[TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ] Nguyên tắc áp dụng luật nội dung trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Thứ nhất, áp dụng pháp luật nội dung tại thời điểm HĐBH phi nhân thọ phát sinh hiệu lực để giải quyết tranh chấp về HĐBH phi nhân thọ. Xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ dựa vào thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm được quy định tại Điều 15 Luật KDBH.

Thứ hai, nguyên tắc áp dụng nguồn luật.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật như: các quy định của Luật KDBH; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; BLDS; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp luật có liên quan. Ngoài ra, “các bên tham gia bảo hiểm có thể thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam”.

Theo phạm vi ưu tiên áp dụng luật, bảo hiểm phi nhân thọ được chia làm hai loại: bảo hiểm hàng hải và bảo hiểm phi hàng hải. Bảo hiểm hàng hải chịu sự điều chỉnh trước hết bởi quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, các điều ước quốc tế sau mới đến Luật KDBH và các văn bản pháp luật có liên quan. Luật KDBH chỉ rõ: “Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được áp dụng theo quy định của Bộ luật Hàng hải; đối với những vấn đề mà Bộ luật Hàng hải không quy định thì áp dụng theo quy định của Luật này”. Các HĐBH phi nhân thọ chịu sự điều chỉnh của những nguồn luật này là HĐBH hàng hóa vận chuyển bằng đường biển; HĐBH thân tàu và HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ tàu…

Nguồn luật ưu tiên sử dụng để điều chỉnh hoạt động bảo hiểm phi hàng hải trước hết là Luật KDBH sau đó là BLDS và các văn bản pháp luật có liên quan. Luật KDBH quy định: “Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Chương này được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Nguyên tắc áp dụng nguồn luật này được sử dụng trong HĐBH hỏa hoạn, HĐBH xây lắp, HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…

Thứ ba, thứ tự ưu tiên áp dụng các quy phạm pháp luật.

Ưu tiên thứ nhất – áp dụng các quy phạm mang tính bắt buộc.

Trong HĐBH phi nhân thọ, các quy phạm mang tính bắt buộc các bên phải tuân thủ, không được quyền thỏa thuận khác đi, trường hợp nếu không áp dụng thì hợp đồng sẽ không phát sinh hiệu lực. Ví dụ, quy định về HĐBH trong đó có HĐBH phi nhân thọ phải lập thành văn bản, được thể hiện dưới dạng giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm, kèm theo đó là giấy yêu cầu bảo hiểm là một phụ lục không thể thiếu trong HĐBH phi nhân thọ; đối tượng bảo hiểm trong bất cứ HĐBH tài sản nào cũng phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng hợp pháp của BMBH; hoặc quy định về đối tượng được tham gia bảo hiểm bắt buộc trong HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba và hành khách trên xe phải là các đối tượng được xác định bởi Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016.

Dựa vào những điều khoản bắt buộc này, Luật sư có thể tìm ra căn cứ để xác định hiệu lực của HĐBH phi nhân thọ và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Ưu tiên thứ hai – đó là điều, khoản về sự thỏa thuận của các bên.

Các chủ thể trong HĐBH phi nhân thọ, bằng sự thể hiện ý chí thông qua những hành vi hợp pháp của mình cùng thống nhất ý chí tạo nên quan hệ hợp đồng. Chủ thể là người có quyền quyết định giao kết hợp đồng với ai, hợp đồng giao kết với nội dung gì?… Vì vậy, các  điều, khoản thể hiện sự thống nhất ý chí của các bên chính là cơ sở để Luật sư xác định chính xác quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mình. Tuy nhiên, để các điều, khoản về sự thỏa thuận của các bên trong HĐBH phát sinh hiệu lực thì những quy định ấy không được trái với những quy định chung của quy phạm bắt buộc và đạo đức xã hội. Những điều, khoản thỏa thuận này thường được thể hiện dưới dạng các quy tắc bảo hiểm riêng của các DNBH.

Ví dụ, trường hợp BMBH ký HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba và hành khách trên xe với Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện nhưng tham gia theo mức tự nguyện thì các điều, khoản, điều kiện của hợp đồng, phí bảo hiểm, tiền bảo hiểm… tuân thủ theo Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô (ban hành kèm theo Quyết định số 82/2015/QĐ-PTI ngày 18/3/2015 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện, có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2015).

Ưu tiên thứ ba đó là các quy phạm tùy nghi.

Các quy phạm tùy nghi này sẽ được áp dụng như một căn cứ giải quyết tranh chấp trong HĐBH phi nhân thọ dự phòng khi các bên không có thỏa thuận riêng, giúp các bên tranh chấp tránh khỏi những rủi ro do thỏa thuận với nhau không đầy đủ các điều, khoản  của hợp đồng. Ví dụ, điều, khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thường được pháp luật quy định tương ứng với từng loại nghiệp vụ bảo hiểm cụ thể, trên cơ sở đó các DNBH cụ thể hóa phần loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các HĐBH. Vì vậy, nếu trong HĐBH mà không xác định điều, khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đã được pháp luật quy định thì bên bảo hiểm vẫn không phải bồi thường đối với các tổn thất xảy ra trong trường hợp đã được pháp luật loại trừ. Không áp dụng điều, khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp: BMBH vi phạm pháp luật do vô ý; BMBH có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho DNBH về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Ưu tiên thứ tư – đó là tập quán thương mại quốc tế.

Những tập quán thương mại quốc tế này phải đáp ứng được điều kiện cơ bản như: phải đang được cộng đồng quốc tế sử dụng ở nơi giao kết và thực hiện hợp đồng và được nhiều người biết đến, tập quán đó không được trái với điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội. Tập quán thương mại quốc tế được áp dụng nhiều ở các HĐBH hàng hải, có thể kể đến một số tập quán quốc tế được ghi nhận trong “các điều kiện thương mại quốc tế” (Incorterms) về nghĩa vụ của người bán, người mua trong thương mại quốc tế hay đó là Quy tắc Hague 1924 (Công ước Brusels năm 1924 là Công ước để thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển), Quy tắc Humburg 1978 (Công ước Humburg năm 1978 là Công ước về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển) về nghĩa vụ của người vận chuyển.

Thứ tư, vấn đề áp dụng phối hợp các nguồn luật.

Áp dụng phối hợp các nguồn luật nghĩa là quan hệ pháp luật dẫn chiếu đến đâu thì áp dụng đến đấy. Ví dụ, khi giải quyết tranh chấp về HĐBH xây dựng, Luật sư không chỉ áp dụng những quy định pháp luật về Luật KDBH mà còn phải áp dụng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan