Thực tế cho thấy, nguyên đơn có yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường là những người có nhiều bức xúc vì cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm, cần được bảo vệ ngay bằng mọi phương thức, kể cả việc khởi kiện tranh chấp ra Tòa án. Do vậy, Luật sư không chỉ là người nắm rõ các quy định của pháp luật mà còn phải thấu hiểu trạng thái tâm lý của khách hàng, giúp khách hàng thực hiện tốt quyền tự định đoạt của mình để cân nhắc quyết định khởi kiện hay không khởi kiện. Thông qua việc phân tích những lợi ích của việc khởi kiện và những khó khăn thường gặp trên thực tế, Luật sư phải giúp khách hàng hiểu rõ những vấn đề mấu chốt khi quyết định sử dụng phương thức khởi kiện ra Tòa án. Chẳng hạn, lợi thế và bất lợi của việc khởi kiện, khoảng thời gian tối đa giải quyết vụ việc tại các cấp Tòa án theo luật định, những khó khăn, bất lợi mà khách hàng phải đối diện… Luật sư cần trao đổi để bảo đảm nguyên đơn hiểu rõ các điều kiện khởi kiện khi đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể, những nội dung sau cần được trao đổi với khách hàng:
Về thời hiệu khởi kiện:
Đây là điều kiện có tính khởi đầu vì khi ở vào bối cảnh hết thời hiệu khởi kiện sẽ đồng nghĩa với việc yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án. Thực tiễn cho thấy, có không ít vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được chuyển đến Tòa án từ cơ quan Cảnh sát điều tra hình sự, người bị thiệt hại không được biết thông tin, hoặc bản thân họ chưa đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan Cảnh sát điều tra nên vẫn khiếu nại kết luận không khởi tố vụ án hình sự đối với người gây thiệt hại nên chưa có đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án.
Ví dụ 3:
Ngày 14/7/2014, chị H và bà C là hàng xóm có nhà liền kề nhau, do mâu thuẫn trong việc sử dụng vỉa hè, hai bên xảy ra va chạm. Do chị H tát vào mặt bà C nên bà C cầm xẻng hót rác bằng sắt bổ vào trán chị H, việc gây thương tích đó đã làm chị H thiệt hại 7% sức khỏe. Cơ quan Công an quận X quyết định không khởi tố vụ án hình sự và đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng đối với bà C, chuyển hồ sơ sang TAND quận X để xét xử dân sự. Chị H không đồng ý với nội dung thông báo của Cơ quan Công an quận X nên đã làm đơn khiếu nại đến Sở Công an thành phố Y. Ngày 25/10/1014, Sở Công an thành phố Y mới giao văn bản giải quyết khiếu nại cho chị H.
Trong ví dụ nêu trên, thời gian 02 năm (theo quy định của BLDS 2005) dùng để tính thời hiệu khởi kiện của chị H sẽ bắt đầu từ ngày 25/10/1014, là ngày chị H nhận được văn bản giải quyết khiếu nại cuối cùng. Hơn nữa, khi chị H chưa có đơn khởi kiện thì TAND quận X cũng không thể thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục chung được. Do vậy, khi gặp những trường hợp tương tự như ví dụ trên, Luật sư cần trao đổi để nguyên đơn hiểu được để khởi kiện ra Tòa án thì trước hết phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện của pháp luật hiện hành. Lưu ý tham khảo quy định tại Điều 184, 185 BLTTDS 2015 khi tư vấn cho khách hàng về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Về thẩm quyền giải quyết vụ việc:
Ngoài các quy định về thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự nói chung, khi trao đổi với khách hàng, Luật sư cần tư vấn cho nguyên đơn những quy định đặc thù của pháp luật về thẩm quyền trong các vụ án yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể là quyền của nguyên đơn trong việc lựa chọn Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường của mình. Điểm d khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015 quy định, Tòa án mà nguyên đơn có quyền lựa chọn để giải quyết vụ án bao gồm:
+ Tòa án nơi nguyên đơn cư trú;
+ Tòa án nơi nguyên đơn làm việc;
+ Tòa án nơi nguyên đơn có trụ sở;
+ Tòa án nơi xảy ra thiệt hại.
Luật sư cần trao đổi và phân tích các điều kiện liên quan giúp nguyên đơn quyết định lựa chọn một trong số các Tòa án theo luật định nêu trên để khởi kiện vụ án nhằm bảo đảm tối đa sự thuận tiện cho nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án.
Về chủ thể và đối tượng khởi kiện:
Xuất phát từ đặc trưng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là người chịu trách nhiệm bồi thường cũng như người được hưởng bồi thường không phải khi nào cũng là người gây ra thiệt hại và không phải khi nào cũng là người trực tiếp gánh chịu thiệt hại. Do đó, Luật sư cần phân tích cho khách hàng để xác định đúng chủ thể có quyền khởi kiện cũng như lựa chọn đối tượng khởi kiện cho phù hợp.
Ví dụ 4:
Lái xe A của Công ty T trong khi đưa đón nhân viên đã gây tai nạn làm chị C bị gãy chân và bà M tử vong (chị C là con gái bà M). Bản án sơ thẩm của TAND huyện S xác định do phía người bị thiệt hại là chị C vắng mặt tại phiên tòa và chỉ yêu cầu lái xe A bồi thường thiệt hại mà chưa đưa ra được những chứng từ chi tiêu cùng các khoản bồi thường cụ thể đối với chị C và bà M nên không có căn cứ giải quyết phần bồi thường thiệt hại, quyết định tách phần bồi thường thiệt hại để giải quyết riêng khi chị C có yêu cầu.
Trong trường hợp này, Luật sư cần tư vấn cho chị C và gia đình, để xác định đúng chủ thể khởi kiện và đối tượng khởi kiện từ đó đưa ra các yêu cầu bồi thường nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của mình thì hai yêu cầu bồi thường sau phải giải quyết:
+ Thứ nhất: đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe của chị C.
+ Thứ hai: đòi bồi thường thiệt hại đối với tính mạng của bà M. Chủ thể có quyền khởi kiện đối với yêu cầu thứ nhất là chị C, nếu chị C là người đã đủ 18 tuổi trở lên. Nếu chị C chưa đủ 18 tuổi thì thực hiện quyền khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp của mình. Trường hợp chị C đi lại khó khăn hoặc không đủ sức khỏe để trực tiếp tham gia tố tụng, có thể ủy quyền cho người khác đại diện, thay mặt mình tham gia tố tụng.
Chủ thể có quyền khởi kiện đối với yêu cầu thứ hai sẽ là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà M theo quy định của khoản 2 Điều 591, điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 (khoản 2 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS 2005). Những người có quyền khởi kiện đối với yêu cầu này bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Đối với bà M, do mẹ đẻ bà đã mất nên những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là: cụ X (bố đẻ bà M), ông H (chồng bà M), anh A, chị C, chị N (là các con của bà M). Các chủ thể này cũng có quyền ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Như vậy, trong vụ án này, chị C là chủ thể có quyền khởi kiện đối với cả hai yêu cầu đòi bồi thường.
Do lái xe A là người của pháp nhân (Công ty T) đã gây ra thiệt hại trong khi làm nhiệm vụ được pháp nhân giao và phía nguyên đơn khởi kiện Công ty T. Do đó, Công ty T là chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định tại Điều 597 BLDS 2015 (Điều 618 BLDS 2005).
Xác định yêu cầu khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ cần thiết nộp kèm theo đơn khởi kiện:
Khi tiếp xúc với nguyên đơn, Luật sư cần trao đổi để hiểu rõ yêu cầu khởi kiện của khách hàng, xác định từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mong muốn mức yêu cầu bồi thường, từ đó hướng dẫn khách hàng đưa ra những yêu cầu bồi thường thiệt hại hợp lý theo các quy định của pháp luật, đồng thời kiểm tra xem họ đã có những tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, những vấn đề còn phải bổ sung và hướng dẫn nguyên đơn thu thập các tài liệu phục vụ cho yêu cầu khởi kiện, như các loại hóa đơn, chứng từ, giấy biên nhận…
Liên hệ đến trường hợp của mẹ con chị C và bà M ở ví dụ 4 nêu trên, thì ngay khi khởi kiện, nếu đã có sự tư vấn của Luật sư để đưa ra những yêu cầu bồi thường cụ thể, liệt kê các chi phí phục hồi sức khỏe của chị C cũng như các khoản chi phí mai táng cho bà M, Tòa án đã phải xem xét giải quyết cụ thể từng yêu cầu của nguyên đơn, kể cả khi nguyên đơn chưa thể giao nộp ngay các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Ngoài ra, trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án, Luật sư vẫn có thể thực hiện việc hướng dẫn và hỗ trợ cho khách hàng của mình tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để xuất trình trước Tòa án.
Luật sư cũng cần xác định xem yêu cầu khởi kiện của khách hàng đã được giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật hay chưa, vì điều kiện để Tòa án thụ lý giải quyết là vụ việc phải chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Đối với một số vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mặc dù vụ án đang được thi hành theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nhưng nguyên đơn vẫn được quyền khởi kiện lại theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 trong trường hợp, người bị thiệt hại hoặc người gây ra thiệt hại cho rằng mức bồi thường đang thi hành không còn phù hợp với thực tiễn.
Hướng dẫn khách hàng về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí:
Thông thường, nguyên đơn khởi kiện trong các vụ án dân sự là người phải có trách nhiệm nộp một khoản tiền tạm ứng án phí tương ứng với yêu cầu khởi kiện theo quy định của BLTTDS 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Tuy nhiên, đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín là những trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Đối với các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác phải nộp tiền tạm ứng án phí, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng những trường hợp có khó khăn về kinh tế, được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, hỗ trợ khách hàng làm đơn xin miễn, giảm tiền tạm ứng án phí theo quy định chung.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn