Ngoại trừ quy định về thẩm quyền xét xử (đồng thời là thẩm quyền điều tra, truy tố) và một số hoạt động đặc biệt được thực trên cơ sở hợp tác quốc tế, quy định của BLTTHS về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài về cơ bản giống như đối với các vụ án hình sự nói chung.
Một số vấn đề chung Luật sư cần hết sức lưu ý:
Trường hợp người nước ngoài bị khởi tố và bị áp dụng biện pháp bắt tạm giam, Luật sư cần liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước có công dân phạm tội để giải quyết yêu cầu tiếp xúc lãnh sự để nhận được sự phối hợp với các cơ quan này trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của bị can.
Tiếp xúc lãnh sự là một chế định trong luật pháp quốc tế quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại, trong việc tạo điều kiện cho cơ quan hoặc nhân viên lãnh sự của nước ngoài thực hiện đại diện lãnh sự hoặc bảo hộ cho công dân nước họ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự tại nước sở tại.
Việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự được thực hiện theo Chỉ thị số 21/2000/CT-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về Thông báo và tiếp xúc lãnh sự đối với công dân nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam. Theo đó, khi công dân nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong quá trình điều tra liên quan đến vụ án hình sự, CQĐT cần thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao và phối hợp với Bộ Ngoại giao thu xếp cho đại diện của cơ quan đại diện nước ngoài khi có yêu cầu được tiếp xúc lãnh sự. Việc tiếp xúc lãnh sự được thực hiện theo các quy định tại khoản 5 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Điều 13 Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Luật sư cần chủ động gặp, trao đổi, tư vấn cho cán bộ Lãnh sự của nước có công dân bị buộc tội các kiến thức cơ bản của pháp luật Việt Nam có liên quan đến quyền được tiếp xúc lãnh sự để bảo hộ cho công dân của nước đó như thủ tục, trình tự tiếp xúc Lãnh sự, thời gian tiếp xúc Lãnh sự, các trường hợp không giải quyết tiếp xúc Lãnh sự. Thông qua người phiên dịch, Luật sư cũng cần hướng dẫn cho cán bộ Lãnh sự của nước có công dân bị buộc tội chuẩn bị đủ các giấy tờ cần thiết khi vào cơ sở giam giữ như Giấy giới thiệu tiếp xúc Lãnh sự, Hộ chiếu hoặc thẻ ngoại giao của cán bộ Lãnh sự, giấy tờ tùy thân (Hộ chiếu hoặc Chứng minh thư nhân dân, Căn cước công dân) của người phiên dịch đi cùng do cơ quan ngoại giao giới thiệu đến hỗ trợ ngôn ngữ cho cán bộ Lãnh sự. Luật sư nên giải thích cho cán bộ Lãnh sự biết các quy định cụ thể về thời gian tiếp xúc như chỉ được tiếp xúc 01 lần trong 01 tháng, thời gian tiếp xúc Lãnh sự trong giờ làm việc hành chính, vào ngày làm việc bình thường, mỗi lần tiếp xúc không quá 01 giờ để cán bộ Lãnh sự chủ động bố trí được thời gian phù hợp, chuẩn bị nội dung phù hợp khi vào cơ sở giam giữ tiếp xúc với người bị buộc tội. Trường hợp cán bộ Lãnh sự của nước có công dân bị buộc tội cần tăng thêm số lần tiếp xúc Lãnh sự hoặc tăng thêm số người tiếp xúc Lãnh sự thì phải trao đổi, được cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án đồng ý.
Đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo hay những vấn đề nhạy cảm khác mà công dân nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam thì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thông báo kịp thời cho Bộ Ngoại giao và đề xuất hướng xử lý để phối hợp đối ngoại. Đối với những trường hợp này, Bộ Ngoại giao cần cân nhắc kỹ thời điểm thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Các cơ quan chức năng không thu giữ hộ chiếu của công dân nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam. Trường hợp hộ chiếu đó được coi là vật chứng của vụ án đang được tiến hành điều tra cần thu giữ hoặc trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh, việc thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài là cần thiết, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cần thống nhất biện pháp xử lý sao cho vừa bảo đảm thi hành luật pháp, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng chuyển giao hộ chiếu đó cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Dù thời điểm Luật sư được tham gia đang ở giai đoạn tố tụng nào (điều tra hay truy tố) thì quá trình tiếp xúc, trao đổi với người bị buộc tội Luật sư cần phải làm rõ việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và việc bắt tạm giam (nếu có) có căn cứ pháp luật hay không; Khách hàng của Luật sư bị khởi tố về tội danh gì, thuộc điểm, khoản, điều luật nào của BLHS. Việc tiến hành khởi tố, tạm giữ, bắt tạm giam có đúng các thủ tục tố tụng hình sự hay không, có vi phạm gì khác theo quy định của BLTTHS không. Nếu khách hàng của Luật sư phạm tội ít nghiêm trọng thì Luật sư có thể có văn bản đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thay thế biện pháp tạm giam bằng các biện pháp ngăn chặn khác như quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú…
Tùy tình hình thực tế, Luật sư có thể chủ động lập kế hoạch, bố trí thời gian phù hợp để gặp và trao đổi với người nước ngoài bị bắt tạm giam để nắm thêm các thông tin về nội dung vụ án và làm rõ hơn các nội dung, tình tiết còn mâu thuẫn, chưa được cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ. Qua các buổi gặp, tiếp xúc với người bị buộc tội là người nước ngoài Luật sư sẽ có thêm điều kiện để giải thích pháp luật cho họ, nắm tâm tư nguyện vọng và động viên họ chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam.
Hoạt động này có thể do Luật sư chủ động thực hiện, có thể liên hệ phối hợp với cơ quan ngoại giao (của nước mà người đó mang quốc tịch) tại Việt Nam để bố trí cán bộ lãnh sự có thẩm quyền phối hợp thực hiện. Do cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở giam giữ không chấp nhận cán bộ phiên dịch do Luật sư tự giới thiệu nên trước khi vào cơ sở giam giữ gặp và trao đổi với người nước ngoài bị bắt tạm giam, Luật sư cần liên hệ với Sở Ngoại vụ của tỉnh (thành phố) nơi cơ sở giam giữ đặt trụ sở đề nghị giới thiệu cán bộ phiên dịch do Sở Ngoại vụ quản lý để giúp Luật sư về ngôn ngữ khi trao đổi với người nước ngoài bị buộc tội.
Trong giai đoạn điều tra, Luật sư thực hiện việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật; tham gia vào các hoạt động điều tra; kiến nghị, đề xuất với CQĐT, với Điều tra viên hoặc VKS về cơ bản giống như các vụ án khác.
Luật sư cần có một số lưu ý:
Nếu phát hiện có những thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan nhưng đang ở nước ngoài thì Luật sư cần có văn bản đề nghị CQĐT lập hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự để đề nghị cơ quan chức năng của nước ngoài hỗ trợ thu thập theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Ví dụ:
Vụ án hình sự về tội buôn lậu, xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng, trong đó Luật sư đã có văn bản đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự:
Nội dung vụ án:
Ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) ,Công ty TNHH MTV (gọi tắt là Công ty) mở tờ khai hải quan, nhập 535,800m3 gỗ trắc từ Lào. Hải quan cửa khẩu Lao Bảo kiểm tra, thông quan và Công ty nộp thuế 3.246.503.317 đồng.
Hai ngày sau, ngày 19/12/2011, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Công ty mở tờ khai xuất khẩu nguyên lô gỗ sang Hồng Kông (Trung Quốc). Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt kiểm hóa, thông quan và lô gỗ được xe chở xuống tàu ở cảng Đà Nẵng để xuất khẩu.
Sau khi hoàn thành thủ tục, doanh nghiệp vận chuyển 22 container từ Quảng Trị đến cảng Đà Nẵng để xuất khẩu. Trên đường vận chuyển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng thì bị Công an quận N (Đà Nẵng) phát hiện, bắt giữ.
Tiến hành khám xét một container, Công an quận Ngũ Hành Sơn kết luận, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa không đúng tuyến đường, không đúng khai báo hải quan. Do hàng hóa đang chịu sự kiểm soát của cơ quan hải quan nên Công an quận N làm thủ tục chuyển Hải quan Đà Nẵng xem xét xử lý.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và Hải quan Quảng Trị, Hải quan Đà Nẵng tiến hành khám xét, xử lý lô hàng theo quy định pháp luật. Căn cứ kết quả điều tra, kết luận, Công ty có hành vi xuất khẩu không khai báo hải quan sản phẩm gỗ, gỗ giáng hương… Toàn bộ số gỗ xuất khẩu không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Do đó, ngày 06/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu” xảy ra tại cảng Đà Nẵng, thu giữ toàn bộ số gỗ của Công ty chứa trong 22 container; chuyển vụ án đến cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.
Kết luận điều tra viết: “Ngày 24/10/2016, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có kết luận giám định số 4312/C54-P5”. Trong đó, khẳng định lô gỗ có hồ sơ xuất xứ từ Lào, chữ ký của ông Khamfong Vorabout, con dấu của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào trên các hồ sơ nhập khẩu đều “do cùng một người ký ra” với chức danh “The manager” và “do cùng con dấu đóng ra”. Kiến nghị của những người tham gia tố tụng chỉ ra: gỗ doanh nghiệp Lào bán cho Công ty là có thực, không phải “hồ sơ giả mạo” như điều tra kết luận trước đây nên Công ty không có hành vi buôn lậu.
Hồ sơ đã rõ, lô gỗ do doanh nghiệp Lào bán cho Công ty cũng như trong thực tế, việc giao nhận gỗ diễn ra tại cửa khẩu và được đóng thuế đủ, thì phải dựa vào Công văn số 1328/BCT-XNK ngày 8/2/2013 của Bộ Công Thương để xem xét tiếp. Theo kết luận điều tra bổ sung, Công văn số 1328 căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, ngày 23/01/2006, của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán quốc tế. Trong đó, quy định: “Trường hợp gỗ từ các nước xuất khẩu sang Việt Nam, doanh nghiệp của nước xuất khẩu phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại và thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam do doanh nghiệp nước xuất khẩu chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của Việt Nam”. Lô gỗ trắc được Công ty nhập từ Lào có hồ sơ rõ ràng, không cấm tạm nhập tái xuất, giao nhận tại cửa khẩu có giám sát, làm thủ tục và đóng thuế theo quy định, sau đó tái xuất nên không có hành vi buôn lậu. Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, Luật sư nhận thấy hồ sơ vụ án có yếu tố nước ngoài, đó là hàng hóa có xuất xứ từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và đang có các ý kiến khác nhau về vấn đề mua bán, xuất nhập khẩu…nên đã có văn bản kiến nghị CQĐT tiến hành lập hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự. Kiến nghị này đã được chấp nhận. Kết quả tương trợ tư pháp về hình sự đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có thêm nguồn tài liệu để có nhận định, đánh giá vụ án khách quan, toàn diện và chính xác hơn.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn