Ví dụ:
Công ty H (trụ sở tại quận T, thành phố H) ký hợp đồng số 6 ngày 19/02/2013 trị giá 5.692.518.090 đồng và số 9 ngày 02/5/2013 trị giá 6.482.699.990 đồng để bán 320 tấn cafe Robusta cho chi nhánh (hạch toán phụ thuộc) của Công ty U tại thành phố M (Công ty U có trụ sở tại quận H, thành phố H). Thực hiện hợp đồng, chi nhánh Công ty U mới thanh toán cho Công ty H số tiền 4.059.500.000 đồng (gồm 2.712.000.000 đồng cho hợp đồng số 6 và 1.347.500.000 đồng cho hợp đồng số 9), số còn lại cam kết vào tháng 11/2015 thanh toán số tiền 2 tỷ đồng, tháng 12/2015 thanh toán số tiền 2 tỷ đồng và thanh toán hết vào quý I/2016. Quá các hạn định, đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ nhưng chi nhánh Công ty U không thanh toán nên Công ty H đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an có thẩm quyền thành phố H vì cho rằng một số cán bộ Công ty U, chi nhánh Công ty U và Công ty K đã lạm dụng chiếm đoạt tài sản qua hợp đồng mua bán. Văn bản trả lời của cơ quan Công an kết luận đây là vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND và hướng dẫn khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án. Ngày 13/7/2016, Công ty H khởi kiện Công ty U tại TAND quận H, thành phố H. Yêu cầu khởi kiện đối với hợp đồng số 6 đòi nợ gốc 2.980.518.090 đồng, lãi quá hạn: 1.000.000.000 đồng (tạm tính); đối với hợp đồng số 9 đòi nợ gốc là 5.135.199.990 đồng, lãi quá hạn 1.000.000.000 đồng (tạm tính). Công ty U xác định đó là hợp đồng 03 bên (Công ty H mua café của Công ty K để bán lại cho Chi nhánh Công ty U, cùng ngày chi nhánh Công ty U lại bán lại cho Công ty K cùng số lượng, chủng loại café, chỉ khác nhau ở số tiền mua bán) và cho rằng việc tạo lập hợp đồng mua bán để che đậy mục đích giao dịch khác. Do vậy, Công ty U không đồng ý với yêu cầu kiện của Công ty H, phản tố yêu cầu tuyên bố 02 hợp đồng vô hiệu, Công ty H hoàn trả số tiền 4.059.500.000 đồng của 02 hợp đồng số 6 và 9, bồi thường thiệt hại do không sử dụng được số tiền từ năm 2013 tạm tính là 500.000.000 đồng.
a) Kỹ năng chuẩn bị phương án hỏi
Với tình huống trên, Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trước tiên phải xác định trọng tâm yêu cầu của khách hàng để xây dựng phương án hỏi chứng minh cho yêu cầu kiện/phản tố, sử dụng các kết quả hỏi để phục vụ cho luận cứ của Luật sư tại phần tranh luận.
Luật sư Công ty H cần chú ý xác định cụ thể yêu cầu kiện của khách hàng:
– Đòi tiền nợ gốc chưa thanh toán trên cơ sở tính toán cụ thể từng hợp đồng: hợp đồng số 6 ngày 19/02/2013 trị giá 5.692.518.090 đồng và số 9 ngày 02/5/2013 trị giá 6.482.699.990 đồng, đối chiếu công nợ các ngày 23/9/2013 và 23/10/2013 của các bên xác định nợ gốc của hợp đồng số 6 là 2.980.518.090 đồng và của hợp đồng số 9 là 5.135.199.990 đồng. Do vậy, tổng nợ gốc của 02 hợp đồng là 8.115.718.080 đồng.
– Yêu cầu tính lãi: Trước hết, Luật sư lưu ý yêu cầu tính lãi tính đến ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Đối với 02 hợp đồng, các bên có quy định về lãi suất nợ quá hạn là 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nên xác định thuộc trường hợp các bên có thỏa thuận và phù hợp quy định tại Điều 306 Luật TM 2005.
Theo đó, tổng giá trị kiện đòi tiền nợ gốc và lãi chậm thanh toán của cả 02 hợp đồng tính đến ngày xét xử sơ thẩm.
Như vậy, kế hoạch hỏi của Luật sư Công ty H phải tập trung chứng minh, làm rõ một số vấn đề cơ bản sau:
– Các hợp đồng số 6 và số 9 là hợp pháp (hỏi về chủ thể ký kết, loại hàng giao thương, số lượng, đơn giá, quá trình đàm phán thỏa thuận, ý chí tự nguyện của các bên, xác định các thông tin về hàng hóa, giao hàng, nơi gửi hàng, ngày xuất, nội dung giải quyết đơn thư tố cáo tại cơ quan Công an để chứng minh sự xác thực của giao dịch vì bị đơn đang phản tố cho rằng 02 hợp đồng giả tạo nhằm che giấu mục đích giao dịch khác);
– Công ty H đã thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng (hỏi về quy định ngày giao hàng, ngày thực tế giao, lượng giao, có hay không khiếu nại về chất lượng, số lượng hàng…);
– Công ty U vi phạm nghĩa vụ thanh toán (hỏi quy định về ngày thanh toán, số tiền thanh toán theo các hợp đồng, ngày thực tế thanh toán và số tiền thanh toán cụ thể từng đợt, hỏi về lý do không thanh toán, hỏi về công nợ được các bên đối chiếu, hỏi về số tiền đã thanh toán cụ thể đến nay…);
– Cơ sở yêu cầu tiền lãi chậm thanh toán (hỏi mức lãi suất thỏa thuận của các bên, thời gian tính lãi…);
– Xác định không có cơ sở để tuyên vô hiệu hợp đồng (hỏi bị đơn về chứng cứ và căn cứ chứng minh có giao dịch thực tế khác, hỏi xác định có việc ký nhận giao hàng, có việc chuyển tiền, lý do thanh toán ghi trên lệnh chuyển tiền, hỏi về việc chốt công nợ, hỏi về báo cáo thuế của Công ty U đối với hóa đơn giá trị gia tăng của các lô hàng, hỏi về kết luận của cơ quan Công an về thực tế giao nhận hàng, kiểm tra lượng hàng lưu kho…).
Về phía bị đơn, Luật sư Công ty U cần chú ý rằng yêu cầu của khách hàng là bác yêu cầu kiện của Công ty H, đề nghị chấp nhận yêu cầu phản tố tuyên bố 02 hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu nên kế hoạch hỏi phải tập trung làm rõ:
– Xác định hợp đồng số 6 và 9 vô hiệu do giả tạo (hỏi về việc Công ty H mua của Công ty K để đem bán cho chi nhánh Công ty U, hỏi làm rõ Công ty U bán lại cho Công ty K, hỏi về trình tự xuất, giao hàng, hỏi về những nội dung xác minh của cơ quan điều tra liên quan đến việc hàng lưu kho không có, không có hợp đồng gửi hàng theo lời khai của nguyên đơn và xác minh của Luật sư với công ty nhận gửi hàng để chứng minh không có hàng…);
– Giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu (hỏi số tiền đã thanh toán, xác định không có hàng giao phải hoàn trả số tiền đã trả cho Công ty H);
– Yêu cầu bồi thường thiệt hại (làm rõ thiệt hại phát sinh từ số tiền đã thanh toán không sử dụng được, thời gian, lãi vay kinh doanh; lỗi của Công ty H, mối quan hệ từ việc ký hợp đồng không có hàng dẫn đến thiệt hại tiền lãi vay kinh doanh…).
b) Kỹ năng chuẩn bị luận cứ
Luật sư chú ý kỹ năng chuẩn bị luận cứ phải đạt được yêu cầu: hình thức kết cấu của bản luận cứ, luận điểm chứng minh cụ thể, rõ ràng; cơ sở pháp lý của yêu cầu, thực tế diễn tiến sự việc được thực hiện, sự thừa nhận của đương sự tại phần hỏi ở phiên tòa… để chứng minh cho Hội đồng xét xử biết yêu cầu của khách hàng là có cơ sở để chấp nhận.
Kết cấu và nội dung luận cứ về cơ bản gồm các vấn đề sau:
– Phần mở đầu: Giới thiệu Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, sự chấp thuận của Tòa án trên cơ sở Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tư cách tham gia tố tụng bảo vệ cho khách hàng (Công ty H, Công ty U).
– Phần nội dung: Có thể tóm lược sơ qua nội dung vụ án để xác định rõ yêu cầu của khách hàng đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết tại phiên tòa. Sau đó cần xác định việc Luật sư đã nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, thu thập chứng cứ, ý kiến trình bày của các bên đương sự, kết quả hỏi tại phiên tòa để đề xuất quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng (chấp nhận yêu cầu của khách hàng và bác yêu cầu của bên đối tụng).
-Đối với Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là Công ty H:
Luật sư nên tập trung vào các vấn đề nội dung của vụ án, đi sâu chứng minh các luận điểm của yêu cầu khởi kiện và căn cứ pháp lý: Hợp đồng số 6 và 9 là có hiệu lực trên cơ sở đánh giá hình thức hợp đồng, chủ thể giao kết, nội dung hợp đồng, quá trình thực hiện trên thực tế, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên; Công ty H đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, Công ty U vi phạm nghĩa vụ thanh toán, thời điểm chốt công nợ với số tiền nợ gốc, lãi chậm thanh toán theo thỏa thuận cụ thể, thời gian tính từ thời điểm chốt công nợ đến nay và mức lãi chậm thanh toán phù hợp quy định của Luật TM 2005. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trên cơ sở quy định tại Điều 50 Luật TM 2005 về nghĩa vụ thanh toán, Điều 306 Luật TM 2005 về quyền đòi tiền lãi phát sinh trên số tiền chậm thanh toán đối với bị đơn.
-Về yêu cầu phản tố của bị đơn, quan điểm trọng tâm của Luật sư nguyên đơn:
+ Đề nghị bác yêu cầu của Công ty U trên cơ sở xác định các luận ý: giao dịch hợp đồng là hợp pháp, thực hiện hợp đồng minh bạch, có giao hàng, có thanh toán một phần tiền, việc thanh toán qua chuyển khoản thể hiện trên lệnh thanh toán, chứng từ ngân hàng, sổ phụ ngân hàng, hạch toán báo cáo thuế của các bên tại từng thời điểm phát sinh, kết luận của cơ quan Công an không có dấu hiệu gian dối về lập khống hợp đồng, không có hàng giao; chứng minh hồ sơ vụ án và tại phiên tòa không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh có một giao dịch khác (vay tiền, thuê hàng để xuất hóa đơn giá trị gia tăng…).
+ Tập trung làm rõ trách nhiệm chứng minh của bị đơn, sự thừa nhận của đại diện bị đơn tại phiên tòa đối với các chữ ký, con dấu trên hợp đồng và các tài liệu liên quan đến thực hiện hợp đồng, chốt công nợ… để từ đó xác định các hợp đồng hợp pháp, không có cơ sở để tuyên vô hiệu theo quy định của pháp luật.
-Về tố tụng: bỏ sót người tham gia tố tụng là Công ty K với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên Giám đốc chi nhánh Công ty U đã cho thôi việc với tư cách người làm chứng.
– Về nội dung yêu cầu phản tố:
+ Hợp đồng số 6 và 9 vô hiệu do giả tạo. Chủ thể tham gia giao dịch có sự thỏa thuận giao kết hợp đồng để che giấu mục đích giao dịch khác.
+ Chứng minh tính giả tạo che đậy giao dịch thuê/mượn hàng, thực hiện giao dịch để cấp hóa đơn giá trị gia tăng cho mục đích quyết toán thuế của doanh nghiệp, hóa đơn cấp sau khi giao hàng một thời gian dài, xác minh của cơ quan Công an về việc lưu hàng không có và không có hợp đồng gửi hàng của Công ty H như đại diện Công ty H trình bày.
+ Làm rõ vai trò sự thỏa thuận 03 bên của Công ty K, chi nhánh Công ty U và Công ty H mà Công ty U không biết, tin tưởng thanh toán theo hợp đồng, đề xuất chuyển tiền, nhận hàng, bán hàng có lãi của chi nhánh nhưng thực tế không có hàng giao, các tài liệu giao nhận hàng, thanh toán tiền, cấp hóa đơn giá trị gia tăng, xác nhận công nợ chỉ là hình thức.
Đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của Công ty H và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn để buộc Công ty H hoàn trả số tiền đã nhận, bồi thường thiệt hại do phát sinh lãi vay kinh doanh trên cơ sở Điều 129, 137 BLDS 2005, Điều 303, 304 Luật TM 2005.
– Phần kết luận của luận cứ: Luật sư cần đề xuất, tổng hợp các điều luật nội dung và tố tụng để đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm bảo vệ của Luật sư đối với các yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, trong vụ án này:
+ Luật sư nguyên đơn cần đề xuất căn cứ Điều…, Điều… thỏa thuận tại hợp đồng số 6 và số 9; các Điều 24, 34, 42, 50 và 306 Luật TM 2005, Điều 129 BLDS 2005; Điều 91, khoản 2 Điều 92 BLTTDS 2015 chấp nhận yêu cầu kiện đòi tiền nợ gốc của 02 hợp đồng với số tiền là 8.115.718.080 đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là 1.111.435.195 đồng của hợp đồng số 6 và 2.030.971.569 đồng của hợp đồng số 9, tổng số tiền yêu cầu cả nợ gốc và lãi là 11.258.124.844 đồng.
+ Về phía bị đơn, Luật sư bảo vệ cho Công ty U cần đề xuất quy định tại Điều 129, 137 BLDS 2005; Điều 303, 304 Luật TM 2005 đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên các hợp đồng số 6 và 9 vô hiệu, buộc Công ty H thanh toán hoàn trả số tiền 4.059.500.000 đồng của 02 hợp đồng số 6 và 9, bồi thường thiệt hại số tiền là 500.000.000 đồng lãi vay thương mại của doanh nghiệp.
Một số kinh nghiệm cho Luật sư:
– Xử lý vấn đề thiếu sót về tố tụng trong vụ án của Luật sư:
Đối với Luật sư nguyên đơn gặp trường hợp có những vấn đề thiếu sót về tố tụng, thì ngay từ giai đoạn nghiên cứu hồ sơ nên đề xuất để Tòa án khắc phục, nếu phát hiện có thiếu sót tại phiên tòa cũng không nên đề xuất vì phía bị đơn sẽ tập trung khai thác vào vấn đề này cũng như làm cơ sở kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm ở giai đoạn phúc thẩm, có thể gây bất lợi cho nguyên đơn.
Tuy nhiên, đối với Luật sư bị đơn, cần trao đổi để biết quan điểm của khách hàng về việc nêu những thiếu sót về tố tụng trong vụ án tại thời điểm chuẩn bị xét xử, tại phiên tòa xét xử hay để làm lý do kháng cáo sau này trên cơ sở đánh giá chung điều kiện thời gian, tính hợp tác, tinh thần tham gia tố tụng và mong muốn thực tế của khách hàng.
– Cách tính lãi suất do chậm thanh toán theo quy định tại Điều 306 Luật TM 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Kinh nghiệm tham gia tố tụng của Luật sư cho thấy, hiện nay đa số Tòa án khi giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng MBHH đều căn cứ vào thời gian chậm thanh toán của bên mua và áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán (tức là thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án) để tính tiền lãi do chậm thanh toán cho bên bán. Thực tế, tại thời điểm này, vẫn chưa có bất kỳ hướng dẫn nào bằng văn bản của TANDTC hay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với việc tính lãi suất nợ quá hạn “trung bình trên thị trường” tại thời điểm thanh toán.
Tham khảo một số vụ án, Tòa án thường lấy mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất 03 ngân hàng (VietcomBank, ArgriBank, VietinBank) để tính tiền lãi do chậm thanh toán trong vụ kiện. Với cách tính như vậy, cho thấy có tiền lệ lấy mức lãi suất nợ quá hạn của tổng 03 ngân hàng đem chia 3 để có mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Như vậy, Luật sư có thể biết cách thu thập lãi suất nợ quá hạn từ 03 ngân hàng lớn và cách tính chia trung bình để áp dụng theo Điều 306 Luật TM 2005 và đề xuất với Tòa án nếu gặp phải những vụ kiện về hợp đồng MBHH có yêu cầu tính tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán khi các bên không có thỏa thuận về vấn đề này.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn