[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng của luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện trong tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ (bị đơn là bên mua bảo hiểm)

Trong trường hợp tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐBH do ý chí chủ quan của DNBH, Luật sư của BMBH có thể chứng minh hành vi chấm dứt HĐBH của DNBH không có cơ sở (không thuộc các trường hợp được quyền chấm dứt HĐBH theo quy định pháp luật); chứng minh BMBH đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong HĐBH; kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến HĐBH theo yêu cầu của DNBH; thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của DNBH trong quá trình thực hiện HĐBH theo yêu cầu của DNBH; thông báo cho DNBH về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH; áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật KDBH và các quy định khác của pháp luật có liên quan…
Trường hợp DNBH yêu cầu BMBH nộp phí bảo hiểm, Luật sư thu thập chứng cứ chứng minh quyền miễn trừ khởi kiện yêu cầu đóng phí của DNBH đối với HĐBH con người phi nhân thọ; chứng minh có sự thay đổi những yếu tố dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm57 (trường hợp DNBH không được khởi kiện BMBH đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng và cả trong quá trình thực hiện hợp đồng); chứng minh BMBH đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tổn thất do rủi ro xảy ra. Các chứng cứ Luật sư cần thu thập và xác minh khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng đó là: chứng cứ về việc chi trả phí bảo hiểm đầy đủ, chứng cứ về thực hiện việc chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn cho DNBH trong trường hợp xuất hiện bên thứ ba có lỗi gây thiệt hại; chứng cứ về việc DNBH không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường…
Ví dụ:
Giả sử ngày 13/9/2016, Công ty TP, đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Chí H – giám đốc, ký hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa với Công ty Bảo hiểm K. Căn cứ vào hợp đồng này thì chi tiết hàng hóa bảo hiểm được doanh nghiệp gửi giấy yêu cầu bảo hiểm theo từng lô hàng vận chuyển. Công ty Bảo hiểm K sẽ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm căn cứ vào đơn yêu cầu bảo hiểm và quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam của Công ty Bảo hiểm K.
Vào lúc 8h47’ thứ 7 ngày 05/7/2017, Công ty TP có gửi cho Công ty Bảo hiểm K giấy yêu cầu bảo hiểm lô hàng ốc hương sống có trọng lượng 1.360kg, vận chuyển bằng xe tải lạnh từ tỉnh K đi tỉnh Q. Số tiền bảo hiểm là 282.600.000 đồng. Lô hàng này đã được Công ty Bảo hiểm K cấp giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 07/7/2017. Theo lời khai của lái xe là anh V, vào khoảng 8h45’ ngày 05/7/2017, xe bị tai nạn tại tỉnh P. Công ty TP đã thông báo và Công ty Bảo hiểm K đã cử người đến hiện trường và giám định hàng hóa mà Công ty TP bị tổn thất. Lô hàng được bảo hiểm có trọng lượng là 1.360kg ốc hương sống. Vì tai nạn nên có 942kg ốc hương bị chết thối bỏ đi, chỉ còn 418kg ốc hương còn sống nhưng cũng bị nứt vỡ nên phải bán giá rẻ với số tiền thu được là 62.073.000 đồng. Như vậy, số tiền Công ty TP bị tổn thất là: 282.600.000 đồng – 62.073.000 đồng = 220.527.000 đồng.
Nội dung của HĐBH nguyên tắc:
Ngay sau khi nhận hàng xếp lên phương tiện vận chuyển, bên B (BMBH) fax giấy yêu cầu bảo hiểm cho công ty bảo hiểm. Bên A (bên bán bảo hiểm) xác nhận lô hàng đó được bảo hiểm. Trong trường hợp bên B chuyển giấy yêu cầu bảo hiểm bằng fax vào ngày lễ, tết hoặc ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước hoặc ngoài giờ hành chính thì lô hàng đó mặc nhiên được xác nhận bảo hiểm theo ngày, giờ nhận fax yêu cầu bảo hiểm”.
Biên bản xem xét hiện trường và lời khai của lái xe thể hiện:
Khi tai nạn xảy ra, lái xe không nhìn đồng hồ, xe bị đổ nghiêng, lái xe phải mất một thời gian để chui ra khỏi xe. Khi nhân viên Công ty Bảo hiểm K đến, ông chỉ trả lời ước chừng về thời gian xảy ra tai nạn là khoảng 8h45’.
Ngày 01/8/2017, Công ty TP đã làm hồ sơ yêu cầu bồi thường gửi cho Công ty Bảo hiểm K, tuy nhiên Công ty Bảo hiểm K đã từ chối bồi thường.
Vì vậy, Công ty TP muốn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Công ty Bảo hiểm K trả tiền bảo hiểm với số tiền bị thiệt hại là 220.527.000 đồng.
Khi tiếp xúc, trao đổi với Công ty TP, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TP, Luật sư cần trao đổi những vấn đề sau về nội dung tranh chấp:
– Trao đổi về hiệu lực HĐBH giữa Công ty TP và Công ty Bảo hiểm K đối với 1.360 kg ốc hương sống dựa vào HĐBH nguyên tắc ký ngày 13/9/2016 và giấy yêu cầu bảo hiểm của Công ty TP ngày 05/7/2017. Các nội dung Luật sư cần xác định:
+ Điều kiện về chủ thể ký hợp đồng: kiểm tra điều kiện của Công ty TP và Công ty Bảo hiểm K.
+ Các thông tin về đối tượng được bảo hiểm: qua giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa (hóa đơn bán hàng, phiếu ghi trọng lượng và số lượng hàng hóa, phiếu xuất kho…) xác định: nguồn gốc ốc hương, chất lượng ốc hương, quy cách đóng gói ốc hương (nếu có).
+ HĐBH nguyên tắc ký vào ngày 13/9/2016 mặc nhiên có hiệu lực kéo dài. Thời gian Công ty TP gửi fax yêu cầu bảo hiểm rơi vào ngày nghỉ (thứ 7) nên thời gian có hiệu lực của HĐBH là thời gian bên Công ty Bảo hiểm K nhận fax (không phải là thời gian Công ty Bảo hiểm K cấp giấy chứng nhận bảo hiểm vào 07/7/2017).
+ Các nội dung khác: Điều kiện về rủi ro được bảo hiểm, không được bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm? Thời hạn có hiệu lực của HĐBH nguyên tắc và thời điểm phát sinh hiệu lực, trách nhiệm bảo hiểm đối với HĐBH chuyến ngày 05/7/2017?
– Trao đổi về nghĩa vụ fax giấy yêu cầu bảo hiểm cho Công ty Bảo hiểm K: thời gian fax? nội dung?…
– Trao đổi về hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa Công ty TP và công ty vận chuyển hàng hóa độc lập: Thời điểm thực hiện hợp đồng vận chuyển ốc hương (thời điểm ghi trong hợp đồng và thời điểm thực tế), giá vận chuyển, phương thức thanh toán, nghĩa vụ của bên vận chuyển trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho hàng hóa?
– Trao đổi về sự kiện bảo hiểm: Nguyên nhân tai nạn? Nguyên nhân tai nạn có thuộc trường hợp sự kiện được bảo hiểm không? Xác định người có lỗi gây ra thiệt hại? Thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm có nằm trong thời hạn bảo hiểm? Thiệt hại thực tế đối với hàng hóa như thế nào? Nghĩa vụ khắc phục hậu quả và thông báo sự kiện bảo hiểm xảy ra của Công ty TP?
– Trao đổi về nghĩa vụ của các bên trong việc bồi thường thiệt hại: Nghĩa vụ khắc phục thiệt hại? Giám định tài sản bị tổn thất? Xác định số tiền bảo hiểm Công ty TP được Công ty Bảo hiểm K chi trả? Thủ tục và hồ sơ khiếu nại của Công ty TP yêu cầu Công ty Bảo hiểm K bồi thường tổn thất?
Qua trao đổi, Luật sư xác định được các vấn đề:
– Quan hệ pháp luật tranh chấp: Tranh chấp về số tiền bảo hiểm trong HĐBH hàng hóa vận chuyển.
– HĐBH chuyến phát sinh hiệu lực pháp luật từ 8h47’ ngày 05/7/2017, đây cũng chính là thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm K.
– Rủi ro gây ra thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm (không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm, trường hợp rủi ro không được bảo hiểm).
– Hàng hóa bị thiệt hại nằm trong thời hạn có hiệu lực của HĐBH vận chuyển hàng hóa mặc dù theo lời khai của lái xe là tai nạn xảy ra vào 8h45’ còn thời gian fax đơn (thời hạn bắt đầu có hiệu lực của HĐBH) là 8h47’ (Luật sư lập luận theo hướng: theo lời khai của lái xe thì thời gian xảy ra tai nạn khoảng 8h45’ chứ không chính xác tuyệt đối. Do đó, thời gian xảy ra tai nạn có thể cho phép được chấp nhận xảy ra trước hoặc sau thời điểm đó từ 5-10 phút. Điều này là có cơ sở vì khi tai nạn, theo lẽ tự nhiên lái xe không nhìn đồng hồ trước, việc đầu tiên là cứu người, cứu hàng…).
– Thiệt hại của Công ty TP là thiệt hại thực tế, có sự thống nhất giữa Công ty TP và Công ty Bảo hiểm K, số tiền thiệt hại là: 220.527.000 đồng.
– Công ty TP thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo sự kiện bảo hiểm cho Công ty Bảo hiểm K và thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra và khắc phục hậu quả có thể phát sinh; có đơn khiếu nại và làm đầy đủ hồ sơ yêu cầu Công ty Bảo hiểm K chi trả số tiền bảo hiểm.
Khi tiếp xúc, trao đổi với Công ty Bảo hiểm K, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Bảo hiểm K, Luật sư cần trao đổi những nội dung sau:
Luật sư tập trung trao đổi những thông tin để xác định căn cứ loại trừ nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm hoặc giảm số tiền bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm K:
– Trao đổi thông tin về nghĩa vụ gửi fax yêu cầu bảo hiểm cho Công ty Bảo hiểm K của Công ty TP. Làm rõ việc gửi fax của Công ty TP là ngay sau khi hàng được chuyển lên xe hay là thời điểm nào? Vì hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô giữa Công ty TP và bà Nguyễn Thị Thanh T (chủ xe) thì thời gian thực hiện hợp đồng vận chuyển lô hàng ốc hương bắt đầu từ lúc 5h30’.
– Trao đổi thông tin về thời điểm xảy ra tai nạn: Luật sư làm rõ thời điểm xảy ra tai nạn vào lúc 8h45’(theo lời khai của lái xe) nhưng thời điểm phát sinh hiệu lực trách nhiệm bảo hiểm của DNBH là 8h47’. Vì thế, sự kiện bảo hiểm xảy ra trước khi HĐBH có hiệu lực không thuộc trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm K.
– Trao đổi thông tin để xác định các thiệt hại do bên Công ty TP cung cấp có thể là giả mạo, không có đại diện chính quyền, đại diện công ty ký kết.
Trao đổi thông tin để xác định bên Công ty TP đã không làm các thủ tục cần thiết để bảo lưu quyền đòi bồi thường đối với người chuyên chở hay người thứ ba khác có trách nhiệm đối với tổn thất, mất mát hàng hóa trong tai nạn ấy (theo quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển do Công ty Bảo hiểm K ban hành).

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan