[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng của luật sư chuẩn bị bản luận cứ của luật sư cho việc tham gia phiên tòa sơ thẩm

Với ví dụ 3 nêu trên:

– Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, để bảo vệ quyền lợi cho bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng này, Luật sư cần phải có tư vấn kịp thời đối với khách hàng của mình về những nội dung quan trọng sau:

Đối với ông T và bà Y: xuất phát từ việc dừng giải ngân của Ngân hàng S, ông T và bà Y có thể đưa ra yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án giải quyết buộc Ngân hàng S phải tiếp tục giải ngân theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký, đồng thời bồi thường thiệt hại cho ông bà. Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, ông T, bà Y có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, thời hạn chậm nhất trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Yêu cầu phản tố này cần được lập thành văn bản, đóng tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý đối với yêu cầu phản tố.

Đối với ông B và bà M: xuất phát từ việc ông bà đã nhập quyền sử dụng đất đứng tên ông B vào khối tài sản chung của vợ chồng, ông B có thể đưa ra yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu. Nếu phía Ngân hàng S không chấp nhận phương án hòa giải do ông T và bà Y đề nghị và nếu có sự thỏa thuận của ông T và bà Y với ông B và bà M, thì yêu cầu độc lập này cần được nêu trong văn bản ghi ý kiến của ông B gửi Tòa án và ông B cần nộp tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu độc lập này. Bà M cũng hoàn toàn có tư cách là một bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đứng tên cùng ông B đưa yêu cầu độc lập này ra Tòa án.

– Khi chuẩn bị bản luận cứ để bảo vệ quyền lợi của ông T và bà Y, ngoài những vấn đề về hình thức, cấu trúc bản luận cứ và thông tin tự giới thiệu về mình với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, Luật sư cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, tóm tắt nội dung vụ án cần nêu bật lên được hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD ngày 23/10/2014 đã được thỏa thuận và ký kết đúng quy định, quá trình thực hiện hợp đồng đến trước khi Ngân hàng S dừng giải ngân đều diễn ra bình thường, vốn vay được sử dụng đúng  mục đích, công trình showroom ô tô được xây dựng đúng theo tiến độ.

Thứ hai, tập trung phân tích những quy định trong hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD ngày 23/10/2014 để làm rõ việc ông T và bà Y không vi phạm bất cứ thỏa thuận nào trong hợp đồng tín dụng, từ khi ký hợp đồng tín dụng, rút vốn theo hai khế ước đến trước khi Ngân hàng S đơn phương dừng giải ngân. Từ đó khẳng định Ngân hàng S đã  vi phạm nghĩa vụ giải ngân theo hợp đồng, thu hồi nợ trước hạn không có căn cứ pháp luật và trái với thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD ngày 23/10/2014.

Với từng nhận định, đánh giá tình tiết, Luật sư cần dẫn chiếu các quy định của pháp luật (Điều 15 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về quan hệ giữa giao dịch bảo đảm và hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm) và lập luận để khẳng định Ngân hàng S đưa ra lý do ông B và bà M đang làm thủ tục ly hôn, phân chia tài sản là tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD nên khoản vay bị rủi ro là không có căn cứ pháp luật. Theo đó, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP tại khoản 2 Điều 15 quy định: “Giao dịch bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”; khoản 4 Điều 15 quy định: “Giao dịch bảo đảm bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Khẳng định Ngân hàng S đã vi phạm quy định của pháp luật khi dừng giải ngân và đơn phương thu hồi nợ trước hạn khi ông T và bà Y không cung cấp thông tin sai sự thật, không vi phạm các quy định trong hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD ngày 23/10/2014. Luật sư đưa ra các chứng cứ và phân tích để chứng minh việc dừng giải ngân và thu hồi nợ trước hạn trái pháp luật, trái hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD ngày 23/10/2014 của Ngân hàng S đã làm cho ông T và bà Y lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn vốn, không tiếp tục xây dựng được showroom ô tô theo kế hoạch, dẫn đến thiệt hại về tài chính cho ông T và bà Y. Luật sư có thể diễn giải thiệt hại thực tế gồm: phần tiền tự có của ông bà đầu tư xây dựng showroom bị đọng lại trong công trình dở dang dẫn đến thiệt hại về tài chính; các hợp đồng với các hãng ô tô cũng bị hủy dẫn đến mất những chi phí ông bà đã bỏ ra để thiết lập quan hệ, thiết lập hợp đồng và chi phí bồi thường do hủy hợp đồng; hoạt động sản xuất, kinh doanh không triển khai được, mặt bằng kinh doanh không đưa vào khai thác được dẫn đến thiệt hại về nguồn thu nhập; công trình showroom bị dở dang dẫn đến xuống cấp gây thiệt hại về tài chính; khoản tiền lãi vay 800 triệu đồng phát sinh từ khoản tiền 3,5 tỷ đồng vay Ngân hàng S theo hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD ngày 23/10/2014 là thiệt hại trực tiếp của ông T và bà Y phát sinh từ hành vi vi phạm và lỗi của Ngân hàng S.

Luật sư lưu ý cần cùng với khách hàng tính toán cụ thể những thiệt hại và thu thập những tài liệu, hóa đơn, chứng từ có tác dụng chứng minh để ra được con số cụ thể cho từng khoản mục trên và tổng hợp lại thành số thiệt hại gộp, bao gồm cả khoản tiền lãi vay 800 triệu đồng phát sinh từ khoản tiền 3,5 tỷ đồng vay Ngân hàng S.

Bên cạnh đó, để tăng thêm tính thuyết phục khi trình bày về những thiệt hại về tài chính của khách hàng, Luật sư có thể trình bày thêm nội dung: vì lỗi của Ngân hàng S mà công việc kinh doanh và uy tín của ông T và bà Y bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đối tác, bạn hàng nghi ngờ, đánh giá có bê bối về tài chính, về nợ vay, bị ngân hàng khởi kiện…

Từ những chứng cứ và lập luận trên, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên buộc Ngân hàng S: (1) Bồi thường thiệt hại cho ông T và bà Y là… đồng;

(2) Thực hiện đúng hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD ngày 23/10/2014, tiếp tục giải ngân số tiền còn giải ngân thiếu là 1,8 tỷ đồng với thời hạn vay là 84 tháng kể từ ngày giải ngân;

Khi đề xuất với Hội đồng xét xử, Luật sư cần nêu rõ căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án gồm: (1) Căn cứ Luật Thương mại năm 2005: khoản 1 và khoản 3 Điều 292 về “các loại chế tài trong thương mại”; khoản 1 và khoản 3 Điều 297 Luật Thương mại năm 2005 về “buộc thực hiện đúng hợp đồng”; Điều 302 về “bồi thường thiệt hại”; Điều 303 về “căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại”; (2) Căn cứ Luật CTCTD: khoản 1 Điều 95 về “chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất”; (3) Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP: khoản 2 và khoản 4 Điều 15 về “quan hệ giữa giao dịch bảo đảm và hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm”; (4) Căn cứ Quy chế cho vay 1627: điểm d khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 25 về “quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng”.

Tóm lại, khi chuẩn bị bản luận cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, Luật sư cần tập trung khai thác vấn đề hiệu lực của hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp; quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật chuyên ngành, quy định trong hợp đồng, bao gồm cả quan hệ tín dụng và quan hệ thế chấp tài sản. Luật sư cần làm rõ hành vi vi phạm của các bên, đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bên cho vay, bên vay, bên thế chấp với hậu quả xảy ra. Khi lập luận về thiệt hại của khách hàng do hành vi vi phạm của bên đối tụng, ngoài những thiệt hại thực tế về tài chính, để gia tăng áp lực cho phía đối tụng, Luật sư cần nêu bật được những thiệt hại phát sinh khác, đối với tổ chức tín dụng là những ảnh hưởng của nợ xấu, của việc đọng vốn, đối với khách hàng vay vốn là những ảnh hưởng về uy tín, về khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng khi phát sinh nợ xấu, là những cơ hội kinh doanh thực sự bị bỏ lỡ. Khi viện dẫn các căn cứ pháp luật để đề nghị giải quyết vụ án, Luật sư cần bảo đảm rà soát kỹ để viện dẫn đúng các văn bản pháp luật chuyên ngành còn hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng, thời điểm tranh chấp hợp đồng và đôi khi Luật sư cần khai thác các quy định nội bộ của tổ chức tín dụng nếu có lợi cho khách hàng của mình.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan