[TƯ VẤN LHS – TỘI PHẠM MA TUÝ] Nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị cho việc bào chữa

Những lưu ý khi nghiên cứu hồ sơ để xác định tội danh và khung khoản.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư cần phải xác định loại chất ma túy mà bị can bị quy buộc có hành vi phạm tội có nằm trong danh mục và liệt kê các loại chất ma túy theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất hay không; các dấu hiệu đặc trưng của tội phạm về ma túy. Nếu chất hoặc tiền chất đó không có trong danh mục mà Nhà nước quy định thì hành vi của khách hàng không thể bị xử lý theo quy định của BLHS về các tội liên quan đến ma túy được.

Trong một số vụ án, Luật sư cũng cần phân biệt giữa hành vi phạm tội về ma túy với các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy bao gồm các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất ma túy, tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần. Ngoài ra, trong một số tội cần xác định chính xác khối lượng chất ma túy để truy cứu hình sự.

Ví dụ:

Theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015 việc tàng trữ trái phép chất ma túy như Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR – 11 có khối lượng dưới 0,1 gram… Hoặc xác định người thực hiện hành vi có phải là con nghiện hay không, vì con nghiện cho con nghiện sử dụng nơi ở, quản lý để sử dụng ma túy thì không bị xử lý hình sự về hành vi chứa chấp hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tuy nhiên nếu lượng ma túy thu được mà đủ trọng lượng cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý về tội tàng trữ trái phép các chất ma túy.

Ngoài ra, trong thực tiễn, một số hành vi của nhóm tội phạm ma túy có sự “dấp dính”, Luật sư cần phân biệt và xác định như:

– Trong tội sản xuất trái phép chất ma túy, Luật sư cần nghiên cứu các chứng cứ để xác định hành vi sản xuất trái phép chất ma túy mà khách hàng đã thực hiện là hành vi gì. Phân biệt giữa sản xuất và pha chế chất ma túy vì thực tế hành vi pha chế ma túy thành dung dịch hay trộn các chất ma túy để dùng tăng tính kích thích thì hành vi này là pha chế. Hành vi sản xuất là hành vi làm ra chất ma túy.

– Trong các vụ án mà khách hàng phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với hành vi cung cấp địa điểm để sử dụng ma túy, Luật sư cần nghiên cứu xác định việc khách hàng có phải là con nghiện hay không. Con nghiện cho con nghiện khác sử dụng địa điểm do mình sở hữu, quản lý để họ sử dụng ma túy thì không phải chịu Nếu không phải là con nghiện mà cho người khác dùng địa điểm để họ sử dụng ma túy thỏa mãn cơn nghiện thì đây là hành vi chứa chấp người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc xác định con nghiện phải được tiến hành theo quy định của pháp luật.

– Trong tội mua bán trái phép chất ma túy, vụ án có đối tượng mua bán chất ma túy là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi cần nghiên cứu xác định hành vi của khách hàng được thực hiện bao nhiêu lần, tổng trọng lượng các lần mua bán đó là bao nhiêu để xác định việc truy tố của VKS có đúng với quy định tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hay không.

Những lưu ý khi nghiên cứu tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Trong một số vụ án về ma túy, để khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử một số bị can, cơ quan công an đã sử dụng một số hoạt động trinh sát để phá án. Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) có quy định tại điểm (b): Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy; Vấn đề sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát trong các chuyên án đấu tranh chống tội phạm về ma túy là cần thiết. Tuy nhiên, các tài liệu do cán bộ trinh sát thu thập có được coi là chứng cứ trong vụ án hay không? Theo Điều 86 BLTTHS năm 2015 thì chỉ coi là chứng cứ nếu được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Vì vậy, hiện nay các tài liệu trinh sát không được coi là chứng cứ. Tuy nhiên, thực tế trong vụ án về ma túy, Luật sư gặp rất nhiều báo cáo của cán bộ trinh sát, báo cáo của người bắt giữ (công an phường, công an quận) tham gia quá trình bắt giữ người phạm tội quả tang báo cáo về việc phát hiện và bắt giữ người phạm tội như thế nào.

Ví dụ:

Ngày 20/7, Công an quận H ập vào bắt quả tang hành vi đánh bạc tại phòng 410, khách sạn V thì phát hiện ở phòng 403, Nguyễn Văn Minh có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Theo biên bản bắt người phạm tội quả tang, khi vào phòng phát hiện 01 bịch nilon bên trong chứa tinh thể không màu; 01 bịch nilon bên trong chứa tinh thể màu vàng; 01 túi da màu đen, bên trong có 01 bao lì xì màu đỏ; 01 bình thủy tinh màu trắng, phía trên miệng bình thủy tinh có ống thủy tinh màu trắng hình cong; 01 hột quẹt khè có cán màu cam; 01 hột quẹt khè hình trụ màu đen. Nguyễn Văn Minh không thừa nhận và không ký tên vào niêm phong hai bịch nilon vì cho rằng đồ vật đó không phải của mình. Theo báo cáo bắt giữ của trinh sát thì khi ập vào chỉ có Minh trong phòng, phát hiện và thu giữ được các đồ vật nêu trên. Trong vụ án này, xác định hai gói nilon có chứa tinh thể không màu và màu vàng là của Minh hay không là vấn đề mấu chốt trong việc chứng minh Minh có tàng trữ trái phép chất ma túy. Báo cáo bắt giữ của trinh sát có được coi là chứng cứ hay không. Theo quy định của Điều 111 BLTTHS năm 2015, Thông tư số 04/2018/ TTLT- VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì báo cáo bắt giữ vẫn được coi là chứng cứ nếu đáp ứng được các quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015.

Khi nghiên cứu hồ sơ trong các vụ án ma túy, Luật sư cần lưu ý các loại tài liệu sau đây:

– Tài liệu về việc thu giữ đồ vật, vật chứng: Nghiên cứu tài liệu này để xác định CQĐT đã thu được ma túy hay không, số lượng, hình thức lúc thu giữ ra sao, thu được ở đâu? Thông thường khi thu giữ, CQĐT sẽ ghi trong biên bản là “chất bột trắng nghi là heroine” hay là các viên thuốc màu hồng hay màu vàng mà không xác định ngay đó có phải là ma túy. Vật chứng ma túy trong vụ án ma túy là chứng cứ quan trọng để chứng minh khách hàng có phạm tội. Nếu một vụ án về ma túy mà không có ma túy sẽ là vụ án luôn gây tranh cãi khi định tội cũng như khi định khung để áp dụng.

– Nghiên cứu về thủ tục giám định do CQĐT tiến hành, nhưng cần kiểm tra kỹ hồ sơ về các biên bản niêm phong tang vật, chữ ký của bị can trên các biên bản và dấu niêm phong, cũng như các dụng cụ phân chia ma túy đã được thu giữ như thế nào. CQĐT trưng cầu giám định đối với vật chứng nào và kết luận của cơ quan giám định ra sao. Chú ý các trường hợp cần giám định để xác định hàm lượng chính xác chất ma túy được quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 (Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC- BTP), Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC- BTP về giám định hàm lượng chất ma túy; Công văn số 315/TATC- PC/2017 về thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA- VKSNDTC-TANDTC-BTP, bổ sung các trường hợp cần giám định hàm lượng ma túy, ngoài các trường hợp được quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP. Theo đó, tại Công văn số 315/TATC-PC/2017 đã xác định: Trường hợp qua xét xử mà xác định rõ chất ma túy bị pha lẫn, trộn nhiều loại chất tạp khác để tăng trọng lượng bán cho các con nghiện thu lời, thì sẽ phải trưng cầu giám định xác định chính xác hàm lượng ma túy; hoặc trường hợp lượng ma túy bắt giữ của đối tượng phạm tội thu được thuộc khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình thì phải giám định xác định chính xác hàm lượng chất ma túy.

Ví dụ :

Ngày 20/7, Công an bắt quả tang trong người Nguyễn Thị Thắm có 5 gói heroine có trọng lượng 0,269 gam heroine. Với việc xác định trọng lượng và giám định đã xác định chất bột màu trắng là heroine thì Thắm bị truy cứu TNHS về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, Thắm khai Thắm có 1 gói heroine, sau đó Thắm trộn lẫn với B1 tán đều chia nhỏ ra thành 05 gói bán cho các con nghiện kiếm lời. Đối chiếu Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BTP và Công văn số 315/TATC-PC/2017 thì cần phải giám định xác định hàm lượng chất ma túy trong 05 gói heroine của Thắm. Tại kết luận giám định của Viện khoa học hình sự cho biết 5 mẫu chất bột trắng là chế phẩm heroine, hàm lượng heroine 0,17%. Nếu tính trọng lượng theo hàm lượng thì trọng lượng heroine mà Thắm tàng trữ là 0,269 gam x 0,17/100 = 0,045 gam heroine. Cách tính này đã làm cho hành vi của Thắm là hành vi phạm tội trở thành hành vi bị xử phạt hành chính. Việc giám định có xác định hàm lượng đã được quy định cụ thể trong Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BTP bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau: Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ngoài ra, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật. Công văn số 315/ TATC-PC/2017 của TANDTC bổ sung 02 trường hợp cần giám định xác định hàm lượng ma túy của Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, đó là: Những vụ án phạm tội có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân, tử hình; Những vụ án trong giai đoạn xét xử, Tòa án xét thấy có căn cứ xác định người có hành vi phạm tội đã pha trộn các chất không phải là ma túy, tiền chất vào chất ma túy, tiền chất.

Giám định trong trường hợp là ma túy tổng hợp, ma túy đá… Luật sư cần lưu ý đó là chất gây nghiện nào, số lượng là bao nhiêu viên, trọng lượng mỗi loại, đồng thời phải xác định loại chất này có được xác định trong danh mục các chất ma túy, các chất gây nghiện hay các chất hướng thần mà Chính phủ đã ban hành hay không.

Ví dụ:

Vụ án Huỳnh Song Toàn có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Kết quả giám định xác định 02 gói chất bột màu trắng thu giữ có trọng lượng là 2,2553 gam, có chứa thành phần Methamphetamine; 20 viên thuốc tân dược hình đầu chó có trọng lượng 4,1300 gam có chứa thành phần Ephedrine và desmethyl -DOB. Đối với 20 viên thuốc tân dược có thành phần Ephedrine và desmethyl-DOB, Luật sư cần lưu ý: Thứ nhất, thành phần Ephedrine có trong một số loại thuốc tân dược dùng trong điều trị bệnh về đường hô hấp; nếu dạng tiêm thì chỉ được bán theo đơn. Thứ hai, trong danh mục chất ma túy, ephedrine là chất nằm trong danh mục tiền chất để sản xuất chất ma túy theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP. Vì vậy, Luật sư cần làm rõ thành phần Ephedrine và desmethyl-DOB có tạo ra chất gây nghiện hay không.

– Nghiên cứu các lời khai của khách hàng xác định khách hàng có nhận tội hay không, có khai thêm các hành vi phạm tội đã thực hiện trước đó không. Khi thấy khách hàng tự nhận thêm hành vi phạm tội, Luật sư cần nghiên cứu các lời khai khác trong hồ sơ để xác định có phải chỉ có duy nhất lời nhận tội của khách hàng hay còn có lời khai của các đối tượng khác. Nếu chỉ có duy nhất lời khai tự nhận tội của khách hàng thì đây là điểm Luật sư có thể tranh luận với VKS. Nếu còn có các lời khai của người khác, Luật sư cần phải nghiên cứu kỹ các lời khai đó để xác định sự phù hợp của các lời Nếu các lời khai là thống nhất và lôgic thì đây là điểm bất lợi cho khách hàng vì các Tòa án sẽ xem lời khai là căn cứ để định tội và định khung cho các bị cáo.

Nếu khách hàng hoàn toàn không thừa nhận mình có hành vi phạm tội, Luật sư cần nghiên cứu kỹ các lời khai của những người khác cũng như các tài liệu xác định cơ quan công an có thu giữ được ma túy tại nơi ở của khách hàng hay không? Nếu thu giữ được thì cần phải xem xét khách hàng khai về việc tại sao có ma túy ở trong nhà. Nếu không thu giữ được ma túy mà chỉ đơn thuần dựa vào lời khai của những người khác, Luật sư phải nghiên cứu từng bản lời khai một, cần so sánh một cách kỹ lưỡng từng sự kiện, hành vi mà họ đã khai để tìm ra những điểm không đồng nhất, những điểm còn nghi ngờ. Nếu những lời khai đó vừa có lời khai đồng nhất kết tội khách hàng vừa có những lời khai có lợi, thừa nhận khách hàng không tham gia phạm tội, Luật sư đương nhiên sẽ ghi lại những tình tiết có lợi nhưng vẫn phải tìm những khe hở trong lời khai kết tội để bác bỏ lời khai của họ. Nếu không lập luận bác bỏ được lời khai buộc tội, hậu quả là vụ án có nguy cơ bị xử đi xử lại nhiều lần vì các quan điểm khác nhau của người tiến hành tố tụng.

Ví dụ:

Trong vụ án Lê Thu Huyền phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, khi bắt quả tang thì Huyền không có ở hiện trường, tuy nhiên, cơ quan công an thu giữ 01 chiếc điện thoại được xác định là của Huyền. Khi đang lập biên bản thì điện thoại đổ chuông do đối tượng mua heroine gọi hỏi mua heroine. Lê Thu Huyền không thừa nhận mình có hành vi mua bán ma túy, điện thoại là Huyền mới mua của đối tượng không quen biết. Lời khai của những người có mặt khi bị bắt quả tang như bà Hải (mẹ Huyền) thì ban đầu khai Huyền có tham gia mua bán nhưng sau lại khai Huyền không tham gia. Lê Xuân Siêu khai là Huyền không tham gia mua bán heroine. Những người mua heroine khai là mua của người tên là Phương. Biên bản nhận dạng thì chỉ có 01 người nhận ra Huyền là Phương, còn những người khác không nhận ra Huyền. Trong vụ án này, Luật sư cần phải đối chiếu lời khai của bà Hải, anh Siêu và những người mua ma túy để xác định Huyền có tham gia bán ma túy hay không. Trong các lời khai đó có điểm bất lợi cho Huyền là lời khai ban đầu của bà Hải và việc 01 người mua ma túy nhận ra Huyền là Phương. Luật sư nghiên cứu lời khai của bà Hải để xác định tại sao bà Hải lại thay đổi lời khai, lý do đó có thuyết phục không. Cũng như xem xét biên bản nhận dạng của người mua ma túy đã xác định Huyền là Phương, đặc biệt lưu ý đến lý do vì sao lại xác định được Phương chính là Huyền.

– Nghiên cứu các tài liệu khác để tìm tình tiết giảm nhẹ cho khách hàng như tài liệu về nhân thân. Đối với khách hàng là phụ nữ cần nghiên cứu xác định khách hàng có phải là phụ nữ đang mang thai hoặc là người đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hay không như trong hồ sơ có tài liệu về việc khách hàng mang thai, có tài liệu về giấy khai sinh của con hay không. Luật sư nghiên cứu lý lịch cá nhân, tàng thư căn cước có trong hồ sơ để xác định khách hàng có tiền án, tiền sự không. Nếu đã có tiền án, cần kiểm tra tiền án đã được xóa hay chưa bằng cách kiểm tra các tài liệu mà CQĐT đã thu thập như bản án, giấy ra tù, văn bản trả lời của Cơ quan thi hành án dân sự về việc đã thi hành phần dân sự trong bản án hình sự chưa.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan