[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Bản chất pháp lý của hợp đồng dịch vụ

Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ phát triển mạnh mẽ, ngày càng trở nên phổ biến, đa dạng với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn về chất lượng sử dụng dịch vụ, giá cả và phương thức trao đổi dịch vụ. Các tranh chấp về hợp đồng dịch vụ vì thế nảy sinh ngày càng nhiều, gia tăng về số lượng, phức tạp về nội dung. Để có thể giải quyết tốt các tranh chấp này, trước hết, cần phải nắm vững bản chất pháp lý của hợp đồng dịch vụ cũng như các đặc trưng của loại hợp đồng này.

Điều 513 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.

Khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 (sau đây gọi chung là Luật TM 2005) quy định: “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận” .

Với quy định như trên, hợp đồng dịch vụ có những dấu hiệu cơ bản như sau:

Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc:

Đây là dấu hiệu quan trọng để nhận diện hợp đồng dịch vụ. Nếu như đối với các hợp đồng khác như mua bán hàng hóa, tài sản, cho thuê hàng hóa, tài sản, đối tượng của hợp đồng thường là tài sản, quyền tài sản, có thể dễ dàng định lượng bằng các phương pháp cân, đong, đo, đếm… thì đối tượng của hợp đồng dịch vụ lại là một công việc nhất định, là hàng hóa vô hình khó xác định chất lượng dịch vụ bằng những tiêu chí được lượng hóa. Do đó, điều quan trọng nhất đối với các bên trong hợp đồng dịch vụ là phải mô tả chi tiết về dịch vụ, đặt ra những yêu cầu cụ thể và mục tiêu các bên muốn hướng tới.

Ngoài ra, do đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc hoặc dịch vụ nhất định nên không có vấn đề chuyển giao quyền sở hữu về đối tượng. Bên cung cấp dịch vụ không có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu dịch vụ mà chỉ có nghĩa vụ làm một công việc, thực hiện một hành vi nhằm đem lại lợi ích cho bên sử dụng dịch vụ. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ có thể là nghĩa vụ theo kết quả công việc hoặc nghĩa vụ theo nỗ lực, khả năng thực hiện cao nhất.

Song, không phải mọi công việc đều có thể là đối tượng của hợp đồng dịch vụ. Chỉ những công việc mà pháp luật cho phép mới có thể là đối tượng của hợp đồng dịch vụ. Điều 514 BLDS 2015 quy định đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trong hoạt động thương mại, pháp luật phân định hoạt động dịch vụ thành các lĩnh vực: dịch vụ cấm kinh doanh, dịch vụ hạn chế kinh doanh, dịch vụ kinh doanh có điều kiện và dịch vụ được kinh doanh. Đối với lĩnh vực cấm kinh doanh thì mọi hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực này đều bị xác định là vô hiệu. Đối với dịch vụ hạn chế kinh doanh, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, việc cung ứng dịch vụ chỉ được thực hiện khi dịch vụ và các bên tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bên cung cấp dịch vụ phải là chủ thể có năng lực thực hiện dịch vụ:

Xuất phát từ đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc nhất định nên bên cung cấp dịch vụ phải là chủ thể có năng lực thực hiện công việc đó và không thể chuyển giao nghĩa vụ thực hiện công việc theo hợp đồng cho chủ thể khác. Năng lực này được quy định trong pháp luật chuyên ngành đối với chủ thể thực hiện hoạt động dịch vụ. Chẳng hạn, trong hợp đồng dịch vụ vận tải thì bên cung cấp dịch vụ vận tải phải có năng lực phù hợp để thực hiện, phải có phương tiện vận tải, phải có tài xế có giấy phép lái xe; đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý thuê Luật sư tư vấn thì bên cung cấp dịch vụ pháp lý phải là Luật sư.

Trong hợp đồng thương mại, dịch vụ có thể là nghĩa vụ theo kết quả công việc hoặc theo nỗ lực và khả năng cao nhất. Theo Luật TM 2005 thì nghĩa vụ theo kết quả công việc là trừ khi có thỏa thuận khác trong hợp đồng, nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải đạt được một kết quả nhất định thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với các điều khoản và mục đích của hợp đồng. Còn nghĩa vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất là nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải nỗ lực cao nhất để đạt được kết quả mong muốn thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ đó với sự nỗ lực và khả năng cao nhất.

Hợp đồng dịch vụ đa dạng về chủng loại và lĩnh vực:

Căn cứ vào phân ngành của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì có thể chia thành 12 nhóm hợp đồng thương mại dịch vụ như sau:

  • Hợp đồng thương mại dịch vụ kinh doanh;
  • Hợp đồng thương mại dịch vụ truyền thông;
  • Hợp đồng thương mại dịch vụ xây dựng và kỹ sư công trình;
  • Hợp đồng thương mại dịch vụ phân phối;
  • Hợp đồng thương mại dịch vụ giáo dục;
  • Hợp đồng thương mại các dịch vụ môi trường;
  • Hợp đồng thương mại các dịch vụ tài chính;
  • Hợp đồng thương mại dịch vụ xã hội và liên quan đến sức khỏe;
  • Hợp đồng thương mại dịch vụ du lịch và lữ hành;
  • Hợp đồng thương mại các dịch vụ văn hóa và giải trí;
  • Hợp đồng thương mại các dịch vụ vận tải;
  • Hợp đồng thương mại dịch vụ khác.

Căn cứ vào mục tiêu của dịch vụ, thì có thể chia hợp đồng thương mại dịch vụ làm 4 nhóm như sau:

  • nhóm 1 – Hợp đồng thương mại dịch vụ phân phối: vận chuyển, lưu kho, bán buôn, bán lẻ, quảng cáo, môi giới…;
  • nhóm 2 – Hợp đồng thương mại dịch vụ sản xuất: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, các dịch vụ về kỹ sư và kiến trúc công trình, dịch vụ kế toán kiểm toán, dịch vụ pháp lý…;
  • nhóm 3 – Hợp đồng thương mại dịch vụ xã hội: dịch vụ sức khỏe, y tế, pháp luật, giáo dục, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bưu điện, viễn thông, các dịch vụ nghe nhìn và các dịch vụ xã hội khác…;
  • nhóm 4 – Hợp đồng thương mại dịch vụ cá nhân: dịch vụ sửa chữa, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ giải trí, dịch vụ văn hóa, du lịch…

Căn cứ vào dịch vụ quy định trong Luật TM 2005 thì có những loại hợp đồng thương mại dịch vụ sau:

  • Hợp đồng dịch vụ khuyến mại; Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại;
  • Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ;
  • Hợp đồng đại diện cho thương nhân;
  • Hợp đồng ủy thác;
  • Hợp đồng đại lý;
  • Hợp đồng gia công;
  • Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa;
  • Hợp đồng dịch vụ quá cảnh;
  • Hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Căn cứ vào quy định của BLDS 2015, mặc dù đây là các hợp đồng dân sự, tuy nhiên nếu mục đích của hợp đồng gắn với mục đích là sinh lợi thì các hợp đồng này sẽ là hợp đồng thương mại dịch vụ như đã phân tích ở phần trên, do đó chúng ta có thể có những loại hợp đồng thương mại dịch vụ sau:

  • Hợp đồng bảo hiểm;
  • Hợp đồng vận chuyển gồm vận chuyển hành khách và vận chuyển tài sản;
  • Hợp đồng gia công;
  • Hợp đồng gửi giữ tài sản;
  • Hợp đồng ủy quyền;
  • Hợp đồng dịch vụ.

Như vậy, hợp đồng dịch vụ vừa có thể là hợp đồng dân sự, vừa có thể là hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Việc xác định là dân sự hay kinh doanh, thương mại phụ thuộc vào mục tiêu của quan hệ giao kết hợp đồng. Nếu các bên hợp đồng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi thì hợp đồng đó là hợp đồng thương mại, nếu mục đích là tiêu dùng, dân sinh thì đó là hợp đồng dân sự. Việc phân định hợp đồng dịch vụ là dân sự hay kinh doanh, thương mại có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp, tương ứng là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh, thương mại, nhờ đó, sẽ phân định được thẩm quyền giải quyết của Tòa án và căn cứ pháp lý được áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan