[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng của luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện trong tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ (nguyên đơn là bên mua bảo hiểm)

Mục đích mà BMBH hướng tới là số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường được DNBH chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, lợi ích này của BMBH không đạt được do ý chí chủ quan, cũng có thể là khách quan từ các chủ thể làm cho HĐBH vô hiệu khi giao kết; hoặc do sự vi phạm nghĩa vụ của DNBH trong việc thực hiện hợp đồng và chi trả tiền bảo hiểm/bồi thường ảnh hưởng đến quyền lợi của BMBH. Vì thế, khi BMBH đến với Luật sư để tư vấn khởi kiện, tranh chấp của họ có thể là:

(i) Tranh chấp hợp đồng vô hiệu và yêu cầu DNBH khắc phục hậu quả của HĐBH vô hiệu, bồi thường thiệt hại khi hợp đồng vô hiệu xuất phát từ việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của DNBH;

(ii) Tranh chấp về sự vi phạm nghĩa vụ của DNBH và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả về sự vi phạm nghĩa vụ đó; yêu cầu DNBH chấm dứt hành động đơn phương và giải quyết hậu quả của việc chấm dứt HĐBH phi nhân thọ;

(iii) Tranh chấp về chấm dứt HĐBH phi nhân thọ do ý chí chủ quan của DNBH. Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là BMBH trong HĐBH phi nhân thọ cần phải có những kỹ năng sau:

– Kỹ năng xác định tư cách tham gia quan hệ nghĩa vụ trong HĐBH phi nhân thọ của BMBH

BMBH (người tham gia bảo hiểm) trong HĐBH phi nhân thọ là tổ chức, cá nhân có quyền lợi hợp pháp khi có rủi ro/sự kiện bảo hiểm được ghi nhận trong HĐBH. Đặc điểm của BMBH trong HĐBH vừa có thể là người tham gia, là người được bảo hiểm, là người thụ hưởng hoặc chỉ là người tham gia ký kết HĐBH, còn người được bảo hiểm là người thứ ba (trong trường hợp này, người thứ ba được gọi là người thụ hưởng). Khi trao đổi, tiếp xúc với BMBH là nguyên đơn trong vụ án, trước hết Luật sư phải xác định tư cách tham gia quan hệ nghĩa vụ trong HĐBH phi nhân thọ của BMBH. Đây là cơ sở để xác định quyền khởi kiện, nội dung yêu cầu khởi kiện, người bị kiện và định hướng khai thác thông tin, thu thập chứng cứ cụ thể trong từng quan hệ tranh chấp.

Ví dụ 1:

HĐBH giữa A và DNBH B về bảo hiểm xe ô tô:

– Trường hợp A chỉ mua bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới: Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra (nghĩa là có sự thiệt hại về tài sản là xe ô tô thuộc quyền sở hữu của A), A là người được bảo hiểm đồng thời là người thụ hưởng, người thứ ba gọi là C (có thể có) là người gây ra thiệt hại cho xe ô tô của A. Khi có tranh chấp xảy ra, A vừa có thể khởi kiện DNBH B (quan hệ bồi thường theo HĐBH giữa A và DNBH B), vừa có thể khởi kiện C trong trường hợp C có lỗi để yêu cầu đòi chi trả tiền bảo hiểm/bồi thường dựa trên mức độ lỗi. Số tiền bảo hiểm của A trong trường hợp này = số tiền bồi thường của DNBH B (chi phí thiệt hại thực tế của A (x) mức độ lỗi của A (%)) + số tiền bồi thường của C (chi phí thiệt hại thực tế của A (x) mức độ lỗi của C (%)).

– Trường hợp A chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với người thứ ba (gọi C là người bị thiệt hại): Đối tượng bảo hiểm ở đây chính là trách nhiệm bồi thường của chủ xe (người được bảo hiểm) đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của C. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra, DNBH B sẽ bồi thường thiệt hại cho C. Vì thế, A là người được bảo hiểm nhưng không phải đồng thời là người được thụ hưởng. Người thụ hưởng trong trường hợp này là C bị thiệt hại. Người khởi kiện đối với yêu cầu đòi bồi thường trong trường hợp này có thể là: C khởi kiện A (quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), A khởi kiện DNBH B đòi bồi thường (quan hệ đòi bồi thường theo HĐBH giữa A và DNBH B); trường hợp C thấy mức tiền bồi thường của DNBH B theo HĐBH giữa DNBH B ký với A ít hơn mức thiệt hại thực tế mà C bị tổn thất thì C có thể khởi kiện A để bồi thường thêm phần chênh lệch (quan hệ pháp luật dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Căn cứ vào việc xác định tư cách tham gia quan hệ bảo hiểm như của A, Luật sư có thể xác định tư cách tham gia quan hệ nghĩa vụ trong HĐBH giữa A và DNBH B, từ đó xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể để tư vấn yêu cầu khởi kiện phù hợp.

– Kỹ năng xác định hiệu lực pháp luật của HĐBH phi nhân thọ

Luật KDBH không quy định các điều kiện để một HĐBH nói chung và HĐBH phi nhân thọ nói riêng được coi là có hiệu lực mà chỉ quy định các trường hợp HĐBH vô hiệu (trong đó có HĐBH phi nhân thọ). Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến HĐBH không được quy định tại Luật KDBH thì được dẫn chiếu áp dụng theo quy định của BLDS (trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng BLDS 2005, từ ngày 01/01/2017 thì áp dụng BLDS 2015). Vì vậy, để xác định một HĐBH phi nhân thọ phát sinh hiệu lực thì Luật sư phải căn cứ vào các quy định có hiệu lực của hợp đồng mà BLDS đã quy định và không thuộc các trường hợp vô hiệu theo quy định của Luật KDBH.

BLDS quy định về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung. Khi xem xét điều kiện về năng lực hành vi dân sự của người tham gia giao dịch dân sự, Luật sư cần xem xét năng lực ký kết HĐBH phi nhân thọ của BMBH và DNBH dựa vào:

(i) Các quy định về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân theo quy định của BLDS và các điều kiện của DNBH cần phải có khi kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ theo Luật KDBH;

(ii) Các quy định về năng lực hành vi dân sự đối với BMBH là cá nhân;

(iii) Riêng BMBH là tổ chức thì không cần phải có tư cách pháp nhân, do đó, tổ hợp tác, hộ gia đình đều có thể là BMBH.

Luật sư xem xét điều kiện về mục đích và nội dung của HĐBH phi nhân thọ. Một HĐBH phi nhân thọ chỉ có hiệu lực pháp luật nếu mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Từ quy định này, nếu các bên chủ thể tham gia HĐBH đã thỏa thuận về những việc mà pháp luật không cho phép hoặc trái với lối ứng xử chung đang được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng thì HĐBH phi nhân thọ không phát sinh hiệu lực. Ví dụ, các bên thỏa thuận số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường trong HĐBH trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới cao hơn mức bảo hiểm đã được Bộ Tài chính quy định được áp dụng tại thời điểm giao kết hợp đồng nhằm mục đích trục lợi.

Luật sư xem xét điều kiện về tính tự nguyện của chủ thể tham gia HĐBH phi nhân thọ: Thứ nhất, trường hợp các bên giao kết HĐBH phi nhân thọ do sự lừa dối của một bên trong hợp đồng hoặc sự lừa dối của người thứ ba (ví dụ, hành động cung cấp thông tin thiếu chính xác về tài sản được bảo hiểm của bên bảo hiểm trong HĐBH hay giải thích hợp đồng không đầy đủ của DNBH); không khai báo chính xác giá trị thực của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm ký kết hợp đồng dẫn đến trường hợp DNBH tính phí bảo hiểm trên giá trị hoặc thấp hơn giá trị, vi phạm nguyên tắc bồi thường theo thiệt hại thực tế…; hoặc hành vi cố tình tư vấn sai sự thật của người thứ ba (như công ty môi giới bảo hiểm) nhằm mục đích trục lợi. Trong trường hợp BMBH cung cấp thông tin sai sự thật thì DNBH sẽ được quyền “đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng”. Đối với các hành vi lừa dối khác (ví dụ, BMBH không có quyền lợi có thể được bảo hiểm như trường hợp tài sản bảo hiểm không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của BMBH, hoặc BMBH không được chủ sở hữu của tài sản đó chuyển giao quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản; hay tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại, đó có thể là trường hợp tài sản bảo hiểm bị trộm cắp, bị thất lạc…) thì áp dụng Điều 22 Luật KDBH và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của BLDS. Thứ hai, trường hợp HĐBH được giao kết do sự đe dọa, cưỡng ép của một bên trong hợp đồng hoặc của người thứ ba: trường hợp này ít thấy trong các quan hệ HĐBH phi nhân thọ. Thứ ba, trường hợp giao kết HĐBH phi nhân thọ do một bên nhầm lẫn. Trong HĐBH phi nhân thọ, yếu tố dễ nhầm lẫn là điều kiện bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, vì thế DNBH phải có trách nhiệm giải thích rõ cho BMBH khi giao kết hợp đồng. Trường hợp DNBH phi nhân thọ cố tình giải thích sai, gây hiểu lầm cho người mua bảo hiểm thì bị coi là bên có lỗi làm cho HĐBH phi nhân thọ bị vô hiệu do nhầm lẫn.

Điều kiện về hình thức hợp đồng: Hình thức của HĐBH phi nhân thọ bắt buộc phải bằng văn bản.

Sau khi xem xét và đánh giá các điều kiện có hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ, Luật sư đưa ra kết luận về hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ. Tuy nhiên, đối với HĐBH nói chung và HĐBH phi nhân thọ nói riêng, Luật sư cần phải xem xét tới thời điểm phát sinh hiệu lực của HĐBH. Không giống như các loại hợp đồng khác, bên cạnh việc tuân theo quy định chung của BLDS về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, Luật KDBH có những quy định riêng về thời điểm phát sinh hiệu lực của từng HĐBH phi nhân thọ trong từng lĩnh vực. Theo đó, HĐBH phi nhân thọ có hiệu lực kể từ ngày bên tham gia bảo hiểm nộp phí bảo hiểm và được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hợp pháp (đối với HĐBH trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới); HĐBH phi nhân thọ có hiệu lực kể từ khi hàng hóa được bảo hiểm rời kho hay nơi chứa hàng tại địa điểm ghi trong HĐBH để bắt đầu vận chuyển và tiếp tục có hiệu lực trong suốt quá trình vận chuyển bình thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (đối với HĐBH hàng hóa vận chuyển bằng đường biển)… Đây là đặc thù về thời điểm phát sinh hiệu lực HĐBH phi nhân thọ mà Luật sư cần chú ý tới vì thời điểm phát sinh hiệu lực HĐBH phi nhân thọ chính là cơ sở để xem xét thời hạn của HĐBH phi nhân thọ, thời điểm phát sinh nghĩa vụ và quyền lợi giữa các bên chủ thể. Bằng chứng của việc giao kết HĐBH mà Luật sư cần phải có đó là: giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm/đơn bảo hiểm. Ngoài ra còn một số giấy tờ khác trong một số trường hợp sửa đổi, bổ sung HĐBH.

Từ việc xác định hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ, có hai trường hợp xảy ra tương ứng với các kỹ năng tiếp theo của Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với nguyên đơn là BMBH, đó là:

+ Kỹ năng của Luật sư đối với trường hợp HĐBH phi nhân thọ vô hiệu, tranh chấp phát sinh từ HĐBH vô hiệu và giải quyết hậu quả HĐBH vô hiệu xuất phát từ lỗi của DNBH. Trong trường hợp này, Luật sư phải tìm hiểu cơ sở pháp lý vô hiệu của HĐBH phi nhân thọ (xem kỹ năng xác định điều kiện có hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ) và tập trung chứng minh được HĐBH vô hiệu xuất phát từ lỗi của DNBH, đó có thể là:

(i) DNBH không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để ký kết HĐBH;

(ii) DNBH có hành vi lừa dối khi giao kết HĐBH phi nhân thọ (ví dụ, DNBH cố tình không cung cấp hết các thông tin liên quan đến HĐBH; cố tình giải thích sai các điều kiện, điều, khoản bảo hiểm… Một trong các điều, khoản DNBH thường hay giải thích sơ sài, thiếu chính xác, dễ gây hiểu lầm, nhầm lẫn cho BMBH là điều khoản về rủi ro được bảo hiểm và rủi ro loại trừ trách nhiệm bảo hiểm); hoặc trường hợp DNBH không cung cấp HĐBH hoặc chứng cứ về HĐBH (dẫn tới HĐBH vô hiệu về hình thức)…

Ngoài ra, Luật sư còn phải tìm hiểu xem ý định, mong muốn cụ thể của khách hàng trong từng trường hợp để tư vấn:

(i) Tiếp tục thực hiện HĐBH (bằng cách loại bỏ những nguyên nhân làm HĐBH phi nhân thọ vô hiệu nếu pháp luật cho phép để khôi phục lại hiệu lực của HĐBH như sửa đổi, bổ sung các điều, khoản hợp đồng vô hiệu (đối tượng của hợp đồng, giá trị bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm…);

(ii) Chấm dứt hợp đồng và giải quyết hậu quả của HĐBH vô hiệu (hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bồi thường thiệt hại trên cơ sở lỗi của các bên theo quy định của BLDS và  pháp luật liên quan điều chỉnh quan hệ HĐBH phi nhân thọ trong từng trường hợp cụ thể).

+ Kỹ năng của Luật sư đối với trường hợp HĐBH phi nhân thọ phát sinh hiệu lực, tranh chấp phát sinh từ việc không thực hiện/thực hiện không đúng nghĩa vụ trong HĐBH của DNBH và các biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm nghĩa vụ đó của DNBH. Trong trường hợp nguyên đơn là BMBH, loại tranh chấp giữa nguyên đơn và DNBH phi nhân thọ về việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của DNBH phi nhân thọ thì tranh chấp phổ biến nhất là tranh chấp liên quan đến việc không thực hiện/thực hiện không đúng nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm/tiền bồi thường của DNBH cho BMBH/bên thứ ba thụ hưởng. Khi gặp loại tranh chấp này, Luật sư bảo vệ quyền lợi của BMBH cần có những kỹ năng sau đây:

– Kỹ năng khai thác thông tin, vận dụng pháp luật xác định HĐBH phi nhân thọ đã phát sinh hiệu lực pháp luật.

– Kỹ năng khai thác thông tin, vận dụng pháp luật xác định việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ HĐBH phi nhân thọ của BMBH đối với DNBH.

Luật sư cần nghiên cứu để xác định việc BMBH đã thực hiện đầy đủ hay chưa nghĩa vụ cung cấp thông tin của đối tượng bảo hiểm từ trước khi giao kết hợp đồng cũng như trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp: “… Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm…”. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH đó là:

– Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến HĐBH theo yêu cầu của DNBH;

– Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của DNBH trong quá trình thực hiện HĐBH theo yêu cầu của DNBH;

– Thông báo cho DNBH về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH.

Nghĩa vụ chính là việc BMBH phải thông báo kịp thời cho DNBH biết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm về những thông tin, tình hình diễn biến của rủi ro, thiệt hại thực tế giúp DNBH xác định chính xác về thiệt hại làm cơ sở cho việc xét bồi thường.

Luật sư phải thu thập chứng cứ về nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH vì nếu BMBH vi phạm nghĩa vụ thì DNBH sẽ căn cứ vào các thỏa thuận cụ thể trong HĐBH phi nhân thọ đã giao kết, có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng; giảm/không trả số tiền bồi thường; giảm/không trả số tiền bảo hiểm.

Ngoài ra, Luật sư cần phải xác định BMBH đã áp dụng đầy đủ các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo sự xác định trong HĐBH phi nhân thọ hoặc theo các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, an toàn sản xuất, an toàn giao thông…

Để yêu cầu DNBH trả tiền bảo hiểm/bồi thường thiệt hại, Luật sư cần hướng dẫn BMBH cung cấp chứng cứ chứng minh đã gửi hồ sơ yêu cầu giải quyết khiếu nại đòi bồi thường trong thời hạn pháp luật cho phép.

– Kỹ năng khai thác thông tin, vận dụng pháp luật xác định điều kiện thiệt hại thực tế được hưởng bảo hiểm. Không phải thiệt hại nào cũng được DNBH chi trả tiền bảo hiểm/bồi thường và không phải lúc nào DNBH cũng chi trả toàn bộ cho thiệt hại thực tế. Vì thế, việc xác định điều kiện được bồi thường của những thiệt hại phát sinh là kỹ năng quan trọng của Luật sư.

Luật sư lưu ý, ở mỗi nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau lại có cách xác định giá trị bảo hiểm, thiệt hại, phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm/bồi thường khác nhau. Vì thế, khi xác định những điều kiện để tính thiệt hại thực tế và để tính thiệt hại được bồi thường, Luật sư phải căn cứ vào đối tượng bảo hiểm, điều khoản về giá trị bảo hiểm, phí và phạm vi bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm được thỏa thuận trực tiếp trong HĐBH để xem xét:

(i) Trong HĐBH tài sản, cách tính số tiền bảo hiểm, số tiền bồi thường dựa vào giá trị bảo hiểm (đối với tài sản có thể tính toán được giá trị). Trường hợp giá trị bảo hiểm của tài sản không thể xác định được bằng thước đo giá cả thị trường thông thường thì giá trị sẽ được ước tính bằng các phương pháp thỏa thuận thích hợp với từng loại đối tượng bảo hiểm (như lợi nhuận trong bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, giá trị sản lượng thu hoạch trong bảo hiểm cây trồng hàng năm…); trong HĐBH trách nhiệm dân sự cần xem xét đến bảo hiểm có giới hạn, bảo hiểm không có giới hạn, và trong HĐBH con người phi nhân thọ thì “xác định số tiền bảo hiểm dựa vào sự thỏa thuận giữa BMBH và DNBH; hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước hoặc theo quyết định của Tòa án…”;

(ii) Luật sư vận dụng các nguyên tắc chi trả số tiền bảo hiểm/bồi thường: “Nguyên tắc chi trả bồi thường theo thiệt hại thực tế” (khi chi trả bảo hiểm có đối tượng là tài sản và trách nhiệm dân sự, bảo lãnh); chi trả tiền bảo hiểm theo nguyên tắc khoán đối với hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm con người phi nhân thọ (trừ chi phí y tế theo tổn thất thực tế);

(iii) Và thiệt hại thực tế được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản tại thời điểm bị thiệt hại (đối với tài sản), được thể hiện qua biên bản định giá thiệt hại tài sản.

Căn cứ bồi thường thiệt hại là giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất và thiệt hại thực tế của bên được bảo hiểm. Xuất phát từ căn cứ này, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng là BMBH, Luật sư phải thu thập các chứng cứ chứng minh chi phí để sửa chữa, thay thế bộ phận tài sản bị hư hỏng và các khoản chi cần thiết và hợp lý khác để giảm thiểu thiệt hại hoặc để thực hiện các chỉ dẫn của DNBH. Ngoài ra, Luật sư của BMBH cũng cần lưu ý về chi phí để xác định giá thị trường và thiệt hại do DNBH chịu.

Ví dụ 2: Về chi trả số tiền bảo hiểm cho HĐBH tài sản

A tham gia bảo hiểm cho toàn bộ chiếc xe của mình trị giá là 20.000.000 đồng. Trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, A bị tai nạn, xe bị hư hỏng và thiệt hại với số tiền là 8.000.000 đồng. Số tiền bảo hiểm mà chủ xe nhận được trong bất kỳ trường hợp nào cũng chỉ là 8.000.000 đồng.

Ví dụ 3: Về chi trả số tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự

A ký HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba. Mức phí bảo hiểm A phải đóng với số tiền là 60.000 đồng/năm. A gây tai nạn làm B chết. Với mức đóng phí bảo hiểm của A, số tiền DNBH chi trả thay trách nhiệm dân sự cho cái chết của B tối đa là 100.000.000 đồng (khoản 1 Điều 9 Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính).

Ví dụ 4: Về chi trả số tiền bồi thường

A tham gia bảo hiểm tai nạn con người với số tiền bảo hiểm là 10.000.000 đồng. Trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, A bị tai nạn xe máy, phải vào viện điều trị với số tiền là 2.000.000 đồng (bao gồm tiền thuốc, tiền viện phí và các chi phí có liên quan). Theo HĐBH đã ký kết, đối với vết thương của A, tỷ lệ trả tiền bảo hiểm là 12% của số tiền bảo hiểm. Trong trường hợp này, DNBH không căn cứ vào thiệt hại của A (số tiền thiệt hại là 2.000.000 đồng) để giải quyết trả tiền bảo hiểm mà DNBH sẽ trả theo mức đã khoán khi ký kết hợp đồng giữa A và DNBH. Mức khoán ở đây là 12% của số tiền bảo hiểm, nên số tiền bảo hiểm A được DNBH chi trả là: 12% x 10.000.000 đồng = 1.200.000 đồng. Nếu số tiền bảo hiểm l đồng thì số tiền DNBH chi trả là: 12% x 20.000.000 đồng = 2.400.000 đồng.

Xác định thời hạn bảo hiểm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền được hưởng bảo hiểm hay không của người được bảo hiểm, đồng thời là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của DNBH. Vì thế, Luật sư còn phải chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra trong thời hạn bảo hiểm của HĐBH phi nhân thọ. Thời hạn là quãng thời gian từ thời điểm bắt đầu cho tới thời điểm kết thúc hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ. Trong thời hạn đó, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm DNBH có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm/bồi thường. Thông thường, thời hạn bảo hiểm trùng với thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, tuy nhiên có những trường hợp, tuy cùng trong thời hạn  có hiệu lực của hợp đồng nhưng chỉ những sự kiện xảy ra trong thời hạn bảo hiểm thì DNBH mới chi trả bảo hiểm/bồi thường. Thời hạn bảo hiểm có thể tính theo ngày hoặc được tính theo sự kiện bảo hiểm. Tính theo ngày thì thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm được tính từ 0 giờ 00 phút của ngày bảo hiểm đầu tiên theo dương lịch (ngày tiếp theo ngày HĐBH có hiệu lực). Nếu tính theo sự kiện thì thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm chính là thời điểm bắt đầu của sự kiện

Ví dụ 5:

Thời hạn có hiệu lực của một HĐBH công trình xây dựng được tính theo thời hạn thi công. Mặc dù HĐBH đã có hiệu lực khi hai bên giao kết và bên tham gia đóng phí bảo hiểm nhưng thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo hiểm chỉ tính kể từ khi công trình đó được khởi công xây dựng. Vì thế thời điểm bắt đầu thời hạn bảo hiểm là thời điểm khởi công công trình. Ngược lại, thời hạn có hiệu lực của một HĐBH xe cơ giới phát sinh từ ngày BMBH thanh toán phí cho DNBH là ngày 15/7/2017. Vì thế thời điểm bắt đầu thời hạn bảo hiểm của HĐBH xe cơ giới là vào 0 giờ 00 phút ngày 16/7/2017.

Đối với trường hợp xuất hiện người thứ ba có lỗi trong quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Luật sư cũng cần chứng minh BMBH đã thực hiện đầy đủ yêu cầu bồi hoàn, thực hiện nghĩa vụ chuyển giao quyền bồi hoàn cho DNBH hay chưa?

Trên cơ sở trao đổi các thông tin ban đầu về quan hệ tranh chấp ở những nội dung nêu trên, Luật sư tư vấn đưa ra những yêu cầu khởi kiện dựa vào những căn cứ pháp luật và dựa vào sự tính toán thiệt hại thực tế, lãi phát sinh từ số tiền bảo hiểm/bồi thường mà DNBH chậm trả.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan