Mục đích của nghiên cứu chứng cứ là nhìn nhận chứng cứ dưới góc độ trực giác để bước đầu xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Đánh giá chứng cứ là quá trình xác định giá trị chứng minh của chứng cứ và tính hiệu quả của chứng cứ trong tổng thể vụ án. Chứng cứ trong hồ sơ vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, có thể là: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, biên lai thu tiền sử dụng đất, danh sách cấp đất giãn dân (nếu là đất giãn dân); đơn xin cấp đất; sổ địa chính, sổ mục kê; hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giấy biên nhận tiền; giấy xin phép xây dựng; di chúc; biên bản hòa giải trong gia đình, họ tộc hay tại UBND; giấy khai sinh; kết luận giám định; chứng minh thư; sổ hộ khẩu… Nhiều khi bản thân các chứng cứ này nếu đứng riêng lẻ thì không tạo nên giá trị chứng cứ, nhưng nếu phân tích, so sánh chúng với nhau thì có thể thấy rõ sự khác biệt và chính sự khác biệt đó lại tạo nên giá trị chứng minh.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự nói chung, đặc biệt là hồ sơ vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Vụ án dù đơn giản đến đâu thì Luật sư ít nhiều cũng phải dành thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách toàn diện, có hệ thống, khách quan giúp Luật sư nắm bắt được những mặt mạnh, mặt yếu của khách hàng của mình, trên cơ sở đó hình thành các luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án có thể đi theo những hướng khác nhau tùy thuộc vào việc Luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn nào. Nguyên tắc chung là nghiên cứu một cách toàn diện nhưng không nhất thiết phải nghiên cứu lại những vấn đề mà mình đã biết trước đó. Trong trường hợp là Luật sư của nguyên đơn thì cần thiết bắt đầu việc nghiên cứu hồ sơ từ tài liệu do phía bị đơn cung cấp. Thông thường, tài liệu của phía bị đơn cung cấp có thể bao gồm các tài liệu mà bị đơn dùng để phản bác lại yêu cầu của nguyên đơn, các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu, phản bác yêu cầu của bị đơn. Đặc biệt, Luật sư cần so sánh, phát hiện và tập trung nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ mới so với hồ sơ khởi kiện và những chứng cứ phía nguyên đơn đã có, từ đó tìm ra điểm mâu thuẫn, vấn đề mấu chốt của vụ án. Trường hợp là Luật sư của bị đơn thì cần thiết bắt đầu việc nghiên cứu đơn khởi kiện của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo hồ sơ khởi kiện. Đặc biệt cần làm rõ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để xác định quan hệ tranh chấp là đòi đất, đòi nhà ở hay giá trị quyền sử dụng đất, giá trị căn nhà…
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn