[TƯ VẤN LHS – TỘI PHẠM CHỨC VỤ] Kỹ năng của luật sư trong phần tranh tụng tại phiên tòa

Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, việc xét hỏi tại phiên tòa có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án, và là căn cứ để HĐXX đưa ra phán quyết đối với bị cáo. Khoản 1 Điều 250 BLTTHS năm 2015 quy định: “HĐXX phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập…”. Xuất phát từ những đặc điểm đặc thù của các tội phạm về chức vụ, khi tham gia các phiên tòa xét xử các vụ án tội phạm về chức vụ, trong phần xét hỏi, Luật sư cần lưu ý một số vấn đề sau:

Mở đầu phần xét hỏi, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa sẽ công bố bản cáo trạng và bị cáo có quyền trình bày ý kiến bổ sung, nếu có. Do đặc thù về việc chứng minh hành vi phạm tội trong các tội phạm chức vụ thường phức tạp, liên quan nhiều đến các lĩnh vực chuyên môn, chính sách pháp luật, vụ án có thể có nhiều bị cáo, liên quan đến các tội danh khác nhau nên bản cáo trạng trong các vụ án tội phạm về chức vụ thường có đặc điểm là dài, nhiều nội dung, số liệu… Do đó, khi Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng, Luật sư nên mở bản cáo trạng mà mình đã được cung cấp hoặc sao chụp trong hồ sơ vụ án và chú ý lắng nghe xem nội dung giữa hai bản cáo trạng có gì khác nhau không. Trong thực tiễn, thì thường Kiểm sát viên sẽ đọc đúng nội dung cáo trạng đã có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, trong trường hợp Luật sư phát hiện có những điểm khác biệt thì cần có ý kiến để HĐXX xem xét. Trong trường hợp, sau khi đọc xong nội dung bản cáo trạng, Kiểm sát viên trình bày ý kiến bổ sung thì Luật sư cần lắng nghe, ghi chép các nội dung bổ sung của Kiểm sát viên. Về nguyên tắc, quyền trình bày ý kiến bổ sung không có nghĩa là Kiểm sát viên có quyền thay đổi nội dung bản cáo trạng mà chỉ mang ý nghĩa giải thích, làm rõ thêm nội dung cáo trạng. Do đó, nếu nhận thấy ý kiến bổ sung của Kiểm sát viên có tính chất thay đổi nội dung cáo trạng theo hướng bất lợi cho khách hàng mình, Luật sư cần có ý kiến ngay với Chủ tọa phiên tòa. Theo quy định của BLTTHS, bị cáo phải được nhận bản cáo trạng. Các bị cáo trong các vụ án tội phạm về chức vụ thường là những người trước đây đã từng giữ những chức vụ trong các cơ quan, tổ chức, là người có trình độ, hiểu biết xã hội, quen làm việc với văn bản giấy tờ nên khi nhận được các tài liệu tố tụng như kết luận điều tra, bản cáo trạng, họ thường nghiên cứu rất kỹ lưỡng và trao đổi với Luật sư các vấn đề trong cáo trạng. Tuy nhiên, trên thực tiễn xét xử các vụ án hình sự nói chung và đặc biệt là các vụ án tội phạm về chức vụ, các bị cáo thường hay lầm lẫn khi trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa sau khi nghe Kiểm sát viên đọc xong bản cáo trạng.

Ví dụ:

Sau khi Kiểm sát viên đọc xong bản cáo trạng, Chủ tọa luôn đưa ra câu hỏi “bị cáo có thấy bản cáo trạng vừa nghe có gì khác với bản cáo trạng bị cáo được nhận không?”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các bị cáo hiểu sai ý câu hỏi của Chủ tọa và có thể trả lời là “không đồng ý với nội dung cáo trạng”. Do đó, khi chuẩn bị cho khách hàng trước phiên tòa, Luật sư cần giải thích rõ vấn đề này để bị cáo hiểu rõ ý câu hỏi của chủ tọa để trả lời được chính xác.

Liên quan đến quyền được hỏi tại phiên tòa, BLTTHS quy định rõ trình tự xét hỏi cũng như những người có quyền hỏi tại phiên tòa, trong đó có quy định: “Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị với Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm những tình tiết cần làm sáng tỏ”. Đặc biệt, BLTTHS năm 2015 còn quy định cho bị cáo được quyền hỏi“… khi được Chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo”. Trong thực tiễn xét xử tại phiên tòa, chúng ta thường thấy HĐXX, Kiểm sát viên, các Luật sư tham gia xét hỏi mà ít khi thấy bị cáo hoặc những người tham gia tố tụng khác thực hiện quyền được pháp luật cho phép là quyền hỏi hoặc đề nghị Chủ tọa hỏi các vấn đề mà họ cho là chưa được làm rõ. Nếu không được tư vấn, biết cách sử dụng các quyền của mình, bị cáo, những người tham gia tố tụng thường tham dự phiên tòa một cách hoàn hoàn bị động. Trong khi đó, bị cáo trong các vụ án về chức vụ thường là những người sắc sảo, có trình độ, hiểu biết pháp luật, chuyên môn, chính bị cáo là người trong cuộc nên hiểu rõ nhất bản chất, diễn biến của sự việc nên trong quá trình tham gia xét hỏi, chính bị cáo có thể phát hiện ra nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ án. Do đó, Luật sư cần tư vấn để bị cáo biết và sử dụng đúng quyền của mình khi cần thiết.

Để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, Tòa án thường triệu tập các nhân chứng và những người liên quan đến tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, trong các vụ án tội phạm về chức vụ, số lượng nhân chứng, người liên quan thường nhiều nên trong nhiều trường hợp, Tòa án không thể triệu tập hết toàn bộ đến tham dự phiên tòa, và cũng có nhiều trường hợp người được triệu tập nhưng không đến vì nhiều lý do. Trong trường hợp người làm chứng có thể cung cấp những vấn đề quan trọng, có lợi cho bị cáo mà Luật sư bảo vệ vắng mặt tại phiên tòa thì ngay trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư nên có ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập lại nhân chứng. Tuy nhiên, trong các trường hợp vắng mặt nhân chứng khác mà họ đã có lời khai tại CQĐT lưu trong hồ sơ vụ án thì Luật sư không cần thiết phải đề nghị hoãn phiên tòa mà cần đề nghị HĐXX công bố lời khai của nhân chứng tại phiên tòa.

Theo trình tự xét hỏi quy định tại Điều 307 BLTTHS năm 2015 thì Luật sư với địa vị tố tụng là người bào chữa cho bị cáo sẽ tham gia xét hỏi theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Trong khi nghe Chủ tọa, Hội thẩm, Kiểm sát viên hỏi Luật sư nên có bản đề cương các vấn đề cần hỏi, các câu hỏi cụ thể đã được chuẩn bị từ trước phiên tòa, lắng nghe, ghi chép các vấn đề, câu hỏi mà chủ tọa, hội thẩm, Kiểm sát viên đã hỏi để loại bỏ các câu hỏi trùng lặp trong bản đề cương của mình, tránh sự trùng lặp khi hỏi. Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải các vấn đề, câu hỏi mà HĐXX, Kiểm sát viên đã hỏi là Luật sư nhất thiết không được phép hỏi lại. Trong trường hợp có vấn đề đã được hỏi, được trả lời nhưng việc hỏi và trả lời vấn đề đó còn chứa đựng nhiều điểm chưa được làm rõ, mà việc làm rõ các điểm này có lợi cho khách hàng của mình thì Luật sư vẫn có thể tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề đó, tuy nhiên cách đặt câu hỏi của Luật sư phải làm sao để làm rõ được các điểm chưa rõ đó. Trong trường hợp bị Chủ tọa ngắt lời vì cho rằng vấn đề đã được hỏi, Luật sư cần trình bày để Chủ tọa hiểu rõ là mặc dù vấn đề đã được hỏi nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ, và các câu hỏi của Luật sư là nhằm mục đích làm rõ các điểm đó để giúp HĐXX làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Trong khi nghe HĐXX, Kiểm sát viên, các Luật sư đồng nghiệp tham gia xét hỏi, Luật sư cần lắng nghe không chỉ các câu hỏi mà cả các câu trả lời của các đối tượng được hỏi. Qua các câu hỏi và câu trả lời, trong nhiều trường hợp Luật sư có thể phát hiện ra các vấn đề mới nảy sinh có lợi cho khách hàng của mình. Cho dù Luật sư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước phiên tòa, có bản đề cương các vấn đề, các câu hỏi dự kiến sẽ hỏi, làm rõ tại phiên tòa nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong các vụ án tội phạm về chức vụ với nội dung, tình tiết phạm tội thường phức tạp, bị cáo, nhân chứng, người liên quan thường là những người thông minh, sắc sảo, có trình độ thì việc phát sinh các tình huống mới tại phiên tòa hoàn toàn có thể xảy ra và yêu cầu Luật sư phải kịp thời nắm bắt và có hướng xử lý phù hợp. Ví dụ, khi nghe bị cáo trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa có nảy sinh một nội dung có lợi cho khách hàng của mình, nhưng Chủ tọa mới chỉ hỏi lướt qua, chưa làm rõ hoàn toàn. Trong khi đó, vấn đề này chưa được chuẩn bị trong bản đề cương câu hỏi, Luật sư cần kịp thời bổ sung vào bản đề cương để đến khi hỏi, Luật sư sẽ tập trung làm rõ vấn đề mới nảy sinh này.

Bị cáo trong các vụ án về chức vụ thường là người hiểu biết, có điều kiện kinh tế nên họ rất quan tâm đến việc mời Luật sư tham gia bảo vệ họ trong quá trình tố tụng. Có những trường hợp một bị cáo mời nhiều Luật sư tại các Văn phòng Luật sư khác nhau cùng tham gia bảo vệ một bị cáo tại phiên tòa. Trong trường hợp này, các Luật sư cùng bảo vệ một bị cáo nên có sự hợp tác, trao đổi với nhau để thống nhất về quan điểm bào chữa, cũng như việc xét hỏi tại phiên tòa, tránh trùng lặp nhau hoặc mỗi người bào chữa theo một hướng gây bất lợi cho khách hàng.

Khi nghe Chủ tọa, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư đồng nghiệp tham gia xét hỏi, Luật sư cần chú ý xem việc xét hỏi có khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm tố tụng hay không. Trong trường hợp nhận thấy việc xét hỏi có dấu hiệu vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án, đến quyền lợi chính đáng của khách hàng mình, Luật sư cần có ý kiến ngay với HĐXX. Ví dụ, trong một vụ án xét xử bị cáo về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, khi tham gia xét hỏi, Kiểm sát viên luôn đọc các lời khai của bị cáo tại CQĐT và hỏi bị cáo có đúng như vậy không. Nhận thấy cách xét hỏi của Kiểm sát viên đã có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 308 BLTTHS: “Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố”, Luật sư đã có ý kiến đề nghị chủ tọa nhắc nhở Kiểm sát viên thay đổi cách đặt câu hỏi. Các vụ án tội phạm về chức vụ thường có sự tham gia của nhiều Luật sư bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có những trường hợp nhận thấy Luật sư đồng nghiệp tham gia xét hỏi, vì những lý do nào đó có thái độ quá căng thẳng khi đặt câu hỏi với bị cáo mà Luật sư bảo vệ, hoặc đặt những câu hỏi quá riêng tư, không liên quan đến nội dung vụ án, Luật sư có thể có ý kiến đề nghị chủ tọa nhắc nhở Luật sư đồng nghiệp về thái độ khi xét hỏi, tập trung vào vấn đề cần làm rõ. Đôi khi, sự vi phạm tố tụng trong quá trình xét hỏi lại từ chính Chủ tọa phiên tòa, Luật sư cũng cần có thái độ kiên quyết, nhắc nhở để Chủ tọa phiên tòa nhận ra sai phạm của mình.

Ví dụ :

Trong một vụ án xét xử bị cáo về tội tham ô tài sản, khi đến lượt Luật sư hỏi, Chủ tọa phiên tòa mời Luật sư hỏi, nhưng lại đặt câu hỏi với Luật sư là định hỏi những bị cáo nào, hỏi mấy câu hỏi. Luật sư nhận thấy yêu cầu của chủ tọa là không đúng, bởi vì chỉ khi Luật sư đã đặt câu hỏi, căn cứ vào câu trả lời của các đối tượng liên quan có thể phát sinh thêm các vấn đề, đối tượng cần hỏi, cần làm rõ. Do đó, ngay từ đầu, khi Luật sư chưa hỏi thì chủ tọa không nên khống chế Luật sư chỉ hỏi những đối tượng nào, mỗi người hỏi mấy câu hỏi. Luật sư đã có ý kiến với HĐXX và sau đó, Chủ tọa phiên tòa đã phải để Luật sư thực hiện quyền xét hỏi đúng theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến trình tự xét hỏi các đối tượng tại phiên tòa, BLTTHS không quy định thủ tục, trình tự bắt buộc đối với việc xét hỏi các đối tượng như bị cáo, người làm chứng, người liên quan, người giám định…, điều này phụ thuộc vào cách điều hành phiên tòa của chủ tọa và quy mô của từng vụ án. Đối với các vụ án nhỏ, ít bị cáo, ít tội danh thì chủ tọa thường tiến hành xét hỏi lần lượt các bị cáo, bị hại, nhân chứng, người liên quan… Với cách xét hỏi này, chủ tọa sẽ tiến hành hỏi lần lượt các bị cáo, bị hại, nhân chứng, người liên quan… sau khi chủ tọa hỏi xong, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư bắt đầu xét hỏi. Đối với các vụ án lớn, nhiều bị cáo, liên quan đến nhiều tội danh, thời gian xét xử kéo dài thì chủ tọa thường tiến hành cách xét hỏi theo từng tội danh, xét hỏi dứt điểm từng đối tượng.

Ví dụ:

Trong vụ án P do TAND tỉnh PT xét xử, có 92 bị cáo, bị truy tố, xét xử với 6 tội danh khác nhau, Chủ tọa phiên tòa đã quyết định việc xét hỏi theo từng tội danh, xét hỏi lần lượt từng bị cáo. Theo đó, khi tiến hành xét hỏi một bị cáo thì chủ tọa, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư tham gia xét hỏi xong thì sẽ chuyển sang bị cáo khác.

Cách tiến hành xét hỏi tại phiên tòa liên quan đến việc chuẩn bị chiến thuật hỏi của Luật sư. Ví dụ, trong các vụ án quy mô nhỏ, ít bị cáo mà chủ tọa quyết định cách xét hỏi là chủ tọa hỏi trước tất cả các đối tượng rồi đến Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư thì khi đến lượt mình, Luật sư có thể chủ động áp dụng các chiến thuật hỏi như tự quyết định hỏi ai trước, hỏi ai sau. Còn trong trường hợp vụ án lớn, nhiều bị cáo, nhiều tội danh, chủ tọa quyết định phương pháp xét hỏi theo từng tội danh, xét hỏi dứt điểm từng đối tượng thì Luật sư không thể chủ động trong việc áp dụng các chiến thuật xét hỏi, mà phải theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa.

Luật sư tham gia xét hỏi có thể sau Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, trong các vụ án có nhiều Luật sư tham gia, Luật sư còn có thể xét hỏi sau khi các Luật sư đồng nghiệp đã xét hỏi. Khi đến lượt, Luật sư hỏi thì rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, nhiều vấn đề đã được làm rõ… Trong quá trình theo dõi việc xét hỏi, Luật sư cần lắng nghe, ghi chép, so sánh với bản kế hoạch câu hỏi đã chuẩn bị để tránh hỏi trùng lặp, hỏi những vấn đề không cần thiết. Các vấn đề cần hỏi, câu hỏi của Luật sư phải căn cứ vào định hướng bảo vệ của Luật sư đối với khách hàng. Trong trường hợp, Luật sư nhận thấy việc truy tố, xét xử bị cáo với tội danh, khung khoản đã rõ ràng, phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo. Bản thân bị cáo cũng đã hoàn toàn nhận tội và chỉ xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trong trường hợp này, khi xét hỏi, Luật sư không cần thiết phải đặt các câu hỏi làm rõ bản chất, diễn biến của vụ án, đó là nhiệm vụ của HĐXX, Kiểm sát viên. Luật sư nên tập trung hỏi để làm rõ các tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị cáo mà mình bảo vệ, như sự thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đã khắc phục hậu quả thế nào, quá trình công tác có được thưởng huân, huy chương không, đã nộp cho Tòa chưa, gia đình có công với cách mạng không, nhân thân, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội… Trong trường hợp, Luật sư nhận thấy việc truy tố, xét xử bị cáo chưa đúng quy định của pháp luật, chứng cứ còn nhiều mâu thuẫn thì cần đặt câu hỏi làm rõ các điểm chưa đúng, mâu thuẫn đó.

Ví dụ:

Trong vụ án bị cáo đang bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản tại công ty ND do TAND tỉnh NĐ xét xử, Luật sư nhận thấy bị cáo không đáp ứng yêu cầu về mặt chủ thể được quy định trong cấu thành tội phạm. Trong quá trình xét hỏi, Luật sư đã đưa ra các câu hỏi làm nổi bật lên vấn đề là bị cáo không phải là người có chức vụ, có quyền quản lý đối với số tài sản mà bị cáo đang bị cáo buộc chiếm đoạt; trong vụ án xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại tài sản xảy ra tại TL-HP do TAND thành phố HP xét xử, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo, Luật sư nhận thấy Bản cáo trạng cáo buộc bị cáo K với vai trò chủ mưu, đầu vụ là chưa đúng với các chứng cứ của vụ án, bản thân bị cáo cũng không chấp thuận. Luật sư đã đặt các câu hỏi đối với những người làm chứng có lời khai bất lợi cho bị cáo nhằm làm rõ các mâu thuẫn trong lời khai của họ, làm rõ vai trò của bị cáo trong vụ việc.

Luật sư không nên đặt quá nhiều câu hỏi sẽ gây mất tập trung cho HĐXX cũng như những người tham dự phiên tòa mà nên tập trung vào các vấn đề cần làm rõ theo định hướng bào chữa của mình. Câu hỏi không cần quá nhiều nhưng phải sắc sảo, làm bật lên được các vấn đề Luật sư muốn chứng minh có lợi cho khách hàng. Để tăng thêm tính thuyết phục trong quá trình xét hỏi, Luật sư không nên đặt câu hỏi quá nhiều đối với chính bị cáo mà mình bảo vệ mà nên theo nguyên tắc là: Để làm rõ các vấn đề liên quan đến bị cáo mà mình bảo vệ thì phải hỏi và căn cứ vào lời khai của các bị cáo, người làm chứng khác để xác định. Trong những vụ án mà Luật sư có thể chủ động trong việc xét hỏi, Luật sư nên nghiên cứu, áp dụng các chiến thuật xét hỏi hợp lý để làm rõ sự thật vụ án, có lợi cho khách hàng của mình.

Ví dụ:

Trong vụ án xét xử 5 bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, bị cáo A luôn khai là bị cáo B mà Luật sư đang bảo vệ là chủ mưu, đầu vụ. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo khác, Luật sư nhận thấy chính bị cáo A mới là bị cáo có vai trò chủ mưu. Khi xét hỏi, thay vì hỏi bị cáo A trước, Luật sư đã tiến hành xét hỏi các bị cáo khác trước, sau khi tất cả các bị cáo đều khai và khẳng định vai trò chủ mưu của bị cáo A, lúc đó Luật sư mới hỏi đến bị cáo A. Sau khi đã nghe cả bốn bị cáo đồng phạm khai rõ tại Tòa, bị cáo A sẽ khó có thể chối cãi và đổ lỗi cho người khác.

Khi tiến hành việc xét hỏi, Luật sư cần biết là không nhất thiết các câu hỏi Luật sư đưa ra là bị cáo phải có trách nhiệm trả lời, đặc biệt là đối với các bị cáo không phải là khách hàng của Luật sư. Trong nhiều trường hợp khi Luật sư đặt câu hỏi đối với các bị cáo trong vụ án, mà các bị cáo này đang có mâu thuẫn, đối lập với bị cáo mà Luật sư bảo vệ, việc họ im lặng, lúng túng, không thể trả lời, hoặc không dám trả lời các câu hỏi mà Luật sư đưa ra cũng đã là một yếu tố có lợi cho Luật sư, để giúp HĐXX đánh giá về sự thật của vấn đề mà Luật sư đang muốn làm rõ.

Trong vụ án tội phạm về chức vụ có nhiều bị cáo bị truy tố, xét xử với hành vi đồng phạm hoặc các tội danh có liên quan đến nhau, trong một số trường hợp, các bị cáo có hành vi đổ tội cho nhau để làm giảm nhẹ vai trò, trách nhiệm của mình trong vụ án. Khi Luật sư tiến hành xét hỏi các bị cáo khác, vì nhiều lý do, bị cáo không hợp tác trả lời các câu hỏi, làm rõ các vấn đề mà Luật sư đưa ra. Trong trường hợp này, Luật sư có quyền đề nghị HĐXX công bố các lời khai của bị cáo tại CQĐT liên quan đến các vấn đề Luật sư cần hỏi.

Trước khi phạm tội, bị cáo trong các vụ án về tội phạm chức vụ thường là những người có chức vụ, quyền hạn, công tác tại các cơ quan, tổ chức, nhiều người còn giữ những cương vị cao trong xã hội, có nhiều cống hiến trong quá trình công tác. Do đó, rất nhiều trường hợp, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan, tổ chức nơi họ đã từng công tác hoặc có quan hệ gửi các tài liệu như đơn từ, báo cáo tới các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Ví dụ:

Trong vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại tài sản xảy ra tại TL-HP, cả 05 bị cáo đều nguyên là cán bộ công tác tại các cơ quan chính quyền huyện TL, đã có nhiều thành tích, cống hiến cho địa phương. Trong quá trình giải quyết vụ án, nhiều cơ quan, ban ngành tại địa phương đã gửi đơn đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Trong trường hợp này, căn cứ Điều 315 BLTTHS, Luật sư nên đề nghị công bố các tài liệu đó tại phiên tòa.

Trước khi kết thúc xét hỏi chuyển qua phần tranh luận, Chủ tọa phiên tòa thường hỏi những người tham dự phiên tòa xem ai có vấn đề gì cần hỏi, cần làm rõ nữa không. Trong trường hợp Luật sư nhận thấy việc xét hỏi đã đầy đủ thì có thể trả lời là không có vấn đề gì cần hỏi thêm. Tuy nhiên, trong trường hợp, mặc dù đã được tham gia xét hỏi xong, nhưng sau đó, nhận thấy còn vấn đề chưa được làm rõ, hoặc qua phần xét hỏi của người khác, Luật sư thấy phát sinh vấn đề cần làm rõ thì Luật sư có thể đề nghị chủ tọa cho phép Luật sư tiếp tục xét hỏi. Trong các vụ án tội phạm về chức vụ thì việc Luật sư đề nghị được tiếp tục xét hỏi thường xảy ra vì các vấn đề cần chứng minh trong vụ án thường phức tạp, vụ án thường có nhiều Luật sư tham gia nên quá trình xét hỏi có thể phát sinh các vấn đề mới.

Thực hiện quyền điều khiển phiên tòa, sau khi kết thúc xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa sẽ điều khiển tranh luận và mời Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa trình bày lời luận tội. Lời luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa là quan điểm xử lý vụ án của VKS căn cứ vào các chứng cứ của vụ án sau khi đã được thẩm định trong phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, là căn cứ pháp lý để người bào chữa và những người tham gia phiên tòa tranh luận, là căn cứ để HĐXX xem xét, đánh giá và xác định sự thật của vụ án. Trong lời luận tội, Kiểm sát viên có thể kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì có thể rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội. Chính vì vậy, trong khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, Luật sư cần chú ý lắng nghe, ghi chép các nội dung trong lời luận tội có liên quan đến bị cáo mà mình bảo vệ để sử dụng trong quá trình bào chữa. Trong các vụ án có ít bị cáo, ít tội danh thì việc theo dõi, nắm bắt các nội dung trong lời luận tội của Kiểm sát viên không có gì khó khăn. Tuy nhiên, trong các vụ án tội phạm về chức vụ quy mô lớn, có nhiều bị cáo, liên quan đến nhiều tội danh thì việc theo dõi, ghi chép, nắm bắt các thông tin liên quan đến bị cáo mà Luật sư bảo vệ không đơn giản, bởi vì trong những vụ án này, lời luận tội của Kiểm sát viên thường sẽ dài, liên quan đến nhiều bị cáo, nhiều tội danh. Luật sư cần có kỹ năng nghe, lựa chọn trong cả bài luận tội rất dài đó những vấn đề gì liên quan đến việc bảo vệ cho khách hàng của mình.

Trong các vụ án tội phạm về chức vụ các bị cáo thường có mời Luật sư tham gia với tư cách là người bào chữa nên sau khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, chủ tọa sẽ mời Luật sư phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo, sau khi Luật sư phát biểu xong, chủ tọa sẽ cho phép bị cáo được trình bày những vấn đề mà bị cáo thấy rằng cần bổ sung vào quan điểm bào chữa của Luật sư. Để chủ động trong phần tranh luận, bài bào chữa của Luật sư cần được chuẩn bị từ trước phiên tòa, sau khi đã thống nhất quan điểm bào chữa với bị cáo. Tuy nhiên, do đặc thù của vụ án tội phạm về chức vụ thường phức tạp về nội dung, tình tiết, diễn biến nên bài bào chữa của Luật sư cần tránh xu hướng chuẩn bị từ nhà rồi phát biểu nguyên văn tại phiên tòa mà cần có tính linh hoạt, bám theo diễn biến phiên tòa, các căn cứ trong lời luận tội của Kiểm sát viên để điều chỉnh cho phù hợp.

Khi trình bày quan điểm bào chữa, về nguyên tắc, chủ tọa không được hạn chế thời gian trình bày của Luật sư trừ khi Luật sư trình bày những vấn đề không liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, Luật sư cũng không nên trình bày bài bào chữa quá dài dòng, dàn trải quá nhiều vấn đề dẫn đến làm HĐXX cũng như những người tham dự phiên tòa mất tập trung. Luật sư cần trình bày bài bào chữa với thái độ nghiêm túc, lịch sự, nhẹ nhàng, lời nói rõ ràng, không quá nhanh, quá chậm để HĐXX và những người tham dự phiên tòa có thể nghe được rõ ràng, chính xác. Quan điểm bào chữa nên cô đọng, tập trung nhấn mạnh những ý chính theo định hướng bảo vệ của Luật sư. Ví dụ, trong một vụ án mà vấn đề tội danh, khung hình phạt đã rõ ràng, bản thân bị cáo cũng đã nhận tội thì khi trình bày bài bào chữa, Luật sư nên tập trung vào việc chứng minh các tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với bị cáo, các vấn đề liên quan đến nhân thân, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội có lợi cho bị cáo. Trong trường hợp vụ án có dấu hiệu oan, sai thì Luật sư phát biểu bài bào chữa theo hướng chứng minh các mâu thuẫn trong các chứng cứ mà VKS dùng để buộc tội bị cáo. Trong phần kết luận bài bào chữa, Luật sư cần đưa ra quan điểm đề nghị rõ ràng, dứt khoát. Ví dụ, đề nghị chuyển tội danh, giảm nhẹ, hoặc đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội.

Trong quá trình tranh luận tại phiên tòa, Luật sư và bị cáo mà Luật sư bảo vệ cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để việc bào chữa đem lại hiệu quả cao nhất cho bị cáo. Bị cáo trong các vụ án tội phạm về chức vụ thường là những người có trình độ hiểu biết cao, nắm được các vấn đề chuyên môn liên quan đến vụ án nên họ có thể hiểu và phát hiện ra các vấn đề trong quá trình xét xử thậm chí còn nhanh hơn, sâu hơn cả Luật sư. Chính vì vậy, trong quá trình tư vấn cho họ trước phiên tòa, Luật sư cần khuyến khích họ mạnh dạn, kết hợp với Luật sư để tự bào chữa cho mình tại phiên tòa. Để thực hiện việc tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo được phép trình bày các ý kiến của mình sau khi Luật sư đã trình bày xong, và theo quy định của pháp luật Chủ tọa phiên tòa cũng không được quyền ngắt ý kiến của họ trừ trường hợp nội dung họ trình bày không liên quan đến nội dung vụ án.

BLTTHS quy định về trình tự những người tham gia tố tụng trình bày quan điểm trong phần tranh luận, cụ thể là: bị cáo tự trình bày nếu không có người bào chữa; trong trường hợp bị cáo mời người bào chữa thì người bào chữa trình bày trước, sau đó bị cáo trình bày ý kiến bổ sung; tiếp đến là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án… Tuy nhiên, các vụ án tội phạm về chức vụ thì thường có đặc điểm là có nhiều bị cáo, và nhiều Luật sư tham gia. Trong trường hợp các vụ án có nhiều bị cáo thì pháp luật cũng không quy định cụ thể bị cáo nào có quyền trình bày trước, và trong trường hợp một bị cáo có nhiều Luật sư bào chữa thì Luật sư nào phát biểu trước, điều này phụ thuộc vào việc điều hành của Chủ tọa phiên tòa và thỏa thuận giữa các Luật sư. Thông thường, chủ tọa sẽ mời Luật sư bào chữa cho bị cáo có vai trò chủ mưu, đầu vụ phát biểu trước, tiếp đến là các Luật sư khác.

Khi đối đáp, sau khi Luật sư, bị cáo trình bày quan điểm bào chữa, những người tham gia tố tụng trình bày quan điểm của mình, Kiểm sát viên phải tham gia đối đáp và đưa ra quan điểm của mình đối với từng ý kiến. Khi Kiểm sát viên phát biểu quan điểm đối đáp với các vấn đề Luật sư đã nêu ra trong quan điểm bào chữa, Luật sư cần chú ý lắng nghe, ghi chép để nắm được quan điểm tranh luận của Kiểm sát viên, và đồng thời biết được Kiểm sát viên đã đối đáp hết tất cả các ý kiến mà Luật sư đưa ra chưa. Theo quy định tại Điều 322 BLTTHS: “Kiểm sát viên phải đưa ra các chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng ý kiến của từng bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, đặc biệt là đối với các vụ án tội phạm về chức vụ lớn, nhạy cảm, có nhiều trường hợp, vì nhiều lý do, Kiểm sát viên không đối đáp, hoặc không đối đáp hết các vấn đề mà Luật sư đã đưa ra. Điều này làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, làm rõ sự thật khách quan của vụ án tại phiên tòa. Trong trường hợp này, Luật sư cần đề nghị Chủ tọa phiên tòa để Chủ tọa phiên tòa thực hiện quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa. Khoản 2 Điều 322 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận”.

Luật sư không chỉ tham gia đối đáp với Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa mà trong nhiều trường hợp còn đối đáp với cả những người tham gia phiên tòa khác như Luật sư bào chữa cho các bị cáo khác… Trong các phiên tòa xét xử vụ án tội phạm về chức vụ có nhiều bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm hay các tội phạm khác có liên quan đến nhau, các bị cáo thường có khuynh hướng đổ trách nhiệm cho nhau.

 

Ví dụ 7:

Trong vụ án xét xử tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và hủy hoại tài sản do TAND thành phố HP xét xử, bị cáo H thì khai: bị cáo K là người phải chịu trách nhiệm chính. Trong khi đó, bị cáo K thì lại khai rằng chính bị cáo H mới là người phải chịu trách nhiệm chính. Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo H và bị cáo K phải tranh luận với nhau để làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án, bảo vệ cho khách hàng của mình.

Trong nhiều trường hợp, do tính chất phức tạp liên quan đến các hành vi phạm tội trong các tội phạm về chức vụ, sau khi tranh luận phát sinh ra những vấn đề, chứng cứ mới cần làm rõ, việc làm rõ các vấn đề, chứng cứ này là có lợi cho khách hàng, Luật sư có thể đề nghị HĐXX quyết định quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ các vấn đề, chứng cứ mới.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa thường mang tính đối kháng giữa Luật sư bảo vệ bị cáo và Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, giữa các Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo có quyền lợi mâu thuẫn hay đối lập nhau trong vụ án hay với những người tham gia tố tụng khác. Đặc biệt là trong các vụ án tội phạm về chức vụ các bị cáo thường mời nhiều Luật sư tham gia. Do đó, khi tham gia tranh tụng, Luật sư cần giữ thái độ bình tĩnh khi xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa, tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, tránh có thái độ cay cú, dùng lời lẽ xúc phạm hoặc thiếu tôn trọng người khác.

Trong quá trình tranh luận tại phiên tòa đòi hỏi Luật sư phải luôn tỉnh táo nắm bắt các vấn đề, phản ứng nhanh nhạy, sắc bén với các tình huống phát sinh. Tuy nhiên, để giúp Luật sư có thể chủ động, thành công trong quá trình tranh tụng, Luật sư cần có sự chuẩn bị ngay từ trước phiên tòa. Cụ thể, căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các quy định của pháp luật, bằng kinh nghiệm và sự từng trải của mình, Luật sư cần lập một bản dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa. Trong bản dự kiến này, Luật sư phải tự đặt mình vào vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác để tự đặt câu hỏi: Nếu mình là những người đó thì sẽ sử dụng những chứng cứ nào, tình tiết nào để buộc tội bị cáo mà Luật sư bảo vệ, từ đó đưa ra các giải pháp hóa giải các tình huống đó. Các giải pháp hóa giải các tình huống dự kiến được suy nghĩ, chuẩn bị từ trước sẽ có tính thuyết phục hơn, vận dụng được các quy định của pháp luật hơn là việc phản ứng nhanh, trả lời ngay tại phiên tòa. Điều chắc chắn rằng Luật sư sẽ không thể dự kiến được tất cả các tình huống phát sinh nhưng dù sao sự chuẩn bị trước cũng có ích cho Luật sư hơn.

Khi tham gia tranh luận, Luật sư cần tôn trọng và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, trong trường hợp Chủ tọa phiên tòa vi phạm tố tụng, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của Luật sư tại phiên tòa thì Luật sư cần có thái độ kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trong thực tiễn xét xử các vụ án tội phạm về chức vụ có quy mô lớn, nhạy cảm, rất nhiều trường hợp chủ tọa đã liên tục ngắt lời khi Luật sư đang trình bày quan điểm hoặc tham gia đối đáp.

Ví dụ 8:

Trong phiên tòa xét xử vụ án PMU 18, Chủ tọa phiên tòa đã đặt ra quy định mỗi Luật sư chỉ được trình bày trong mười phút, và liên tục ngắt lời khi Luật sư trình bày, để phản đối, nhiều Luật sư đã rời bỏ phiên tòa. Hiện nay, khi gặp tình huống trên, Luật sư không nên phản ứng tiêu cực rời bỏ phiên tòa, bởi vì, sau sự kiện đó, Quy tắc đạo đức hành nghề Luật sư đã sửa đổi và có quy định là việc Luật sư tự ý rời bỏ phiên tòa là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong những tình huống như vậy, nếu nhận thấy hành vi của Chủ tọa phiên tòa có dấu hiệu vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền của mình, Luật sư có quyền đề nghị HĐXX yêu cầu chủ tọa chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyền yêu cầu Kiểm sát viên sử dụng quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự để yêu cầu chủ tọa chấm dứt hành vi vi phạm tố tụng.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan