Luật sư tiến hành trao đổi, đề xuất với CQĐT, VKS và Tòa án khi có vấn đề cần làm rõ, vấn đề có lợi cho khách hàng. Trong các vụ án ma túy, việc trao đổi, đề xuất để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi khách hàng bị tạm giam rất khó được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận. Vì các đối tượng trong vụ án ma túy hiểu rất rõ hậu quả pháp lý cũng như chính sách hình sự của Nhà nước đối với các tội về ma túy nên nếu được thay đổi biện pháp tạm giam có thể sẽ là điều kiện thuận lợi để bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc thông cung. Việc trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án ma túy chủ yếu liên quan đến tội danh, thủ tục tố tụng và thu thập, làm rõ chứng cứ.
Về tội danh, khung khoản áp dụng
Luật sư sẽ trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng khi việc khởi tố, điều tra, truy tố không đúng. Đặc biệt là trường hợp khách hàng thực hiện nhiều hành vi liên quan mật thiết đến nhau được quy định trong các điều từ 249 đến 255 BLHS năm 2015 và các tội đó không bằng nhau. Luật sư cần trao đổi, kiến nghị nếu CQĐT khởi tố thành các tội danh độc lập tương ứng với mỗi hành vi đó. Trong trường hợp này, CQĐT chỉ được khởi tố về hành vi theo điều luật có quy định tội nặng hơn.
Ví dụ:
Nguyễn Văn A có hành vi trồng cây thuốc phiện, sau đó, A đã chiết xuất heroine từ quả cây thuốc phiện mà A trồng. CQĐT đã khởi tố Nguyễn Văn A về hai tội, tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây có chứa chất ma túy và tội sản xuất trái phép chất ma túy. Trong vụ án này, Luật sư cần trao đổi, đề xuất cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố A về tội sản xuất trái phép chất ma túy và hủy bỏ tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây có chứa chất ma túy đối với A.
Đối với các hành vi phạm tội độc lập có liên quan đến nhau mà tội danh bằng nhau nhưng CQĐT khởi tố thành các tội độc lập tương ứng với mỗi hành vi thì Luật sư cần đề xuất CQĐT chỉ khởi tố về một tội duy nhất là tội đầu tiên trong BLHS tương ứng với hành vi của khách hàng. Ví dụ: CQĐT khởi tố đối với Nguyễn Văn A tội chiếm đoạt chất ma túy và tội sản xuất trái phép chất ma túy vì A đã có hành vi chiếm đoạt chất ma túy để sản xuất trái phép chất ma túy. Luật sư cần kiến nghị hủy bỏ tội chiếm đoạt chất ma túy đối với Nguyễn Văn A.
Ngoài ra, trong vụ án ma túy có rất nhiều trường hợp từ việc bắt quả tang, bị can đã khai ra các hành vi mua bán trái phép chất ma túy trước đó. Trong các vụ án đó, Luật sư cần trao đổi, kiến nghị về việc không được áp dụng tình tiết định khung phạm tội nhiều lần đối với khách hàng vì không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nhiều lần của khách hàng.
Ví dụ :
Khoảng 0h30 ngày 20/02, Công an quận L bắt quả tang Đào Trọng Triển có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý tại khu vực bờ đê. Khi bắt giữ, Công an thu được trong người Triển 2 túi nilon đựng 13 gói nhỏ chứa heroine có trọng lượng 0,268 gam, 01 điện thoại di động và 40.000 đồng. Triển khai nhận vừa bán cho một đối tượng nghiện ma tuý 2 gói loại 20.000 đồng/gói thì bị bắt, số heroine thu giữ trong người Triển là của Nguyễn Công Tuấn (không rõ địa chỉ) thuê bán và Triển đã bán thuê cho Tuấn từ ngày 15/02 cho đến lúc bị bắt vào ngày 20/02, mỗi ngày Tuấn đưa cho Triển tiền công là 50.000 đồng/ngày.
Theo lời khai, CQĐT cho Triển nhận dạng Tuấn và tiến hành khám xét nơi ở của Tuấn nhưng không thu được vật chứng có liên quan đến vụ án. CQĐT cho Triển đối chất với Tuấn, Tuấn không thừa nhận việc thuê Triển bán heroine. CQĐT đã đề nghị truy tố Triển theo khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 về hành vi bán ma túy nhiều lần.
Trong vụ án này, Luật sư đã có văn bản kiến nghị gửi VKS đề nghị truy tố Triển theo khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 vì chỉ có duy nhất lời khai của Triển về hành vi bán ma túy từ ngày 15/02 đến 20/02 là chưa đủ chứng cứ để chứng minh cũng như việc sử dụng duy nhất lời nhận tội của bị can để truy tố là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Về việc thu thập, đánh giá chứng cứ
Khi các chứng cứ buộc tội còn mâu thuẫn hoặc chính khách hàng kêu oan, Luật sư cần có kiến nghị, trao đổi đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thêm chứng cứ, làm rõ điểm mâu thuẫn hoặc đánh giá chứng cứ phải thận trọng.
Ví dụ :
Trong vụ án Lưu Hồng Thịnh bị khởi tố điều tra về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Theo biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, vào hồi 7h sáng ngày 14/7, công an tỉnh H đã bắt giữ Lưu Hồng Thịnh đang vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ là 01 gùi tre bên trong đựng 12,854 ml dung dịch màu vàng, 01 áo khoác, 01 sổ ghi số điện thoại chữ Trung Quốc, 01 giấy chứng minh nhân dân có dán ảnh của Thịnh và 01 giấy thông hành mang tên Thịnh do Trung Quốc cấp. Theo kết luận giám định thì dung dịch thu giữ được nêu trên là dung dịch Diazepam nằm trong danh mục các chất ma túy.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư thấy có rất nhiều điểm mâu thuẫn trong các chứng cứ được thu thập trong hồ sơ như: Trong biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang thì Thịnh bị bắt khi đang cầm giấu một gùi tre vào bờ rào. Tuy nhiên, những người làm chứng trực tiếp bắt giữ có nhiều lời khai khác nhau về việc bắt giữ Thịnh. Lời khai của người làm chứng là anh Trần Văn Vang cũng khác nhau. Anh Vang khai, Thịnh bị bắt khi từ trong bụi rậm đi ra, trên tay cầm một chiếc gùi. Sau đó lại khai: trước đó không nhìn rõ Thịnh có đeo gùi hay không. Sau khi bắt được Thịnh rồi anh Vang mới đến và nhìn thấy chiếc gùi đựng ma túy ở bên cạnh Thịnh. Việc bắt giữ Thịnh có cả cán bộ VKS chứng kiến. Việc lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang lại có xác nhận của anh Lê Thanh Bình là người chứng kiến và có lời khai về việc thấy Thịnh chui qua hàng rào, sau đó thò tay qua hàng rào kéo một gùi tre đưa lên vai thì bị bắt giữ. Bình có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau. Tại biên bản bắt giữ Thịnh và những người chứng kiến không có lời khai về việc thu giữ giấy thông hành và chứng minh nhân dân của Thịnh. Sau này lại có lời khai về việc thu giữ số giấy tờ này, nhưng những lời khai này lại không thống nhất về nơi thu giữ số giấy tờ đó. Tại CQĐT, Thịnh chỉ có 2 lời khai nhận tội, các lời khai còn lại đều kêu oan.
Với việc mâu thuẫn trong chứng cứ trên, Luật sư cần làm đơn kiến nghị đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ những điểm còn mâu thuẫn trong lời khai của Vang, Bình cũng như lý do mà Thịnh kêu oan.
Ngoài ra, trong vụ án về ma túy, Luật sư cũng cần đề xuất cơ quan tiến hành tố tụng cho đối chất làm rõ mâu thuẫn trong lời khai buộc tội. Bởi lẽ, trong vụ án ma túy, chứng cứ chủ yếu là các lời khai của các bị can trong vụ án. Các bị can thường có tâm lý đổ tội hoặc khai không chính xác, mâu thuẫn. Cho nên, nếu thấy lời khai buộc tội khách hàng có mâu thuẫn giữa chính khách hàng với lời khai của bị can khác, hoặc giữa các bị can thì Luật sư phải đề xuất đối chất làm rõ.
Ngoài vấn đề tội danh, khung khoản áp dụng, thu thập và đánh giá chứng cứ, trong các vụ án ma túy lớn, Luật sư đôi khi cũng cần trao đổi, kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng về vấn đề xác định tiền, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của khách hàng.
Ví dụ:
Trong vụ án Trương Thị Thu Vân và Trần Văn Hiếu phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, CQĐT đã xác định căn nhà số 108 lô D phường L là nơi buôn bán heroine cũng như căn nhà này là tài sản do phạm tội mà có. Ngoài ra, khi khám khẩn cấp chỗ ở tại số 108 lô D, CQĐT đã thu giữ 32.700 USD và 5.500.000 đồng. Tuy nhiên, theo chứng cứ có trong vụ án, số tiền thu được trong nhà của Hiếu và Vân là tiền của Trần Thị Lan (con gái Vân) gửi; gia đình Lan hiện đang sống cùng Vân và Hiếu tại số nhà 108 lô D.
Trong vụ án này, Luật sư đã có văn bản kiến nghị gửi VKS làm rõ nguồn gốc số tiền thu giữ khi khám nhà cũng như nhu cầu nhà ở của gia đình Trần Thị Lan. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 45 BLHS năm 2015 thì “khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống”. Kiến nghị của Luật sư sẽ làm rõ căn cứ để Tòa án quyết định tịch thu một phần hay toàn bộ căn nhà này theo đúng với quy định tại Điều 45 BLHS năm 2015.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn