Kỹ năng trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà:
Luật sư của nguyên đơn là người phải trình bày đầu tiên sau khi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến những người tham gia tố tụng về các nội dung thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hoặc thỏa thuận giải quyết vụ án theo Điều 243 BLTTDS 2015.
Luật sư của nguyên đơn khi trình bày yêu cầu bồi thường cùng những chứng cứ chứng minh cần tóm tắt ngắn gọn, chính xác phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể:
- Kiện ai? kiện về việc gì?
- Yêu cầu ai bồi thường bao nhiêu tiền, gồm những khoản gì?
- Căn cứ để đưa ra các yêu cầu bồi thường đó?
- Nếu trong phần thủ tục Luật sư chưa tham gia ý kiến thì trước khi trình bày cần giới thiệu đôi nét về bản thân.
Ví dụ
Trong vụ án chị H kiện bà C đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe đã nêu tại ví dụ 3, Luật sư có thể trình bày như sau: Tôi là Luật sư Hoàng Thị A, Trưởng Văn phòng Luật sư B, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Y, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị H là nguyên đơn trong vụ án yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến sức khỏe đối với bà C vì những lý do sau:
Thứ nhất, ngày 14/7/2014, bà C đã có hành vi dùng xẻng bổ vào mặt chị H gây thương tích làm tổn hại 7% sức khỏe của chị H. Lỗi gây ra thiệt hại thuộc về bà C, điều này đã được cơ quan Cảnh sát điều tra và cơ quan giám định pháp y kết luận và thể hiện trong các tài liệu đang lưu giữ trong hồ sơ vụ án.
Thứ hai, chị H đã phải nằm viện điều trị vết thương trong thời gian 30 ngày và bỏ ra rất nhiều chi phí khám chữa bệnh, bồi dưỡng, chăm sóc để phục hồi sức khỏe. Chị H yêu cầu bà C bồi thường tổng số tiền chi phí là 246.000.000 đồng bao gồm các khoản sau:
Chi phí khám chữa bệnh có hóa đơn chứng từ là 15.500.000 đồng. Chi phí bồi dưỡng 30 ngày x 200.000 đồng/ngày là 6.000.000 đồng.
Tiền công người chăm sóc 30 ngày x 100.000 đồng/ngày là 3.000.000 đồng.
Tiền mất thu nhập 30 ngày x 3.000.000 đồng/ngày là 90.000.000 đồng.
Chi phí dịch vụ thẩm mỹ là 100.000.000 đồng.
Bồi thường về tổn thất tinh thần là 31.500.000 đồng. Tổng cộng chi phí các khoản là 246.000.000 đồng.
Toàn bộ các chi phí nêu trên đều có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, chị H đã gửi kèm theo đơn khởi kiện, các tài liệu đang được lưu giữ trong hồ sơ vụ án, chúng tôi sẽ làm rõ hơn những căn cứ hợp pháp mà nguyên đơn đưa ra các khoản bồi thường này tại phần hỏi và phần tranh luận tại phiên tòa để Hội đồng xét xử chấp nhận các yêu cầu bồi thường của chị H.
Kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa:
Ghi chép diễn biến tại phiên tòa.
Sau khi trình bày xong ý kiến của nguyên đơn, Luật sư cần ghi chép toàn bộ phần trình bày của phía bị đơn, nội dung các câu hỏi của Hội đồng xét xử và trả lời của những người tham gia tố tụng. Nội dung ghi chép sẽ là căn cứ để Luật sư tiếp tục đặt các câu hỏi nhằm phản bác ý kiến của đối phương và làm rõ những điểm có lợi cho khách hàng của mình.
Việc ghi chép cần được so sánh với kết quả đã nghiên cứu hồ sơ trước đó để xem có nội dung nào mâu thuẫn không hoặc các nội dung còn chưa thống nhất đã được làm rõ chưa để có những câu hỏi thích hợp. Nếu có những điểm khác mới phát sinh tại phiên tòa thì Luật sư cần điều chỉnh nội dung bản luận cứ đã được chuẩn bị từ trước cho phù hợp.
Đặt các câu hỏi cho các bên tham gia phiên tòa.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 BLTTDS 2015 thì nguyên đơn, người bảo vệ của nguyên đơn hỏi trước, vì vậy Luật sư lựa chọn các câu hỏi làm rõ mục đích chứng minh theo yêu cầu và phạm vi khởi kiện của nguyên đơn, phản bác lại yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Thông thường, các câu hỏi tập trung vào các nội dung gồm: căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường, mức độ lỗi của các bên, các khoản yêu cầu bồi thường và những căn cứ để các bên đưa ra yêu cầu bồi thường. Vì vậy, Luật sư phải căn cứ vào những nội dung đã ghi chép khi các bên trình bày (đặc biệt là những điểm mâu thuẫn) để đặt câu hỏi cho những vấn đề cần được làm sáng tỏ. Luật sư cần nêu mục đích câu hỏi của mình để làm rõ sự mâu thuẫn giữa lời khai của các bên tại phiên tòa với các lời khai có trong hồ sơ hay cần các bên khẳng định lại lời khai của mình một cách chắc chắn.
Đối với một số câu hỏi và nội dung trả lời của các bên có ý nghĩa quyết định trong việc xác định trách nhiệm hoặc mức bồi thường thiệt hại, Luật sư cần đề nghị Hội đồng xét xử lưu ý và yêu cầu Thư ký phiên tòa ghi nguyên văn lời khai đó vào biên bản phiên tòa. Tại phiên tòa, Luật sư có quyền đặt câu hỏi cho tất cả những người tham gia tố tụng, tuy nhiên với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn nên cần đặt các câu hỏi để nguyên đơn có thể trình bày những căn cứ khẳng định yêu cầu đòi bồi thường của mình là hợp pháp, nội dung các câu hỏi cần được trao đổi thống nhất trước để tránh câu trả lời bất lợi cho nguyên đơn.
Kỹ năng tranh luận và đối đáp:
Tranh luận và đối đáp tại phiên tòa là một trong những kỹ năng bộc lộ khả năng và bản lĩnh nghề nghiệp của một Luật sư, vì vậy đối với mỗi vụ án cụ thể, Luật sư cần có chiến lược và phương pháp tranh luận thích hợp để đưa ra những đánh giá, kết luận có sức thuyết phục đối với Hội đồng xét xử. Trong phần tranh luận, Luật sư sẽ trình bày bản luận cứ, đề xuất hướng giải quyết tranh chấp và đối đáp ý kiến trực tiếp với các Luật sư đồng nghiệp.
Trình bày bản luận cứ:
Tuy nội dung bản luận cứ đã được chuẩn bị trước khi đến phiên toà, nhưng Luật sư không thể chỉ đọc bản luận cứ đã viết sẵn, mà cần được cập nhật, bổ sung những nội dung mới được làm rõ trong quá trình hỏi cùng kết quả mà Luật sư đã ghi chép tại phiên tòa.
Thực tiễn cho thấy các phiên tòa đôi khi diễn ra trong thời gian dài, nhiều Luật sư tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử phải nghe các đương sự trình bày và ý kiến của các Luật sư trong suốt cả ngày làm việc, do đó Luật sư cần điều chỉnh nội dung bản luận cứ cho phù hợp. Phần nội dung vụ án nếu đã rõ có thể tóm tắt bằng cách khẳng định, nội dung vụ án đã được làm rõ trong quá trình hỏi tại phiên tòa nên xin phép không nhắc lại để đi vào phần phân tích các luận điểm trong bản luận cứ. Ví dụ, Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là chị H trong vụ án đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe có thể khẳng định, tại phiên tòa, một lần nữa bà C xác nhận việc đã cầm xẻng bổ vào mặt, gây thương tích cho chị H, do đó Luật sư xin không nhắc lại về các tình tiết của vụ án mà đi sâu phân tích các căn cứ đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận các khoản bồi thường mà chị H đã yêu cầu.
Đối với mỗi yêu cầu bồi thường, Luật sư cần chỉ ra được điểm, khoản, điều luật hay văn bản pháp luật nào có quy định và các hóa đơn, chứng từ tương ứng. Chẳng hạn, đối với yêu cầu bồi thường về khoản mất thu nhập, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS 2005 và hướng dẫn về cách tính thu nhập bị mất của người bị thiệt hại tại điểm a tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP thì thu nhập bị mất của chị H được tính như sau: Chị H kinh doanh nghề kim hoàn có đăng ký kinh doanh mua bán, gia công, chế tác vàng bạc, đá quý, mức thu nhập thường xuyên bình quân với số tiền là 3.000.000 đồng/ngày. Chị H đã có đơn xin nghỉ kinh doanh để chữa bệnh trong thời gian một tháng kể từ ngày 15/7/2014 đến ngày 15/8/2014 có xác nhận của cơ quan thuế về việc nghỉ kinh doanh.
Đơn này đã có trong hồ sơ vụ án, xin trình Hội đồng xét xử các tài liệu bổ sung mà Luật sư mới thu thập thêm từ cơ quan thuế, như vậy có căn cứ để chị H yêu cầu bà C phải bồi thường khoản mất thu nhập nêu trên là: 3.000.000 đồng x 30 ngày = 90.000.000 đồng. Các yêu cầu bồi thường khác phân tích tương tự.
Tham gia đối đáp:
Sau khi trình bày bản luận cứ, Luật sư của các bên đương sự có quyền tham gia đối đáp ý kiến với các Luật sư. Điều 247 BLTTDS 2015 quy định, chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án, vì vậy Luật sư cần tôn trọng sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, không nên đối đáp nhiều lần đối với mỗi ý kiến mình không đồng ý. Nội dung đối đáp cần ngắn gọn, súc tích, có thể dùng chính lập luận hoặc lời khai của đối phương để phản bác lại ý kiến của họ. Lời lẽ tham gia đối đáp cần lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp, tránh không khí căng thẳng, hoặc có những chỉ trích mang tính cá nhân, áp đặt một cách chủ quan. Qua tranh luận, đối đáp, nếu phát sinh những nội dung cần làm rõ, Luật sư có quyền đề nghị Hội đồng xét xử quay trở lại phần hỏi, sau khi hỏi lại các bên có quyền tranh luận và đối đáp lại. Ví dụ, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị H đã đưa ra ý kiến đối đáp: Luật sư của bà C cho rằng bà không có lỗi trong việc để xảy ra xô xát, nhưng đã thừa nhận có dùng xẻng bổ vào mặt chị H, thực tế bà C có quyền lựa chọn cách ứng xử khác, nhưng đã không làm. Hành vi trái pháp luật của bà C dùng hung khí cố ý gây thương tích cho chị H vào mặt, làm xấu xí diện mạo, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của chị H, buộc chị phải bỏ ra các chi phí để chăm sóc, bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe. Bà C là người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Ý kiến của bà C và Luật sư cho rằng, các điều trị thẩm mỹ của chị H chỉ là chi phí làm đẹp, đề nghị Hội đồng xét xử công bố công khai ý kiến chuyên môn của bác sĩ điều trị thẩm mỹ do Luật sư đã thu thập, cung cấp cho Tòa án thể hiện các điều trị thẩm mỹ cho chị H là thực sự cần thiết.
Các ý kiến khác đối đáp tương tự.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn