Luật sư cần chú ý theo dõi diễn biến của phiên tòa xem có bảo đảm các thủ tục tố tụng mà BLTTHS quy định hay không. Khi Thư ký phiên tòa báo cáo danh sách những người được triệu tập, tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư cần chú ý theo dõi sự có mặt của các thành phần tham dự phiên tòa như đại diện hợp pháp của bị cáo, của đại diện cơ quan ngoại giao, người phiên dịch hay người dịch thuật không.
Nếu thấy sự vắng mặt của một người tham gia tố tụng nào đó sẽ bất lợi cho khách hàng của mình thì Luật sư phải chuẩn bị sẵn quan điểm để chủ động phát biểu ý kiến đề xuất hoặc khi Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến về việc người tham gia tố tụng vắng mặt thì trình bày được ngay ý kiến đã chuẩn bị để bảo đảm quyền lợi cho người mà mình bảo vệ.
Trong trường hợp có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, Luật sư cần căn cứ vào quy định tại BLTTHS về sự có mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa và xác định xem sự vắng mặt đó có bất lợi cho khách hàng hay không để đề đạt với HĐXX yêu cầu hoãn phiên tòa. Trường hợp này, Luật sư phải đặc biệt chú trọng tới người phiên dịch vì họ là người hỗ trợ bắt buộc trong suốt quá trình diễn ra các bước tố tụng theo quy định tại BLTTHS. Điều 295 BLTTHS năm 2015 quy định: “1. Người phiên dịch, người dịch thuật tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập. 2. Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa”.
Trong thực tiễn đã xảy ra tình huống, khi TAND Thành phố Hồ Chí Minh xử sơ thẩm một bị cáo người Malaysia có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền, bị cáo yêu cầu phiên dịch tiếng Hoa. Đến phiên xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mời tiếp người phiên dịch tiếng Hoa này cho bị cáo thì bị cáo bất ngờ đòi phải có phiên dịch… tiếng Anh. Phiên tòa phúc thẩm phải hoãn để tìm người phiên dịch tiếng Anh cho bị cáo theo đúng quy định.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì HĐXX bắt buộc phải hoãn phiên tòa trong một số trường hợp, còn các trường hợp khác thì HĐXX có quyền lựa chọn xem xét để quyết định hoãn phiên tòa hay vẫn tiến hành xét xử. Tùy vào từng vụ án, vào lợi ích của bị cáo hay của đương sự mà Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa hoặc phản đối ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa của người khác cho phù hợp.
Ví dụ:
Nếu thấy vắng mặt người bị hại nhưng chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường và ý kiến của Luật sư bảo vệ cho người bị hại đề nghị hoãn phiên tòa, nếu xét thấy việc hoãn phiên tòa là không cần thiết chỉ kéo dài thời gian bị cáo bị tạm giam thì Luật sư bào chữa cho bị cáo cần đề nghị với HĐXX vẫn tiến hành xét xử và tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trong trường hợp bị cáo chưa nhận được hoặc nhận chưa đúng theo quy định của BLTTHS về bản cáo trạng hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Luật sư phải yêu cầu HĐXX hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo hoặc đương sự không được chủ tọa giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa hoặc không hỏi họ có đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch hay không thì Luật sư phải đề nghị HĐXX cho họ được thực hiện các quyền đó theo quy định của pháp luật. Nếu thấy cần đưa thêm tài liệu, chứng cứ ra xem xét tại phiên tòa mà trước đó Luật sư chưa có hoặc chưa muốn cung cấp cho Tòa án, hoặc thấy cần đề nghị triệu tập thêm người làm chứng quan trọng của vụ án thì Luật sư phải đề nghị với HĐXX những vấn đề đó.
Khi thấy sự có mặt của người làm chứng là cần thiết cho việc xét xử; người làm chứng này biết được nhiều tình tiết của vụ án có lợi cho bị cáo và có khả năng cung cấp cho Tòa án những tình tiết đó nhưng họ lại không được Tòa án triệu tập thì Luật sư phải đề nghị HĐXX triệu tập thêm người làm chứng. Luật sư cần nói rõ lý do đề nghị triệu tập người làm chứng để Tòa án biết. Nếu có các tài liệu chứng cứ quan trọng cần được xem xét tại phiên tòa, nhưng trước đó chưa cung cấp cho Tòa án thì Luật sư phải đưa ra tài liệu chứng cứ và đề nghị HĐXX xem xét tại phiên tòa.
Ở phần thủ tục, Luật sư cũng cần lưu ý vì đây là phần mà các đương sự có thể bổ sung các chứng cứ mới. Luật sư cần theo dõi để có kế hoạch sử dụng những chứng cứ có lợi cũng như đối phó với những chứng cứ bất lợi cho khách hàng.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn