Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, việc giải quyết vụ án sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trong giai đoạn này, Luật sư cần chuẩn bị các công việc cần thiết cho việc tham gia phiên tòa của mình, bắt đầu từ việc trình bày bản tự khai hay văn bản ghi ý kiến của bị đơn, tham gia các buổi lấy lời khai, đối chất của Tòa án, cung cấp hoặc đề nghị Tòa án tiến hành xác minh, thu thập và cung cấp chứng cứ, tham gia các phiên hòa giải, phiên họp xét chứng cứ tại Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án; đề xuất các biện pháp tố tụng của Tòa án, nộp yêu cầu phản tố (nếu có) hoặc bổ sung, thay đổi, rút bớt yêu cầu khởi kiện (nếu có).
Trong các kỹ năng đó, xác minh, thu thập, cung cấp chứng cứ và nghiên cứu hồ sơ vụ án là những kỹ năng quan trọng.
Kỹ năng xác minh, thu thập và cung cấp chứng cứ
Trong việc giải quyết vụ án dân sự nói chung, tranh chấp hợp đồng dịch vụ nói chung, xác minh, thu thập và cung cấp chứng cứ là hoạt động quan trọng cốt yếu. Việc giúp khách hàng của mình “thắng hay thua” trong vụ án là tùy thuộc vào hoạt động của Luật sư trong kỹ năng này. Đối với Luật sư, nghệ thuật tố tụng thực chất là nghệ thuật cung cấp và sử dụng chứng cứ. Điều đó có nghĩa là trong từng hoạt động tố tụng của Tòa án, căn cứ vào tính chất vụ án, đối tượng và trách nhiệm chứng minh của từng bên mà Luật sư cần cân nhắc để có thể cung cấp, sử dụng chứng cứ cho phù hợp. Nguyên tắc là nếu vấn đề, tình tiết, sự kiện không thuộc trách nhiệm chứng minh của mình thì mình không phải chứng minh mà yêu cầu phía bên đối thủ chứng minh. Nếu tình tiết, sự kiện có khả năng gây bất lợi cho mình thì phải tìm giải pháp để nhằm hạn chế phạm vi tác động, ảnh hưởng của các tình tiết, sự kiện đó.
Ngoài ra, Luật sư cũng cần phải lưu ý rằng, áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ nào là cần thiết, phù hợp đòi hỏi phải căn cứ vào đối tượng chứng minh và quy định của pháp luật để phát hiện hệ thống chứng cứ của vụ án. Trong quá trình áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ, Luật sư cần phải lưu ý đến quy định về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 BLTTDS 2015.
Dù đứng ở phía bên nào, nguyên đơn hay bị đơn, trong vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ, Luật sư cần làm rõ những vấn đề cơ bản sau đây:
+ Công việc theo hợp đồng dịch vụ là gì? Sản phẩm của công việc là gì? Cơ sở, căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành hay không hoàn thành công việc đó?
+ Phí dịch vụ của hợp đồng là bao nhiêu? Cách tính như thế nào?
+ Phương thức thanh toán như thế nào?
+ Ai là người ký hợp đồng dịch vụ? Nếu theo ủy quyền thì việc ủy quyền có hợp pháp không?
+ Người thực hiện công việc trong hợp đồng dịch vụ đó có chuyên môn trong lĩnh vực đó không? Có đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện công việc đó không?
+ Hành vi vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng dịch vụ xảy ra như thế nào? Thời điểm xảy ra?
+ Có hay không có thiệt hại xảy ra từ hành vi vi phạm nghĩa vụ này?
+ Thời hiệu khởi kiện còn hay hết?
+ Yêu cầu khởi kiện cụ thể của nguyên đơn là gì?
+ Chứng cứ nào để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn?
+ Bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc như thế nào?
+ Mức độ hoàn thành công việc/dịch vụ?
+ Các bên đã thực hiện được những gì theo thỏa thuận trong hợp đồng?
Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ
Nghiên cứu hồ sơ vụ án là một hoạt động nghiệp vụ rất quan trọng của Luật sư. Thông qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư sẽ hiểu rõ được diễn biến, nội dung vụ tranh chấp cũng như các tình tiết, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, dự kiến được hướng đi của phía đối thủ, đường lối giải quyết vụ án và chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án được tiến hành thường xuyên để phục vụ cho các hoạt động tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
Về nguyên tắc, dù là Luật sư bảo vệ cho phía nguyên đơn hay Luật sư bảo vệ cho phía bị đơn thì khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng phải bảo đảm nghiên cứu tất cả các vấn đề của vụ án cả về nội dung tranh chấp, các tình tiết, các chứng cứ, quan điểm của các bên được thể hiện trong hồ sơ vụ án và cả các tài liệu, chứng cứ về tố tụng của vụ án. Việc nghiên cứu phải được tiến hành lần lượt theo từng vấn đề. Cùng với việc nghiên cứu, Luật sư cũng cần phải tiến hành đánh giá chứng cứ; phải đối chiếu, so sánh các chứng cứ, các tài liệu. Nếu phát hiện có mâu thuẫn thì phải làm rõ để có cơ sở chấp nhận hay bác bỏ chứng cứ. Luật sư cũng cần phải ghi chép các thông tin cần thiết về tài liệu hoặc về chứng cứ đã nghiên cứu như: tên văn bản, ngày, tháng, năm, số bút lục, nội dung thông tin.
Để tiến hành nghiên cứu hồ sơ giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ, Luật sư cần tiến hành theo các bước sau đây:
+ Kiểm tra hồ sơ vụ án
Kiểm tra hồ sơ vụ án nhằm mục đích giúp Luật sư nắm được các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; biết được những tài liệu nào cần phải thu thập mà chưa thu thập được; xác định được nội dung những tài liệu mới thu thập được và sắp xếp hồ sơ để tiện cho việc nghiên cứu.
Tùy từng vụ án cụ thể mà số lượng và nội dung các tài liệu trong hồ sơ vụ án có khác nhau. Thông thường, trong hồ sơ vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ có các loại tài liệu như: đơn khởi kiện, thông báo về việc kiện, văn bản trả lời của bị đơn, các tài liệu về địa vị pháp lý, về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, các tài liệu khác do đương sự cung cấp như: hợp đồng dịch vụ, biên bản nghiệm thu, bản tự khai, văn bản trình bày ý kiến của bị đơn, văn bản giải trình cho Tòa án…; các tài liệu do Tòa án lập như: biên bản lấy lời khai, biên bản xác minh, đối chất, hòa giải, biên bản làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Khi kiểm tra hồ sơ, Luật sư chưa cần phải nghiên cứu nội dung mà chỉ xem xét về hình thức của các văn bản, đánh dấu hoặc ghi chép lại những tài liệu quan trọng hoặc có nghi vấn và sắp xếp các văn bản theo thứ tự để tiện nghiên cứu.
+ Xác định vấn đề/nội dung nghiên cứu
Đây là nội dung quan trọng nhất của hoạt động nghiên cứu hồ sơ. Giống như các vụ tranh chấp khác, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ, Luật sư cần nghiên cứu các vấn đề sau:
Những vấn đề tố tụng của vụ án như việc thụ lý của Tòa án có đúng không? Thời hiệu khởi kiện của vụ án còn hay hết? Tư cách đương sự của các bên? Quan hệ pháp luật tranh chấp và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn? Tính đầy đủ và hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án?
Những vấn đề về nội dung của vụ án như căn cứ pháp lý giải quyết vụ án? Các tình tiết, sự kiện mà các đương sự đã thống nhất? Các tình tiết, sự kiện mà các bên đương sự còn đang tranh chấp hoặc có mâu thuẫn? Những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.
Khi nghiên cứu, Luật sư cần nghiên cứu nội dung đơn kiện trước để chỉ ra được những vấn đề cơ bản sau đây:
+ Tranh chấp giữa ai với ai;
+ Các bên tranh chấp về việc gì;
+ Yêu cầu của người khởi kiện là gì;
+ Những chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện.
Sau đó, Luật sư nghiên cứu các chứng cứ: hoặc là nghiên cứu các chứng cứ của nguyên đơn, sau đó nghiên cứu các chứng cứ của bị đơn; hoặc là kết hợp nghiên cứu chứng cứ của cả nguyên đơn và bị đơn để chứng minh cho từng vấn đề. Nếu nội dung tranh chấp đơn giản thì Luật sư có thể áp dụng cách thứ nhất, còn thông thường nên làm theo cách thứ hai. Khi nghiên cứu, Luật sư phải luôn luôn liên hệ, so sánh với các chứng cứ khác có liên quan, nếu phát hiện có mâu thuẫn thì phải làm rõ sự mâu thuẫn đó.
Kết thúc hoạt động nghiên cứu, Luật sư phải đưa ra được hướng giải quyết vụ án có thể là:
+ Tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án;
+ Xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ;
+ Chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm. Trong trường hợp này, Thẩm phán phải dự kiến được những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa và dự kiến được đường lối giải quyết nội dung vụ án.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn