[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Bản chất pháp lý của hợp đồng bảo đảm

Khái niệm về hợp đồng bảo đảm:

BLDS 2015 (Điều 292) quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản. Trong quan hệ tín dụng, khi xác lập hợp đồng tín dụng, các bên thường lựa chọn biện pháp bảo đảm tiền vay là cầm cố tài sản hoặc thế chấp tài sản. Hợp đồng thế chấp tài sản hoặc cầm cố tài sản thường được ký cùng với việc ký hợp đồng tín dụng.

Trường hợp cầm cố tài sản, theo Điều 309 BLDS 2015, bên cầm cố sẽ giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố là tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên vay trong hợp đồng tín dụng. Trường hợp thế chấp tài sản, theo Điều 317 BLDS 2015, bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên vay trong hợp đồng tín dụng đối với bên nhận thế chấp là tổ chức tín dụng, tài sản thế chấp vẫn do bên thế chấp hoặc bên thứ ba theo thỏa thuận giữa bên nhận thế chấp và bên thế chấp quản lý, không chuyển giao tài sản cho tổ chức tín dụng.

Hợp đồng bảo đảm là hợp đồng phụ của hợp đồng tín dụng, được lập ra với mục đích là xác lập biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của bên vay vốn theo hợp đồng tín dụng. Theo đó, hợp đồng bảo đảm có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đối với những điều khoản về bên được bảo đảm, bên nhận bảo đảm, phạm vi bảo đảm, thời hạn bảo đảm.

Đặc điểm của hợp đồng bảo đảm:

Về chủ thể: Chủ thể của hợp đồng bảo đảm có thể chính là bên vay hoặc bên thứ ba đứng ra bảo đảm bằng tài sản cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay theo hợp đồng tín dụng (khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP).

Về hình thức: Nếu như BLDS 2005 quy định việc cầm cố tài sản, thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính, thì đến BLDS 2015 quy định về hình thức của hợp đồng bảo đảm được sửa đổi mở rộng hơn đối với cả hai loại hợp đồng thế chấp và hợp đồng cầm cố khi không quy định bắt buộc phải lập thành văn bản, trừ trường hợp một tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ thì mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản (khoản 2 Điều 296) và trừ trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó (khoản 2 Điều 119).

Về hiệu lực: Việc ký kết hợp đồng cầm cố tài sản, thế chấp tài sản thể hiện ý chí và sự thỏa thuận giữa bên cho vay, bên vay và bên cầm cố, thế chấp, do vậy, sau khi ký kết thì hợp đồng bảo đảm đã có giá trị ràng buộc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù của hợp đồng bảo đảm nên pháp luật có quy định những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba.

BLDS 2015 (Điều 297, 298) quy định hai phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba của biện pháp bảo đảm là:

– Nắm giữ, chiếm giữ tài sản bảo đảm; và (ii) Đăng ký biện pháp bảo đảm thay thế cho quy định “giá trị pháp lý đối với người thứ ba” được ghi nhận trong BLDS 2005, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 102/2017/NĐ-CP).

Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm ký kết, nhưng phát sinh hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố (Điều 310 BLDS 2015). Thông thường, đối với hợp đồng cầm cố tài sản không phải là tiền, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá, thì các tổ chức tín dụng thường bổ sung một hoặc cả hai thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Hợp đồng thế chấp tài sản chia ra thành nhiều trường hợp, đối với thế chấp nhà ở thì hợp đồng thế chấp có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực (Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014); đối với thế chấp quyền sử dụng đất thì sau khi đã công chứng, hợp đồng thế chấp chỉ có hiệu lực khi thực hiện đăng ký tại Văn phòng đăng ký nhà đất (Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP); đối với thế chấp tàu bay, tàu biển thì hợp đồng thế chấp có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký tàu bay, tàu biển (Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Điều 5 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP); đối với thế chấp các tài sản khác thì có hiệu lực sau khi ký hợp đồng, các tổ chức tín dụng có thể lựa chọn việc công chứng hoặc không công chứng loại hợp đồng thế chấp này, đồng thời, các tổ chức tín dụng thường bổ sung thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện.

Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm đã được đăng ký giao dịch bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ quyết định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ (Điều 308 BLDS 2015).

Về tính độc lập tương đối với hợp đồng tín dụng: Hợp đồng bảo đảm là hợp đồng phụ, phát sinh từ hợp đồng chính là hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, điểm đặc thù của hợp đồng phụ này là có tính độc lập tương đối với hợp đồng chính, kể cả khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu nhưng hợp đồng phụ là hợp đồng bảo đảm vẫn có hiệu lực. Trừ trường hợp có thỏa thuận của các bên, hợp đồng tín dụng bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì hợp đồng bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng thì hợp đồng bảo đảm không chấm dứt; hợp đồng bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng tín dụng; hợp đồng tín dụng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì hợp đồng bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng thì hợp đồng bảo đảm không chấm dứt; hợp đồng bảo đảm bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng tín dụng.

BLDS 2015 (khoản 2 Điều 407) cũng quy định không áp dụng nguyên tắc sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan