[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng của luật sư nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa sơ thẩm

Luật sư khi nhận vụ việc đã được khởi kiện ra Tòa án và được Tòa án thụ lý giải quyết cần tập trung nghiên cứu hồ sơ vụ án để kiểm tra các vấn đề về tố tụng, nắm bắt các vấn đề về nội dung, đánh giá chứng cứ để có phương án giải quyết vụ án hiệu quả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Về phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh chấp hợp đồng tín  dụng, Luật sư cần cấu trúc hồ sơ vụ án và nghiên cứu theo từng bộ tài liệu với những mục tiêu nghiên cứu cụ thể về tố tụng và về nội dung.

Nghiên cứu các vấn đề đặc trưng về tố tụng của tranh chấp hợp đồng tín dụng

Tài liệu để nghiên cứu các vấn đề về tố tụng gồm: đơn khởi kiện của nguyên đơn, thông báo thụ lý của Tòa án, các tài liệu về đại diện và ủy quyền tham gia tố tụng của đương sự, giấy tờ tùy thân của các cá nhân tham gia tố tụng, hồ sơ pháp lý của pháp nhân, các tài liệu  liên quan đến năng lực pháp luật tố tụng dân sự của các đương sự.

Nội dung nghiên cứu về tố tụng tập trung vào các vấn đề chính sau:

– Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án

Việc kiểm tra thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng đã đúng chưa để bảo đảm điều kiện của việc thụ lý, giải quyết vụ án đúng thẩm quyền là yêu cầu cơ bản đối với Luật sư khi nghiên cứu hồ sơ vụ án. Trong các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng, nguyên đơn được quyền lựa chọn Tòa án, Luật sư cần đối chiếu với quy định về thẩm quyền theo loại việc của Tòa án và quy định tại các Điều 37, 38, 39, 40 BLTTDS 2015 để xác định việc khách  hàng của mình khởi kiện lựa chọn Tòa án là chính xác theo quy định của pháp luật tố tụng.

Ngoài ra, Luật sư cần lưu ý cân nhắc khi tư vấn cho khách hàng yêu cầu Tòa án lựa chọn áp dụng thủ tục rút gọn theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP.

– Đương sự của vụ án

Về nguyên đơn, thực tiễn các giao dịch hợp đồng tín dụng thường được ký kết giữa chi nhánh ngân hàng với khách hàng. Khi tranh chấp và ngân hàng khởi kiện, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 09/9/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (Thông tư số 21/2013/TT-NHNN) thì chi nhánh ngân hàng là đơn vị phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân. Do vậy, việc khởi kiện ra Tòa án phải do người đại diện theo pháp luật của ngân hàng thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 69 BLTTDS 2015; Luật sư cần kiểm tra lại thủ tục ủy quyền khởi kiện của người đại diện theo pháp luật của ngân hàng cho người ký đơn kiện và tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền trong vụ án.

Về bị đơn, trong các giao dịch do chi nhánh doanh nghiệp ký với tư cách là bên vay vốn, theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Do đó, áp dụng quy định tại Điều 84 BLDS 2005 (BLDS 2015 là Điều 74 về “Pháp nhân” và Điều 75 về “Pháp nhân thương mại”), khoản 3 Điều 68 BLTTDS 2015, mặc dù nguyên đơn khởi kiện chi nhánh doanh nghiệp, vẫn cần thiết phải xác định lại tư cách bị đơn là doanh nghiệp chứ không phải là chi nhánh doanh nghiệp. Tương tự như vậy, đối với trường hợp bị đơn là bên cho vay, cần xác định bị đơn là tổ chức tín dụng chứ không phải chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng.

Về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ngoài các nguyên tắc chung được xác định theo khoản 4 Điều 68 BLTTDS 2015, cần xác định toàn diện các chủ thể mà việc giải quyết vụ án có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ trên các tiêu chí: sở hữu, chiếm hữu thực tế, yếu tố hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, các giao dịch có liên quan, công sức đóng góp tài sản…

Nghiên cứu về nội dung vụ án

– Tài liệu để nghiên cứu về nội dung gồm

Bộ tài liệu tham gia tố tụng của đương sự, như: đơn khởi kiện và bản tự khai của nguyên đơn; văn bản ghi ý kiến và yêu cầu phản tố của bị đơn; văn bản ghi ý kiến và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; lời khai của người làm chứng.

Bộ tài liệu về hợp đồng tín dụng gồm hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ và những tài liệu liên quan đến việc ký hợp đồng tín dụng, đến quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ.

Bộ tài liệu về hợp đồng bảo đảm, gồm hợp đồng bảo đảm, giấy tờ pháp lý của tài sản bảo đảm và những tài liệu liên quan đến việc ký hợp đồng bảo đảm, đến quá trình thực hiện hợp đồng và đôn đốc thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm.

Những chứng cứ do Tòa án thu thập bổ sung, văn bản giám định, định giá do cơ quan chức năng thực hiện.

– Mục tiêu nghiên cứu các bộ tài liệu này của Luật sư là để đánh giá về:

Thứ nhất, nghiên cứu xác định hiệu lực pháp lý của hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Về hiệu lực của hợp đồng tín dụng

Phần lớn các hợp đồng tín dụng được xác lập với đơn vị trực tiếp cho vay là phòng giao dịch thuộc chi nhánh của ngân hàng. Do vậy, Luật sư cần nghiên cứu hồ sơ vụ án để xác định khoản cấp tín dụng này có phải do phòng giao dịch quyết định cấp và tự ký hợp đồng tín dụng, hay do chi nhánh hoặc hội sở chính của ngân hàng quyết định cấp tín dụng, có ủy quyền của chi nhánh hoặc hội sở chính ngân hàng cho phòng giao dịch được ký hợp đồng tín dụng không. Trong trường hợp phòng giao dịch quyết định cấp và/hoặc tự ký hợp đồng tín dụng thì hợp đồng tín dụng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 21/2013/TT-NHNN.

Đối với bên vay vốn trong trường hợp là chi nhánh doanh nghiệp, Luật sư cần nghiên cứu hồ sơ vụ án để xác định khoản vay vốn có được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp theo quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp phê duyệt hoặc ủy quyền cho chi nhánh doanh nghiệp thực hiện hay không và giám đốc chi nhánh có được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền ký hợp đồng tín dụng hay không. Trong trường hợp chi nhánh doanh nghiệp tự đứng ra vay vốn mà không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp hoặc giám đốc chi nhánh không được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền ký hợp đồng tín dụng thì hợp đồng tín dụng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Luật sư cần lưu ý, hình thức ủy quyền hoặc phê duyệt của doanh nghiệp có thể dưới dạng cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp có văn bản ủy quyền, phê duyệt cụ thể hoặc có văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của chi nhánh được quyền đại diện cho doanh nghiệp đứng ra vay vốn của tổ chức tín dụng để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp doanh nghiệp vay vốn có vốn góp của Nhà nước, đặc biệt là mức vốn góp từ 51% trở lên và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc quản lý và thực hiện hoạt động tài chính, bao gồm cả việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Ví dụ như quy định phương án huy động vốn không vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quy định hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hoặc quy định các cấp quyết định vay vốn có thể là Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm

Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm là một dấu hỏi lớn mà Luật sư cần tập trung nghiên cứu để xác định rõ. Trong thực tiễn xét xử án tranh chấp hợp đồng tín dụng, có rất nhiều trường hợp hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu theo Điều 122 và Điều 127 BLDS 2005 (Điều 117 và Điều 122 BLDS 2015) do vi phạm yếu tố chủ thể ký hợp đồng bảo đảm mà Luật sư cần lưu ý trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tham gia giải quyết vụ án.

Chẳng hạn, đối với tài sản chung của vợ chồng, mặc dù các tổ chức tín dụng thường xác định đúng tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật HN&GĐ 2014 khi căn cứ vào giấy chứng nhận kết hôn và giấy tờ hợp pháp của tài sản, nhưng thực tiễn rất nhiều trường hợp hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu. Các tranh chấp phổ biến dẫn đến hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu do tổ chức tín dụng đã không chú trọng đến việc xác minh tình trạng hôn nhân của bên bảo đảm độc thân do ly hôn, dẫn đến không xác định được tài sản bảo đảm thực chất đã hình thành trong thời kỳ hôn nhân trước đó; hoặc hợp đồng bảo đảm chỉ do người chồng ký bởi tài sản hình thành trước hôn nhân, nhưng thực ra trong thời kỳ hôn nhân thì hai vợ chồng đã nhập vào khối tài sản chung; hoặc căn cứ vào bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật tuyên vợ chồng không có tài sản chung, nên tổ chức tín dụng  nhận thế chấp tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đứng tên người vợ, sau này người chồng mới khởi kiện và chứng minh được là sau ly hôn mới phát hiện ra tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng…

Đối với tài sản của hộ gia đình, tranh chấp thường xảy ra khi tổ chức tín dụng nhận thế chấp là quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất nhưng không có đủ chữ ký trên hợp đồng thế chấp hoặc không có đủ văn bản ủy quyền hợp pháp cho người ký hợp đồng thế chấp của  những thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên (khoản 2 Điều 212 BLDS 2015) tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp của hộ gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng có tên trên hộ khẩu hộ gia đình tại thời điểm hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Đối với tài sản chung khác, các tranh chấp xảy ra khi tổ chức tín dụng không xác minh đầy đủ những người đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng nhà cửa, tạo dựng tài sản, dẫn đến tình trạng hợp đồng bảo đảm vô hiệu do chỉ có một người hoặc một số trong số những người đó đứng tên ký kết.

Khi tham gia giải quyết những án tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay, Luật sư cần nắm bắt được kỹ năng xử lý những vướng mắc về hợp đồng bảo đảm bằng quyền sử dụng đất của bên thứ ba trong việc dùng loại hợp đồng thế chấp hay hợp đồng bảo lãnh. Trong thực tiễn xét xử thời gian qua, một số hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba đã bị các cấp Tòa án tuyên vô hiệu.

Bản án của Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu có lập luận: hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba bảo đảm cho nghĩa  vụ trả nợ của bên vay vốn tại tổ chức tín dụng phản ánh toàn bộ nghĩa vụ của bên thứ ba như người trực tiếp vay vốn, không có quy định nào thể hiện cụ thể tính chất của bảo lãnh theo quy định của pháp luật; BLDS quy định giao dịch dân sự có biện pháp bảo đảm bằng hình thức thế chấp và hình thức bảo lãnh riêng biệt từng mục, theo quy định tại các điều từ Điều 361 đến Điều 371 BLDS 2005 (các điều từ Điều 335 đến Điều 343 BLDS 2015), các bên phải thỏa thuận xác lập bảo lãnh, quy định rõ mức độ quyền lợi, nghĩa vụ của từng bên trong hợp đồng bảo lãnh, rồi mới thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bảo lãnh. Tuy nhiên, Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm cần có cách tiếp cận toàn diện hơn về căn cứ pháp luật và đặc thù hoạt động tín dụng để có lập luận bảo vệ hiệu lực pháp luật của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba theo hướng sau:

Đối với những hợp đồng ký kết từ ngày 01/7/2014 – ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực: Luật Đất đai năm 2013 đã bãi bỏ quy định của Luật Đất đai năm 2003 (tại các điều từ Điều 106 đến Điều 120 về việc người sử dụng đất được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất), theo đó không ghi nhận việc người sử dụng đất được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, khoản 9 Điều 210 Luật Đất đai năm 2013 về “Điều khoản chuyển tiếp” quy định: Chính phủ quy định việc xử lý đối với các trường hợp đã bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2014, người sử dụng đất không được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất mà chỉ còn một hình thức thế chấp quyền sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2013, tập trung trong các Điều 167, 168, 188 và một số điều luật khác.

Đối với những hợp đồng ký kết trước ngày 01/7/2014: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, người sử dụng đất vừa được thế chấp, vừa được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật tại Nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều thể hiện hợp đồng bảo lãnh quyền sử dụng đất của bên thứ ba được chuyển thành hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba (khoản 1 Điều 31 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007; khoản 4 Điều 72 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012; điểm 2.1 khoản 2 mục 2 Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005; điểm 1.1 khoản 1 mục I Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006). Với những quy định này của pháp luật, việc bên thứ ba ký kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của bên vay vốn tại tổ chức tín dụng là hoàn toàn hợp pháp.

Thứ hai, nghiên cứu các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và quá trình thực hiện thỏa thuận.

Nghiên cứu xác định về hành vi vi phạm

Hành vi vi phạm của các bên sẽ được xác định căn cứ vào hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm. Luật sư cần nghiên cứu kỹ quyền và nghĩa vụ các bên, các quy định về những hành vi vi phạm/sự kiện vi phạm và chế tài trong hợp đồng tín dụng, đồng thời nghiên cứu các tài liệu ghi nhận quá trình thực hiện hợp đồng: việc giải ngân, kiểm   tra, tính lãi, thu nợ, đôn đốc thu nợ – thu lãi có đúng theo hợp đồng và tuân thủ quy định của pháp luật hay không; đối chiếu với thực tế diễn biến để đánh giá bên nào vi phạm, vi phạm những gì, có xảy ra thiệt hại không và xác định lỗi của các bên để từ đó có kết luận cụ thể về hành vi vi phạm và lỗi của các bên.

Về chế tài phạt trả lãi quá hạn

Luật sư cần nghiên cứu những thỏa thuận về lãi phạt quá hạn trong hợp đồng tín dụng và tài liệu tính lãi phạt của ngân hàng, đối chiếu với quy định của pháp luật chuyên ngành ngân hàng để bảo đảm việc tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật. Nếu hợp đồng tín dụng và/hoặc hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, Tòa án sẽ không xem xét đến tiền lãi của khoản vay, kể cả lãi trong hạn và lãi phạt. Theo quy định tại Điều 137 BLDS 2005 (Điều 131 BLDS 2015) thì sẽ không có sự phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập nếu giao dịch bị vô hiệu, do vậy không đặt ra nghĩa vụ phải trả lãi của bên vay vốn, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi có quan hệ tín dụng, bên vay vốn hoàn trả vốn vay (nợ gốc) cho bên cho vay và bên cho vay trả lại hồ sơ tài sản bảo đảm, xóa đăng ký giao dịch  bảo đảm cho bên bảo đảm.

Đối với quy định về lỗi và bồi thường thì trường hợp này, hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm nếu bị vô hiệu thì các bên đều có lỗi và thông thường đối với lỗi hỗn hợp của các bên trong giao dịch vô hiệu, Tòa án sẽ không xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại của  các bên.

Về các vấn đề khác

Để nắm bắt toàn diện và sâu sắc các tình tiết, chứng cứ của vụ án, ngoài những nội dung nghiên cứu chính như trên, Luật sư còn cần nghiên cứu những hồ sơ, tài liệu sau (nếu có): Lời khai của người làm chứng, những chứng cứ do Tòa án thu thập bổ sung, biên bản xác minh tại hiện trường, biên bản định giá lại tài sản thế chấp, biên bản giám định…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan