Kỹ năng trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa:
Sau khi nghe Luật sư của nguyên đơn và nguyên đơn đưa ra yêu cầu bồi thường tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích cho bị đơn trình bày ý kiến phản bác yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn, những đề nghị và căn cứ chứng minh cho ý kiến của mình là có căn cứ và hợp pháp. Luật sư của bị đơn cũng cần ghi chép đầy đủ các yêu cầu, các câu hỏi, ý kiến trả lời của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa để làm căn cứ đưa ra ý kiến phản bác, yêu cầu phản tố và các câu hỏi cho các đương sự.
Ví dụ
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà C trong vụ án chị H yêu cầu đòi bồi thường số tiền là 246.000.000 đồng do xâm phạm sức khỏe nêu trên có ý kiến phản bác hoàn toàn trách nhiệm bồi thường vì cho rằng chị H là người có lỗi và bà C cũng bị đánh thâm tím mặt mũi. Tuy nhiên, bà C không đi khám thương và không có xác nhận của bệnh viện về các khoản chi phí thuốc men do tự đi khám và tiêm thuốc của bác sĩ tư nhân gần nhà, không có đăng ký khám chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, vì vậy nếu bà C đưa ra yêu cầu phản tố sẽ khó được chấp nhận. Như vậy, Luật sư cần trình bày và hỏi những gì tại phiên tòa?
Như đã đề cập tại phần tư vấn, nếu bà C vẫn giữ ý kiến phản bác hoàn toàn trách nhiệm bồi thường đối với chị H vì cho là mình không có lỗi, Luật sư phải tôn trọng ý kiến của khách hàng đồng thời trao đổi để thống nhất nội dung trình bày tại phiên tòa với bà C (phân tích cho bà C hiểu việc quyết định trách nhiệm và mức bồi thường do Hội đồng xét xử phán quyết theo các quy định của pháp luật) để trình bày ý kiến theo hai phương án:
Thứ nhất, đề nghị Hội đồng xét xử bác bỏ toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn là chị H đưa ra, do bà C không có lỗi để xảy ra sự việc xô xát;
Thứ hai, trường hợp Hội đồng xét xử vẫn buộc bà C phải chịu trách nhiệm bồi thường thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại những khoản yêu cầu bồi thường do chị H đưa ra là quá cao và buộc chị H phải gánh chịu 2/3 số thiệt hại vì chính chị là người có lỗi để xảy ra thiệt hại.
Kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa:
Luật sư của bà C lưu ý trong phần đặt các câu hỏi cho các đương sự tham gia phiên tòa cần tập trung vào nội dung để loại trừ trách nhiệm bồi thường của bà C và những khoản bồi thường không hợp lý, như tiền bồi dưỡng, tiền mất thu nhập, tiền phẫu thuật thẩm mỹ, tiền công người chăm sóc, tiền tổn thất tinh thần…
Ví dụ
Luật sư hỏi chị H đã sử dụng số tiền bồi dưỡng là 200.000 đồng/ngày như thế nào? Căn cứ nào để chị H xác định thu nhập số tiền là 3.000.000 đồng/ngày? Các phẫu thuật thẩm mỹ cụ thể mà chị H đã thực hiện gồm những gì? Các sinh hoạt cá nhân thường ngày chị H tự thực hiện hay phải cần người trợ giúp?…
Kỹ năng tranh luận và đối đáp:
Trong phần này, Luật sư bảo vệ cho bị đơn cũng thực hiện các kỹ năng trình bày bản luận cứ và tham gia đối đáp giống như Luật sư của nguyên đơn. Tuy nhiên, cần chú ý những điểm đặc thù của từng vụ án cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp.
Ví dụ
Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà C thì trong bản luận cứ và phần đối đáp của mình ngoài nội dung phản bác, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu đòi bồi thường của chị H, còn cần phải đưa ra các ý kiến đối với từng yêu cầu bồi thường cụ thể của chị H trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định buộc bà C phải bồi thường một phần thiệt hại cho chị H.
Thứ nhất, đối với khoản tiền phẫu thuật thẩm mỹ, chị H yêu cầu bồi thường số tiền là 100.000.000 đồng, qua nghiên cứu tài liệu do chính chị H xuất trình và các tài liệu, chứng cứ do cơ sở điều trị thẩm mỹ cung cấp, quá trình điều trị thẩm mỹ của chị H bao gồm các chi phí phẫu thuật xóa sẹo, căng da mặt, làm mí mắt, nâng mũi… Thực chất, đây là những khoản chi phí làm đẹp của chị H chứ không phải là các chí phí cần thiết để phục hồi sức khỏe, do những nội dung điều trị này không liên quan đến vết thương của chị H. Những thiệt hại này không phải là kết quả tất yếu từ nguyên nhân do bà C gây ra. Vì vậy, Luật sư có căn cứ để đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu bồi thường khoản tiền phẫu thuật thẩm mỹ của chị H.
Các khoản bồi thường khác cũng lập luận và đối đáp tương tự.
Thứ hai, trường hợp người gây thiệt hại là bị đơn phải bồi thường đồng thời là bị cáo trong các vụ án hình sự, Luật sư cần cân nhắc để khi trình bày luận cứ cũng như đối đáp sao cho phù hợp với các tình tiết của vụ án, có thể thay mặt khách hàng gửi lời chia buồn, xin lỗi, chia sẻ đau thương mất mát tới gia đình người bị thiệt hại. Tùy từng trường hợp, có thể động viên gia đình người gây thiệt hại (bị cáo) tự nguyện bồi thường thay một khoản tiền hoặc toàn bộ thiệt hại để xin giảm nhẹ hình phạt cho người gây thiệt hại. Trong trường hợp người gây thiệt hại do lỗi vô ý, nếu khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ quá khó khăn, không đủ điều kiện để bồi thường đối với thiệt hại xảy ra quá lớn thì Luật sư cần phân tích và đề nghị Hội đồng xét xử giảm một phần trách nhiệm bồi thường cho người gây thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 585 BLDS 2015 (khoản 2 Điều 605 BLDS 2005).
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn