[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Năng lực của chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Điều 586 BLDS 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân gây ra thiệt hại như sau:

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của BLDS 2015.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

So sánh với BLDS 2005, BLDS 2015 đã bổ sung trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình bên cạnh các trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự mà có người giám hộ và gây thiệt hại.

BLDS quy định về nguyên tắc những thiệt hại ngoài hợp đồng phải được bồi thường toàn bộ. Điều này được hiểu là thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, gồm những khoản nào thì người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ các khoản thiệt hại đó tương ứng với mức độ lỗi của các bên trong từng trường hợp cụ thể.

Trong trường hợp cần thiết, Luật sư có thể đề nghị Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để giải quyết những yêu cầu cấp bách của đương sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để việc bồi thường khắc phục thiệt hại được nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường khi thỏa mãn đủ hai điều kiện:

– Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

– Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, nghĩa là hoàn cảnh kinh tế trước mắt cũng như về lâu dài của người gây ra thiệt hại không có khả năng để có thể bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.

Khi có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp, hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại… nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp thì cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan