Trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, Luật sư phải làm việc với khách hàng là bị can (bị cáo) của vụ án. Khi gặp gỡ, trao đổi với bị can (bị cáo) trong các vụ án ma túy cần chú ý các điểm sau:
Thứ nhất, trong các cuộc gặp, làm việc đầu tiên, trước khi vào trại tạm giam gặp khách hàng, Luật sư cần tìm hiểu khách hàng mình là người như thế nào, có tiền án, tiền sự hay không, làm nghề gì để lựa chọn cách giao tiếp, trao đổi nội dung cuộc làm việc cho phù hợp. Thông thường, khách hàng trong các vụ án ma túy là những đối tượng có tâm lý hay nghi ngờ người khác, che giấu tâm tư cũng như các vấn đề liên quan đến họ. Đây là đối tượng rất khó tiếp cận, trong quá trình làm việc, hoặc họ không hợp tác với Luật sư hoặc họ che giấu, không nói đúng sự việc cũng như luôn có sự đánh giá, cân nhắc về khả năng của Luật sư đối với việc bào chữa cho họ.
Trong nhiều vụ án, ngoài bị can còn có những người thân khác cũng tham gia nên họ thường có tư tưởng không khai báo, che giấu sự việc phạm tội. Từ tâm lý đó họ có thái độ nghi ngờ và không hợp tác với bất cứ Chính vì vậy trong cuộc gặp và trao đổi đầu tiên, Luật sư nên chuẩn bị các phương án tiếp cận, làm việc phù hợp. Không nên đặt mục tiêu thu thập được thông tin về hành vi của khách hàng ngay trong cuộc gặp đầu tiên. Luật sư nên quen, trao đổi các vấn đề về điều kiện giam giữ cũng như tình trạng sức khỏe, tinh thần khi bị bắt tạm giam. Trong quá trình làm việc nên kiên nhẫn, tránh thái độ nôn nóng hoặc thờ ơ.
Ví dụ:
Trong vụ án Trần Thị Thu Vân và Trần Văn Hiếu phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, ngoài việc tham gia của Hiếu (chồng Vân) có sự tham gia của Trần Thị Hải Hà (con gái Vân) và Trần Văn Chung (cháu ruột). Trong quá trình khai báo tại CQĐT, Vân chỉ thừa nhận hành vi bị bắt quả tang còn lại không khai báo thêm gì. Buổi làm việc đầu tiên của Luật sư và Vân, Luật sư chỉ xác định đây là buổi làm việc để Luật sư và khách hàng làm quen, xác định tình trạng tinh thần và sức khỏe của khách hàng trong quá trình bị tạm giam để điều tra. Xác định nguyện vọng, mong muốn của khách hàng cũng như thông báo cho khách hàng những gì mà Luật sư nắm bắt được về quá trình giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng.
Với khách hàng mà Luật sư là người được chỉ định bào chữa, Luật sư cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với thái độ không tin tưởng, không hợp tác của khách hàng. Thông thường, trường hợp được chỉ định thường là các bị can bị khởi tố ở khung có mức hình phạt chung thân, tử hình, đồng thời chính sách hình sự đối với nhóm tội ma túy rất nghiêm khắc, khả năng bị áp dụng hình phạt nặng là rất lớn nên họ hoặc có tâm lý buông xuôi hoặc có tâm lý cố gắng che giấu hành vi phạm tội đến cùng. Cho nên, Luật sư cần chuẩn bị tốt nội dung cuộc gặp cũng như chuẩn bị tâm lý, cách thức làm việc phù hợp.
Nếu khách hàng có tâm lý thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội thì nội dung lời khai của khách hàng tại buổi làm việc sẽ giống như trong quá trình khai nhận ở CQĐT. Nếu khách hàng kêu oan, Luật sư nên chú ý lắng nghe, ghi nhận lại thông tin mà khách hàng kêu oan. Tránh tình trạng nóng vội đưa ra những nhận định, đánh giá sau khi nghe được thông tin. Nếu khách hàng không hợp tác, Luật sư nên giải thích về trách nhiệm của Luật sư với khách hàng.
Thứ hai, trong quá trình vụ án đang được điều tra, truy tố, Luật sư gặp và trao đổi với khách hàng để làm rõ nội dung vụ án, làm rõ những tình tiết có lợi cho khách hàng. Trong các cuộc gặp đó, Luật sư cần chuẩn bị các vấn đề, câu hỏi để làm rõ nội dung mà khách hàng đã khai trong hồ sơ cho nên Luật sư cần phải nghiên cứu hồ sơ cẩn thận, chi tiết trước khi gặp khách hàng.
Đối với những vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có tổ chức, Luật sư phải làm rõ vị trí, vai trò của khách hàng cũng như sự liên hệ, trao đổi liên lạc giữa khách hàng và những bị can khác trong đường dây, cách thức vận chuyển, giao nhận hàng; khách hàng tham gia ở công đoạn nào, có nằm trong đường dây hay được thuê để thực hiện một công đoạn trong cả quá trình phạm tội, nếu được thuê để thực hiện một công đoạn thì đây là lần đầu hay là đã thực hiện nhiều lần trước đó; khách hàng có biết về mục đích phạm tội của đối tượng khác liên quan trong vụ án không.
Ví dụ:
Ngày 27/02, Nguyễn Thị Nga đang ở nhà thì nhận được điện thoại của Độ (quê ở B) bảo Nga đến nhà chờ xe buýt nhận một gói hàng của một phụ nữ mặc quần áo đen, đội nón lá và có khăn che mặt, sau đó, đem đến nhà nghỉ H chuyển cho Chính, Độ sẽ chi cho Nga 3 triệu đồng. Nghe theo Độ, Nga đã đi ra bến xe buýt và lấy hàng được bọc trong giấy báo cũ theo chỉ dẫn của Độ. Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, Nga gặp Chính là một người đàn ông khoảng 40 tuổi. Nga đưa hàng cho Chính kiểm tra. Chính kiểm tra xong đã gói lại như cũ và bảo Nga cầm ra khỏi nhà nghỉ giao cho Chính thì Chính sẽ trả tiền. Khi Chính và Nga xuống phòng lễ tân ở tầng 1 thì Nga bị bắt còn Chính đã chạy mất. Theo kết luận giám định thì bột trắng bọc trong giấy báo cũ thu giữ của Nga là heroine. CQĐT đã khởi tố bị can đối với Nga về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Trong vụ án trên, Luật sư cần trao đổi với Nga để làm rõ Nga có biết về mục đích của việc Độ chuyển ma túy cho Chính hay không. Nếu không biết hoặc không quan tâm thì hành vi của Nga chỉ là hành vi vận chuyển chứ không phải là đồng phạm trong tội mua bán trái phép chất ma túy. Việc Nga đã nhiều lần hay đây là lần đầu tiên chuyển ma túy cho Độ sẽ là tình tiết chứng minh ý thức chủ quan của Nga. Vì nhiều lần chuyển ma túy thì Nga gần như phải nhận thức được hành vi của Độ là hành vi bán trái phép chất ma túy chứ không phải nhằm mục đích khác.
Nếu vụ án mà khách hàng tự khai nhận thêm hành vi, sự việc phạm tội, Luật sư cần trao đổi để làm rõ trong tình huống nào họ đã khai như vậy. Luật sư trao đổi để xác định sự việc họ đã khai có những ai biết, chứng kiến để đối chiếu, so sánh với lời khai của những bị can khác.
Thứ ba, trong quá trình điều tra, truy tố, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Luật sư nên tư vấn cho khách hàng thực hiện việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của họ gây ra để được áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa hành vi khắc phục hậu quả với hành vi tự nguyện nộp tiền, tài sản do phạm tội mà có.
Ví dụ :
Trong vụ án Nguyễn Đức Cường mua bán trái phép chất ma túy, CQĐT đã xác định Cường bán ma túy và thu lợi bất chính số tiền là 8 triệu đồng. Nguyễn Đức Cường đã nộp số tiền 8 triệu đồng cho CQĐT. Hành vi nộp 8 triệu đồng này được xác định là việc Cường nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ hành vi bán ma túy chứ không phải là hành vi khắc phục hậu quả. Nếu muốn áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì nên tư vấn cho Cường ngoài việc nộp 8 triệu đồng (là số tiền thu lợi bất chính) phải xác định rõ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là gì, nếu có thì mới nộp tiền để khắc phục hậu quả đó.
Trước khi ra phiên tòa, Luật sư cần trao đổi với khách hàng về những vấn đề mà Luật sư sẽ hỏi cũng như tranh luận đối đáp tại Tòa. Luật sư phân tích về hậu quả pháp lý mà khách hàng sẽ có thể phải chịu đối với hành vi mà họ đã thực hiện cũng như chính sách hình sự đối với nhóm tội phạm về ma túy như việc rất khó có thể được áp dụng hình phạt nhẹ như cải tạo không giam giữ, cảnh cáo hay phạt tù cho hưởng án treo, mức hình phạt thường nghiêm khắc.
Ngoài ra, Luật sư cũng nên trao đổi thêm về hình phạt bổ sung có thể được áp dụng với bị cáo như hình phạt tiền hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản sung công quỹ. Luật sư cần trao đổi với khách hàng về một số nội dung của Chỉ thị số 01/2005/CT-TA ngày 30/8/2005 của Chánh án TANDTC về chính sách hình sự đối với tội phạm về ma túy như “khi xét xử, các Tòa án áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo khung hình phạt mà điều luật đã quy định;… khi xét xử các hành vi phạm tội mà theo quy định của BLHS có thể áp dụng hình phạt bổ sung thì kiên quyết áp dụng, đặc biệt là đối với những người phạm các tội về ma túy”.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn