[TƯ VẦN LUẬT DÂN SỰ] Đặc điểm cơ bản của hợp đồng tín dụng

Về chủ thể: Chủ thể giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng gồm bên cho vay và bên vay vốn:

Bên cho vay là các tổ chức tín dụng Việt Nam và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đây là một dạng doanh nghiệp đặc biệt, thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng, bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động ngân hàng (nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên mọi tổ chức tín dụng phải được cấp phép thành lập bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với những điều kiện rất khắt khe về vốn, về công nghệ, về tiêu chuẩn nhân sự, về năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, năng lực chuyên môn, về địa điểm và các vấn đề liên quan đến đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Bên vay vốn có thể là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện về cho vay của tổ chức tín dụng.

Về đối tượng: đối tượng của hợp đồng tín dụng luôn luôn là một khoản tiền mà tổ chức tín dụng giao cho khách hàng vay sử dụng trong một thời hạn nhất định. Khoản tiền này có thể là tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ nếu khách hàng thuộc trường hợp được vay ngoại tệ theo quy định của pháp luật.

Về hình thức: Quan hệ hợp đồng tín dụng bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản. Theo thông lệ, hợp đồng tín dụng bao giờ cũng do tổ chức tín dụng soạn thảo và khách hàng, nếu không phải là những khách hàng lớn và có quyền năng đàm phán thì đều chấp nhận văn bản hợp đồng do tổ chức tín dụng soạn thảo.

Về nội dung: Nội dung của hợp đồng tín dụng được pháp luật về ngân hàng quy định khá chi tiết về những vấn đề cơ bản. Theo Điều 17 Quy chế cho vay 1627 và kể từ ngày 15/3/2017, các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện theo quy chế cho vay mới được quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, hợp đồng tín dụng phải có các nội dung cơ bản như: điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, số vốn vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thỏa thuận. Từ quy định này, chúng ta có thể thấy nội dung của hợp đồng tín dụng khác biệt cơ bản với những hợp đồng kinh doanh thương mại hoặc hợp đồng dân sự thông thường, đặc biệt là những nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay, bảo đảm tiền vay.

Về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng:

Biện pháp bảo đảm tiền vay hay còn gọi là tài sản bảo đảm là một yếu tố đặc thù luôn gắn liền với hợp đồng tín dụng. Hoạt động kinh doanh ngân hàng là hoạt động kinh doanh trên rủi ro, đặc biệt hoạt động cho vay có mức độ rủi ro mất vốn rất cao. Tài sản bảo đảm thường được các tổ chức tín dụng sử dụng như một giải pháp cuối cùng để hạn chế rủi ro mất vốn. Theo quy định của pháp luật, các tổ chức tín dụng được cho vay không có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng đều quy định những điều kiện khá ngặt nghèo để một khách hàng có thể được vay vốn mà không phải có tài sản bảo đảm, còn đa phần đều là vay có tài sản bảo đảm. Biện pháp bảo đảm tiền vay được quy định trong hợp đồng tín dụng và đồng thời được thể hiện bằng một hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản, trừ những trường hợp cầm cố tài sản đặc thù như chứng từ có giá hay tiền gửi ngân hàng thì một số tổ chức tín dụng có thể sử dụng phương án chỉ cần quy định cụ thể trong hợp đồng tín dụng, kèm theo thủ tục đăng ký bảo đảm tiền vay.

Về sự đa dạng của phương thức cho vay:

Việc cho vay theo hợp đồng tín dụng có thể phân loại theo nhiều phương thức khác nhau và mỗi phương thức có những tính chất đặc thù, dẫn đến tranh chấp phát sinh đối với mỗi loại hợp đồng tín dụng cũng có những đặc thù khác nhau.

Các phương thức cho vay theo hợp đồng tín dụng bao gồm:

+ Cho vay từng lần (mỗi lần vay vốn khách hàng và tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục vay vốn cần thiết và ký kết hợp đồng tín dụng từng lần);

+ Cho vay theo hạn mức tín dụng (tổ chức tín dụng và khách hàng xác định và thỏa thuận một hạn mức tín dụng duy trì trong một khoảng thời gian nhất định);

+ Cho vay theo dự án đầu tư (tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các dự án đầu tư phục vụ đời sống);

+ Cho vay hợp vốn (một nhóm tổ chức tín dụng cùng cho vay đối với một dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn của khách hàng, trong đó, có một tổ chức tín dụng làm đầu mối dàn xếp, phối hợp với các tổ chức tín dụng khác);

+ Cho vay trả góp (khi vay vốn, tổ chức tín dụng và khách hàng xác định và thỏa thuận số lãi vốn vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra để trả nợ theo nhiều kỳ hạn trong thời hạn cho vay);

+ Cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng (tổ chức tín dụng cam kết bảo đảm sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi hạn mức tín dụng nhất định, với thời hạn hiệu lực nhất định và có thu phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng, khi khách hàng sử dụng hạn mức tín dụng thì mới phải trả lãi);

+ Cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng được sử dụng số vốn vay trong phạm vi hạn mức tín dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ và rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động ATM hoặc điểm ứng tiền mặt là đại lý của tổ chức tín dụng);

+ Cho vay theo hạn mức thấu chi (tổ chức tín dụng thỏa thuận bằng văn bản chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng và tính lãi suất trên số tiền chi vượt đó theo số ngày chi vượt thực tế).

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan