[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Kỹ năng năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng của luật sư khi tư vấn và tham gia giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bị đơn)

Khác với khách hàng là nguyên đơn, đặc điểm khách hàng là bị đơn trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường hay tìm  đến Luật sư vào thời điểm Tòa án đã thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý vụ án đến cho bị đơn.

Từ đặc điểm này, khi tiếp xúc với khách hàng là bị đơn, Luật sư cần trao đổi kỹ với khách hàng và hỏi để làm rõ mọi khía cạnh của vụ việc, hiểu được những nội dung cần thiết, nhằm giúp họ quyết định việc đưa ra yêu cầu phản tố, phương án thỏa thuận bồi thường hoặc các biện pháp khắc phục thiệt hại với mục đích giải quyết tranh chấp theo hướng có lợi nhất cho khách hàng.

Những nội dung liên quan đến tranh chấp cần được trao đổi kỹ, bao gồm:

+ Khách hàng bị ai khởi kiện? Mối quan hệ của khách hàng với người khởi kiện như thế nào?

+ Khách hàng bị kiện những nội dung gì?

+ Ý kiến hoặc quan điểm của khách hàng về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn?

+ Khách hàng có bị thiệt hại gì và có yêu cầu bồi thường đối với người khởi kiện không? Có văn bản hoặc các hóa đơn, chứng từ xác nhận thiệt hại không?

+ Sự việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nào giải quyết chưa?

+Nếu đã được giải quyết thì kết quả như thế nào?

 Xác định ý kiến phản bác hoặc đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn:

Trong ví dụ 3 nêu bài trước, tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe giữa chị H và bà C xảy ra ngày 14/7/2014, khi bà C đến gặp Luật sư thì chị H đã có đơn kiện ra TAND quận X yêu cầu bồi thường với tổng số tiền là 246.000.000 đồng, bao gồm các khoản chi phí khám chữa bệnh, tiền thuốc, tiền chi phí thẩm mỹ, tiền mất thu nhập… và tiền bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần.

Sau khi trao đổi mọi vấn đề liên quan đến sự việc, bà C thừa nhận có dùng xẻng hót rác đánh chị H, nhưng bà C cho rằng chị H là người có lỗi, chỉ đáng tuổi cháu bà nhưng đã có lời nói xúc phạm và tấn công bà nên bà phải tự vệ và “dạy” cho chị H biết phải trái. Hơn nữa, bà cũng bị chị H đánh thâm tím mặt, mũi phải điều trị.

Do đó, bà C cho rằng, chị H là người có lỗi, bà không có lỗi để xảy ra sự việc nên không đồng ý bồi thường, cơ quan Công an đã giải quyết xong, bà  không chấp nhận yêu cầu bồi thường của chị H.

Luật sư cần phân tích cho bà C hiểu trong trường hợp này, ý kiến phản bác của bà là không có cơ sở, vì chính bà đã thừa nhận việc đã dùng xẻng gây thương tích làm tổn hại 7% sức khỏe của chị H, bà là người có lỗi trong việc đã gây ra những thiệt hại về sức khỏe cho chị H. Căn cứ vào các yếu tố xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe thì bà C phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chị H.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, chị H cũng là người có lỗi một phần do đã có hành vi tát bà C dẫn đến hai bên xô xát, bà C có quyền đưa ra yêu cầu phản tố buộc chị H phải bồi thường các khoản tiền khám chữa bệnh theo các hóa đơn, chứng từ bà thu thập được để đối trừ một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chị H.

Ngoài ra, Luật sư cần giải thích cho bà C biết, trường hợp nếu bà không có yêu cầu phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn  thì bà vẫn có quyền đề nghị Tòa án xem xét đến mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp nguyên đơn cũng có một phần lỗi để tính toán mức bồi thường hợp lý tương đương với mức độ lỗi của các bên.

Đưa ra phương án thỏa thuận hoặc khắc phục thiệt hại:

Trong thực tế đã có không ít trường hợp, sau khi bị đơn được Luật sư tư vấn đã đưa ra phương án đề nghị thỏa thuận bồi thường hoặc khắc phục ngay một phần thiệt hại để tránh thiệt hại xảy ra tiếp theo cho cả hai phía.

Trường hợp đòi bồi thường thiệt hại về tài sản do công trình xây dựng liền kề gây ra là một điển hình về việc bị đơn đưa ra phương án thỏa thuận hoặc khắc phục thiệt hại dễ được chấp nhận nhất vì họ là chủ công trình nên thường sẵn vật liệu và nhân công, có thể thực hiện khắc phục trước mắt những việc có thể làm được để tránh cho công trình liền kề tiếp tục bị thiệt hại hoặc sụp đổ, mặt khác, việc phải dừng thi công công trình do chờ  vụ việc phải giải quyết tại Tòa án chắc chắn sẽ gây ra không ít thiệt hại cho chính phía bị đơn.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan