Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng là quyền hiến định của mỗi cá nhân. Trong thực tiễn, yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm thường diễn ra rất gay gắt giữa người gây thiệt hại và người đưa ra yêu cầu bồi thường. Về phía gia đình nạn nhân, do quá đau buồn vì mất người thân nên cho rằng, đối với bên bị thiệt hại tính mạng, có bồi thường bao nhiêu tiền cũng không trả lại được sự sống của người thân, dẫn tới tâm lý đưa ra các khoản chi phí với số lượng lớn để yêu cầu bồi thường, hoặc có những khoản đã chi phí trên thực tế rất lớn nhưng lại không phù hợp với các quy định của pháp luật nên không được Tòa án chấp nhận. Vì vậy, Luật sư cần nắm được những căn cứ pháp lý rõ ràng để tư vấn cho khách hàng của mình một cách tốt nhất.
Từ quy định của BLDS đến thực tiễn xét xử cho thấy các căn cứ để xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được chấp nhận gồm các khoản sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của BLDS
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, mua đất để chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ Thực tế cho thấy, tùy vào hoàn cảnh của gia đình nạn nhân còn có khá nhiều chi phí mà gia đình nạn nhân đã bỏ ra chi tiêu trên thực tế để phục vụ cho việc mai táng nạn nhân như việc cúng tế, lễ bái, ăn uống, lên chùa, xây mộ, bốc mộ… với một khoản tiền tương đối lớn, nhưng đây là những chi phí không được coi là hợp lý nên không được Tòa án chấp nhận.
- Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Đây là khoản tiền người gây thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ thay nạn nhân để nuôi dưỡng những người mà khi còn sống nạn nhân có nghĩa vụ phải cung cấp tiền nuôi dưỡng, do vậy chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi tính mạng bị xâm phạm. Thời điểm hưởng cấp dưỡng được xác định kể từ khi tính mạng bị xâm phạm. Khoản tiền cấp dưỡng này sẽ chấm dứt khi người được hưởng cấp dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định trong Luật HN&GĐ. Ví dụ, tại Điều 118 Luật HN&GĐ 2014, người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình…
Đối tượng được hưởng tiền cấp dưỡng trong trường hợp nạn nhân chết cần thỏa mãn hai điều kiện: phải là người được nạn nhân trực tiếp đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng và họ phải là những người không có khả năng lao động hoặc tuy có nhưng không đủ nuôi sống bản thân. Trường hợp nạn nhân khi còn sống vẫn phải phụ thuộc về kinh tế vào cha, mẹ, hoặc cha, mẹ vẫn còn độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập thì không được hưởng khoản tiền bồi thường cấp dưỡng này.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần
Ngoài các khoản bồi thường về vật chất thì người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 quy định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trường hợp không có những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nêu trên, thì người được nhận khoản tiền này là người mà người bị thiệt hại trực tiếp nuôi dưỡng hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.
Mức độ tổn thất về tinh thần được xác định căn cứ vào địa vị và mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người được hưởng khoản tiền bồi thường này. Khoản bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Luật sư cần lưu ý đây là quy định có sự sửa đổi so với BLDS 2005, khắc phục những vấn đề không rõ ràng khi giải quyết bồi thường trong trường hợp một gia đình có nhiều người bị thiệt hại về tính mạng cùng lúc. Nếu như BLDS 2005 ghi nhận “mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định” (khoản 2 Điều 610 BLDS 2005), thì BLDS 2015 đã quy định tăng mức bồi thường. Quy định sửa đổi này, một mặt bảo vệ tốt hơn cho người có sức khỏe bị xâm hại hay gia đình của người bị chết, mặt khác, tăng cường tính răn đe của pháp luật dành cho người gây thiệt hại. Đây cũng là quy định sửa đổi hướng tới việc tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và bảo vệ trật tự, công bằng xã hội tốt hơn.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn