định TNHS của pháp nhân (tổ chức) đã được quy định từ lâu trong luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới và cho đến nay đã có hơn 100 quốc gia quy định chế định này. Tuy nhiên, do có sự khác nhau trong cách tiếp cận về cơ sở lý luận và sự khác nhau về hệ thống pháp luật, về các điều kiện chính trị – kinh tế – xã hội nên chế định TNHS của pháp nhân (tổ chức) trong luật hình sự ở mỗi quốc gia có sự khác nhau về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp. Trên cơ sở học tập, tiếp thu kinh nghiệm của nhiều quốc gia và trên cơ sở các điều kiện của Việt Nam, chế định TNHS của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 được quy định dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn lập pháp có tính chất tiến bộ và phổ biến trên thế giới, đồng thời có những đặc điểm riêng biệt.
Trong BLHS năm 2015, những vấn đề chung nhất về TNHS của pháp nhân được quy định trong một số điều luật ở phần chung, đồng thời những nội dung cụ thể có tính đặc thù được quy định ở Chương XI, từ Điều 74 đến Điều 89. Qua các quy định của BLHS năm 2015 cho thấy:
– phạm vi pháp nhân phải chịu TNHS là pháp nhân thương mại (PNTM);
– PNTM phải chịu TNHS khi có những điều kiện nhất định;
– PNTM chỉ phải chịu TNHS trong phạm vi những tội phạm nhất định;
– TNHS của PNTM không loại trừ TNHS của cá nhân.
Các hình phạt áp dụng cho PNTM được quy định tại Điều 33 và được cụ thể tại Điều 77, Điều 78 và Điều 79; trong đó bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung, như sau:
– Hình phạt chính gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
– Hình phạt bổ sung gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền, nếu không được áp dụng là hình phạt chính.
– Ngoài các hình phạt được quy định nêu trên, BLHS năm 2015 còn quy định các biện pháp tư pháp áp dụng đối với PNTM tại các Điều 47, Điều 48 và khoản 1 Điều 82 và một số biện pháp khác buộc PNTM phải thực hiện nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tội phạm tại khoản 2 Điều 82.
Bản chất chế định Trách nhiệm hình sự của Pháp nhân thương mại
Mặc dù, chế định TNHS của PNTM đã được BLHS năm 2015 chính thức quy định nhưng có một vấn đề rất quan trọng đặt ra, cần phải có sự nhận thức đúng đắn và thống nhất – đó là về bản chất việc quy định TNHS của PNTM. Đây là vấn đề không chỉ có ý nghĩa để xác định về nội dung và kỹ thuật lập pháp chế định TNHS của PNTM khi quy định trong BLHS, mà còn liên quan đến việc truy cứu TNHS của PNTM, đặc biệt là trong việc xác định các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án PNTM phạm tội.
Có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất việc quy định TNHS của pháp nhân (tổ chức) nhưng quan điểm phổ biến nhất và được thể hiện trong pháp luật hình sự của nhiều quốc gia là: TNHS của pháp nhân (tổ chức) là trách nhiệm được quy kết từ hành vi phạm tội của cá nhân, khi giữa cá nhân và pháp nhân (tổ chức) có mối quan hệ pháp lý ràng buộc và hành vi phạm tội thỏa mãn những điều kiện nhất định. Nói một cách khác, việc quy định TNHS của pháp nhân (tổ chức) thực chất chỉ là mở rộng phạm vi chủ thể phải chịu TNHS; tội phạm vẫn chỉ do cá nhân thực hiện nhưng có hai chủ thể cùng chịu TNHS là cá nhân và pháp nhân (tổ chức).
Trong BLHS năm 2015, tuy có một số quy định thể hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tội phạm do cá nhân hoặc PNTM thực hiện, nhưng xuyên suốt qua tất cả các quy định vẫn cho thấy chỉ có một loại tội phạm duy nhất do cá nhân là người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, nhưng có hai chủ thể phải chịu TNHS là cá nhân và PNTM. Chính vì vậy mà trong các điều luật của BLHS năm 2015 quy định những nội dung nhằm cụ thể hóa khái niệm tội phạm như:
– quy định về lỗi (Điều 10, Điều 11);
– về chuẩn bị phạm tội (Điều 14);
– phạm tội chưa đạt (Điều 15);
– tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16), đồng phạm (Điều 17)…
Chỉ đề cập đến chủ thể là cá nhân mà không đề cập đến chủ thể là PNTM. Trong cấu thành cơ bản của các tội phạm cụ thể cũng chỉ quy định chủ thể của tội phạm là cá nhân, pháp nhân chỉ là chủ thể phải chịu TNHS.
Như vậy, mặc dù trong BLHS quy định “pháp nhân thương mại phạm tội” nhưng cần phải hiểu rằng tội phạm là do cá nhân thực hiện nhưng PNTM bị quy kết là phạm tội và phải chịu TNHS. Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng, cho phép việc chứng minh các vấn đề của tội phạm mà PNTM phải chịu TNHS có thể dựa trên cơ sở hành vi phạm tội của cá nhân.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn