[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng của luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện khi tư vấn và tranh tụng giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại tòa án nhân dân

Sau khi chào hàng và thống nhất các điều kiện mua bán giữa các bên, ngày 14/12/2014, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH AH, có trụ sở tại Tòa nhà X, phố Y, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội và Công ty TNHH AT, có trụ sở tại phố L, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ký Hợp đồng MBHH. Theo đó, Công ty AH cung cấp 210 bộ máy tính CMS X-Media với tổng giá trị 1.459.920.000 đồng cho Công ty AT. Hợp đồng và Phụ lục 1 quy định Công ty AT đặt cọc 145.992.000 đồng vào ngày ký hợp đồng; có trách nhiệm thanh toán số tiền còn lại là 1.313.928.000 đồng trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày Công ty AH giao hàng cho Công ty AT. Thời gian giao hàng không chậm hơn ngày 30/01/2015. Thực hiện hợp đồng, Công ty AT đã đặt cọc số tiền theo thỏa thuận và Công ty AH đã giao hàng đầy đủ cho Công ty AT vào ngày 15/01/2015. Tuy nhiên, đến tháng 8/2015, Công ty AT mới chỉ thanh toán được cho Công ty AH số tiền 972.996.000 đồng (đã bao gồm cả khoản tiền đặt cọc được đối trừ vào thanh toán tiền hàng). Sau nhiều lần trao đổi, đối chiếu công nợ và lãi quá hạn giữa các bên nhưng Công ty AT không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc còn lại và nợ lãi nên ngày 10/10/2016, Công ty AH đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc Công ty AT phải thanh toán nợ gốc 486.924.000 đồng và số tiền lãi quá hạn theo thỏa thuận ấn định của các bên tại hợp đồng trong mọi trường hợp chậm thanh toán là 50.000.000 đồng.

Với tình huống trên, để có thể khởi kiện tại TAND có thẩm quyền, Luật sư nhận trách nhiệm tư vấn cho Công ty AH trong giai đoạn trao đổi, tiếp xúc khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện phải thực hiện các kỹ năng cơ bản về: xác định loại việc khởi kiện, yêu cầu khởi kiện cụ thể, điều kiện khởi kiện và thụ lý của Tòa án, xem xét tài liệu, chứng cứ do khách hàng cung cấp, trao đổi, tiếp xúc khách hàng về những vấn đề liên quan; nghiên cứu, đối chiếu pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng để giúp khách hàng soạn thảo đơn khởi kiện và chuẩn bị tài liệu, chứng cứ nộp kèm đơn kiện. Mục tiêu cần đạt được đối với Luật sư tư vấn cho Công ty AH ở giai đoạn này là bảo đảm việc nộp hồ sơ khởi kiện của Công ty AH tại TAND có thẩm quyền được tiếp nhận, thụ lý mà không thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện hay sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện.

Thông thường, trên thực tế, những doanh nghiệp như Công ty AH đến nhờ Luật sư tư vấn thường có sự chuẩn bị tài liệu liên quan đến giao dịch mua bán, việc thực hiện hợp đồng và các tài liệu khác phản ánh tranh chấp phát sinh. Tại buổi tiếp xúc ban đầu, nếu khách hàng không mang theo, Luật sư cần hỏi rõ các vấn đề liên quan đến quan hệ hợp đồng giữa các bên để làm sáng tỏ một số nội dung quan trọng phục vụ cho tư vấn yêu cầu khởi kiện. Như vậy, dù có tài liệu cung cấp hay do đại diện của Công ty AH trực tiếp trình bày tại buổi tư vấn, Luật sư cũng cần sử dụng một số kỹ năng cơ bản về tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và cần thiết xác định được các đặc trưng của tranh chấp hợp đồng MBHH như sau:

 Xác định yêu cầu khởi kiện và quan hệ pháp luật tranh chấp:

Việc xác định yêu cầu và phạm vi khởi kiện của khách hàng là một trong các vấn đề quan trọng hàng đầu của vụ kiện vì liên quan đến phạm vi xét xử của Tòa án. Hợp đồng giao kết ngày 14/12/2014 phản ánh quan hệ giao dịch giữa các bên là mua bán, với mục đích sinh lợi đối với mặt hàng máy tính (computer) hiệu CMS X-media được lắp ráp, sản xuất trong nước trên cơ sở nhà sản xuất có tính đến việc nhập khẩu một số thiết bị, linh kiện mà Việt Nam chưa sản xuất được. Hoạt động MBHH của các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thương mại. Vấn đề đặt ra là Luật sư cần phải xác định chính xác pháp luật về thương mại ở thời kỳ nào điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng liên quan đến tranh chấp để có quan điểm tư vấn đúng cho Công ty AH. Hợp đồng MBHH giữa Công ty AH và Công ty AT được ký vào ngày 14/12/2014 nên căn cứ vào thời điểm ký hợp đồng này Luật sư xác định được luật nội dung điều chỉnh là Luật TM 2005BLDS 2005. Tại Chương 2 Luật TM 2005 về MBHH với 50 điều luật đã quy định khá chi tiết những vấn đề liên quan đến quan hệ MBHH trong thương mại – đây là những cơ sở pháp lý nền tảng để Luật sư vận dụng, đánh giá, tư vấn cho yêu cầu khởi kiện của Công ty AH liên quan đến hợp đồng.

Với tình huống này, Công ty AH mong muốn kiện đòi tiền hàng còn nợ và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán được các bên thỏa thuận tại hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014 nên quan hệ pháp luật tranh chấp yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết chính là tranh chấp về hợp đồng MBHH (thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015) đối với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng còn nợ và tiền lãi phát sinh trên số tiền chậm thanh toán.

 Xác định yêu cầu khởi kiện và điều kiện khởi kiện của Công ty AH:

+ Hiệu lực của hợp đồng MBHH: Do Luật TM 2005 không quy định cụ thể, chi tiết về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại nên Luật sư muốn đánh giá hiệu lực của hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014, ngoài các quy định cơ bản tại Chương 2 Luật TM 2005, còn phải đặc biệt chú ý các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được ghi nhận trong BLDS nói chung và đặc thù của loại hợp đồng MBHH nói riêng trên cơ sở một số tiêu chí cơ bản như:

Hình thức hợp đồng: Hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014 lập bằng văn bản nên đáp ứng quy định tại Điều 24 Luật TM 2005 về hình thức của hợp đồng.

Chủ thể giao kết hợp đồng: Người ký hợp đồng là đại diện theo pháp luật của Công ty AH và Công ty AT giao kết hợp đồng nên đều đúng thẩm quyền chủ thể. Ngoài ra, Luật sư còn phải kiểm tra hoạt động kinh doanh máy tính có thuộc ngành nghề kinh doanh của Công ty AH hay không.

– Nội dung và mục đích giao kết hợp đồng MBHH không trái quy định của pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội: mục đích mua bán là thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mỗi bên được pháp luật cho phép; đối tượng hàng hóa mua bán là máy tính (thiết bị điện tử viễn thông) – hàng hóa tiêu dùng, sản xuất lưu thông trong nước không bị cấm, hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm nguyên tắc tự nguyện giao kết hợp đồng: Công ty AH và Công ty AT giao kết hợp đồng MBHH theo ý chí và nhu cầu thực tế trên cơ sở lợi ích chính đáng của mỗi bên. Cả hai đều giao kết trên cơ sở chào hàng, chấp nhận chào hàng, thương lượng, thỏa thuận về mọi điều kiện của hợp đồng mua bán mặt hàng máy tính; không có sự cưỡng ép, đe dọa, lừa dối để buộc phải ký hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014.

+ Quyền khởi kiện hợp pháp phát sinh: Bản chất của tranh chấp thương mại là phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng thương mại đã giao kết. Do đó, Luật sư cần trao đổi, làm rõ với đại diện của Công ty AH về căn cứ khởi kiện trên cơ sở xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp này bị xâm phạm do hành vi vi phạm hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014 của Công ty AT. Ở đây, nghĩa vụ cơ bản của Công ty AH là giao hàng và của Công ty AT là thanh toán tiền hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Như vậy, khi Công ty AH đã giao đầy đủ hàng hóa, có biên bản giao nhận và biên bản nghiệm thu mà Công ty AT chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình (không thanh toán một phần tiền hàng) cho Công ty AH là vi phạm hợp đồng, xâm phạm quyền được nhận tiền hàng đúng hạn của Công ty AH nên có cơ sở để Công ty AH khởi kiện. Vấn đề quan trọng đặt ra là Luật sư phải kiểm tra thời điểm đến hạn hoàn thành nghĩa vụ của Công ty AT được quy định tại hợp đồng, phụ lục hợp đồng ra sao để xác định đã có sự vi phạm nghĩa vụ của Công ty AT chưa. Trong tình huống này, theo quy định của hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014 và phụ lục hợp đồng thể hiện Công ty AT có nghĩa vụ đặt cọc 145.992.000 đồng ngay vào ngày ký hợp đồng và thanh toán số tiền còn lại 1.313.928.000 đồng trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày Công ty AH giao hàng cho Công ty AT, các bên không có thỏa thuận nào khác về gia hạn thời hạn thanh toán cho Công ty AT. Như vậy, căn cứ biên bản giao nhận hàng hóa và biên bản nghiệm thu giao nhận hàng hóa cùng ngày 15/01/2015 giữa các bên thì ngày đến hạn cuối cùng phải thanh toán toàn bộ số tiền 1.313.928.000 đồng của Công ty AT cho Công ty AH là ngày 15/02/2015. Rõ ràng, đến hạn cuối cùng phải thanh toán nhưng Công ty AT vẫn chưa thanh toán đầy đủ, còn thiếu số tiền hàng trị giá 486.924.000 đồng thì đã phát sinh quyền khởi kiện hợp pháp của Công ty AH đối với việc đòi nợ số tiền hàng là 486.924.000 đồng. Hành vi chậm thanh toán đã xảy ra và việc thỏa thuận về tiền lãi do chậm thanh toán theo thỏa thuận tại hợp đồng với giá trị 50.000.000 đồng đã có, hơn nữa thỏa thuận đó cũng không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên có cơ sở để Công ty AH khởi kiện.

+ Thực hiện khiếu nại trong thương mại: Với những tranh chấp thương mại về MBHH hiện nay, rất nhiều doanh nhân bị nhầm lẫn khi họ cho rằng trước khi thực hiện khởi kiện bên vi phạm hợp đồng MBHH phải thực hiện khiếu nại đến bên vi phạm để đủ điều kiện khởi kiện. Luật sư không nên nhầm lẫn coi việc thực hiện khiếu nại của Công ty AH là điều kiện bắt buộc để khởi kiện đối với tranh chấp giữa Công ty AH và Công ty AT. Trước ngày Luật TM 2005 có hiệu lực, pháp luật về thương mại có quy định khi phát sinh tranh chấp, bên có quyền lợi bị vi phạm phải thực hiện quyền khiếu nại đối với bên vi phạm, nếu quá thời hạn khiếu nại sẽ mất quyền khởi kiện (Điều 241 Luật TM 1997) và thời hiệu tố tụng đối với tranh chấp thương mại cũng được tính từ thời điểm phát sinh quyền khiếu nại (Điều 242 Luật TM 1997). Căn cứ Luật TM 2005, việc khiếu nại là quyền của Công ty AH và thời hạn khiếu nại không có thỏa thuận trong hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014 nên tuân theo quy định tại khoản 3 Điều 318 Luật này: “Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác” (vi phạm khác ở đây là các vi phạm không thuộc trường hợp vi phạm về số lượng hàng hóa và chất lượng hàng hóa quy định tại khoản 1 và 2 Điều 318 Luật TM 2005). Như vậy, với tinh thần quy định của Luật TM 2005, Công ty AH không bắt buộc phải thực hiện khiếu nại đến Công ty AT mới có quyền khởi kiện.

+ Xem xét khả năng cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện: Khi trao đổi, tiếp xúc khách hàng, Luật sư cần quan tâm đến những tài liệu, chứng cứ để chứng minh nghĩa vụ thanh toán của Công ty AT, gồm có hợp đồng ngày 14/12/2014, các tài liệu về việc thực hiện hợp đồng để chỉ ra sự vi phạm nghĩa vụ đến hạn của Công ty AT. Nội dung này có liên quan đến kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và kỹ năng thu thập chứng cứ của Luật sư (nếu không có hoặc không đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh).

+ Thời hiệu khởi kiện: Mặc dù thời hiệu khởi kiện không là điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, tuy nhiên việc trao đổi để xác định thời hiệu khởi kiện và tư vấn cho khách hàng hậu quả pháp lý trong trường hợp vụ án hết thời hiệu khởi kiện là rất cần thiết. Theo Điều 184 BLTTDS 2015, thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của BLDS và Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, do tranh chấp này được khởi kiện vào 10/10/2016 nên theo quy định tại Điều 517 BLTTDS 2015, quy định tại Điều 159 BLTTDS 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 vẫn có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2016, nên Luật sư lưu ý rằng, đối với những tranh chấp về kinh doanh, thương mại, thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành là Luật TM 2005. Như vậy, để xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng MBHH còn hay hết, Luật sư trước hết phải căn cứ vào quy định của Luật TM 2005 để xem xét. Tại Điều 319 Luật TM 2005 có quy định về thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 Luật TM 2005). Do đó, vụ kiện của Công ty AH phải áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện và cách tính thời hiệu khởi kiện theo quy định này của Luật TM 2005.

Xác định ngày bắt đầu thời hiệu khởi kiện trong vụ kiện này là ngày quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty AH bị Công ty AT xâm phạm. Tranh chấp giữa Công ty AH và Công ty AT là tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ thanh toán thì ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là ngày Công ty AT phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại hợp đồng ngày 14/12/2014 và phụ lục hợp đồng. Căn cứ biên bản giao nhận hàng hóa và biên bản nghiệm thu giao nhận hàng hóa cùng ngày 15/01/2015 giữa các bên thì ngày đến hạn cuối cùng phải thanh toán toàn bộ số tiền 486.924.000 đồng còn lại của Công ty AT cho Công ty AH là ngày 15/02/2015. Thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày 16/02/2015 đến ngày 16/02/2017.

+ Khả năng tài chính chuẩn bị cho nộp tạm ứng án phí nếu vụ kiện được chấp nhận thụ lý: Luật sư cũng cần lưu ý với Công ty AH về quy định tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí và án phí, lệ phí Tòa án của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật vì vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại không được miễn/giảm án phí. Luật sư có thể giới thiệu cho Công ty AH biết nghĩa vụ nộp án phí của vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại và mức dự kiến nộp tạm ứng án phí ban đầu cũng như thời hạn nộp để doanh nghiệp có sự chuẩn bị theo quy định của pháp luật.

 Xác định điều kiện để Tòa án thụ lý yêu cầu khởi kiện:

+ Thẩm quyền giải quyết có thuộc Tòa án không: Về nguyên tắc, khi tư vấn tranh chấp kinh doanh, thương mại, Luật sư cần kiểm tra các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài hay không để xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trường hợp hợp đồng có thỏa thuận trọng tài (điều khoản trọng tài) hoặc có thỏa thuận trọng tài trong văn bản riêng, và thỏa thuận trọng tài này không bị vô hiệu, không rơi vào trường hợp không thể thực hiện được thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Trọng tài thương mại. Luật sư cần kiểm tra các quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại để xác định có hay không quy định các bên có thỏa thuận trọng tài và có hiệu lực nhưng tranh chấp vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án. Chỉ sau khi xác định được vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Luật sư mới kiểm tra, làm rõ tranh chấp giữa các bên thuộc quy định tại điểm, khoản nào của Điều 30 BLTTDS 2015 về tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Trong vụ kiện này, như đã đề cập, giữa Công ty AH và Công ty AT không có thỏa thuận trọng tài tại hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014 nên khi phát sinh tranh chấp, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

+ Xác định đúng tư cách người khởi kiện: Trong trường hợp này, cả Công ty AH và Công ty AT (người bị kiện) đều là công ty có tư cách pháp nhân, có quan hệ MBHH trực tiếp. Theo đó, Công ty AH hoàn toàn có tư cách khởi kiện trên cơ sở hợp đồng MBHH ngày 14/12/2014 mà Công ty AH giao kết có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên đối tụng là Công ty AT. Để Tòa án thụ lý vụ kiện, Luật sư cũng cần chú ý Công ty AH không rơi vào trường hợp người khởi kiện bị mất quyền khởi kiện. Trong tình huống này, được hiểu là trường hợp trước khi khởi kiện đến Tòa án, Công ty AH có phải thực hiện thủ tục khiếu nại đối với vi phạm nghĩa vụ của Công ty AT để đủ điều kiện cho Tòa án thụ lý hay không. Ở đây, Công ty AH không phải thực hiện khiếu nại trong thời hạn khiếu nại, nên không bị mất quyền khởi kiện như ở phần trên cũng đã trình bày, xin lưu ý vấn đề này vì không phải mọi quan hệ kinh doanh, thương mại đều không tính đến điều kiện khiếu nại của thương nhân trước khi khởi kiện (chẳng hạn, loại tranh chấp về hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa hay đường hàng không… vẫn đặt ra vấn đề khiếu nại để bảo đảm đủ điều kiện thụ lý vụ kiện tại Tòa án). Rõ ràng các điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng MBHH và về hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa có những quy định khác nhau nên Luật sư cần nắm bắt chặt chẽ để tư vấn chính xác cho khách hàng.

Về kỹ năng soạn thảo đơn khởi kiện:

Về cơ bản, đơn khởi kiện của Công ty AH tuân thủ quy định chung, tuy nhiên, Luật sư cũng cần chú ý những điểm riêng biệt của vụ án như sau:

+ Yêu cầu Tòa án giải quyết phải được nêu rõ trong đơn khởi kiện;

+ Yêu cầu khởi kiện đối với giá trị tranh chấp buộc Công ty AT thanh toán phải nêu cụ thể số tiền vì giá trị tranh chấp giữa các bên là cơ sở để Tòa án tính tạm ứng án phí theo quy định.

+ Đối với yêu cầu người đứng đơn khởi kiện: Đương sự trong tranh chấp kinh doanh, thương mại thường là các chủ thể kinh doanh có tư cách pháp nhân. Thực tiễn tố tụng phản ánh, đối với các vụ án kinh doanh, thương mại cần lưu ý về chủ thể đại diện ký đơn khởi kiện. Trong tình huống đã nêu, Công ty AH là pháp nhân khởi kiện nên Luật sư cần trao đổi với khách hàng về người đại diện theo pháp luật tại thời điểm soạn đơn, hoặc trường hợp có hay không việc ủy quyền khởi kiện cho người khác trong doanh nghiệp. Luật sư kiểm tra tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty AH hoặc tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy phép thành lập doanh nghiệp) công ty TNHH hai thành viên trở lên do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp. Tuy nhiên, trường hợp đại diện theo pháp luật của Công ty AH ủy quyền cho người khác khởi kiện thì cũng được pháp luật chấp nhận nhưng việc ủy quyền phải tuân thủ đúng quy định của BLDS và Luật Doanh nghiệp về đại diện.

Khi giúp Công ty AH soạn thảo đơn khởi kiện, tại mục “Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án”, Luật sư cũng cần chú ý nêu tóm tắt một cách sơ lược nhất nội dung tranh chấp để Tòa án có được nhận diện ban đầu về vụ kiện. Ngoài ra, kinh nghiệm của Luật sư cho thấy nên cung cấp bổ sung thông tin của người khởi kiện bằng việc tự nguyện cung cấp số điện thoại và đề nghị Tòa án có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết tránh việc nhận văn bản tố tụng sau ngày Tòa án triệu tập, không có mặt tham gia tố tụng trong các buổi Tòa án triệu tập làm việc vì lý do Tòa án không liên hệ được hoặc giấy báo, giấy triệu tập thất lạc hay đến chậm. Điều này cũng thể hiện tính tự nguyện, chủ động và công khai của nguyên đơn đề nghị Tòa án liên hệ bằng hình thức khác ngoài hình thức tống đạt văn bản tố tụng, tránh được việc bên đối tụng hay các đương sự khác có ý kiến về sự không vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng trong quá trình tố tụng vụ án về lâu dài. Thực tiễn phản ánh, bên đối tụng thường phản đối, khiếu nại việc Thẩm phán hay Thư ký Tòa án biết được số điện thoại để gọi điện thoại cho bên kia và cho rằng đó là quy định cấm, không vô tư, khách quan nên cần có cơ sở để giải quyết vấn đề này nếu phát sinh phản đối, khiếu nại vì xét cho cùng đó là việc nguyên đơn thực hiện quyền của đương sự (quyền đề nghị, yêu cầu đối với Tòa án) mà thôi.

Về kỹ năng chuẩn bị tài liệu, chứng cứ nộp kèm đơn khởi kiện:

Luật sư cần chú ý tư vấn và giúp đỡ khách hàng chuẩn bị tài liệu, chứng cứ theo nhóm tài liệu cơ bản nhằm thể hiện toàn diện nội dung tranh chấp, thỏa mãn điều kiện khởi kiện và chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Cụ thể: Nhóm tài liệu về tư cách pháp lý của chủ thể; nhóm tài liệu về giao kết hợp đồng; nhóm tài liệu về thực hiện hợp đồng; nhóm tài liệu liên quan đến việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc đối chiếu và bảo đảm tính đầy đủ của tài liệu, chứng cứ nộp kèm đơn khởi kiện, Luật sư nên tư vấn cho Công ty AH chuẩn bị một bản kê danh mục các tài liệu nộp kèm đơn khởi kiện (ghi rõ số bản và số trang của từng tài liệu). Điều này cũng giúp cho bộ phận tiếp nhận đơn khởi kiện của Tòa án đối chiếu nhanh khi lập biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ đối với hồ sơ khởi kiện của khách hàng, giúp tiết kiệm thời gian cho người nộp đơn và nhận đơn.

Chú ý: Trong nhiều vụ án, MBHH có nguồn gốc nhập khẩu, trường hợp có những tài liệu như catalog, tờ rơi giới thiệu sản phẩm, mô tả hàng hóa bằng tiếng nước ngoài, tài liệu của nhà sản xuất nước ngoài, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có quốc tịch nước ngoài… mà không có nội dung tiếng Việt, Luật sư cần đề nghị khách hàng cho dịch thuật, chứng thực, trường hợp cần thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

Một số kinh nghiệm cho Luật sư:

Lựa chọn thẩm quyền Tòa án nộp đơn khởi kiện

Thông thường, khi tư vấn cho doanh nghiệp khởi kiện tranh chấp về hợp đồng MBHH, Luật sư cần chú ý trước tiên về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn quy định tại điểm g khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015: “nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết” làm cơ sở pháp lý để giúp khách hàng xác định có nên chọn Tòa án theo thẩm quyền lựa chọn của mình, nếu lựa chọn thì có lợi hơn việc áp dụng thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ hay không để từ đó có quyết định lựa chọn Tòa án nộp đơn khởi kiện một cách chính xác, bảo đảm những lợi thế như không phải đi lại xa, tốn kém chi phí, dễ dàng có mặt đầy đủ trong quá trình tham gia tố tụng.

Xác định tư cách người khởi kiện trong trường hợp giao dịch MBHH do các đơn vị phụ thuộc của pháp nhân xác lập và thực hiện

Thực tiễn phản ánh, có nhiều trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, xí nghiệp, phân xưởng, đội sản xuất… ký kết và thực hiện hợp đồng MBHH, Luật sư cần xác định đó chỉ là các đơn vị phụ thuộc của pháp nhân và không có tư cách chủ thể độc lập để tham gia quan hệ tố tụng. Nhưng nếu phát sinh tranh chấp từ các hợp đồng MBHH đó thì pháp nhân doanh nghiệp là chủ thể thực hiện quyền khởi kiện và các đơn vị phụ thuộc có được ký đơn kiện, tham gia tố tụng hay không? Vấn đề này Luật sư cần đối chiếu các quy định liên quan của ngành Tòa án để tư vấn cho khách hàng: “… Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”.

Xử lý việc xác định địa chỉ của người bị kiện:

Ví dụ :

Tháng 5/2015, Công ty A (có địa chỉ tại phố B, phường T, quận Đ, thành phố H) ký hợp đồng bán 15 tấn đường tinh luyện cho Công ty B (có trụ sở tại phố T, phường H, quận Đ, thành phố H) để phục vụ cho mùa bánh trung thu. Hợp đồng quy định Công ty A giao hàng làm 03 đợt, mỗi đợt giao 05 tấn, vào các ngày 15/5/2015, 15/6/2015 và 15/7/2015; tiền hàng được Công ty B thanh toán ngay vào ngày giao hàng. Vào 02 đợt giao hàng ngày 15/5 và 15/6/2015, Công ty B đã thanh toán cho Công ty A số tiền mua đường theo thỏa thuận, riêng đợt giao hàng vào ngày 15/7/2015, Công ty B đề nghị được gia hạn thanh toán vào ngày 20/7/2015. Phía Công ty A chấp thuận đề nghị lùi hạn thanh toán của Công ty B do chờ thu hồi công nợ của các khách hàng. Tuy nhiên, qua ngày 20/7/2015, Công ty B vẫn không thực hiện thanh toán. Sau 01 năm, Công ty A cũng không đòi được số tiền nợ nên đã khởi kiện đến TAND quận Đ, thành phố H yêu cầu Tòa án buộc Công ty B thanh toán tiền hàng còn nợ và tiền lãi phát sinh trên số tiền chậm thanh toán. Tòa án thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, khi tống đạt Thông báo thụ lý vụ án và Giấy triệu tập cho Công ty B thì không có hồi âm và Công ty B cũng không có người đến Tòa án giải quyết. Sau đó, Tòa án đến địa phương xác minh thì vẫn thấy biển hiệu ở phố T, phường H nhưng đóng cửa, không hoạt động; hỏi thăm cũng không biết chuyển đi đâu. Trong trường hợp này, khi tư vấn cho Công ty A khởi kiện, Luật sư sẽ phải làm gì?

Thực tiễn tố tụng phát sinh trường hợp lẩn tránh, giấu địa chỉ như Công ty B là khá phổ biến. Trong tình huống trên, Luật sư cần hướng dẫn cho Công ty A gửi công văn để xác minh thông tin tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố H) xem Công ty B đã giải thể, hợp nhất, chia, tách, sáp nhập, phá sản hay chuyển đổi địa điểm kinh doanh không. Ngoài ra, cũng cần tư vấn cho Công ty A làm đơn xin xác nhận của Cảnh sát khu vực phường H, quận Đ, thành phố H về việc địa chỉ trụ sở của Công ty B; làm đơn xin xác nhận của Chi cục thuế quận Đ về tình hình kê khai, nộp thuế, nộp tờ khai thuế định kỳ hàng tháng/quý của Công ty B… để từ đó có cơ sở xác định Công ty B có địa chỉ mới nào không hay vẫn ở địa chỉ cũ, mặc dù đăng ký kinh doanh không có sự thay đổi nhưng không đến Tòa án theo triệu tập, trốn tránh nghĩa vụ đối với Công ty A. Luật sư cần tư vấn cho Công ty A yêu cầu Tòa án coi đây là trường hợp cố tình giấu địa chỉ để vẫn tiến hành giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung (quy định tại Điều 192 BLTTDS 2015).

Xử lý việc khởi kiện trong trường hợp đại diện theo pháp luật của pháp nhân bỏ trốn hoặc bị bắt tạm giam:

Ví dụ :

Công ty TNHH Tây Thiên (có trụ sở tại quận B, thành phố H) ký hợp đồng bán cho Công ty TNHH Biển Đông (có trụ sở tại huyện S, thành phố H) 02 chiếc xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng với số máy, số khung, màu sắc, nơi sản xuất… được các bên thỏa thuận thống nhất. Theo hợp đồng mua bán xe ô tô thì giá mua bán 02 chiếc xe là 3,25 tỷ đồng, thanh toán làm 02 lần (lần 1 vào ngày ký hợp đồng thanh toán 1,25 tỷ đồng, lần 2 sau 07 ngày kể từ ngày bàn giao xe sẽ thanh toán hết 2 tỷ đồng còn lại). Sau thời điểm bàn giao xe ô tô 02 ngày, Công ty Biển Đông có công văn xin được trả số tiền 2 tỷ đồng còn lại làm 02 lần, 1 tỷ đồng vào ngày Công ty Tây Thiên xác nhận đồng ý đề nghị của Công ty Biển Đông tại công văn này và 1 tỷ đồng ngay sau khi Công ty Tây Thiên và Công ty Biển Đông hoàn thành thủ tục sang tên sở hữu xe ô tô cho Công ty Biển Đông. Công ty Tây Thiên đã xác nhận đồng ý và được Công ty Tây Thiên thanh toán 1 tỷ đồng sau 01 ngày kể từ ngày xác nhận đồng ý. Sau đó, các bên tích cực hoàn thiện thủ tục sang tên đăng ký quyền sở hữu 02 chiếc xe cho Công ty Biển Đông theo quy định. Sau khi Công ty Biển Đông thông báo cho Công ty Tây Thiên về việc đã nhận được đăng ký xe sang tên quyền sở hữu chuyển đổi và xin gia hạn thanh toán số tiền 1 tỷ còn lại sau 05 ngày, Công ty Tây Thiên đã có văn bản đồng ý đề nghị này. Sau thời hạn 05 ngày, Công ty Biển Đông không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, Công ty Tây Thiên đã có văn bản đòi nợ nhưng kéo dài hơn 60 ngày không giải quyết được nên đã khởi kiện Công ty Biển Đông đến Tòa án huyện S, thành phố H. Vụ án được thụ lý và sau đó Phó Giám đốc Công ty Biển Đông (thành viên thứ hai của Công ty) có văn bản gửi đến Tòa án thông báo việc Giám đốc – đại diện theo pháp luật của Công ty Biển Đông đã bị bắt tạm giam trong một vụ án hình sự nên đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án chờ Giám đốc về giải quyết. Luật sư cần tư vấn cho Công ty Tây Thiên xử lý tình huống này như thế nào?

Kinh nghiệm cho thấy, Luật sư cần xác định sự kiện bị bắt tạm giam của Giám đốc – đại diện theo pháp luật của Biển Đông là có cơ sở chính xác hay không. Do vậy, bên cạnh việc tự tìm kiếm, truy cập thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông (báo viết, báo điện tử, trang thông tin điện tử…), Luật sư cần tư vấn cho Công ty Tây Thiên có công văn gửi Tòa án yêu cầu bị đơn (Công ty Biển Đông) cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét… đối với Giám đốc Công ty này. Áp dụng khoản 6 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”, Luật sư cần tư vấn cho Công ty Tây Thiên làm đơn đề nghị Tòa án xác định Phó Giám đốc Công ty Biển Đông (thành viên góp vốn thứ hai của Công ty) là người đại diện theo pháp luật của Công ty có trách nhiệm tham gia tố tụng tại Tòa án theo quy định trong vụ kiện này.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan