[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào yếu tố lỗi nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ buộc họ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Nguồn nguy hiểm cao độ được xác định theo Điều 601 BLDS 2015, bao gồm: phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thuộc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Các khoản bồi thường trong trường hợp này cũng bao gồm những bồi thường thiệt hại về vật chất và khoản bù đắp tổn thất về tinh thần tương ứng với thiệt hại thực tế xảy ra. Mức bồi thường và cách thức tính toán các khoản bồi thường được chấp nhận tương tự như các trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản đã nêu ở trên.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, họ chỉ thoát khỏi trách nhiệm bồi thường khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.

Ví dụ, A là chủ sở hữu xe mô tô loại phân khối lớn giao xe cho B sử dụng làm phương tiện đi lại khi B chưa có giấy phép lái xe mô tô, nếu B gây thiệt hại thì A là chủ sở hữu xe mô tô phải bồi thường (xe mô tô phân khối lớn là phương tiện giao thông vận tải cơ giới, khi điều khiển phải có giấy phép lái xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ).

Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Nếu chủ sở hữu và người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan