Đây là hoạt động đầu tiên của Luật sư khi tiến hành giải quyết vụ việc dân sự nói chung, tranh chấp về hợp đồng dịch vụ nói riêng tại Tòa án. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tốt sẽ góp phần giải quyết vụ việc được đúng pháp luật, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Muốn vậy, Luật sư cần phải chú ý đến những kỹ năng cơ bản sau đây trong giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ:
Xác định yêu cầu khởi kiện của khách hàng
Xác định yêu cầu khởi kiện của khách hàng là nội dung quan trọng trong kỹ năng của Luật sư khi tiếp xúc và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Ngoài yếu tố là cơ sở để đánh giá Luật sư hoàn thành hay không hoàn thành công việc theo hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, yêu cầu khởi kiện của khách hàng còn là cơ sở để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, thẩm quyền giải quyết của Tòa án và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Trong thực tiễn, khách hàng của Luật sư có trình độ, nhận thức pháp lý rất khác nhau. Sự hiểu biết, cách trình bày các yêu cầu khởi kiện, mong muốn của khách hàng cũng khác nhau. Do đó, khi tiếp xúc và trao đổi với khách hàng, trên cơ sở trình bày nội dung vụ việc, yêu cầu của khách hàng, đòi hỏi Luật sư phải xác định chính xác các yêu cầu khởi kiện của khách hàng dưới góc độ pháp lý.
Tranh chấp hợp đồng dịch vụ cũng giống như các loại tranh chấp khác, việc xác định yêu cầu khởi kiện phải dựa vào hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là bản chất của quan hệ pháp luật tồn tại giữa các bên tranh chấp. Yếu tố thứ hai là nội dung yêu cầu của khách hàng.
Đối với bản chất của quan hệ pháp luật, khi xác định, do tính chất đa dạng và phong phú của các hoạt động dịch vụ nên Luật sư cần lưu ý phân biệt quan hệ hợp đồng dịch vụ với các quan hệ hợp đồng khác như hợp đồng gia công, hợp đồng trong hoạt động xây dựng, hợp đồng khoán việc, hợp đồng lao động, hợp đồng ủy quyền… Vì thế, khi nhận diện đúng tranh chấp hợp đồng dịch vụ cần phải phân biệt với những tranh chấp hợp đồng khác.
Nội dung yêu cầu của khách hàng cũng đa dạng. Khách hàng thông thường là người ít hiểu biết các quy định pháp luật nên họ thường đưa ra các yêu cầu cụ thể như đòi hủy hợp đồng, bồi thường thiệt hại, thanh toán tiền phí dịch vụ… Các yêu cầu này có thể chưa đáp ứng được những tiêu chí của một yêu cầu khởi kiện để Tòa án có thể thụ lý vụ án. Vì thế, trên cơ sở yêu cầu của khách hàng, Luật sư cần phải làm rõ yêu cầu khởi kiện. Khi xác định yêu cầu khởi kiện, Tòa án thường dựa vào ba tiêu chí: Yêu cầu ai? Yêu cầu cái gì? và Yêu cầu như thế nào? Như vậy, khi trao đổi với khách hàng và soạn thảo đơn khởi kiện, Luật sư cần phải làm rõ cả ba nội dung này, đặc biệt là xác định rõ kiện (yêu cầu) cái gì: tuyên bố hợp đồng vô hiệu, tuyên bố hủy hợp đồng, đòi thanh toán phí dịch vụ hay đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ từ hợp đồng dịch vụ. Nếu khách hàng có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại hoặc đòi thanh toán phí dịch vụ thì phải làm rõ đó là những khoản thiệt hại gì, phí dịch vụ là bao nhiêu, đã thanh toán bao nhiêu, chưa thanh toán bao nhiêu, gồm những khoản dịch vụ nào, cách tính như thế nào, có đòi tiền lãi hay không đòi tiền lãi… Tất cả những nội dung này là bắt buộc khi giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ. Nó thể hiện rõ nhất nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự và trên cơ sở đó, cũng dễ dàng xác định trách nhiệm hoàn thành hay không hoàn thành hợp đồng dịch vụ mà Luật sư ký với khách hàng.
Xác định điều kiện khởi kiện
Nếu như việc xác định điều kiện thụ lý vụ án thuộc trách nhiệm của người Thẩm phán thì xác định điều kiện khởi kiện thuộc trách nhiệm của người khởi kiện. Trường hợp xác định điều kiện khởi kiện không chính xác thì hậu quả pháp lý của trường hợp chưa đủ điều kiện là nếu chưa thụ lý vụ án thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện; nếu đã thụ lý thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Vì thế, khi khởi kiện một vụ án dân sự nói chung, vụ án tranh chấp về hợp đồng dịch vụ nói riêng, Luật sư cần phải chú ý đến điều kiện khởi kiện của vụ án.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 thì: “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó”.
Các điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật có thể xảy ra trong những trường hợp sau đây:
– Đơn khởi kiện được soạn thảo không đúng quy định, không cung cấp được rõ ràng, chính xác địa chỉ của đương sự, không cung cấp được những chứng cứ pháp lý ban đầu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.
– Hoặc, pháp luật bắt buộc trước khi khởi kiện đến Tòa án đương sự phải thực hiện thủ tục khiếu nại, hòa giải tranh chấp hoặc có văn bản thông báo việc đòi quyền lợi cho mình.
Đối với tranh chấp về hợp đồng dịch vụ, Luật sư cần chú ý đến việc soạn thảo đơn khởi kiện, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện có đầy đủ các chứng cứ để không vướng phải trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Xác định điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án
Về bản chất, xác định điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án là công việc và kỹ năng của người Thẩm phán, không phải là công việc trực tiếp của Luật sư. Tuy nhiên, khi giúp khách hàng giải quyết tranh chấp, nếu xác định đúng các điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án thì việc giải quyết tranh chấp của Luật sư sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn. Trong các điều kiện để Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 192 BLTTDS 2015, đối với tranh chấp về hợp đồng dịch vụ, Luật sư cần chú ý đến điều kiện về thẩm quyền giải quyết và điều kiện khởi kiện của vụ việc. Về thẩm quyền của Tòa án, Luật sư cần lưu ý hai nội dung trong tranh chấp hợp đồng dịch vụ:
– Là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh, thương mại.
– Là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.
Việc xác định tranh chấp hợp đồng dịch vụ là tranh chấp dân sự hay kinh doanh, thương mại thì Luật sư cần phải căn cứ vào mục đích mà các bên ký hợp đồng dịch vụ. Nếu là mục đích lợi nhuận thì đó là tranh chấp kinh doanh, thương mại, còn nếu đó là mục đích tiêu dùng thì là tranh chấp dân sự.
Việc xác định tranh chấp hợp đồng dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay của Trọng tài, Luật sư cần căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thỏa thuận trọng tài. Do đó, khi giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ, Luật sư cần phải hỏi khách hàng rõ hoặc xem xét trong hợp đồng dịch vụ có thỏa thuận trọng tài không, thỏa thuận này có hợp pháp không và tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Nếu các bên có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì vụ việc vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khi xem xét thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không, Luật sư cần chú ý một số trường hợp sau đây:
– Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì về nguyên tắc chung, nếu người ký thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp mà một bên có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án yêu cầu người có thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài cho biết ý kiến bằng văn bản có chấp nhận thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền ký kết trước đó hay không. Nếu họ chấp nhận thì trong trường hợp này thỏa thuận trọng tài không vô hiệu và vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài theo thủ tục chung.
– Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì theo quy định của BLDS, người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do đó, để chứng minh người ký thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh ngày, tháng, năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Đối với trường hợp quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, là trường hợp nếu theo thỏa thuận trọng tài thì không thể xác định được đối tượng tranh chấp cụ thể là gì hoặc không thể xác định được Hội đồng Trọng tài nào, Trung tâm Trọng tài nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này, sau đó các bên cũng không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận bổ sung được về việc xác định đối tượng tranh chấp cụ thể hoặc Hội đồng Trọng tài cụ thể nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết. Ví dụ, trong thỏa thuận trọng tài các bên chỉ thỏa thuận: “Trong trường hợp có tranh chấp nếu không giải quyết được bằng thương lượng thì yêu cầu Trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Trong trường hợp này thỏa thuận trọng tài là vô hiệu bởi vì các bên không thỏa thuận rõ việc giải quyết vụ tranh chấp do Hội đồng Trọng tài các bên thành lập hay do Trọng tài viên duy nhất hay do Hội đồng Trọng tài của một Trung tâm Trọng tài cụ thể của Việt Nam, trừ trường hợp sau đó các bên có thỏa thuận bổ sung về việc xác định Hội đồng Trọng tài cụ thể của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.
Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Hồ sơ khởi kiện gồm đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện. Khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, luật sư cần bảo đảm rằng việc khởi kiện của đương sự là có đủ điều kiện khởi kiện và Tòa án phải thụ lý vụ việc. Khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, Luật sư cần chú ý rằng các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện phải bảo đảm tính đầy đủ và tính hợp pháp so với các nội dung có trong đơn khởi kiện và phụ thuộc vào yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Về tính đầy đủ, thông thường, hồ sơ khởi kiện gồm có các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Đơn khởi kiện;
– Nhóm giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc nhằm xác định tư cách pháp lý của người khởi kiện và người ký vào đơn kiện. Các giấy tờ, tài liệu này đối với trường hợp cá nhân khởi kiện và pháp nhân, tổ chức khởi kiện là khác nhau. Cá nhân khởi kiện thì thường là chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu gia đình. Nếu là cơ quan, tổ chức thì thường là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, điều lệ hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức, pháp nhân, quyết định bổ nhiệm hoặc biên bản bầu người đại diện theo pháp luật, văn bản ủy quyền (nếu có)…;
– Nhóm giấy tờ, tài liệu chứng minh tư cách của người bị kiện cũng được thực hiện giống như của người khởi kiện;
– Nhóm giấy tờ, tài liệu thể hiện việc xác lập quan hệ hợp đồng dịch vụ dẫn đến tranh chấp, như bản sao hợp đồng dịch vụ, các hóa đơn chứng từ, giấy biên nhận tiền, biên bản thanh lý, biên bản nghiệm thu, sản phẩm dịch vụ hoàn thành;
– Nhóm giấy tờ, tài liệu thể hiện quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ, như bản tư vấn pháp lý, hồ sơ thiết kế kỹ thuật…;
– Nhóm giấy tờ khác, như các văn bản trao đổi giữa các bên khi phát sinh tranh chấp…
Luật sư cần lưu ý rằng tính đầy đủ của tài liệu, chứng cứ ở đây phải được đặt trong bối cảnh đủ để thụ lý vụ án chứ không phải đủ để giải quyết vụ án.
Về tính hợp pháp, Luật sư cần lưu ý rằng, các tài liệu đọc được được coi là hợp pháp khi các tài liệu, giấy tờ đó là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Nếu chỉ có một văn bản duy nhất hoặc những văn bản không được phép chứng thực thì có thể sử dụng bản sao nhưng khi nộp đơn khởi kiện phải mang bản chính đến để Tòa án đối chiếu và ghi rõ vào bản sao đã đối chiếu. Nếu giấy tờ tài liệu do bên nước ngoài cung cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp có điều ước quốc tế quy định khác. Giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực hợp pháp. Các tài liệu nghe được, nhìn được (băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình) phải xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Ngoài ra, để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi, cung cấp chứng cứ sau này, khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, Luật sư cần lập thêm Danh mục chi tiết các tài liệu, giấy tờ có trong hồ sơ khởi kiện gửi kèm đến Tòa án.
Về việc soạn thảo đơn khởi kiện: Soạn thảo đơn khởi kiện là một công việc quan trọng của Luật sư khi bắt đầu tiến hành hành vi tố tụng. Nếu việc soạn thảo đơn khởi kiện không tốt, không đầy đủ và không đáp ứng yêu cầu mà quy định pháp luật đặt ra thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Người làm đơn khởi kiện sẽ phải soạn thảo lại đơn khởi kiện. Cũng giống như các loại tranh chấp khác, đơn khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ phải được làm (theo mẫu) đúng theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 189 BLTTDS 2015. Khi soạn thảo đơn khởi kiện, Luật sư cần lưu ý một số nội dung sau đây:
– Về tên Tòa án nhận đơn khởi kiện, Luật sư cần ghi chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc tránh trường hợp đơn khởi kiện bị Tòa án trả lại. Thông thường, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi người bị kiện có trụ sở nếu là pháp nhân hoặc nơi cư trú của cá nhân. Nơi cư trú của cá nhân được xác định theo quy định tại Điều 40 BLDS 2015, trụ sở của pháp nhân được xác định theo Điều 79 BLDS 2015. Ngoài ra, có trường hợp các bên có thỏa thuận riêng về Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trường hợp này, Luật sư cần phải nghiên cứu trong hợp đồng dịch vụ hoặc xem thêm các bên có thỏa thuận nào khác bằng văn bản ngoài hợp đồng dịch vụ về việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết không. Nếu có, Luật sư cần đánh giá xem thỏa thuận lựa chọn đó có hợp pháp không. Nếu hợp pháp thì chỉ Tòa án mà các bên đã thỏa thuận lựa chọn mới có thẩm quyền giải quyết, như thế, đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết đó.
– Về địa chỉ người khởi kiện và người bị kiện.
– Về nội dung đơn khởi kiện: Đơn khởi kiện phải thể hiện rõ nội dung tranh chấp và yêu cầu khởi kiện. Các tranh chấp về hợp đồng dịch vụ thường phức tạp và liên quan tới nhiều chủ thể nên đơn khởi kiện phải trình bày rõ được quan hệ tranh chấp, quá trình thương lượng, hòa giải, khiếu nại giữa các bên. Yêu cầu khởi kiện phải cụ thể, rõ ràng. Đây là yêu cầu về nội dung, không phải là yêu cầu về tố tụng. Yêu cầu về nội dung cần phải cụ thể, rõ ràng chứ không được nêu chung chung như yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật hoặc chỉ trình bày nội dung tranh chấp mà không yêu cầu Tòa án giải quyết cụ thể yêu cầu như thế nào. Vì thế, cho dù các bên có hay không có bản hợp đồng dịch vụ cụ thể thì trong nội dung này, khi soạn thảo, Luật sư cần thiết phải nêu rõ trong đơn khởi kiện:
+ Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ mà các bên đã giao kết, trong đó miêu tả kỹ công việc mà người làm dịch vụ đảm nhiệm, sản phẩm dịch vụ hoàn thành, phí và cách tính phí dịch vụ của các bên, phương thức thanh toán theo đợt hay trọn gói, chứng từ thanh toán theo yêu cầu;
+ Diễn biến quá trình thực hiện hợp đồng;
+ Thời gian, nội dung và quan điểm của các bên về vấn đề phát sinh tranh chấp. Các tranh chấp về hợp đồng dịch vụ thường phức tạp, có thể liên quan đến nhiều chủ thể, vì thế, khi soạn thảo cần trình bày rõ nội dung tranh chấp, quá trình thương lượng, hòa giải, khiếu nại của các bên (nếu có);
+ Yêu cầu khởi kiện cụ thể phải nêu rõ là yêu cầu ai? yêu cầu về cái gì (ví dụ như hủy hợp đồng, thanh toán tiền phí dịch vụ hoặc hoàn trả tiền phí dịch vụ, tuyên bố hợp đồng dịch vụ vô hiệu …) và yêu cầu cụ thể như thế nào về số lượng, khối lượng, cách tính toán của người khởi kiện để đòi số tiền cụ thể đó. Nếu khách hàng có yêu cầu đòi tiền lãi thì phải ghi rõ số tiền gốc, mức lãi suất, thời gian tính lãi, cách tính lãi như thế nào? Nếu khách hàng có yêu cầu đòi tiền bồi thường thiệt hại thì phải xác định rõ giá trị thiệt hại thực tế gồm những khoản gì, cách tính từng khoản thiệt hại đó như thế nào?
– Về người ký đơn khởi kiện: Đơn khởi kiện phải được người khởi kiện ký tên hoặc điểm chỉ nếu người khởi kiện là cá nhân; phải do người đại diện hợp pháp ký tên và đóng dấu nếu người khởi kiện là pháp nhân, tổ chức. Trường hợp Luật sư được đương sự ủy quyền đại diện tham gia tố tụng thì việc ký đơn kiện phải tuân thủ theo quy định về việc ủy quyền.
Về chuẩn bị hồ sơ tài liệu, chứng cứ nộp kèm đơn khởi kiện: Theo quy định tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS 2015, khi gửi đơn khởi kiện cho Tòa án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Các tài liệu, chứng cứ đương sự phải nộp kèm theo đơn khởi kiện phụ thuộc vào yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Thông thường, các tài liệu, chứng cứ này được chia thành các nhóm sau đây:
– Nhóm tài liệu, chứng cứ chứng minh sự tồn tại, xác lập quan hệ pháp luật giữa các bên trước đó, như hợp đồng dịch vụ và các phụ lục hợp đồng (nếu có);
– Nhóm tài liệu, chứng cứ chứng minh cho tư cách khởi kiện của mình và tư cách của người bị kiện, như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc sổ hộ khẩu; điều lệ công ty, văn bản ủy quyền…;
– Nhóm tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc thực hiện hợp đồng dịch vụ và trao đổi phát sinh giữa các bên trước khi có tranh chấp tại Tòa án, như các biên bản xác định việc thực hiện công việc, dịch vụ; các công văn trao đổi giữa các bên…
– Nhóm tài liệu, chứng cứ thể hiện vụ việc có đủ điều kiện khởi kiện.
Cần lưu ý rằng việc cung cấp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cũng phải tuân thủ theo quy định tại Điều 95 BLTTDS 2015 về xác định chứng cứ, Điều 96 BLTTDS 2015 về giao nộp tài liệu, chứng cứ.
Khi nộp hồ sơ khởi kiện tranh chấp về hợp đồng dịch vụ, Luật sư có thể trực tiếp đến Tòa án có thẩm quyền để nộp hoặc gửi hồ sơ khởi kiện qua đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử theo quy định của BLTTDS 2015.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn