Tranh chấp hợp đồng dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài. Các tranh chấp này hàng năm không chỉ tăng dần về số lượng mà mức độ phức tạp và giá trị tranh chấp cũng ngày càng tăng.
Các tranh chấp này rất đa dạng về hình thức hợp đồng, như tranh chấp hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý, tranh chấp hợp đồng vận chuyển, tranh chấp hợp đồng gia công, hợp đồng dịch vụ xây dựng và tư vấn thiết kế. Mặc dù vậy, dựa trên yêu cầu khởi kiện của đương sự, tranh chấp hợp đồng dịch vụ chủ yếu phát sinh ở các dạng tranh chấp sau:
Tranh chấp về yêu cầu thanh toán phí dịch vụ
Nếu như công việc phải thực hiện trong hợp đồng dịch vụ là nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ thì thanh toán phí dịch vụ là nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ. Thực tiễn giải quyết các vụ việc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ đã chỉ ra rằng, có hai loại tranh chấp liên quan đến thanh toán phí dịch vụ.
Dạng tranh chấp thứ nhất chủ yếu xảy ra khi bên cung ứng dịch vụ kiện đòi bên thuê dịch vụ vì đã không thanh toán đúng, thanh toán đủ phí dịch vụ theo như thỏa thuận trong hợp đồng.
Dạng tranh chấp thứ hai là bên thuê dịch vụ kiện đòi bên cung ứng dịch vụ bồi hoàn lại khoản phí dịch vụ đã thanh toán trước do bên cung ứng đã không cung cấp được dịch vụ theo như thỏa thuận trong hợp đồng.
Tranh chấp vì lý do yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng dịch vụ bị vô hiệu nếu xảy ra các trường hợp vi phạm quy định của Điều 407, 117 BLDS 2015 về “Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”.
Qua thực tiễn giải quyết tranh chấp, thường có hai trường hợp xảy ra làm hợp đồng dịch vụ vô hiệu.
- Trường hợp thứ nhất là do người đại diện ký kết hợp đồng không có thẩm quyền hoặc khi bên cung ứng dịch vụ không có năng lực, chức năng thực hiện dịch vụ, như doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ đó hoặc người không phải là Luật sư, hoặc tư vấn viên, hoặc luật gia nhưng lại ký các hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý…
- Trường hợp thứ hai là do các bên thỏa thuận về công việc phải làm (đối tượng của hợp đồng dịch vụ) vi phạm quy định pháp luật. Luật sư cần lưu ý rằng không phải ai cũng có quyền giao kết hợp đồng dịch vụ với tư cách là bên cung ứng dịch vụ. Bởi lẽ pháp luật yêu cầu bên cung ứng dịch vụ không chỉ thực hiện công việc theo yêu cầu mà còn phải biết thực hiện công việc đó một cách thành thạo.
Ngoài ra, còn có tranh chấp do vi phạm nghĩa vụ của người làm dịch vụ, không bảo đảm chất lượng, số lượng công việc, dẫn đến gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thuê dịch vụ. Đó là những tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ, nội dung trong hợp đồng.
Ví dụ, người vận chuyển đã giao sai địa điểm, phương tiện vận chuyển không bảo đảm điều kiện nên hàng hoá bị hư hỏng, vì vậy bên thuê dịch vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại hoặc phạt hợp đồng.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn