Giống như bất kể vụ án nào, Luật sư cần nghiên cứu các chứng cứ, các tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến hoạt động bào chữa hoặc bảo vệ.
Tương trợ tư pháp
Tuy nhiên, khác với các vụ án hình sự thông thường, trong hồ sơ vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, bên cạnh các nguồn chứng cứ, tài liệu được các cơ quan tố tụng Việt Nam thu thập ở trong nước còn có thể có những chứng cứ, tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu thập trên cơ sở quy định về tương trợ tư pháp và hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.
Theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và quy định của BLTTHS năm 2015 về hợp tác quốc tế trong tố tụng, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nếu xác định có yếu tố nước ngoài thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp:
1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang cư trú ở nước được yêu yêu cầu;
2. Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;
3. Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam;
4. Truy cứu TNHS đối với người đang ở nước mà người đó mang quốc tịch;
5. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Vì vậy, Luật sư phải nghiên cứu xem các cơ quan tiến hành tố tụng đã lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp chưa; Các yêu cầu tương trợ tư pháp đã đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật chưa, kết quả như thế nào…
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, có hay không yếu tố nước ngoài trong vụ án hình sự.
Ngoài những dấu hiệu rõ ràng về yếu tố nước ngoài như dấu hiệu về chủ thể là người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài và trốn đến Việt Nam hoặc phạm tội tại Việt Nam hay người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài và trốn về Việt Nam hoặc phạm tội tại Việt Nam và trốn ra nước ngoài thì Luật sư cần chú ý đến các yếu tố nước ngoài khác, như: bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng là người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài hoặc có những chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án được thu thập ở nước ngoài.
Việc xác định vụ án có hay không có yếu tố nước ngoài không chỉ có ý nghĩa về mặt tố tụng hình sự mà còn có ý nghĩa trong việc xem xét TNHS.
Ví dụ :
Trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà bị cáo (người Việt Nam) đã sử dụng một Giấy chứng nhận kiểm định tài sản mang tên người nước ngoài do một công ty nước ngoài kiểm định để giới thiệu với khách mua hàng trong nước. Khách mua hàng trong nước tin tưởng nên đã chuyển tiền cho bị cáo nhưng sau đó nghi ngờ nên trình báo với Công an. Trong quá trình điều tra, bị cáo khai là có quen một người nước ngoài khi họ làm việc tại Việt Nam (có tên đúng là chủ sở hữu trong Giấy chứng nhận kiểm định tài sản), người nước ngoài này có nhờ bị cáo tìm người mua lô hàng trên, bị cáo sẽ được 3% giá trị tài sản bán được. Trong quá trình tìm kiếm khách hàng, các bên vẫn liên hệ qua email và điện thoại. Nhưng khi bị bắt tạm giam, CQĐT không liên lạc được với người nước ngoài qua email và số điện thoại mà bị cáo đã cung cấp. Cáo trạng cho rằng bị cáo không có hàng hóa như đã chào hàng với người bị hại và kết luận bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trên cơ sở kiến nghị của Luật sư, Tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng có yếu tố nước ngoài chưa được làm rõ. Quá trình điều tra, CQĐT chưa lập hồ sơ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong việc lấy lời khai của công ty giám định, của giám định viên, của chủ sở hữu lô hàng để xác định tính xác thực của lô hàng cũng như việc có hay không chủ sở hữu lô hàng đã nhờ bị cáo môi giới bán hàng.
Trong vụ án này kết quả xác minh tương trợ tư pháp mà xác định được lời khai của bị cáo tại CQĐT là đúng thì bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, Luật sư cần hết sức chú ý trong các vụ án mà những chứng cứ buộc tội có yếu tố nước ngoài nhưng chưa được xác minh thông qua hoạt động tương trợ tư pháp thì không thể coi là chứng cứ để buộc tội. Hay những chứng cứ có lợi cho bị cáo nhưng lại không được xem xét, xác minh thông qua hoạt động tương trợ tư pháp cũng sẽ ảnh hưởng đến việc định tội danh đối với bị cáo.
Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng đã thông báo tiếp xúc Lãnh sự chưa.
Việc phối hợp tổ chức thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài thực hiện theo khoản 5 Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Theo đó, bị can là người nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam thì cơ quan tố tụng phải thông báo và tạo điều kiện cho đại diện của các cơ quan ngoại giao của các nước có công dân bị bắt, tạm giữ, tạm giam thực hiện việc bảo hộ công dân của nước họ. Đối với những người bị hại là người nước ngoài thì phải lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự trong việc thu thập yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ cũng như những vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không phải trường hợp nào người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đều bị xử lý về hình sự, chính sách pháp luật của Nhà nước ta có những ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. Đây là vấn đề quan trọng liên quan đến việc bảo hộ công dân của quốc gia có công dân bị tạm giữ, tạm giam hay có quyền lợi bị xâm phạm trong các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên không phải trường hợp nào vấn đề thông báo lãnh sự cũng được xử lý ngay tại thời điểm tạm giữ, tạm giam. Nhiều vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng chậm trễ dẫn đến quyền lợi của người bị tạm giam, tạm giữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị can, bị cáo không có Luật sư ngay từ đầu hoặc không có người phiên dịch có đủ trình độ ngoại ngữ để hỗ trợ trợ cho họ trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ ba, các yêu cầu tương trợ tư pháp đã đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật chưa.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp trong quá trình điều tra, hay giải quyết tin tố giác tội phạm, những người tiến hành điều tra và kiểm sát điều tra không lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp để đề nghị phía nước ngoài hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ, đến khi chuẩn bị kết thúc thời hạn điều tra mới lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp. Khi lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp thì yêu cầu không cụ thể, không đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Ví dụ như khi xác minh nhân thân bị cáo lại không yêu cầu làm rõ tài sản của bị cáo để làm cơ sở cho việc khắc phục hậu quả; không xác định chính xác tuổi của bị cáo để làm căn cứ xác định tuổi chịu TNHS. Khi đặt yêu cầu tương trợ tư pháp lại không xác định thời hạn dẫn đến nhiều vụ án hết thời hạn điều tra nhưng vẫn chưa có kết quả xác minh.
Trong quá trình lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng thường thông qua Sở Ngoại vụ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để gửi yêu cầu tương trợ tư pháp ra nước ngoài; thông qua kênh INTER- POL, ASEANPOL – Bộ Công an; cử cán bộ trực tiếp đến các nước để thu thập tài liệu, chứng cứ; các cơ quan tiến hành tố tụng của các tỉnh giáp biên giới với các nước láng giềng trực tiếp gửi yêu cầu tương trợ tư pháp đề nghị hỗ trợ… tuy nhiên không phải tài liệu tương trợ tư pháp hình sự nào cũng có giá trị chứng minh tại phiên tòa.
Theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và trong đa số các Hiệp định Việt Nam đã ký với nhiều nước thì cơ quan trung ương tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự là VKSNDTC; Riêng đối với Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự của các nước ASEAN quy định Bộ Công an là cơ quan đầu mối thực hiện Hiệp định.
Thứ tư, vấn đề phiên dịch trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài.
Tại Điều 29 BLTTHS năm 2015 quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Theo quy định của pháp luật thì đây là quyền của người tham gia tố tụng. Tại Điều 70 BLTTHS năm 2015 quy định trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu người phiên dịch có khả năng phiên dịch.
Pháp luật chỉ quy định người phiên dịch là người có khả năng phiên dịch. Tuy nhiên để đánh giá khả năng phiên dịch, người phiên dịch phải là một người có bằng cấp chuyên môn nhất định đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu phiên dịch. Nhưng do pháp luật không quy định cụ thể nên có thể sẽ dẫn đến việc người phiên dịch không đảm bảo đủ trình độ để truyền tải, phản ánh đúng nội dung cần phiên dịch trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Điều này sẽ dẫn đến các chứng cứ được thu thập thông qua hoạt động phiên dịch không bảo đảm tính xác thực, tính khách quan của chứng cứ.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư phải chú ý vấn đề này, phải chú ý người phiên dịch có được cơ quan có thẩm quyền công nhận năng lực chuyên môn hay không. Người phiên dịch, người dịch thuật có phải là người có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết không, có được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hay không? Có thuộc các trường hợp phải từ chối tham gia tố tụng không.
Thông thường, dựa trên biên bản thể hiện yêu cầu sử dụng tiếng nói và chữ viết của bị can, khi trưng cầu người phiên dịch, các cơ quan tiến hành tố tụng thường yêu cầu người phiên dịch phải có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề đúng với tiếng phổ thông mà người nước ngoài phạm tội mang quốc tịch. Tuy nhiên, không phải lúc nào người phiên dịch cũng có thể hiểu và phiên dịch đúng, nhất là người phạm tội là người dân tộc thiểu số, không nói được tiếng phổ thông khi đó cần phải tìm người phiên dịch hiểu tiếng dân tộc thiểu số của quốc gia đó thì mới phiên dịch được.
Thứ năm, về địa điểm phát hiện bắt giữ người nước ngoài phạm tội.
Đây là vấn đề quan trọng trong việc xác định thẩm quyền khởi tố của cơ quan tiến hành tố tụng đối với tội phạm có hành vi phạm tội\ ngoài lãnh thổ của Việt Nam, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định mới tại khoản 3 Điều 6, qua đó chính thức ghi nhận hiệu lực của BLHS đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với trường hợp này thì người phạm tội (kể cả người nước ngoài) cũng có thể bị truy cứu TNHS theo quy định của BLHS trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định. Tuy nhiên trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng đã đề cập đến vấn đề này, chẳng hạn, tại Điều 4 Công ước về các hành vi phạm tội và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay có quy định: Một quốc gia ký kết không phải là quốc gia đăng ký tàu bay không được can thiệp vào tàu bay đang bay để thực hiện quyền tài phán hình sự của mình đối với các hành vi phạm tội thực hiện trên tàu bay trừ các trường hợp sau đây: a) Hành vi phạm tội gây ảnh hưởng tới lãnh thổ của quốc gia đó; b) Hành vi phạm tội do công dân hoặc người thường trú của Quốc gia đó được thực hiện hoặc chống lại họ; c) Hành vi phạm tội chống lại an ninh của quốc gia đó; d) Hành vi phạm tội bao gồm việc vi phạm bất kỳ quy tắc hoặc quy định hiện hành nào liên quan tới chuyến bay hoặc hoạt động của tầu bay tại quốc gia đó; e) Việc thực hiện quyền tài phán là cần thiết để bảo đảm việc tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ nào của quốc gia đó theo hiệp định quốc tế đa phương.
Như vậy, trường hợp người phạm tội ngoài lãnh thổ của Việt Nam xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam thì Việt Nam chỉ có quyền tài phán hình sự khi điều ước quốc tế mà chúng ta đã là thành viên có quy định. Vì vậy, Luật sư cần chú ý các trường hợp này để xác định khách hàng của mình có thuộc trường hợp bị truy tố theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không.
Thứ sáu, chữ ký xác nhận của người phiên dịch trong các biên bản hỏi cung bị can, bị cáo và các tài liệu tố tụng khác có liên quan.
Khi đã có người phiên dịch theo quy định pháp luật thì mọi hoạt động điều tra, truy tố và xét xử đều phải có sự tham gia của người phiên dịch.
Biên bản hỏi cung bị can được tiến hành theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 184 BLTTHS: “…Trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung”. Như vậy, khác với người bào chữa chỉ ký vào trang cuối của biên bản thì người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung như bị can. Khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cần chú ý vấn đề này bởi khi không có chữ ký của người phiên dịch ở tất cả các trang của biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung là sự vi phạm tố tụng. Việc không có chữ ký của người phiên dịch ở các trang biên bản sẽ không đảm bảo tính xác thực, tính hợp pháp của chứng cứ. Trong thực tế, nhiều Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể do nhầm lẫn giữa người bào chữa, người đại diện hợp pháp với người phiên dịch nên nhiều bản cung người phiên dịch không ký vào từng trang nên đã bị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thứ bảy, về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Khi xem xét, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự về nội dung phải tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự nhưng về hình thức phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định trong BLTTHS. Cùng với việc thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ về phần dân sự trong vụ án hình sự như đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt, đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị hủy hoại, buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm…
Đây là quyền lợi của bị can, bị cáo cũng như bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác. Nhưng đây là vấn đề phát sinh trong vụ án hình sự, nhiều khi các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như những người tiến hành tố tụng không quan tâm đúng mức tới việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự, chỉ chú trọng đến việc giải quyết vấn đề TNHS. Tuy nhiên, một số Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với một số nước có quy định vấn đề dân sự liên quan đến vụ án hình sự phải được giải quyết trong khi xử lý vụ án hình sự, không được tách thành một vụ kiện dân sự khác khi đã có đầy đủ các tài liệu. Nhất là các vụ án mà việc xác định vấn đề dân sự là cơ sở cho việc xác định cấu thành tội phạm, ảnh hưởng đến việc định khung hình phạt. Vì vậy, Luật sư cần chú ý để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi lập hồ sơ tương trợ tư pháp hay ủy thác tư pháp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình theo quy định tại chương 2 Luật Tương trợ tư pháp.
Thứ tám, về các biên bản giao nhận các văn bản tố tụng.
Luật sư cần chú ý xem bị can, bị cáo có đồng ý với nội dung bản tố tụng hay không; có mời phiên dịch để hỗ trợ trong quá trình tiếp xúc bị cáo hay không? Các biên bản có chữ ký của người phiên dịch hay người dịch thuật không. Ở các biên bản này bị cáo có đưa ra ý kiến của mình hay không, ý kiến đó như thế nào, cơ quan tố tụng có thu thập và đánh giá chứng cứ liên quan đến ý kiến của họ hay không. Theo nguyên tắc xác định sự thật của vụ án tại Điều 15 BLTTHS năm 2015 quy định “…Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ TNHS của người bị buộc tội.” Việc bị cáo đưa ra ý kiến của mình cũng là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá và nếu có cơ sở thì phải thu thập chứng cứ chứng minh.
Thông thường, khi bị cáo đồng ý với nội dung bản cáo trạng, khi ra phiên toà bị cáo sẽ nhận tội, ít phản cung; Ngược lại, nếu khi bị cáo không chấp nhận nội dung bản cáo trạng thì sẽ không nhận tội và thường thay đổi lời khai. Trường hợp này, Luật sư cần nghiên cứu kỹ các chứng cứ khác có liên quan đến ý kiến của bị cáo để xác định sự thật của vụ án.
Luật sư cần chú ý bản kết luận điều tra, cáo trạng và biên bản giao nhận bản kết luận điều tra, cáo trạng. Đối với vụ án có người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì Điều tra viên, Kiểm sát viên chỉ cần giao một bản kết luận điều tra, cáo trạng bằng tiếng Việt. Nhưng trường hợp người nước ngoài phạm tội không sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt thì Điều tra viên, Kiểm sát viên phải giao một bản kết luận điều tra, cáo trạng bằng tiếng Việt và một bản được dịch sang tiếng nói và chữ viết mà người nước ngoài phạm tội đã đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự. Bản dịch sang tiếng nước ngoài phải có chữ ký của người dịch đã được Cơ quan tố tụng yêu cầu trong quá trình điều tra, truy tố.
Trong vụ án có nhiều người nước ngoài phạm tội thì bản kết luận điều tra hay cáo trạng phải được dịch sang tiếng nói và chữ viết của từng người đã sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự.
Ví dụ:
Vụ án có bị can Nguyễn Văn A sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Anh, bị can Nguyễn Văn B sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Trung Quốc, bị can Nguyễn Văn C sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Lào… thì bản kết luận điều tra, cáo trạng phải được dịch sang tiếng Anh để giao cho bị can A, dịch sang tiếng Trung để giao cho bị can B và dịch sang tiếng Lào để giao cho bị can C.
Trường hợp người nước ngoài phạm tội đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt khi tham gia tố tụng hình sự thì không phải dịch bản cáo trạng sang tiếng nói và chữ viết mà người đó mang quốc tịch.
Ví dụ:
Nguyễn Winston mang quốc tịch Canada nhưng phạm tội ở Việt Nam, khi bị bắt đã đề nghị sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng Việt nên khi tham gia tố tụng hình sự bản cáo trạng không phải dịch sang tiếng Canada.
Khi giao kết luận điều tra hay cáo trạng cho người nước ngoài phạm tội thì giao một bản tiếng Việt và một bản được dịch sang thứ tiếng mà người đó đã đề nghị sử dụng khi tham gia tố tụng hình sự và phải được ghi rõ trong biên bản giao nhận.
Như vậy, tùy theo việc Luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ cho bị hại hay người có quyền lợi liên quan mà cần thiết phải tập trung nghiên cứu chi tiết, cụ thể những tài liệu chứng cứ liên quan đến việc bảo vệ khách hàng của mình. Từ đó đặt ra kế hoạch tiếp xúc với người mà mình cần bảo vệ để làm rõ những vấn đề khúc mắc trong hồ sơ cũng như những vấn đề cần thiết phải chứng minh mà trong hồ sơ chưa thu thập đầy đủ.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn