[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng của luật sư tham gia phiên hòa giải

Ví dụ 3:

Ngày 23/10/2014, Ngân hàng S – Chi nhánh tại tỉnh Q có trụ sở tại phố L, thành phố H, tỉnh Q ký hợp đồng tín dụng trung dài hạn số 95/HĐTD cho ông Nguyễn Văn T và bà Trần Thị Y cư trú tại phường H, thị xã C, tỉnh Q vay 5,3 tỷ đồng, thời hạn vay 84 tháng với mục đích xây dựng showroom kinh doanh ô tô. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là quyền sử dụng 100 m2 đất và tài sản gắn liền với đất (căn nhà 1 tầng) tại số 26 phố L, phường C, thành phố H, tỉnh Q, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 28/01/2004 mang tên Nguyễn Huy B theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 152/TSTC ngày 23/10/2014.

Ngân hàng S đã giải ngân cho ông Nguyaễn Văn T và bà Trần Thị Y theo Khế ước số 95.01/HĐTD ngày 16/11/2014 số tiền 2,3 tỷ đồng và Khế ước số 95.02/HĐTD ngày 01/3/2015 số tiền 1,2 tỷ đồng. Sau đó Ngân hàng S dừng giải ngân và tiến hành thu hồi nợ trước hạn với lý do ông B và bà M đang làm thủ tục ly hôn, phân chia tài sản là tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng số 95/HĐTD nên khoản vay bị rủi ro. Thực tế ông B và bà M kết hôn năm 2005, do có mâu thuẫn nên gửi đơn ra tòa vào tháng 4/2015 xin ly hôn, nhưng cuối cùng đã hòa giải được. Tại Biên bản hòa giải lần 1 do Tòa án lập có ghi “về tài sản chung là nhà đất tại số 26 phố L, phường C, thành phố H, tỉnh Q, hai bên thống nhất sẽ tự thỏa thuận phân chia”. Khi Ngân hàng S dừng giải ngân thì ông T và bà Y không đủ tiền để hoàn thiện showroom ô tô, dẫn đến công trình phải dừng thi công, hợp đồng với các hãng xe ô tô cũng phải hủy bỏ, kế hoạch kinh doanh bị thất bại. Ngân hàng S đã đôn đốc thu  hồi nợ nhiều lần nhưng ông Nguyễn Văn T và bà Trần Thị Y không thực hiện nghĩa vụ trả nợ với lý do Ngân hàng S dừng giải ngân làm họ kinh doanh thua lỗ.

Ngày 21/10/2016, Ngân hàng S đã khởi kiện ra Tòa án thị xã C, tỉnh Q yêu cầu ông Nguyễn Văn T và bà Trần Thị Y phải có trách nhiệm trả số tiền nợ gốc, nợ lãi tính đến thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu không trả được nợ trên thì Ngân hàng S yêu cầu phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Văn T và bà Trần Thị Y đề nghị Luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ tại Tòa án.

Những vấn đề chung

Đặc thù của án tranh chấp hợp đồng tín dụng là bên vay vốn, bên bảo đảm thường bất hợp tác, luôn có xu hướng kháng cáo và khiếu nại các bản án, quyết định của Tòa án, quá trình tố tụng kéo dài qua nhiều cấp xét xử. Do vậy, nếu hòa giải thành và Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc do quyết định của Tòa án sẽ có hiệu lực ngay và được thi hành ngay. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bên đương sự là các tổ chức tín dụng.

Để giúp khách hàng hòa giải thành công vụ án tranh chấp, Luật sư cần xác định phương án đàm phán dựa trên hai yếu tố cơ bản: yếu  tố pháp lý và yếu tố kinh tế, đó là sự “thiệt – hơn” của khách hàng của mình khi vụ án được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng.

Về yếu tố kinh tế, trong đặc thù của án tranh chấp hợp đồng tín dụng, Luật sư cần nắm bắt được bản chất mong muốn của các bên tranh chấp:

  • Đối với bên vay vốn, trong nhiều trường hợp, bên vay vốn vẫn còn có khả năng trả nợ, nhưng muốn được tổ chức tín dụng miễn hoặc giảm lãi vay như một điều kiện để trả nợ; trong một số trường hợp khác, bên vay vốn sẵn sàng bàn giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng để xử lý thu hồi nợ, nhưng muốn tổ chức tín dụng cấn trừ mọi nghĩa vụ trả nợ của họ được bảo đảm bằng tài sản sẽ bàn giao cho tổ chức tín dụng xử lý; hoặc bên vay vốn mong muốn được khoanh nợ, không tính lãi, hay được trả dần trong thời gian dài hơn.
  • Đối với tổ chức tín dụng, khi khoản cho vay đã thành nợ xấu và phải khởi kiện ra Tòa án thì việc thu hồi được nợ gốc sẽ là ưu tiên hàng đầu và trong nhiều trường hợp thì có thể thỏa hiệp về nợ lãi, thời hạn thu hồi.

Một trong những yếu tố quan trọng nữa khi tham gia phiên hòa giải là yếu tố tâm lý. Nhiều trường hợp, đương sự là người có địa vị xã hội, có uy tín, là doanh nghiệp có thương hiệu hoặc muốn giữ hình ảnh cá nhân, hình ảnh doanh nghiệp để duy trì tốt công việc, các mối quan hệ xã hội, quan hệ đối tác, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi bị khởi kiện ra Tòa để đòi nợ hoặc khi bị thua kiện tại Tòa, họ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Với những đối tượng này, sẽ có nhiều cơ hội hòa giải thành nếu đưa ra được phương án hợp lý, quyền lợi của họ không bị thiệt hại nhiều, uy tín, thương hiệu của họ không bị ảnh hưởng lớn. Trước khi tham gia phiên hòa giải, Luật sư cần nắm bắt được vấn đề tâm lý này, tìm hiểu chính xác thông tin của phía đối tụng để tư vấn cho khách hàng phương án hòa giải phù hợp.

Các công việc chuẩn bị cho phiên hòa giải

Luật sư cần cùng với khách hàng của mình xây dựng các phương án hòa giải (phương án đàm phán) khác nhau để thống nhất trong nội bộ trước khi tiến hành hòa giải tại Tòa án. Trên cơ sở các phương án đàm phán đã được thống nhất, lập kế hoạch trả nợ cụ thể hóa các số liệu: số tiền nợ gốc, lãi suất thông thường và tiền lãi thông thường, lãi suất phạt và số tiền lãi phạt quá hạn, thời gian trả nợ.

Lưu ý, đối với các đề nghị miễn giảm lãi thì cần nêu rõ lý do, những rủi ro thất thoát gặp phải, tình hình tài chính khó khăn dẫn đến không thể trả lãi.

Tham gia phiên hòa giải

Việc sử dụng các phương án đàm phán sẽ tùy cơ ứng biến trong phiên hòa giải, thông thường sẽ đàm phán bắt đầu từ phương án có lợi cho mình nhất. Tuy nhiên, Luật sư phải tỉnh táo nhận định vấn đề từ diễn biến phiên hòa giải để kịp thời đề xuất với khách hàng việc thay đổi phương án đàm phán.

Khi tham gia phiên hòa giải tại Tòa án, sự mềm mỏng, linh hoạt và phân tích có lý, có tình của Luật sư, chỉ ra những điểm thuận lợi và bất lợi của phía đối phương liên quan đến yếu tố pháp lý và yếu tố  kinh tế sẽ giúp cho phiên hòa giải đi đến thành công.

Trong tình huống ở ví dụ 3, Luật sư sẽ nghiên cứu hồ sơ, đánh giá yếu tố pháp lý để xác định những điểm yếu của Ngân hàng S, như: nhận tài sản bảo đảm khi chưa xác định rõ tính chất sở hữu chung hay riêng, dừng giải ngân chưa tuân thủ đúng thỏa thuận trong hợp đồng  tín dụng và quy định của pháp luật, quyết định thu hồi nợ trước hạn trái pháp luật. Đồng thời, Luật sư cần tiến hành thu thập bổ sung chứng cứ để xác định Ngân hàng S vi phạm nghĩa vụ giải ngân; tài sản bảo đảm là tài sản đã nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng ông B và bà M từ trước khi ký hợp đồng thế chấp, do vậy hợp đồng thế chấp bị vô hiệu.

Như vậy, nếu Ngân hàng S không hợp tác với ông T và bà Y thì rủi ro xảy ra với khoản vay đã giải ngân sẽ là 100% vì không có tài sản bảo đảm và bên vay vốn không có khả năng trả nợ vì kế hoạch kinh doanh bị phá sản do lỗi của Ngân hàng S.

Từ đó, Luật sư xây dựng các phương án hòa giải để tư vấn cho khách hàng của mình với cấu phần gồm một số nội dung sau:

  • Yêu cầu Ngân hàng S bồi thường thiệt hại đối với công trình showroom bị xây dựng dở dang, thiệt hại từ hợp đồng hợp tác với các hãng ô tô bị chấm dứt, kế hoạch kinh doanh bị phá sản;
  • Miễn toàn bộ lãi phát sinh từ khoản vay, đây thực chất cũng là một khoản thiệt hại của ông T và bà Y do việc dừng giải ngân và thu nợ trước hạn của Ngân hàng S gây ra;
  • Yêu cầu Ngân hàng S tiếp tục giải ngân đúng hợp đồng đã ký kết;
  • Phân kỳ trả nợ 5,3 tỷ đồng trong 84 tháng kể từ ngày giải ngân khoản tiền còn lại để ông T và bà Y sẽ trả hết nợ gốc;
  • Ông B và bà M sẽ ký lại hợp đồng thế chấp mới nếu Ngân hàng S thực hiện các yêu cầu trên, nội dung này cần có sự thỏa thuận của ông T và bà Y với ông B và bà M. Sau khi Luật sư và khách hàng đã thống nhất được nội dung các phương án, thì cần xây dựng kịch bản đàm phán trong phiên hòa giải, phân vai cho Luật sư và từng người trong số khách hàng của Luật sư, có thể đề nghị Tòa án mời thêm ông B và/hoặc bà M tham gia phiên hòa giải để cùng đàm phán. Khi tham gia phiên hòa giải, Luật sư áp dụng những kỹ năng như nêu trên để tư vấn có hiệu quả cho khách hàng và trực tiếp xử lý trong quá trình hòa giải nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng của mình.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan