Về hồ sơ vụ việc
Để giải quyết có hiệu quả vụ án tranh chấp, ngoài những tài liệu chung về các chủ thể trong quan hệ pháp luật tranh chấp như các vụ án dân sự hoặc kinh doanh, thương mại khác, Luật sư cần trao đổi với khách hàng, làm rõ và thu thập những hồ sơ chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành ngân hàng (Quy chế cho vay 1627), gồm:
Đối với quan hệ tín dụng là hợp đồng tín dụng; khế ước nhận nợ; đơn xin vay vốn; phương án sản xuất, kinh doanh hoặc dự án hoặc phương án phục vụ đời sống; phương án vay vốn và trả nợ hoặc hồ sơ về khả năng và kế hoạch trả nợ; hồ sơ giải ngân (những tài liệu, chứng từ chứng minh nhu cầu, mục đích sử dụng vốn vay, chứng từ rút vốn vay của bên vay vốn); hồ sơ kiểm tra tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh và tình hình sử dụng vốn vay; tài liệu về việc áp dụng lãi suất và bảng kê tính lãi; các biên bản làm việc, văn bản trao đổi giữa các bên; các tài liệu thu nợ; các tài liệu trả nợ, trả lãi.
Đối với quan hệ bảo đảm là hợp đồng bảo đảm tiền vay; hồ sơ về tài sản bảo đảm; giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm (theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định số 83/2010/NĐ-CP); biên bản định giá; biên bản nhận bàn giao tài sản cầm cố; biên bản kiểm tra tài sản bảo đảm; các biên bản làm việc, văn bản trao đổi giữa các bên; các tài liệu về thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm; các tài liệu về những người sở hữu tài sản bảo đảm, có đóng góp tôn tạo tài sản bảo đảm.
Về hồ sơ vụ việc, cơ bản không có sự khác biệt dù nguyên đơn, bị đơn là bên cho vay hay bên vay vốn, để xem xét toàn diện vụ án tranh chấp, Luật sư cần làm rõ và thu thập đầy đủ những hồ sơ, tài liệu nêu trên.
Về đương sự trong vụ án tranh chấp
Đối với bên cho vay: Luật sư cần trao đổi với khách hàng để xác định dù đơn vị cho vay trực tiếp là phòng giao dịch thuộc chi nhánh hay chi nhánh thuộc tổ chức tín dụng thì đương sự trong vụ án tranh chấp (nguyên đơn hoặc bị đơn) luôn là tổ chức tín dụng. Theo đó, đương sự luôn là tổ chức tín dụng (xác định theo tư cách pháp nhân) và người đại diện của pháp nhân là người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng hoặc người được người này ủy quyền.
Đối với bên vay vốn: Luật sư cần trao đổi và làm rõ về việc xác định chính xác tư cách đương sự của người vay vốn:
(i) Nếu là tổ chức thì dù người trực tiếp vay vốn là chi nhánh của tổ chức, đương sự trong vụ án tranh chấp (nguyên đơn hoặc bị đơn) luôn là tổ chức đó. Theo đó, người bị kiện luôn là tổ chức do người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền thực hiện vai trò đại diện;
(ii) Nếu là cá nhân, cần xác định bên vay vốn là cả vợ và chồng hay chỉ có một trong hai người dựa trên chủ thể ký trên đơn xin vay, phương án trả nợ vay và hợp đồng tín dụng. Theo thông lệ, cho dù người vay vốn thực chất chỉ là chồng hoặc vợ, nhưng các ngân hàng thường yêu cầu vợ hoặc chồng của bên vay vốn cùng ký tên trên hợp đồng tín dụng và trong nhiều trường hợp, không xác định rõ họ ký với tư cách bên vay vốn hay không. Trong trường hợp này, cần xác định họ là người đồng trách nhiệm trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng hay người phải thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hay quy định của pháp luật dân sự. Trong vụ án này, trường hợp đơn xin vay, phương án trả nợ vay chỉ do ông H ký thì cần trao đổi xác định có hay không căn cứ yêu cầu bà T thực hiện trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện theo quy định của Luật HN&GĐ.
Đối với bên có tài sản bảo đảm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: trên quan điểm xem xét toàn diện các vấn đề liên quan, Luật sư cần trao đổi với khách hàng để làm rõ về giấy tờ pháp lý của tài sản bảo đảm, trong đó đặc biệt lưu ý làm rõ được các chủ sở hữu tài sản, người có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về đất đai trong các thời kỳ, pháp luật về nhà ở trong các thời kỳ, pháp luật về hôn nhân và gia đình trong các thời kỳ; về những vướng mắc, sai sót trong hợp đồng bảo đảm, trong đăng ký giao dịch bảo đảm; về thực trạng tài sản, thực trạng quản lý và sử dụng tài sản, đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt của tài sản thực tế và tài sản trong hồ sơ bảo đảm tiền vay, đến những tranh chấp, vướng mắc về quản lý và sử dụng tài sản. Trong vụ án này, Luật sư cần làm rõ các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên của hộ gia đình ông K theo sổ hộ khẩu và hồ sơ địa chính lưu tại cơ quan tài nguyên, môi trường tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để bảo đảm xác định đúng tính hợp pháp về chủ thể của hợp đồng ủy quyền. Luật sư cần trao đổi trước với khách hàng về rủi ro pháp lý tiềm ẩn đối với hợp đồng bảo đảm đã ký với ông H: việc ông H mang tài sản được ủy quyền để ký hợp đồng bảo đảm cho chính mình vay vốn tại Ngân hàng Đ có thể bị coi là vô hiệu theo khoản 5 Điều 144 BLDS 2005 (khoản 3 Điều 141 BLDS 2015). Đây cũng là một nội dung trọng yếu mà Luật sư cần tập trung để xác định tính hợp pháp của hợp đồng bảo đảm, bước đầu đánh giá về khả năng thu hồi nợ trên cả phương diện pháp lý và thực tế. Từ đó, Luật sư có những phương án tư vấn cho khách hàng giải quyết một cách hợp lý vụ tranh chấp (ví dụ, tư vấn phương án đàm phán, thương lượng với bên vay vốn và bên bảo đảm, chấp nhận miễn giảm tiền lãi để khuyến khích họ đồng ý chia nhau trả đủ nợ đủ gốc cho ngân hàng thay vì khởi kiện ra Tòa án).
Về địa chỉ của đương sự: Luật sư cần trao đổi và làm rõ về địa chỉ thường trú của bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng để bảo đảm cung cấp đầy đủ và chính xác cho Tòa án địa chỉ của các đương sự này. Việc xác định địa chỉ đương sự: bên cho vay căn cứ trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức tín dụng; đối với tổ chức là doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thì căn cứ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đối với hộ gia đình căn cứ trên sổ hộ khẩu; đối với tổ chức có tư cách pháp nhân khác căn cứ trên giấy phép, quyết định thành lập; đối với cá nhân căn cứ trên sổ hộ khẩu, đăng ký thường trú, tạm trú, trên những thông tin về chủ thể được ghi nhận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm… Điều này có ý nghĩa trong cả trường hợp xác định có hay không có việc bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ.
Trong thực tế, không ít trường hợp tổ chức tín dụng cũng có sai sót, có lỗi trong vụ việc và trong thiệt hại xảy ra. Do đó, để xây dựng được phương án giải quyết toàn diện vụ án, Luật sư cần trao đổi kỹ với Ngân hàng Đ về thông tin liên quan đến vụ việc, đánh giá của ngân hàng về vụ việc, quan điểm giải quyết vụ việc của ngân hàng, những khó khăn, vướng mắc, những điểm rủi ro, lo ngại của ngân hàng nhìn từ góc độ chuyên môn, nghiệp vụ ngân hàng.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn