[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng của luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện trong tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ (nguyên đơn là doanh nghiệp bán hiểm)

Trường hợp khách hàng là DNBH tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn thì những yêu cầu khởi kiện có thể có là:

(i) Tranh chấp về hợp đồng vô hiệu do lỗi của BMBH và yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu;

(ii) Tranh chấp về việc vi phạm nghĩa vụ của BMBH trong HĐBH phi nhân thọ đã phát sinh hiệu lực pháp luật và các biện pháp khắc phục hậu quả về sự vi phạm nghĩa vụ đó của BMBH…

– Kỹ năng của Luật sư trong việc xác định hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ.

– Kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng vô hiệu do lỗi của BMBH và yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Lợi ích mà DNBH phi nhân thọ hướng tới khi ký kết HĐBH là số tiền thu được từ phí bảo hiểm mà BMBH phải trả cho DNBH nhằm đổi lấy sự bảo đảm trước các rủi ro khi những rủi ro này chuyển sang cho DNBH. Vì thế, để số tiền thu phí bảo hiểm không bị giảm đi, DNBH phải hạn chế tối đa việc chi trả số tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm. Để đạt được mục đích này, DNBH phải tìm ra những căn cứ chứng minh HĐBH vô hiệu trong trường hợp xảy ra tranh chấp (thường áp dụng trong trường hợp số tiền bảo hiểm phải chi trả quá lớn so với số tiền thu được từ phí bảo hiểm).

Nếu muốn chứng minh hợp đồng vô hiệu, Luật sư cần tập trung khai thác thông tin nguyên nhân dẫn đến hợp đồng vô hiệu căn cứ vào:

(i) các điều kiện có hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ (điều kiện chung và điều kiện riêng của từng loại HĐBH);

(ii) các trường hợp vô hiệu của HĐBH phi nhân thọ (quy định trong BLDS và Luật KDBH, luật chuyên ngành). Kỹ năng xác định những căn cứ của HĐBH vô hiệu đã được đề cập ở phần kỹ năng xác định hiệu lực của HĐBH khi Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của BMBH.

Tuy nhiên, xuất phát từ vai trò là người bảo vệ quyền lợi cho DNBH, những vấn đề mà Luật sư cần đi sâu khai thác và tập trung làm rõ chính là nguyên nhân của hợp đồng vô hiệu do lỗi của BMBH. Nguyên tắc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên trong quan hệ HĐBH phi nhân thọ, khi hợp đồng vô hiệu do lỗi của BMBH thì DNBH không phải hoàn lại tất cả phí bảo hiểm mà BMBH đã nộp. Do đó, xác định hợp đồng vô hiệu do lỗi của BMBH có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của DNBH. HĐBH chịu sự điều chỉnh bởi cả pháp luật dân sự và luật chuyên ngành. Vì thế để xác định các trường hợp HĐBH phi nhân thọ vô hiệu do lỗi của BMBH, Luật sư cần có kỹ năng vận dụng quy định pháp luật dân sự, Luật KDBH cũng như luật chuyên ngành. Những trường hợp Luật sư có thể vận dụng, đó là:

+ BMBH không đủ năng lực hành vi dân sự/năng lực pháp luật dân sự để tham gia giao kết HĐBH phi nhân thọ. BMBH là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi có nhu cầu mua bảo hiểm. Vì thế khi xác định năng lực chủ thể ký kết hợp đồng của BMBH, Luật sư cần xem xét tới năng lực hành vi dân sự của chủ thể là cá nhân, năng lực pháp luật dân sự của chủ thể là tổ chức có phù hợp với quy định pháp luật của BLDS hay không. Ngoài ra, căn cứ vào đối tượng hợp đồng, mục đích kinh tế của DNBH, BMBH được giới hạn bởi những điều kiện đặc thù.

+ BMBH không có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm. Đây là nguyên nhân chỉ áp dụng cho trường hợp vô hiệu trong HĐBH. Về lợi ích hợp pháp, trong trường hợp này Luật sư nên vận dụng trên 02 khía cạnh: (i) Lợi ích phải được tạo ra từ hành vi hợp pháp của con người, nghĩa là tài sản phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp hoặc quyền sử dụng, chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản. Điều này có nghĩa là người mua bảo hiểm là chủ sở hữu hợp pháp hoặc được người khác trao quyền sử dụng, chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản đó; (ii) Lợi ích được tạo ra không được trái ngược với lợi ích chung của xã hội. Ví dụ, tài sản không thuộc trường hợp bị pháp luật cấm giao dịch trên thị trường. Do đó, một người mua bảo hiểm cho tài sản do mình trộm cắp mà có hay chủ hàng mua bảo hiểm hàng hóa vận chuyển cho những mặt hàng bị pháp luật cấm lưu hành đều có thể là những nguyên nhân dẫn đến HĐBH vô hiệu.

+ Tại thời điểm giao kết HĐBH, đối tượng bảo hiểm không tồn tại. Nguyên tắc xác định số tiền bảo hiểm/bồi thường đối với HĐBH tài sản căn cứ vào giá trị bảo hiểm (giá trị tài sản) tại thời điểm ký kết hợp đồng giữa hai bên. Giá trị bảo hiểm được xác định là giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng. Vì thế không thể tính toán được các điều khoản bảo hiểm khác nếu như đối tượng của hợp đồng không tồn tại. Thế nhưng BMBH vẫn yêu cầu DNBH gánh chịu rủi ro cho mình, điều đó có nghĩa là họ cố tình gian dối để tạo lập nên một quan hệ bảo hiểm nhằm kiếm lợi từ quan hệ này. Ký kết hợp đồng cho đối tượng bảo hiểm không tồn tại là một hành vi trục lợi bảo hiểm bị pháp luật nghiêm cấm.

+ Tại thời điểm giao kết HĐBH, BMBH biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Xảy ra sự kiện bảo hiểm có nghĩa đã xảy ra tổn thất, trách nhiệm DNBH đã phát sinh. Vì thế khi giao kết HĐBH mà sự kiện bảo hiểm đã xảy ra thì trách nhiệm bảo hiểm của DNBH không phát sinh, trong khi DNBH vẫn phải trả số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường. BMBH được nhận tiền bảo hiểm/bồi thường không có căn cứ. Do đó đây là hành vi trục lợi bảo hiểm của BMBH.

+ BMBH có hành vi lừa dối khi giao kết HĐBH: Lừa dối là việc BMBH cố tình che giấu sự thật (cung cấp không đúng hoặc không cung cấp thông tin) nhằm mục đích để DNBH không được biết những thông tin cần phải biết. Hành vi này xuất hiện nhiều trong quan hệ HĐBH nói chung. Ở quan hệ HĐBH phi nhân thọ, đó có thể là việc BMBH không cung cấp đúng hoặc cung cấp thông tin thuyết phục DNBH tin vào những thông tin trước đó được cung cấp sai về tài sản được bảo hiểm dẫn đến việc DNBH xác định giá trị bảo hiểm cao hơn giá trị thực của tài sản và đã bảo hiểm trên giá trị nhằm mục đích hưởng được nhiều số tiền bảo hiểm hơn; hoặc dẫn đến việc DNBH xác định giá trị bảo hiểm thấp hơn giá trị thực của tài sản và đã bảo hiểm dưới giá trị nhằm mục đích nộp phí bảo hiểm ít hơn.

Sau khi xác định được HĐBH vô hiệu do lỗi của BMBH, Luật sư cần trao đổi với DNBH về các thiệt hại thực tế xảy ra phát sinh từ lỗi của BMBH để có sự thống nhất về yêu cầu khởi kiện cụ thể.

– Kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp về việc vi phạm nghĩa vụ của BMBH trong HĐBH phi nhân thọ đã phát sinh hiệu lực pháp luật và các biện pháp khắc phục hậu quả về sự vi phạm nghĩa vụ đó của BMBH.

Trong trường hợp này, ngoài việc xác định hợp đồng phải bảo đảm các điều kiện có hiệu lực, Luật sư phải thực hiện những kỹ năng nghề nghiệp sau:

+ Kỹ năng khai thác thông tin để xác định sự vi phạm nghĩa vụ của BMBH dựa vào các điều khoản về thực hiện nghĩa vụ của BMBH được thỏa thuận trong hợp đồng và các điều khoản tùy nghi có liên quan. Các trường hợp vi phạm nghĩa vụ của BMBH có thể xảy ra, đó là: vi phạm nghĩa vụ khai báo trung thực, chính xác về đối tượng được bảo hiểm; vi phạm nghĩa vụ thông báo khi có những thay đổi liên quan đến đối tượng bảo hiểm (gia tăng giá trị, gia tăng rủi ro...) ảnh hưởng đến xác suất xảy ra rủi ro và công tác bồi thường của DNBH; vi phạm trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để đề phòng, hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra; vi phạm nghĩa vụ thông báo với DNBH khi rủi ro xảy ra; vi phạm nghĩa vụ trả phí bảo hiểm (trả thiếu, trả chậm, không đúng phương thức)…

+ Kỹ năng xác định yêu cầu khởi kiện của DNBH. Các quyền yêu cầu mà DNBH có thể sử dụng để khởi kiện buộc BMBH phải thực hiện, đó là:

* Quyền yêu cầu BMBH bồi thường những thiệt hại có thể phát sinh về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho DNBH. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH không chỉ ở việc cung cấp những thông tin chính xác về đối tượng bảo hiểm, người được bảo hiểm… để có thể giao kết HĐBH phi nhân thọ mà còn ở việc thông báo những thay đổi liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, thông báo sự kiện bảo hiểm xảy ra. Nghĩa vụ cung cấp các thông tin của BMBH rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro, xem xét chấp nhận bảo hiểm hay không của DNBH; là cơ sở để DNBH đánh giá thiệt hại thực tế của tài sản được bảo hiểm, lỗi của các bên gây ra thiệt hại, rủi ro có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không… để tính toán mức tiền bảo hiểm/bồi thường. Vì thế, khi BMBH vi phạm nghĩa vụ này, về nguyên tắc DNBH sẽ có quyền yêu cầu BMBH cung cấp thông tin, bồi thường những thiệt hại phát sinh. Tuy nhiên trên thực tế, DNBH thường ưu tiên sử dụng quyền đơn phương chấm dứt HĐBH hoặc giảm số tiền bảo hiểm/bồi thường phải trả khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, thậm chí không trả tiền bảo hiểm/bồi thường.

– Quyền yêu cầu nộp phí bảo hiểm. Khi tham gia quan hệ HĐBH phi nhân thọ, một trong những nghĩa vụ chính của BMBH là nộp phí bảo hiểm đầy đủ, đúng thời gian, phương thức quy định trong HĐBH. Vì thế khi bên mua vi phạm nghĩa vụ này, DNBH có quyền khởi kiện BMBH nộp phí bảo hiểm. Căn cứ để yêu cầu BMBH nộp phí bảo hiểm là các điều khoản của HĐBH mà các bên đã thỏa thuận về mức phí, thời gian, phương thức nộp. Trong trường hợp HĐBH đã được xác lập với thỏa thuận về một thời hạn nộp phí và BMBH không nộp phí khi đã kết thúc thời hạn đó, sẽ không thể phát sinh trách nhiệm của

– Quyền yêu cầu BMBH tăng phí bảo hiểm. Quyền được tăng phí bảo hiểm đặt ra khi người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, hạn chế tổn thất nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm. Yêu cầu này của DNBH trong nhiều trường hợp được xác định như là một điều kiện cho việc xác lập HĐBH nhưng nhiều khi bao hàm cả việc thực hiện các quy định của Luật KDBH và pháp luật liên Khi đưa ra yêu cầu này (thường được DNBH áp dụng là yêu cầu tăng phí bảo hiểm) thì DNBH phải chứng minh được cơ sở của việc tăng phí bảo hiểm, tức là chứng minh có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm. Những yếu tố mà Luật sư có thể xác định, đó là: sự thay đổi về giá trị tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng so với thời điểm tăng phí, các chi phí lãi suất kỹ thuật…

Luật sư lưu ý, cùng một hành vi vi phạm nghĩa vụ, BMBH có thể chịu một hoặc một số chế tài theo quy định pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận của hai bên trong HĐBH. Ví dụ, trường hợp BMBH vi phạm nghĩa vụ thông báo những thay đổi liên quan đến việc thực hiện HĐBH để doanh nghiệp điều chỉnh các điều, khoản trong hợp đồng thì DNBH có quyền lựa chọn những chế tài sau để áp dụng: đơn phương chấm dứt HĐBH; giảm/không trả số tiền bảo hiểm/bồi thường.

Trong trường hợp này, Luật sư phải có sự tính toán kỹ về những lợi ích cũng như những bất lợi kinh tế khi lựa chọn áp dụng một chế tài cụ thể. Cơ sở của sự tính toán và phân tích từng chế tài phải dựa vào các yếu tố:

(i) ý chí tiếp tục thực hiện hợp đồng của DNBH;

(ii) lợi ích có thể thu được của DNBH trong từng chế tài;

(iii) khả năng đáp ứng yêu cầu của BMBH…

* Quyền yêu cầu BMBH chuyển yêu cầu bồi hoàn để DNBH đòi người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho BMBH. Khoản 1 Điều 49 Luật KDBH quy định:Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”.

Như vậy, với quy định trên, Luật sư tư vấn cho DNBH chỉ được quyền yêu cầu BMBH chuyển quyền yêu cầu đòi bồi thường cho mình khi có đủ điều kiện:

Điều kiện thứ nhất, các thiệt hại xảy ra phải là rủi ro được bảo hiểm và do người thứ ba có lỗi gây ra.

Ví dụ:

Anh A mua bảo hiểm cháy nổ cho ngôi nhà và tài sản bên trong của mình. Anh B là hàng xóm của anh A. Trong lúc chặt cây ở nhà mình, anh B làm cây đổ sang nhà anh A. Giả sử có ba trường hợp xảy ra:

1. Việc anh B làm cây đổ chỉ làm hỏng kính cửa sổ của nhà anh.

2. Lúc cây đổ làm vỡ cửa kính, con của anh A liền kéo cành cây ra vô tình chạm vào hệ thống điện gây chập điện và cháy nổ.

3. Anh B làm đổ cây gây chập điện làm cháy nhà và tài sản. Như vậy:

Trường hợp (1), anh B là người thứ ba có lỗi nhưng việc anh B làm vỡ kính do cây đổ không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm do cháy nổ nên DNBH không có trách nhiệm bồi thường cho thiệt hại đối với nhà và tài sản trong HĐBH cháy nổ đã ký.

Trường hợp (2), thiệt hại cho tài sản và nhà xuất phát từ nguyên nhân cháy nổ thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm trong HĐBH cháy nổ giữa anh A và DNBH, nhưng người có lỗi là con của anh A, không phải anh B. Vì thế anh B không phải là bên thứ ba gây thiệt hại. Người gây thiệt hại là con anh A nên DNBH cũng không được yêu cầu anh A chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trừ trường hợp chứng minh con của anh A gây ra thiệt hại do lỗi cố ý.

Trường hợp (3), trường hợp này anh B là người có lỗi trực tiếp gây ra thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm cháy nổ được ký giữa anh A và DNBH. Sau khi trả tiền bảo hiểm cho anh A, DNBH mới được quyền yêu cầu anh A chuyển giao quyền bồi hoàn để đòi tiền bồi thường từ anh B.

Điều kiện thứ hai, DNBH đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm. Chứng cứ chứng minh DNBH đã trả tiền bồi thường cho BMBH là các chứng từ do bộ phận tài chính của DNBH lập.

Trường hợp khách hàng là bên thứ ba bị khởi kiện: chứng cứ chứng minh mức độ lỗi của bên thứ ba, loại trừ nghĩa vụ bồi thường của bên thứ ba. Luật sư xem xét các điều kiện:

(i) Có thiệt hại xảy ra;

(ii) Người thứ ba có lỗi gây thiệt hại;

(iii) Mối quan hệ nhân quả giữa mức độ lỗi của người thứ ba và thiệt hại thực tế;

(iv) Hành vi trái pháp luật.

Các giấy tờ cần phải có để DNBH yêu cầu bên thứ ba bồi hoàn, đó là: Giấy chuyển quyền đòi người thứ ba bồi hoàn của người được bảo hiểm; biên bản của cơ quan chức năng về chứng cứ xác định thiệt hại do lỗi của người thứ ba gây ra và phải được người thứ ba xác nhận; chứng từ liên quan đến việc khắc phục tài sản…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan