Hợp đồng tín dụng là một loại hợp đồng rất thông dụng trong đời sống kinh tế, xã hội nhưng mang tính chất đặc thù xuất phát từ bản chất của tín dụng ngân hàng và chủ thể thực hiện hợp đồng.
Tín dụng ngân hàng là hoạt động kinh doanh đặc thù và riêng có của các tổ chức tín dụng. Theo khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi chung là Luật CTCTD), hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng là việc thỏa thuận cho khách hàng, gồm tổ chức và cá nhân, sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền trong một thời hạn nhất định theo nguyên tắc có hoàn trả thông qua nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, thấu chi, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và thẻ tín dụng. Trong số các hoạt động cấp tín dụng thì nghiệp vụ cho vay đối với khách hàng được thực hiện nhiều nhất và chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Hợp đồng tín dụng đề cập trong khuôn khổ giáo trình này được giới hạn lại là hình thức pháp lý của quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay, gồm tổ chức và cá nhân. Theo Luật CTCTD (khoản 16 Điều 4), cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận, với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Về bản chất, hợp đồng tín dụng cũng chính là một dạng của hợp đồng vay tài sản được quy định trong chế định về hợp đồng vay tài sản của BLDS 2015 (Mục 4 Chương XVI Phần thứ ba). Điểm đặc thù tạo nên sự khác biệt giữa hợp đồng tín dụng và các dạng hợp đồng vay tài sản khác là bên cho vay trong các hợp đồng tín dụng bắt buộc là các tổ chức tín dụng và đối tượng của hợp đồng luôn luôn là một khoản tiền.
Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng là khi các bên có mâu thuẫn, bất đồng về việc thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng mà không thể thương lượng giải quyết được.
Tranh chấp hợp đồng tín dụng bao giờ cũng có một bên là tổ chức tín dụng. Để bảo đảm người vay hoàn trả đủ và đúng hạn tiền vay cho mình, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm. Với các hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản, tổ chức tín dụng cho vay luôn có quyền ưu tiên trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Quyền này của tổ chức tín dụng được xác lập trên cơ sở giao dịch bảo đảm giữa tổ chức tín dụng (bên nhận bảo đảm) với bên bảo đảm là khách hàng vay (bên vay) hoặc chủ thể thứ ba (bên bảo lãnh cho bên vay). Thông thường, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng do bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng hạn nghĩa vụ đối với bên cho vay, như: vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng. Bên cạnh đó, cũng có không ít những trường hợp tranh chấp phát sinh do tổ chức tín dụng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng hạn nghĩa vụ đối với khách hàng vay, như: vi phạm nghĩa vụ giải ngân, tính lãi cho vay không đúng theo thỏa thuận, thu hồi nợ hoặc xử lý tài sản bảo đảm không đúng thỏa thuận, không đúng quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết tại Tòa án, các bên thường thống nhất với nhau về số tiền đã vay, số tiền gốc và số tiền lãi đã trả; số tiền gốc còn nợ. Nhưng phần lớn các vụ án các bên chủ yếu không thống nhất được với nhau về số tiền lãi còn nợ và về việc xử lý tài sản bảo đảm đối với hợp đồng tín dụng có bảo đảm bằng tài sản để thu hồi nợ.
Hoạt động tín dụng ngân hàng chịu sự điều chỉnh và liên quan đến rất nhiều ngành luật khác nhau, từ pháp luật dân sự đến các luật chuyên ngành về ngân hàng và các luật chuyên ngành khác có liên quan như doanh nghiệp, đầu tư, thương mại, xây dựng, đất đai, tài nguyên, môi trường, xuất nhập khẩu, thuế, lao động, hôn nhân và gia đình, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh… Do vậy, một vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng thường phức tạp và đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, Luật sư tham gia giải quyết án tranh chấp này phải có hiểu biết, kiến thức chuyên môn nhất định về hoạt động ngân hàng và nghiệp vụ cho vay.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn