Ví dụ:
Chi nhánh Ngân hàng T có trụ sở tại quận H, thành phố H cho ông Lê Hải C và bà Phạm Thùy D cư trú tại quận B, thành phố H vay số tiền 8,6 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN ngày 02/12/2008 với mục đích cho vay mua nhà để ở, thời hạn cho vay 72 tháng, lãi suất thả nổi điều chỉnh 6 tháng 1 lần bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng T cộng với biên độ lãi suất là 4,5% /năm, phân kỳ trả nợ 6 tháng 1 lần, lãi trả hàng tháng. Khoản 2 Điều 3 hợp đồng này quy định ngân hàng được quyền điều chỉnh lãi suất đồng thời phải thông báo cho khách hàng biết.
Ngày 28/02/2009, chi nhánh Ngân hàng T đã giải ngân cho ông Lê Hải C và bà Phạm Thùy D số tiền 1,5 tỷ đồng theo Khế ước nhận nợ số 57.01/HĐTD-CN với lãi suất là 18,1%/năm bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng T là 13,6%/năm cộng với biên độ lãi suất là 4,5%/năm.
Ngày 28/3/2009, Ngân hàng T đã giải ngân cho ông Lê Hải C và bà Phạm Thùy D số tiền 7,1 tỷ đồng theo Khế ước nhận nợ số 57.02/HĐTD-CN với lãi suất là 18,8%/năm bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng T là 14,3%/năm cộng với biên độ lãi suất là 4,5%/năm.
Ngày 15/6/2009, Ngân hàng T đã cùng ông Lê Hải C ký phụ lục hợp đồng số 1-57/PL-CN điều chỉnh cách tính lãi suất của Khế ước nhận nợ số 57.02/HĐTD-CN bằng giá vốn nội bộ của Ngân hàng T cộng biên độ lãi suất 3%/năm, điều chỉnh 3 tháng 1 lần; từ ngày ký phụ lục, Ngân hàng T giảm lãi suất của khế ước này xuống mức lãi suất là 17%/năm. Bà Phạm Thùy D là người giao dịch trả gốc và lãi cho khế ước này. Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, bên vay vốn thực hiện đúng hợp đồng tín dụng đã ký, trả nợ gốc và lãi đầy đủ. Tuy nhiên ông C và bà D đã 3 lần gửi đơn khiếu nại tới Ngân hàng T về việc tính lãi suất quá cao và liên tục điều chỉnh lãi suất mà không thông báo trước và thống nhất với ông bà. Lý do ông C và bà D đưa ra là hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN với mục đích cho vay mua nhà để ở là hợp đồng dân sự và phải tuân theo cách tính lãi được quy định tại Điều 476 BLDS 2005; Ngân hàng T đã áp dụng mức lãi suất quá cao gây thiệt hại cho ông bà.
Do vậy, ông Lê Hải C và bà Phạm Thùy D đã khởi kiện Ngân hàng T ra Tòa án quận H, thành phố H yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc Ngân hàng T phải hoàn trả số tiền lãi vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong từng thời kỳ.
Ngân hàng T đề nghị Luật sư bảo vệ quyền lợi của ngân hàng tại phiên tòa sơ thẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm, phần tranh luận và đối đáp Luật sư vận dụng các kỹ năng cơ bản đã được giới thiệu tại giáo trình Kỹ năng giải quyết vụ việc dân sự của Học viện Tư pháp. Các vấn đề đặc thù Luật sư cần lưu ý đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng như sau:
Tham gia phần hỏi các đương sự:
Khi tham gia phần hỏi các đương sự, Luật sư cần tập trung hỏi làm rõ những vấn đề đã được trình bày, khẳng định trong yêu cầu của khách hàng và tạo căn cứ, cơ sở cho phần luận cứ bảo vệ quyền lợi của khách hàng mình, ví dụ như:
– Chứng minh cơ chế tính lãi suất đã được các bên thỏa thuận và được quy định trong hợp đồng tín dụng.
– Chứng minh Ngân hàng T đã thực hiện điều chỉnh lãi suất theo đúng quy định trong hợp đồng tín dụng.
– Chứng minh Ngân hàng T thực hiện đúng quy định của pháp luật chuyên ngành về lãi suất trong quan hệ tín dụng.
Tham gia phần tranh luận, đối đáp:
Tranh chấp về lãi suất cho vay là một trong những tranh chấp hợp đồng tín dụng phổ biến. Khi tham gia giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng về lãi suất, Luật sư cần nắm rõ được thực trạng pháp luật điều chỉnh vấn đề này, cụ thể như sau:
Trước ngày 01/01/2011 (là ngày Luật CTCTD 2010 có hiệu lực và có quy định rõ ràng về cơ chế lãi suất cho vay theo thỏa thuận tại Điều 91 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”) có tình trạng xung đột luật giữa quy định về lãi suất của hợp đồng vay tài sản trong BLDS 2005 theo Điều 476 và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất cho vay.
Chính sách lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định liên tục có sự thay đổi từ năm 2008 đến năm 2010:
– Trước ngày 19/5/2008, các tổ chức tín dụng được thỏa thuận lãi suất cho vay với khách hàng (theo quy định tại Quy chế cho vay 1627 và Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/5/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cơ chế lãi suất thỏa thuận trong tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng).
– Từ ngày 19/5/2008 đến trước ngày 26/02/2010, tồn tại song song hai cơ chế áp dụng lãi suất cho vay, dẫn đến khó khăn cho tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi xử lý vấn đề lãi suất cho vay: (1) Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 06/5/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam, theo đó từ ngày 19/5/2008 đến ngày 26/02/2010, tổ chức tín dụng chỉ được áp dụng lãi suất cho vay đồng Việt Nam đối với khách hàng bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố; (2) Thông tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23/01/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho phép thực hiện cơ chế lãi suất cho vay đồng Việt Nam theo thỏa thuận có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2009 đến ngày 26/02/2010.
– Từ ngày 26/02/2010 đến trước ngày 14/4/2010 áp dụng mức lãi suất cho vay đồng Việt Nam thỏa thuận theo Thông tư số 07/2010/TT- NHNN ngày 26/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
– Từ ngày 14/4/2010 đến trước ngày 15/3/2017, tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
– Từ ngày 15/3/2017 đến nay, áp dụng theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Do đặc thù của án tranh chấp hợp đồng tín dụng, đi sâu vào vấn đề cơ chế tính lãi vay, lãi suất và số tiền lãi nên các thông tin, số liệu trong phần trình bày của các đương sự là rất phức tạp và có thể có những thay đổi, có sự khác biệt so với hồ sơ vụ án. Khi lắng nghe phần trình bày yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn, Luật sư cần ghi chép những nội dung, ý kiến hoặc chứng cứ mới hoặc có khác biệt với đơn khởi kiện và hồ sơ vụ án để kịp thời có chỉnh sửa, bổ sung phần trình bày ý kiến phản bác của mình. Phần ý kiến phản bác có giá trị cao trong quá trình giải quyết vụ án vì có tác động trực tiếp đến việc xem xét giải quyết vụ án trong suốt phiên tòa của Hội đồng xét xử và là cơ sở để Luật sư trình bày luận cứ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.
Ý kiến phản bác của Luật sư bảo vệ cho Ngân hàng T cần tập trung thẳng vào hai vấn đề mà phía nguyên đơn trình bày trong yêu cầu khởi kiện, đưa ra những lập luận cụ thể và viện dẫn đầy đủ quy định của pháp luật làm căn cứ:
– Thứ nhất là cơ chế tính lãi và mức lãi suất
Theo phía nguyên đơn, hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN về bản chất là hợp đồng vay tài sản được quy định tại BLDS 2005, do vậy phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS 2005: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố đối với loại cho vay tương ứng. Đồng thời, việc áp dụng lãi suất của Ngân hàng T cũng vi phạm quy định tại Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là từ ngày 19/5/2008, “các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động, lãi suất cho vay) bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố để áp dụng trong từng thời kỳ”.
Trong phần lập luận của Luật sư cần khẳng định:
Cho vay là hoạt động kinh doanh ngân hàng, do luật chuyên ngành là Luật CTCTD và các văn bản pháp luật khác về chuyên ngành ngân hàng điều chỉnh. Vấn đề này đã được Luật CTCTD 1997 được sửa đổi, bổ sung năm 2004 quy định: (1) Điều 1 về phạm vi điều chỉnh quy định: “Luật này quy định tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; (2) Điều 2 về áp dụng Luật CTCTD và các luật có liên quan quy định: “Việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể về hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác”.
Lãi suất cho vay phải thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chứ không áp dụng theo quy định tại BLDS 2005. Cơ chế này đã được quy định tại Quy chế cho vay 1627 như sau:
(1) Điều 1 về phạm vi điều chỉnh quy định: “Quy chế này quy định về việc cho vay bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng không phải là tổ chức tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư phát triển và đời sống”;
(2) Khoản 1 Điều 11 về lãi suất cho vay quy định: “Mức lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN, Ngân hàng T luôn tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, cụ thể trong trường hợp này, Ngân hàng T đã áp dụng mức lãi suất theo thỏa thuận tại Thông tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23/01/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2009 đến ngày 26/02/2010. Mặc dù tại thời điểm đó, Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 quy định về việc từ ngày 19/5/2008 đến ngày 26/02/2010 “áp dụng mức lãi suất không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố để áp dụng trong từng thời kỳ” cùng áp dụng song song. Nhưng căn cứ khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Do vậy, việc Ngân hàng T áp dụng mức lãi suất theo thỏa thuận tại Thông tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23/01/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp.
Luật sư cũng có thể viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 về lãi suất “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, lãi suất trong quan hệ hợp đồng tín dụng thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng đã được Luật CTCTD 2010 quy định (Điều 91) nên không thực hiện theo quy định của BLDS 2015.
– Thứ hai là thẩm quyền và thủ tục quyết định điều chỉnh mức lãi suất
Theo phía nguyên đơn, Ngân hàng T đã tính lãi suất quá cao và liên tục điều chỉnh lãi suất mà không thông báo trước và thống nhất với nguyên đơn là vi phạm quy định trong hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN. Ngân hàng T đã điều chỉnh cách tính lãi suất của Khế ước nhận nợ số 57.02/HĐTD-CN căn cứ vào phụ lục hợp đồng số 1-57/PL-CN được ký kết giữa Ngân hàng T và ông Lê Hải C là trái pháp luật vì phụ lục này không được bà Phạm Thùy D ký hoặc ủy quyền cho ông Lê Hải C ký.
Luật sư cần lập luận theo hướng:
Tại Điều 3 hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN, khoản 1 quy định: “lãi suất thả nổi điều chỉnh 6 tháng 1 lần bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng T cộng với biên độ lãi suất là 4,5% năm”. Khi ký các khế ước và giải ngân, Ngân hàng T đã thực hiện đúng theo quy định này, Khế ước nhận nợ số 57.01/HĐTD-CN ngày 28/02/2009 với số tiền 1,5 tỷ đồng được giải ngân theo lãi suất là 18,1%/năm bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng T là 13,6%/năm cộng với biên độ lãi suất là 4,5%/năm. Khế ước nhận nợ số 57.02/HĐTD-CN ngày 28/3/2009 với số tiền 7,1 tỷ đồng được giải ngân theo lãi suất là 18,8%/năm bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng T là 14,3%/năm cộng với biên độ lãi suất là 4,5%/năm.
Tại Điều 3 hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN, khoản 2 quy định: “Ngân hàng T được quyền điều chỉnh lãi suất theo quy định tại khoản 1 đồng thời phải thông báo cho khách hàng biết”. Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, khi điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng T đều thực hiện đúng quy định này và việc thông báo cho ông C và bà D sau khi điều chỉnh lãi suất là phù hợp. Theo quy định trong hợp đồng tín dụng thì Ngân hàng T không có nghĩa vụ phải thống nhất trước việc điều chỉnh lãi suất với ông C và bà D.
Việc ký kết và thực hiện phụ lục hợp đồng số 1-57/PL-CN giữa Ngân hàng T và khách hàng là xuất phát từ quyền lợi của khách hàng. Cụ thể là mức lãi suất của Khế ước nhận nợ số 57.02/HĐTD-CN tính bằng giá vốn nội bộ của Ngân hàng T cộng biên độ lãi suất 3%/năm đã giảm từ 18,8%/năm xuống mức lãi suất là 17%/năm. Việc ký kết và thực hiện phụ lục hợp đồng này được bà Phạm Thùy D biết và đồng thuận thông qua việc bà D chính là người giao dịch trả gốc, trả lãi cho Khế ước nhận nợ số 57.02/HĐTD-CN, bà biết rõ cơ chế tính lãi và mức lãi suất áp dụng cho khế ước này nhưng hơn 2 năm qua không hề có ý kiến khiếu nại. Nay nếu ông Lê Hải C và bà Phạm Thùy D yêu cầu Ngân hàng T tính lại lãi suất của Khế ước nhận nợ số 57.02/HĐTD-CN theo quy định của hợp đồng tín dụng số 57/HĐTD-CN thì chúng tôi nhất trí sẽ xem xét tính lại và thu thêm lãi suất phát sinh.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn