Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ cũng giống như việc giải quyết các loại tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh, thương mại khác, tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư khi tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự, dù với tư cách bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn hay bảo vệ quyền lợi cho bị đơn đều phải thực hiện các kỹ năng cần thiết tại phiên tòa, như phát biểu ý kiến về thủ tục khai mạc phiên tòa, đề xuất Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, triệu tập thêm người tham gia phiên tòa, thỏa thuận về việc giải quyết vụ án; xuất trình chứng cứ và căn cứ xem xét xuất trình chứng cứ quá hạn; trình bày tình tiết, sự kiện của vụ án, đặt câu hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa và tiến hành các công việc cần thiết sau phiên tòa. Trong các kỹ năng đó, đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ, Luật sư cần chú ý đến một số kỹ năng trọng tâm sau đây:
Kỹ năng trình bày tình tiết, sự kiện của vụ án
Đây là kỹ năng quan trọng của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm. Thực tế đã chỉ ra rằng, nhiều khi Luật sư không chú ý đến kỹ năng này nên không biết cách trình bày tình tiết, sự kiện và nhiều khi nhầm lẫn với việc trình bày bản luận cứ bảo vệ cho đương sự tại phiên tòa. Pháp luật tố tụng dân sự quy định chỉ có những tình tiết, sự kiện được các bên trình bày tại phiên tòa, được kiểm chứng tại phiên tòa mới được Hội đồng xét xử xem xét, đưa vào bản án. Một cách giản đơn nhất, việc trình bày tình tiết, sự kiện của vụ án chính là làm sáng tỏ nội dung và diễn biến của tranh chấp.
Theo quy định của BLTTDS 2015, khi trình bày tình tiết sự kiện của vụ án, Luật sư của nguyên đơn trình bày trước, Luật sư của bị đơn trình bày sau.
Đối với Luật sư của nguyên đơn, khi trình bày cần chú ý những nội dung sau:
+ Thời điểm ký kết hợp đồng dịch vụ;
+ Người ký hợp đồng dịch vụ;
+ Nội dung cụ thể các điều khoản có trong hợp đồng dịch vụ;
+ Các công việc mà bên cung cấp dịch vụ đã thực hiện sau khi hợp đồng được ký kết;
+ Các nghĩa vụ mà bên thuê dịch vụ đã thực hiện sau khi hợp đồng được ký kết;
+ Nội dung vi phạm hợp đồng dịch vụ;
+ Quá trình giải quyết của các bên sau khi phát sinh tranh chấp;
+ Quan điểm của các bên hợp đồng dịch vụ về vi phạm xảy ra;
+ Thiệt hại phát sinh (nếu có) từ việc vi phạm hợp đồng dịch vụ;
+ Yêu cầu khởi kiện cụ thể của nguyên đơn;
+ Lý do của yêu cầu khởi kiện;
+ Chứng cứ mà phía nguyên đơn đã giao nộp cho Tòa án để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.
Đối với Luật sư của bị đơn, để tránh mất thời gian, trên cơ sở sự trình bày tình tiết, sự kiện của Luật sư phía nguyên đơn, Luật sư của bị đơn không nên trình bày lại các tình tiết, sự kiện của vụ án mà chỉ nên xác nhận, thừa nhận những tình tiết, sự kiện đã rõ ràng, Luật sư của phía nguyên đơn đã trình bày và bổ sung những tình tiết, sự kiện có lợi cho mình hoặc những tình tiết, sự kiện mà các bên còn đang mâu thuẫn.
Kỹ năng đặt câu hỏi tại phiên tòa
Đặt câu hỏi tại phiên tòa là kỹ năng quan trọng nhất của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm vì thông qua đó sẽ thể hiện được trình độ, phẩm chất và năng lực của Luật sư. Luật sư cần lưu ý rằng việc hỏi chỉ tập trung vào những vấn đề mà các đương sự không thống nhất hoặc còn mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó để làm sáng tỏ những vấn đề cần giải quyết của vụ án. Nội dung đặt câu hỏi phải là những vấn đề liên quan đến nội dung vụ án.
Khi hỏi, Luật sư cần phải đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và đặt câu hỏi một cách khéo léo. Khi đặt câu hỏi, Luật sư cần phải hết sức bình tĩnh, mềm mỏng không được thể hiện sự nóng nảy hoặc đặt những câu hỏi mang tính chất truy vấn.
Để thực hiện tốt kỹ năng này, cách tốt nhất đối với Luật sư là phải lập kế hoạch hỏi tại phiên tòa.
Kỹ năng tranh luận tại phiên tòa
Tranh luận tại phiên tòa là một hoạt động trung tâm của phiên tòa giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ. Mục đích của việc tranh luận là nhằm làm sáng tỏ thêm những tình tiết, sự kiện của vụ án và thể hiện việc viện dẫn các căn cứ pháp lý, căn cứ thực tế để bảo vệ quan điểm giải quyết vụ án của bên mình.
Trong tranh luận, Luật sư của phía nguyên đơn sẽ trình bày trước, Luật sư của phía bị đơn sẽ trình bày sau. Trong quá trình tranh luận, Luật sư phải kiềm chế sự bức xúc, không nên có những thái độ hoặc có những lời nói mạt sát nhau. Nội dung tranh luận phải tập trung vào những vấn đề của vụ án, không lan man hoặc vượt ra ngoài phạm vi, nội dung xét xử, tập trung vào những vấn đề mấu chốt của vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ. Luật sư cũng không nên tranh luận nhiều lần về một vấn đề.
Luật sư cần lưu ý rằng, đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ, vấn đề nào quan trọng, là cốt yếu để giải quyết vụ án thì phải tranh luận trước. Nếu phát hiện có những nội dung về tố tụng như Tòa án không có thẩm quyền, hết thời hiệu khởi kiện, có căn cứ phải đình chỉ giải quyết vụ án thì phải tranh luận những vấn đề này trước sau đó mới tiến hành tranh luận về những vấn đề về nội dung. Về nội dung, vấn đề hợp đồng dịch vụ có hay không có hiệu lực cần phải được tranh luận trước, sau đó tranh luận đến vấn đề vi phạm nghĩa vụ phát sinh tranh chấp, rồi đến việc chứng minh có hay không có thiệt hại.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn