Ví dụ :
Ngày 04/02/2015, Công ty K (có trụ sở tại huyện H, thành phố H) ký hợp đồng bán 70 bộ thiết bị giám sát an toàn đuôi tàu hỏa cho Công ty H thuộc Tổng Công ty Đ (có trụ sở tại quận H, thành phố H) với tổng giá trị 726.470 USD (được quy đổi ra Việt Nam đồng theo tỷ giá giao dịch giữa VND và USD được VietcomBank công bố). Sau khi hàng về theo thỏa thuận hợp đồng, ngày 02/3/2015, Công ty K có văn bản thông báo cho Công ty H về việc giao hàng, thời gian và địa điểm giao hàng. Ngày 03/3/2015, Công ty H có văn bản gửi Công ty K thông báo thời gian và nơi nhận hàng. Khi Công ty K đến giao hàng thì Công ty H không có người tiếp nhận, phải mang hàng về. Đến ngày 26/3/2015, Công ty H có văn bản gửi Công ty K tạm dừng việc giao hàng theo yêu cầu của Tổng Công ty Đ. Sau nhiều lần Công ty K gửi văn bản yêu cầu thực hiện hợp đồng để giao nhận hàng nhưng Công ty H không thực hiện. Ngày 26/5/2015, Công ty H khởi kiện đến Tòa án yêu cầu buộc Tổng Công ty Đ phải thực hiện hợp đồng tiếp nhận hàng hóa và bồi thường thiệt hại tạm tính đến ngày khởi kiện do việc dừng hợp đồng không nhận hàng làm phát sinh tiền lãi vay ngân hàng và tiền lưu kho tạm tính là 200.000.000 đồng. Quá trình tố tụng vụ án, Tổng Công ty Đ yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật vì cho rằng hợp đồng MBHH ngày 04/02/2015 giữa Công ty K và Công ty H là vô hiệu vì Công ty H tự ý phê duyệt kết quả đấu thầu, ra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, thông báo cho Công ty K trúng thầu và ký hợp đồng MBHH – đây là thẩm quyền của Tổng Công ty Đ. Do vậy, Tổng Công ty Đ đã có văn bản yêu cầu Công ty H hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, thông báo cho Công ty K hủy hợp đồng MBHH đã ký, tổ chức lại đấu thầu theo quy định. Tuy nhiên, Công ty K không tham gia thầu mà vẫn yêu cầu thực hiện giao hàng theo hợp đồng MBHH ngày 04/02/2015 đã ký nên bị đơn không chấp nhận. Do nhiều lý do (như việc thu thập chứng cứ của Tòa án) nên ngày 11/11/2016, vụ án mới được TAND quận H, thành phố H đưa ra xét xử.
Về kỹ năng trình bày yêu cầu khởi kiện/phản bác của Luật sư nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện này cần tập trung những vấn đề sau:
a) Đối với Luật sư nguyên đơn
Cần tóm tắt quan hệ hợp đồng và quá trình tranh chấp dẫn đến khởi kiện vụ án. Nêu yêu cầu khởi kiện tại đơn khởi kiện và yêu cầu chính thức tại phiên tòa vì trên thực tế có nhiều vụ án, nguyên đơn vẫn giữ yêu cầu khởi kiện tại đơn khởi kiện hoặc đã có sự thay đổi, bổ sung, rút một phần yêu cầu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nên Luật sư cần xác định chính xác yêu cầu khởi kiện của khách hàng tại phiên tòa để Hội đồng xét xử xét xử trên cơ sở yêu cầu đó. Bên cạnh đó, Luật sư cần nêu những chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Cụ thể, phần trình bày của Luật sư bảo vệ Công ty K như sau:
– Về quan hệ hợp đồng và tranh chấp phát sinh:
Ngày 04/02/2015, Công ty K và Công ty H ký hợp đồng mua bán 70 bộ thiết bị giám sát an toàn đuôi tàu hỏa với tổng giá trị 726.470 USD (khi thanh toán sẽ được quy đổi ra Việt Nam đồng theo tỷ giá giao dịch giữa VND và USD được VietcomBank công bố). Sau khi hàng về, ngày 02/3/2015, Công ty K đã có văn bản thông báo cho Công ty H về việc giao hàng, thời gian và địa điểm giao hàng. Ngày 03/3/2015, Công ty H có văn bản gửi Công ty K đồng ý và thông báo thời gian, nơi nhận hàng. Thực hiện hợp đồng và thông báo tiếp nhận hàng của Công ty H, nguyên đơn đã đến giao hàng thì Công ty H (trực thuộc bị đơn) không tiếp nhận, phải mang hàng về lưu kho. Cho đến ngày 26/3/2015 thì Công ty H đơn phương có văn bản yêu cầu tạm dừng việc giao hàng trên cơ sở yêu cầu của bị đơn. Sau nhiều lần, phía nguyên đơn đã thiện chí, hợp tác gửi văn bản yêu cầu Công ty H, Tổng Công ty Đ thực hiện hợp đồng để giao nhận hàng nhưng Công ty H, Tổng Công ty Đ không thực hiện nên ngày 26/5/2015, nguyên đơn khởi kiện đến TAND quận H, thành phố H theo quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Tại đơn khởi kiện ngày 26/5/2015, nguyên đơn có yêu cầu cụ thể: (1) buộc bị đơn phải thực hiện hợp đồng tiếp nhận hàng hóa; và (2) bồi thường thiệt hại tạm tính đến ngày khởi kiện do việc dừng hợp đồng không nhận hàng làm phát sinh tiền lãi vay ngân hàng và tiền lưu kho là 200 triệu đồng.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hôm nay, yêu cầu khởi kiện cụ thể của nguyên đơn là:
+ Buộc bị đơn phải thực hiện hợp đồng ngày 04/02/2015 đã ký để tiếp nhận lô hàng của nguyên đơn.
+ Bồi thường thiệt hại số tiền 605.799.812 đồng gồm các khoản sau:
Tiền trả lãi vay thương mại của số tiền nhập khẩu lô hàng trên cơ sở hợp đồng tín dụng tại AgriBank chi nhánh H, thành phố H tính từ ngày 11/4/2015 đến ngày 31/12/2015 là 294 ngày trên cơ sở 532.000 USD (tiền mua hàng theo hóa đơn thương mại nhập khẩu của lô hàng) và áp dụng mức lãi suất 8,1% là 31.600,8 USD, quy đổi thành 583.951.183 đồng.
Tiền lưu kho đối với lô hàng: tính từ ngày 04/3/2015 đến ngày 26/5/2015 theo các hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty kinh doanh kho bãi là 21.848.629 đồng.
– Về chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Ngoài các tài liệu, chứng cứ đã nộp kèm đơn khởi kiện và cung cấp bổ sung cho Tòa án, tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn cung cấp bổ sung văn bản thông báo tỷ giá quy đổi giữa VND và USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ nguyên đơn đã xuất trình thể hiện hợp đồng mua bán là hợp pháp, nguyên đơn đã thực hiện nghĩa vụ giao hàng nhưng phía bị đơn không tiếp nhận, vi phạm quy định tại hợp đồng MBHH ngày 04/02/2015 đã giao kết. Do vậy, việc buộc bị đơn phải thực hiện hợp đồng để tiếp nhận hàng là có cơ sở. Bên cạnh đó, do việc chậm tiếp nhận hàng của phía bị đơn nên Công ty K đã phát sinh thiệt hại thực tế gồm tiền lãi vay ngân hàng đối với số tiền nhập khẩu lô hàng và tiền lưu kho đã trình bày ở trên. Chúng tôi xin phép sẽ trình bày các luận điểm chi tiết và cơ sở pháp lý đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để chứng minh tính có căn cứ và hợp pháp làm cơ sở cho Hội đồng xét xử chấp nhận ở phần tranh luận.
b) Đối với Luật sư bị đơn
Luật sư không cần tóm tắt lại nội dung vụ kiện vì Luật sư nguyên đơn đã trình bày. Tuy nhiên, phải tập trung phản bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trên cơ sở chứng minh hợp đồng MBHH ngày 04/02/2015 vô hiệu vì phát sinh trên cơ sở đấu thầu. Do vậy, việc Công ty H (đơn vị phụ thuộc của bị đơn) tự ý phê duyệt kết quả đấu thầu, tự ý ra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, thông báo cho Công ty K trúng thầu và ký hợp đồng MBHH là không đúng thẩm quyền. Căn cứ ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại văn bản số… ngày 15/5/2015 xác định việc Công ty H là đơn vị hạch toán phụ thuộc của bị đơn thực hiện mọi công việc liên quan đến trình tự, thủ tục đấu thầu phải được Tổng Công ty Đ ủy quyền. Do vậy, việc tự ý phê duyệt, ra quyết định trúng thầu, thông báo trúng thầu và ký hợp đồng MBHH khi không có ủy quyền là không đúng quy định của Luật Đấu thầu. Thực tế, khi phát hiện sự việc, bị đơn đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Công ty H hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, thông báo cho Công ty K hủy hợp đồng MBHH đã ký, tổ chức đấu thầu lại theo quy định. Công ty K hoàn toàn biết thực tế này và sai phạm của hợp đồng MBHH đã ký nhưng Công ty K không tham gia đấu thầu lại mà vẫn yêu cầu thực hiện giao hàng theo hợp đồng MBHH ngày 04/02/2015 đã ký nên không có cơ sở để chấp nhận. Nếu bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng này là vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ kiện theo quy định của pháp luật.
Kỹ năng đặt câu hỏi:
– Trong vụ án này, Luật sư nguyên đơn có thể đặt những nhóm câu hỏi liên quan như sau:
+ Chứng minh hợp đồng hợp pháp: Chủ thể ký hợp đồng của bị đơn là ai, Giấy ủy quyền của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đ vào ngày nào và phạm vi ủy quyền là gì…;
+ Chứng minh việc đã tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng của nguyên đơn và vi phạm của bị đơn: ngày nào hàng về, thông báo giao hàng ngày nào, phía bị đơn trả lời giao hàng tại đâu, tại sao đã có văn bản đồng ý lịch giao hàng lại không nhận hàng, việc không giao được hàng do lỗi của ai…;
+ Chứng minh yêu cầu khởi kiện: hàng chưa giao thì có yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng không, thiệt hại tiền vay tính trên cơ sở nào (tiền vay cụ thể, lãi suất cho vay, số ngày vay), tiền lưu kho tính cụ thể thế nào (ngày lưu kho, phí lưu kho ngày, hợp đồng gửi giữ, hóa đơn giá trị gia tăng tiền lưu kho như thế nào).
– Luật sư bị đơn có thể đặt các nhóm câu hỏi:
+ Chứng minh chủ thể nhận ủy quyền không đúng: hỏi quy định về ủy quyền theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đ, hỏi phạm vi ủy quyền có nêu cụ thể cho Công ty H được phê duyệt, quyết định trúng thầu, thông báo trúng thầu và ký hợp đồng MBHH không, hỏi quan điểm trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thế nào;
+ Chứng minh hợp đồng vô hiệu: ai ký hợp đồng, ai ra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, ai thực hiện thông báo trúng thầu…;
+ Chứng minh lỗi của nguyên đơn: Khi tham gia đấu thầu có đọc hết các quy chế đấu thầu không, có biết Công ty H là đơn vị phụ thuộc của bị đơn không, tham gia đấu thầu có biết các quy định cần thiết về Luật Đấu thầu không, Công ty H có thông báo cho Công ty K về lý do dừng thực hiện hợp đồng không, lý do đó là gì, tại sao nguyên đơn nhận được thông báo mời đấu thầu lại mà không tham gia…
Kỹ năng tranh luận và đối đáp:
Ở phần này, Luật sư có 02 nhiệm vụ cơ bản: phát biểu quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng (trình bày luận cứ) và thực hiện đối đáp với Luật sư đối tụng cũng như đại diện bên đối tụng.
a) Kỹ năng trình bày luận cứ của Luật sư nguyên đơn
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, thực hiện xác minh, thu thập chứng cứ đã cung cấp cho Tòa án, tham gia trực tiếp phần hỏi và lắng nghe quan điểm trình bày của các bên đương sự, Luật sư thấy có đủ cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể:
– Luật sư nêu rõ yêu cầu khởi kiện đề nghị Hội đồng xét xử xét xử tại phiên tòa;
– Luật sư đánh giá hiệu lực của hợp đồng MBHH đã ký trên cơ sở mời thầu, trúng thầu, giao thầu; phân tích rõ cơ sở ủy quyền của Tổng Công ty Đ cho Công ty H thực hiện dự án thầu cung cấp thiết bị tàu hỏa liên quan là bao gồm toàn bộ, không thể tách từng hoạt động, hành vi của cả trình tự, thủ tục thực hiện dự án vì đấu thầu chỉ là một phần thực hiện dự án. Luật sư khẳng định các văn bản do Công ty H gửi cho nguyên đơn như thông báo mời thầu, quy định hồ sơ thầu, thông báo ngày mở thầu, biên bản mở thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, quyết định trúng thầu, giao thầu và tiến tới ký hợp đồng MBHH đều đồng thời được gửi và báo cáo Tổng Công ty Đ nên Tổng Công ty Đ phải biết và có ý kiến ngay về việc này. Sau khi có thông báo trúng thầu, các bên mới triển khai ký hợp đồng MBHH và sau hơn một tháng hàng mới về Việt Nam, nên nếu Tổng Công ty Đ có ý kiến kịp thời thì cũng hạn chế được thiệt hại cho nguyên đơn vì nguyên đơn sẽ kịp thương lượng để tái xuất lô hàng cho nhà cung cấp nước ngoài do có quan hệ đối tác lâu năm.
– Luật sư đánh giá lỗi của phía bị đơn: quan hệ giữa Công ty H và bị đơn là quan hệ nội bộ, nguyên đơn đã thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng để nhập khẩu hàng hóa thỏa mãn điều kiện của hợp đồng đã giao kết. Công ty H đã thừa nhận việc vi phạm hợp đồng không tiếp nhận hàng hóa ngay cả khi hàng đã về Việt Nam (dẫn chiếu các bút lục của hồ sơ vụ án về thông báo tiếp nhận hàng, địa điểm, thời gian…). Việc Công ty H không trình bị đơn ký phê duyệt kết quả đấu thầu, ra quyết định trúng thầu, thông báo trúng thầu, ký hợp đồng MBHH là trách nhiệm nội bộ của Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc, không thuộc trách nhiệm của nhà thầu.
– Luật sư đánh giá chứng cứ đối với văn bản trả lời của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) không phải là văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng nên chỉ mang tính tham khảo.
– Luật sư viện dẫn các quy định của Luật TM 2005 về nghĩa vụ của bên mua, bên bán để yêu cầu Hội đồng xét xử buộc bị đơn phải thực hiện hợp đồng, tiếp nhận lô hàng, bồi thường thiệt hại thực tế đối với tiền lãi vay thương mại và tiền lưu kho của hàng hóa do không tiếp nhận hàng như đã trình bày (nêu số tiền cụ thể, cách tính và cơ sở áp dụng để tính).
Cuối cùng, phần kết của luận cứ, Luật sư cần đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các quy định tại các Điều 34, 35, 37, 297, 302, 303 Luật TM 2005 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với việc thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại phát sinh (nêu cụ thể tổng giá trị số tiền yêu cầu).
b) Kỹ năng trình bày luận cứ của Luật sư bị đơn
Luật sư trực tiếp có quan điểm phản bác quan điểm bảo vệ của Luật sư nguyên đơn và xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận với các lý do cụ thể:
– Luật sư cần chỉ rõ hợp đồng MBHH giao kết giữa các bên là trên cơ sở hoạt động đấu thầu (được xác định như một hợp đồng thầu áp dụng cho chủ đầu tư và nhà thầu) do đó trước tiên phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành để xác định hợp đồng đó có hiệu lực hay không mới xem xét đến quy định của Luật TM 2005 về hợp đồng MBHH.
– Luật sư viện dẫn quy định của Luật Đấu thầu, văn bản trả lời của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đ, Quy chế hoạt động của Tổng Công ty và của các đơn vị thành viên trực thuộc… để chứng minh chủ thể có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt, quyết định trúng thầu, quyết định giao thầu và ký hợp đồng MBHH thuộc về Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đ.
– Luật sư phân tích văn bản ủy quyền của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đ cho Giám đốc Công ty H là văn bản có tính nguyên tắc cho cả dự án, khi thực hiện tùy theo từng phần việc của dự án để xin ý kiến và có ủy quyền cụ thể đối với nội dung các phần việc liên quan. Văn bản ủy quyền chỉ giao làm chủ đầu tư dự án, không giao thẩm quyền quyết định đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư trên cơ sở quy định của Luật Đấu thầu, Quyết định thành lập Tổng Công ty, Điều lệ cũng như Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty.
– Luật sư nhấn mạnh quan điểm thừa nhận lỗi sai của Giám đốc Công ty H tại các bút lục của hồ sơ vụ án cũng như sự việc đã được thông báo cho nguyên đơn.
– Luật sư phân tích thiệt hại của nguyên đơn do nguyên đơn gây ra vì mặc dù phải ra quyết định hủy quyết định trúng thầu nhưng đã cho tổ chức đấu thầu lại, không làm mất đi quyền được tham dự thầu, đấu thầu của nguyên đơn với lô hàng đã có đáp ứng tiêu chí của hồ sơ mời thầu. Việc nguyên đơn không tham gia thầu dẫn đến đơn vị khác trúng thầu và cung cấp hàng hóa là sự lựa chọn của nguyên đơn. Nếu nguyên đơn vẫn tham gia thầu thì vẫn có khả năng thực hiện việc cung cấp thiết bị cho bị đơn.
Cuối cùng, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn (Luật sư cần nêu cụ thể), các Điều 92, 93, 122, 127, 137, 307, 389, 410 BLDS 2005 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do hợp đồng MBHH vô hiệu và giải quyết hậu quả vô hiệu hợp đồng theo quy định của pháp luật.
c) Kỹ năng đối đáp của Luật sư
Trong vụ án này, Luật sư nguyên đơn sau khi nghe quan điểm bảo vệ của Luật sư bị đơn cho thấy 02 vấn đề mấu chốt gây tranh luận là:
– Hợp đồng có hiệu lực hay không: Theo đó, Luật sư cần viện dẫn nguyên tắc áp dụng luật đặc thù điều chỉnh hợp đồng MBHH theo quy định của Luật TM 2005, không phải Luật Đấu thầu. Điều kiện về chủ thể ký hợp đồng là Giám đốc Công ty H là đúng thẩm quyền vì có văn bản ủy quyền của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đ về thực hiện dự án cung cấp thiết bị tàu hỏa. Quá trình giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, hàng về, thông báo ngày giao nhận hàng cũng như địa điểm, thời gian giao nhận hàng đều được Công ty H thông báo cho Tổng Công ty Đ (chứng minh phần trích yếu văn bản nơi nhận của công văn) và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đ biết, không có ý kiến phản đối việc ký hợp đồng của Giám đốc Công ty H; cho đến khi hàng về Công ty H không tiếp nhận và đến ngày 26/3/2015 mới có ý kiến. Vấn đề này là cơ chế quan hệ nội bộ trong Tổng Công ty Đ liên quan đến đấu thầu, nguyên đơn đủ điều kiện trúng thầu, việc đấu thầu không làm sai, kết quả chọn thầu là đúng pháp luật. Hiện tại, nguyên đơn chỉ liên quan đến quan hệ MBHH với phía bị đơn nên đối chiếu các quy định về MBHH trong Luật TM 2005 thì hợp đồng MBHH phù hợp cả về hình thức và nội dung, do vậy phải xác định hợp đồng là có hiệu lực làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên mua bán.
– Luật sư bị đơn cho rằng lỗi của nguyên đơn không tham gia đấu thầu lại, phát sinh thiệt hại về bồi thường là không đúng vì hợp đồng có hiệu lực thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Nghĩa vụ của bên mua là nhận hàng mà không nhận thì vi phạm nghĩa vụ nên nguyên đơn có quyền yêu cầu buộc thực hiện nghĩa vụ nhận hàng theo quy định của hợp đồng đã giao kết. Việc bị đơn có văn bản hủy quyết định trúng thầu nguyên đơn không biết, chỉ đến khi tham gia tố tụng tại Tòa án mới biết văn bản này. Thực tế, nguyên đơn nhận thấy hiện tồn tại một hợp đồng MBHH đang tranh chấp về nghĩa vụ, cần phải giải quyết tranh chấp trước tiên mới có cơ sở để tổ chức đấu thầu lại. Việc bị đơn vừa thực hiện tổ chức đấu thầu lại để giao thầu trên cơ sở một hợp đồng MBHH mới, lại vừa giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ của hợp đồng MBHH đã có là không phù hợp. Do vậy, Luật sư tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Về phía Luật sư bị đơn, khi đối đáp nhận thấy phía Luật sư nguyên đơn vẫn xác định hợp đồng MBHH ngày 04/02/2015 có hiệu lực pháp luật thì vấn đề này đã trình bày quan điểm rồi nên nhấn mạnh đề nghị Hội đồng xét xử lưu tâm, không nhắc lại. Tuy nhiên, quan điểm mới được đặt ra từ phía Luật sư nguyên đơn là bị đơn chưa giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ của hợp đồng MBHH cũ đã có hợp đồng MBHH mới thì cần thực hiện đối đáp. Ở đây lý lẽ của Luật sư bị đơn đưa ra là vấn đề hợp đồng MBHH trên cơ sở đấu thầu, khi đã vi phạm Luật Đấu thầu thì hợp đồng này không còn hiệu lực để thực thi; phía bị đơn đã thông báo cho nguyên đơn và cũng đã tạo điều kiện để nguyên đơn tham gia đấu thầu lại nhưng nguyên đơn không tham gia thì bị đơn vẫn phải thực hiện đấu thầu để bảo đảm tiến độ dự án, đáp ứng yêu cầu đổi mới thiết bị ngành đường sắt. Nếu không cho thực hiện đấu thầu lại, kịp thời mua thiết bị phục vụ dự án thì sẽ gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước vì Tổng Công ty Đ là Tổng Công ty 100% do nguồn vốn Nhà nước đầu tư. Việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh phải bảo đảm hiệu quả của vốn đầu tư, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
Nếu còn phát sinh những vấn đề mới, có nội dung khác với nội dung đã đối đáp thì các bên Luật sư sẽ tiếp tục đối đáp cho đến khi không còn quan điểm khác.
Một số kinh nghiệm cho Luật sư:
– Về kỹ năng hỏi: Luật sư thực hiện kỹ năng tranh tụng tại Phần tranh tụng cần đáp ứng các yêu cầu về đặt câu hỏi: (1) Chỉ đặt câu hỏi có giá trị chứng minh yêu cầu của khách hàng và phản bác yêu cầu của bên đối tụng (tránh những câu hỏi không liên quan hoặc không có giá trị chứng minh gì); (2) Đặt câu hỏi ngắn, dễ hiểu đối với đương sự; (3) Tập trung đặt câu hỏi bên đối tụng, không nên đặt nhiều câu hỏi cho chính khách hàng để có kết quả hỏi có giá trị chứng minh cao hơn cho phần tranh luận; (4) Trường hợp đương sự không trả lời, Luật sư phải sử dụng kỹ năng yêu cầu Hội đồng xét xử công bố bút lục để bảo đảm có kết quả hỏi cho tranh luận.
– Về kỹ năng trình bày luận cứ: Trong quá trình trình bày luận cứ, Luật sư nên đề xuất luận điểm: nêu vấn đề, chứng minh thực tế bằng bút lục có trong hồ sơ vụ án, nêu quy định của pháp luật để từ đó có quan điểm đề xuất cho từng vấn đề Luật sư bảo vệ. Khi kết thúc, bao giờ Luật sư cũng phải chú ý đề xuất pháp luật áp dụng và nội dung đề nghị cụ thể đối với Hội đồng xét xử để chấp nhận quan điểm giải quyết vụ án của Luật sư đối với yêu cầu của khách hàng.
– Về kỹ năng đối đáp: Luật sư các bên phải lắng nghe quan điểm của bên đối tụng để xác định rõ các vấn đề cần đối đáp. Thực hiện kỹ năng đối đáp, Luật sư cần tôn trọng các quy định:
- Chỉ đối đáp những vấn đề liên quan đến vụ án;
- Đối đáp tập trung vào những nội dung trái ngược quan điểm;
- Đối đáp một lần với những nội dung cần đối đáp, không lặp đi lặp lại;
- Trích dẫn cụ thể bút lục, lời khai, quan điểm chứng minh để đánh giá chứng cứ còn mâu thuẫn từ đó mới đề xuất quan điểm của Luật sư.
- Cuối cùng, nhằm bảo vệ cho khách hàng, Luật sư nên là người có quan điểm đối đáp cuối cùng để chốt lại quan điểm đối đáp, trừ phi những quan điểm đó đã được Luật sư trình bày và kết luận trong đối đáp.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn