Để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử vụ án ma túy, trước hết Luật sư phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để định hướng quan điểm bào chữa cho bị cáo có phạm tội hay không phạm tội về ma túy.
Thứ nhất, nếu dự kiến quan điểm bào chữa theo hướng không phạm tội, cần phân biệt hai trường hợp: (i) Trường hợp bị oan, khởi tố, điều tra về một tội danh không đúng; (ii) Trường hợp có những dấu hiệu hành vi khách quan, nhưng “chứng cứ yếu” hoặc chưa đủ căn cứ buộc tội… Như đã nêu ở trên, thường trong các vụ án liên quan đến ma túy, mức độ “chối tội”, phản cung hay tìm mọi cách chứng minh sự vô tội của từng bị cáo có tính quyết liệt hơn những vụ án hình sự khác. Để xác định chính xác quan điểm bào chữa trong những trường hợp này, Luật sư không chỉ gặp mặt và thống nhất quan điểm với bị cáo tại trại tạm giam trước khi xét xử, mà còn bằng niềm tin nội tâm và sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình, có thể nhận thấy bị cáo mình bào chữa có bị oan hay không. Thật sự đây không phải là điều dễ dàng khi bàn đến vấn đề niềm tin nội tâm, nhưng nếu không có niềm tin này, mỗi luật sư khó có thể trình bày hoặc nói ra những quan điểm bênh vực mang tính thuyết phục được.
Ví dụ:
Trong một vụ án ma túy, V đến nhà chị T để mua heroin nhưng T đang ngủ; lợi dụng lúc đó V lấy trộm một cục heroine tương đương 2 chỉ. V đem cục heroine đến nhà H nhờ H cất giữ. Khi ngủ dậy, chị T phát hiện bị mất heroine, nên đã cùng Đ đi tìm V và gặp V tại nhà H. Tại đây, T hỏi V xin lại số heroine bị mất, nhưng V bảo H cầm, nên T hỏi xin H thì H bắt T phải chuộc 700.000 đồng. Cáo trạng quy buộc H phạm tội chiếm đoạt chất ma túy, nhưng qua nghiên cứu hồ sơ, Luật sư nhận thấy khi V thực hiện hành vi trộm cắp nhằm chiếm đoạt chất ma túy thì không trao đổi với H, cũng không cùng H thực hiện hành vi này. Vì thế, H không phạm tội chiếm đoạt chất ma túy nhưng phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trong một vụ án ma túy khác, vào ngày 03/8, H đến nhà của A mua 2 phân heroine. H đưa cho A 350.000 đồng, A đưa cho B là cháu trong nhà cất giữ, B vào bếp lấy heroine giao cho H thì bị cảnh sát hình sự kết hợp với Công an phường bắt quả tang. Khi thu giữ tại bếp có 2 cái ví, trong đó có 22 bịch nilon đựng chất bột màu trắng, dưới vỏ thùng bia có bịch nilon đựng chất bột màu trắng; thu giữ tại phòng vệ sinh 20,4 triệu đồng và 2 điện thoại di động của C là con gái của A. Tại Công an phường, khi đang lập biên bản phạm tội quả tang thì có một đối tượng mua heroine gọi vào số máy điện thoại của C để hỏi mua, từ đó Công an tiến hành bắt khẩn cấp C. Khi nhận bào chữa cho C, một Luật sư vào làm việc tại trại tạm giam, được biết ngay từ đầu C đã không thừa nhận mình tham gia mua bán heroine với mẹ mình là A và cho rằng mình bị truy tố oan. Khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư còn phát hiện các đối tượng có lời khai và nhận dạng ảnh của C tuy chỉ đúng C, nhưng lại sai tên và khi tiến hành đối chất thì lại thừa nhận không biết C là ai. Đặc biệt, CQĐT đã sử dụng lời khai của H vào ngày 29/8/2011 để buộc tội C, trong khi đó chính CQĐT khi xác minh cho biết H đã trốn khỏi địa phương vào ngày 04/8. Mặt khác, khi bắt giữ các bị cáo A và B, cơ quan công an không bắt giữ C, chỉ thu giữ tại phòng ngủ của C 2 điện thoại di động và 20,4 triệu đồng, theo C giải thích là tiền do con của bị cáo A ở Đức gửi về… Trên cơ sở phân tích rõ ràng như vậy của Luật sư, Tòa án ngoài việc tuyên phạt tù đối với bị cáo A và B, tuyên bố C không phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Như vậy, trong vụ án này, Luật sư đã phát hiện những tình tiết, chứng cứ quan trọng chứng minh sự vô tội của C, nhưng khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Thẩm phán – Chủ tọa nhận định lại cho rằng căn cứ vào lời khai ban đầu của A, B và của những người mua heroine như H…, đối chiếu lời khai và các biên bản nhận dạng, biên bản phạm pháp quả tang, nhất là khi các đối tượng mua heroine có gọi vào số điện thoại của C hỏi mua…, nên đã nhận định chính C là người có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, lại khai báo gian dối nhằm trốn tránh pháp luật nên quy buộc là tội phạm nguy hiểm. Do vậy, đã kiến nghị kháng nghị bản án sơ thẩm theo trình tự giám đốc thẩm theo hướng tuyên bố C phạm tội.
Như vậy, chỉ ngay trong định hướng bào chữa cho bị can không phạm tội liên quan đến ma túy, các Luật sư đã phải đối diện với những thách thức và khó khăn, phức tạp trong việc đánh giá chứng cứ. Cả 2 vụ án nói trên quan điểm bào chữa của Luật sư là khách hàng không phạm tội, nhưng trường hợp thứ nhất lại phạm tội khác, còn trường hợp thứ hai niềm tin nội tâm của Luật sư thật sự chưa chắc đã tin vào sự vô tội của bị cáo C, vì qua tiếp xúc, bản thân Luật sư cũng thấy thái độ của C không trung thực, lại ăn ở, sinh hoạt trong một gia đình có mẹ ruột là đối tượng mua bán trái phép chất ma túy chuyên nghiệp… nên không thể không biết. Vì thế, việc chưa đủ căn cứ buộc tội C chủ yếu là do “chứng cứ” yếu, mâu thuẫn. Việc lựa chọn phương án bào chữa trong trường hợp này không phải là điều dễ dàng. Luật sư không chỉ phải đối diện với các tình tiết có trong hồ sơ, mà còn phải xuất phát từ niềm tin nội tâm và đạo đức nghề nghiệp, nhất là khi bị cáo C quay trở lại tiếp tục nhờ Luật sư bào chữa. Câu hỏi đặt ra là Luật sư có nên tiếp tục nhận bào chữa cho C không?
Thứ hai, nếu dự kiến quan điểm bào chữa theo hướng xin giảm nhẹ TNHS cho bị cáo, ngoài những quy định rõ trong BLHS năm 2015, Luật sư cũng cần chú ý đến một số trường hợp đã có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng pháp luật và đường lối xử lý nêu trong Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP) để bào chữa chuyển tội danh cho chính xác.
Nếu bào chữa theo hướng đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho khách hàng, Luật sư đề xuất áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS thì cần lưu ý đến hướng dẫn của Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TANDTC về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ. Nếu khách hàng, tại giai đoạn điều tra hoặc tại phiên tòa sơ thẩm quanh co, chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật, nhưng sau khi có kết luận điều tra hoặc sau khi xét xử sơ thẩm đến phiên tòa phúc thẩm đã khai báo lại một cách đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội, thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo”.
Kỹ năng của Luật sư trong các vụ án ma túy đòi hỏi Luật sư không chỉ nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải có tác phong tỷ mỉ, thận trọng khi xem xét, đánh giá các chứng cứ. Trong một số trường hợp tham gia bào chữa các vụ án được Tòa án xét xử lưu động, Luật sư cần nhận thức tính chất nghiêm trọng của vụ án, dư luận bức xúc của quần chúng nhân dân và mức độ nghiêm khắc của hình phạt để cân nhắc liều lượng câu chữ, lập luận khi bào chữa cho có tính thuyết phục. Cách thức chuẩn bị và cơ cấu của bài bào chữa cũng có thể thiết lập theo kinh nghiệm bào chữa trong các vụ án hình sự khác như các vụ án về xâm phạm sở hữu, án tham nhũng…
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn