[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng luật sư thu thập chứng cứ chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa sơ thẩm trong việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

Kỹ năng thu thập chứng cứ của Luật sư là vô cùng quan trọng, quyết định đến việc Tòa án có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của khách hàng hay không. Vì vậy, việc thu thập chứng cứ phải chứng minh được vấn đề trọng tâm, mấu chốt cho yêu cầu của khách hàng tại Tòa án. Ở trường hợp vụ kiện dưới đây có thể thấy rất rõ kinh nghiệm này cho Luật sư.

Ví dụ :

Công ty A (có trụ sở tại quận B, thành phố H) nhập khẩu thiết bị là hệ thống điều hòa không khí để bán cho Công ty B (trụ sở tại quận Đ, thành phố H) là nhà thầu cung cấp thiết bị cho công trình xây dựng một bệnh viện. Hợp đồng được ký kết với các điều kiện về hàng hóa mua bán được sản xuất tại Malaysia, giá, phương thức giao nhận hàng, thanh toán… cũng như các thỏa thuận khác. Thực hiện hợp đồng, Công ty B đã thanh toán một số tiền 2 tỷ đồng đợt 1 và Công ty A đã giao hàng tại chân công trình (bệnh viện) cho Công ty B. Sau khi thiết bị được mở thùng để đưa vào lắp đặt, Công ty B phát hiện rất nhiều thiết bị trong đó có thiết bị chính là máy nén của hệ thống điều hòa ghi nhãn sản xuất tại Trung Quốc và có thiết bị không ghi nước sản xuất nên đã mời Công ty giám định V thực hiện giám định. Căn cứ kết quả giám định cho thấy các thiết bị và nhóm thiết bị của hệ thống điều hòa có nhiều nơi sản xuất khác nhau như Trung Quốc, Mehico, Malaysia, thậm chí có thiết bị không ghi nước sản xuất nên Công ty B cho rằng Công ty A đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng không đúng chất lượng, tiêu chuẩn, yêu cầu quy định tại hợp đồng là hàng hóa phải được sản xuất ở Malaysia nên đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng trị giá 12 tỷ đồng cho Công ty A và yêu cầu trả lại hàng, phạt vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận tại hợp đồng. Không đạt được kết quả trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại giữa các bên, Công ty B đã khởi kiện Công ty A tại Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, Luật sư cần thu thập chứng cứ gì?

Kinh nghiệm cho thấy, Luật sư cần xác định trọng tâm vấn đề cần chứng minh là Công ty A vi phạm nghĩa vụ giao hàng không đúng quy định tại hợp đồng về nơi sản xuất hàng hóa là Malaysia. Việc hàng hóa “sản xuất tại: Malaysia” không đồng nhất với “xuất xứ: Malaysia”. Phải chứng minh ý chí của các bên khi đàm phán, thỏa thuận hợp đồng là hướng đến việc MBHH đồng bộ được sản xuất toàn bộ tại Malaysia mà không phải đến từ nhiều quốc gia khác (Trung Quốc, Mehico…). Trong tình huống này, Luật sư nguyên đơn phải chú ý thu thập:

– Catalog, thư chào hàng của Công ty A để xác định việc MBHH không mang tính đơn lẻ theo từng thiết bị, nhóm thiết bị mà đó là mua để lắp đặt đồng bộ cả hệ thống điều hòa không khí cho công trình của một bệnh viện và đặc biệt là yêu cầu hàng hóa sản xuất tại Malaysia.

– Kết luận giám định của Công ty V để xác định hàng hóa không mang tính đồng bộ, các thiết bị và nhóm thiết bị được mang các nhãn mác sản xuất tại các quốc gia khác nhau (Malaysia, Trung Quốc, Mehico) và thậm chí có thiết bị, nhóm thiết bị còn không có nơi sản xuất.

– Bản ảnh chụp các thiết bị ghi nhãn mác hàng hóa và nơi sản xuất để chứng minh sự không đồng bộ và có xuất xứ sản xuất ở quốc gia khác mà không phải là Malaysia.

– Khiếu nại của khách hàng và tài liệu thể hiện quan điểm giải quyết khiếu nại giữa các bên để xác định rõ quan điểm của nguyên đơn về việc vi phạm hợp đồng của bị đơn.

– Biên bản họp giữa các bên liên quan đến tranh chấp phát sinh trước khi kiện.

Tư vấn cho khách hàng yêu cầu Tòa án thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ:

Thực tiễn vụ kiện trên, luận điểm Công ty A phản đối kết luận của Công ty giám định V vì cho rằng lô hàng đã được cấp C/O bởi Hiệp hội các nhà sản xuất Malaysia và có ghi rõ xuất xứ Malaysia nên thỏa mãn điều kiện đối với toàn bộ hàng hóa là sản xuất tại Malaysia theo quy định tại hợp đồng.

Do vậy, đặt ra việc thu thập chứng cứ bằng một đề nghị yêu cầu trưng cầu giám định thứ hai để chứng minh giá trị của chứng thư giám định thứ nhất (của Công ty giám định V) là hết sức cần thiết. Trong trường hợp này, do nguyên đơn đã tự mình yêu cầu giám định và có chứng thư giám định của Công ty giám định V, vì vậy sẽ không nên tiếp tục thực hiện việc yêu cầu giám định nữa vì cần lường trước việc bị đơn vẫn tiếp tục phản đối kết luận giám định thứ hai như đã từng làm với chứng thư giám định của Công ty giám định V.

Hơn nữa, để bảo đảm tính khách quan và hiệu quả sử dụng chứng cứ, Luật sư cần trao đổi với khách hàng đề nghị Tòa án thực hiện trưng cầu giám định tại một công ty giám định khác. Việc Tòa án thu thập chứng cứ bằng cách trưng cầu giám định của Tòa án có ý nghĩa và giá trị chứng minh hiệu quả hơn và cao hơn việc nguyên đơn tự mình thực hiện yêu cầu giám định. Sau cùng, trong vụ án, kết quả giám định của Công ty giám định S đồng nhất với kết quả của Công ty giám định V.

Như vậy, chứng thư giám định là bằng chứng rất quan trọng trong việc xác định tranh chấp về chất lượng, tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa giữa các bên bởi lẽ các bên đương sự hay Tòa án cũng không thể nhận định hay kết luận chủ quan lô hàng có mang tính đồng bộ hay không, sản xuất tại đâu, đạt tiêu chuẩn theo thỏa thuận tại hợp đồng hay không; điều này phải được cơ quan chức năng chuyên môn kết luận. Chứng thư giám định là chứng cứ mấu chốt để giải quyết quan điểm bất đồng của các bên về vụ kiện.

Tuy nhiên, vấn đề tranh luận khác được đặt ra là lô hàng đã được cấp C/O xuất xứ của Malaysia thì việc một số thiết bị, nhóm thiết bị có xuất xứ sản xuất ở các nước khác và không ghi nơi sản xuất cũng phải hiểu đó là toàn bộ hàng hóa sản xuất tại Malaysia theo quy định tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hay không? Luật sư nguyên đơn cần kiểm tra các quy định liên quan tại Hiệp định ATIGA để xác định cách tính công thức về hàm lượng giá trị khu vực cho phép trong hàng hóa của các nước ASEAN.

Tuy nhiên, để khẳng định vấn đề này, Luật sư có thể thu thập chứng cứ về quan điểm trả lời của Bộ Công Thương Việt Nam đối với quy định có bao nhiêu % của thiết bị phải được sản xuất tại một nước để coi là thiết bị được sản xuất tại nước đó trong khối ASEAN, hệ thống điều hòa không khí có được cấp C/O cho cả lô hàng mang nhãn hiệu sản xuất của một nước ASEAN hay cấp C/O cho từng thiết bị, nhóm thiết bị của lô hàng. Điều này sẽ có hiệu quả chứng minh phản bác quan điểm áp dụng C/O đã cấp cho cả lô hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất Malaysia dù hàng hóa không đồng nhất, xuất xứ đa dạng. Trong vụ kiện, mặc dù đã tự mình thực hiện nhưng cả khách hàng và Luật sư không thể thu thập được chứng cứ này vì liên quan đến công tác quản lý nhà nước của cơ quan cấp Bộ về hàng hóa nhập khẩu nên cần chứng minh việc không thể tự mình thu thập được (công văn của Công ty B, văn bản của Luật sư gửi Bộ Công Thương, phiếu báo phát của dịch vụ EMS xác định Bộ Công Thương đã nhận được văn bản hỏi của Công ty B, của Luật sư…). Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 106 BLTTDS 2015, Công ty B và Luật sư có đơn đề nghị Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ đối với ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề trọng tâm nêu trên.

Thực tế, trong vụ kiện sau cùng đã có quan điểm trả lời của Phòng Xuất xứ và chất lượng hàng hóa thuộc Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho Tòa án khẳng định: Việc áp dụng tiêu chí RVC (hàm lượng giá trị khu vực) trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA cần căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 6 Phụ lục 7 về Thủ tục cấp và kiểm tra C/O ban hành theo Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010 của Bộ Công Thương về thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, có quy định rằng nhiều mặt hàng có thể được khai trên cùng một C/O, với điều kiện từng mặt hàng phải đáp ứng các quy định về xuất xứ đối với từng mặt hàng đó. Như vậy, hàm lượng giá trị khu vực (RVC) sẽ được tính cho từng mặt hàng, không được tính RVC bình quân cho cả lô hàng.

Ngoài ra, theo kết luận của cuộc họp Nhóm chuyên trách (task force) lần thứ 33 tổ chức vào tháng 01/2009 tại Việt Nam đã khẳng định phải ghi tiêu chí RVC cho từng sản phẩm trên C/O mẫu D theo quy tắc 6(e) của OCP (Operational Certification Procedures).

Do vậy, điều này chứng tỏ việc cấp C/O của Hiệp hội các nhà sản xuất Malaysia cho cả lô hàng mang xuất xứ 100% sản xuất tại Malaysia là không phù hợp, pháp lý đòi hòi từng thiết bị, nhóm thiết bị phải được ghi C/O nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất mà không thể ghi gộp chung là xuất xứ của Malaysia do lô hàng được xuất khẩu từ Malaysia về Việt Nam trong tình trạng rất nhiều thiết bị, nhóm thiết bị được sản xuất tại nước khác, thậm chí không có nơi sản xuất.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan