Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019 (sau đây gọi chung là Luật KDBH) quy định: “Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ”. Bảo hiểm nhân thọ ở đây chính là bảo hiểm cho trường hợp “sống hoặc chết” của người được bảo hiểm. Vì thế bảo hiểm liên quan đến con người nhưng đối tượng bảo hiểm không phải là trường hợp “sống hoặc chết” của người được bảo hiểm thì được gọi là bảo hiểm con người phi nhân thọ và được xác định là một lĩnh vực của bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, kể từ ngày 25/8/2014, một loại hình bảo hiểm phi nhân thọ mới, đó là bảo hiểm bảo lãnh đã được pháp luật ghi nhận. Do đó có thể thấy, bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm mà đối tượng của nó là tài sản, trách nhiệm dân sự, con người phi nhân thọ và rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm (BMBH).
Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) là căn cứ quan trọng quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và chủ thể tham gia bảo hiểm dựa trên thỏa thuận của các bên. Điều 12 Luật KDBH đưa ra khái niệm: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.
HĐBH gồm các loại sau:
- HĐBH con người;
- HĐBH tài sản;
- HĐBH trách nhiệm dân sự.
Từ quy định của Luật KDBH về bảo hiểm phi nhân thọ và HĐBH, có thể rút ra khái niệm về HĐBH phi nhân thọ như sau: HĐBH phi nhân thọ là sự thỏa thuận giữa bên tham gia bảo hiểm (BMBH) và DNBH về việc DNBH cam kết bảo hiểm cho tài sản, trách nhiệm dân sự, bảo lãnh và bảo hiểm con người phi nhân thọ. Theo đó, BMBH phải đóng phí bảo hiểm, hoàn trả tiền bồi thường, DNBH phải trả tiền bảo hiểm/bồi thường cho BMBH hoặc người thứ ba bị thiệt hại khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Hiện nay, ở Việt Nam tồn tại những HĐBH phi nhân thọ cơ bản sau:
– HĐBH tài sản: là hợp đồng có đối tượng được bảo hiểm là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Ví dụ, HĐBH hàng hóa xuất nhập khẩu; HĐBH mọi rủi ro trong xây dựng; HĐBH lắp đặt; HĐBH hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt; HĐBH gián đoạn kinh doanh…
– HĐBH trách nhiệm dân sự: là hợp đồng có đối tượng bảo hiểm là các trách nhiệm dân sự của BMBH đối với bên thứ ba bị thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Ví dụ, HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba và hành khách trên xe; HĐBH trách nhiệm dân sự đối với hàng hóa vận chuyển trên xe; HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển…
– HĐBH con người phi nhân thọ: là HĐBH có đối tượng được bảo hiểm là tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động của con người khi bị tai nạn, bệnh tật, ốm đau, thai sản. Ví dụ, HĐBH tai nạn con người; HĐBH trợ cấp nằm viện và phẫu thuật…
– HĐBH bảo lãnh: là HĐBH có đối tượng bảo hiểm là rủi ro thực hiện nghĩa vụ của BMBH và người thứ. Ví dụ, HĐBH bảo lãnh dự thầu; HĐBH bảo lãnh thanh toán trước; HĐBH bảo lãnh thực hiện hợp đồng…
Nhận diện quan hệ pháp luật tranh chấp không chỉ giúp cho Luật sư có căn cứ để áp dụng pháp luật nội dung mà còn lựa chọn những quy định pháp luật tố tụng phù hợp để giải quyết tranh chấp, nâng cao mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Bên cạnh những dấu hiệu nhận biết về một hợp đồng dân sự nói chung, HĐBH nói riêng, HĐBH phi nhân thọ có những dấu hiệu nhận biết đặc thù sau đây:
Thứ nhất, các chủ thể có liên quan trong quan hệ HĐBH phi nhân thọ. Thông thường, chủ thể trong hợp đồng dân sự cũng chính là chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mà họ giao kết. Tuy nhiên, trong quan hệ HĐBH phi nhân thọ, ở một số trường hợp người được hưởng lợi ích không phải là các bên giao kết hợp đồng mà là người thứ ba thì chủ thể của hợp đồng không đồng nghĩa với chủ thể được hưởng quyền lợi phát sinh từ quan hệ nghĩa vụ của hợp đồng đó (ví dụ, người thứ ba trong HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe giới đối với người thứ ba hoặc hành khách trên xe trong HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách trên xe…). Vì thế, có thể nhận diện chủ thể của HĐBH phi nhân thọ ở hai nhóm chủ thể sau:
– Chủ thể giao kết HĐBH phi nhân thọ
Bên bảo hiểm (còn gọi là bên nhận bảo hiểm/bên bán bảo hiểm): là bên đã nhận phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và cam kết nhận rủi ro bảo hiểm về phía mình. Theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm thì bên nhận bảo hiểm chỉ có thể là một tổ chức có tư cách pháp nhân và được phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, được gọi là DNBH phi nhân thọ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bên bảo hiểm là các DNBH Việt Nam, DNBH nước ngoài, chi nhánh DNBH nước ngoài ở Việt Nam có chức năng kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Những doanh nghiệp này phải là những tổ chức có cơ cấu chặt chẽ và nguồn vốn lớn mạnh, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật KDBH và pháp luật có liên quan về kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ….
Ở Việt Nam, so với DNBH nhân thọ, DNBH phi nhân thọ trong nước và chi nhánh, DNBH phi nhân thọ nước ngoài có số lượng nhiều hơn. Một số DNBH và chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ có thể kể đến là: Bảo Việt nhân thọ, Công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI)… (những DNBH phi nhân thọ trong nước); Công ty TNHH bảo hiểm Liberty, Công ty TNHH Bảo hiểm AIG Việt Nam… (DNBH phi nhân thọ 100% vốn đầu tư nước ngoài); Công ty TNHH bảo hiểm hàng hải và hỏa hoạn Huyndai – Hàn Quốc, Công ty AmTrust Europe Limited – Anh… (chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài).
Bên tham gia bảo hiểm (chính là BMBH): là tổ chức (ví dụ, doanh nghiệp sử dụng lao động trong HĐBH trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chủ thầu trong HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ thầu đối với người thứ ba trong xây lắp…) hoặc cá nhân (ví dụ, chủ xe cơ giới trong HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba và hành khách trên xe…) ký kết HĐBH với DNBH và đóng phí bảo hiểm. Những tổ chức, cá nhân này phải là người có quyền lợi hợp pháp khi đối tượng được bảo hiểm gặp rủi ro và bị tổn thất và phải có đủ năng lực hành vi dân sự (đối với cá nhân) và năng lực pháp luật dân sự (đối với tổ chức) khi giao kết HĐBH. Ngoài trách nhiệm đóng phí bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm còn có những trách nhiệm khác phát sinh từ HĐBH cụ thể.
– Chủ thể liên quan đến nghĩa vụ chi trả số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường (chủ thể của quan hệ về nghĩa vụ bảo hiểm)
Chủ thể liên quan đến trách nhiệm chi trả số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường bảo hiểm là những người có quyền, nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm. Quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm là quan hệ giữa DNBH có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại với một bên được thụ hưởng khoản tiền bảo hiểm hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vì vậy, chủ thể của quan hệ nghĩa vụ về bảo hiểm bao gồm:
Bên có nghĩa vụ bảo hiểm: là DNBH đã nhận phí bảo hiểm từ người tham gia bảo hiểm hay chính là bên nhận bảo hiểm trong HĐBH làm hình thành quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm.
Bên được hưởng quyền lợi bảo hiểm: là bên được hưởng một khoản tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường thiệt hại hoặc được bên bảo hiểm đảm nhiệm thay một trách nhiệm dân sự khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vì thế bên được hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể là bên tham gia bảo hiểm (còn gọi là bên được bảo hiểm) được DNBH chi trả số tiền bảo hiểm (BMBH trong HĐBH tài sản) và được DNBH thực hiện thay một trách nhiệm dân sự/một nghĩa vụ phải làm (BMBH trong HĐBH trách nhiệm dân sự, HĐBH bảo lãnh). Bên được bảo hiểm có khi đồng thời là người được bồi thường (trong HĐBH tài sản) nhưng cũng có khi không đồng thời là người được bồi thường (trong HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ thầu với người thứ ba trong xây lắp thì người được bảo hiểm là chủ thầu còn bên được bồi thường là bên thứ ba bị thiệt hại khi sự kiện bảo hiểm xảy ra).
Bên được hưởng quyền lợi bảo hiểm cũng có thể là bên thứ ba (được gọi là người thụ hưởng) bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe từ sự kiện bảo hiểm, ví dụ như hành khách bị tai nạn trong HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách trên xe, là bên thứ ba được xác định trong HĐBH bảo lãnh khi bên tham gia bảo hiểm không thực hiện được nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng với bên thứ ba đó.
Người thụ hưởng: là tổ chức hoặc cá nhân được người tham gia bảo hiểm chỉ định trong HĐBH phi nhân thọ sẽ nhận được sự trợ giúp và bồi thường từ DNBH. Người thụ hưởng có thể được chỉ định đích danh (người thứ ba trong HĐBH bảo lãnh) hoặc không đích danh (người thứ ba trong HĐBH trách nhiệm của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba). Nếu được chỉ định đích danh thì trong HĐBH sẽ nêu rõ tên người được hưởng và mối quan hệ với người được bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, tham gia vào việc giao kết và thực hiện HĐBH, trong nhiều trường hợp, thường có các trung gian bảo hiểm (đại lý bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm). Tuy nhiên, đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm không phải là chủ thể của HĐBH mà giữ tư cách là đại diện hợp pháp của các chủ thể trong HĐBH.
Xác định được chủ thể của HĐBH, Luật sư sẽ xác định được nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu khởi kiện của khách hàng mà Luật sư bảo vệ. Trong một số trường hợp, điều kiện chủ thể được giới hạn hẹp hơn.
Thứ hai, khách thể của quan hệ HĐBH phi nhân thọ
Khách thể trong quan hệ pháp luật dân sự là lợi ích vật chất/tinh thần mà các chủ thể hướng tới khi tham gia quan hệ. Lý do giao kết HĐBH phi nhân thọ của các chủ thể không phải nhằm loại bỏ rủi ro mà xuất phát từ nhu cầu bảo đảm ổn định về tài chính cho các quyền lợi kinh tế liên quan. Thực hiện HĐBH phi nhân thọ, BMBH chấp nhận trả phí bảo hiểm để chuyển dịch gánh nặng tài chính và rủi ro sang phía DNBH, được DNBH bồi thường tổn thất khi tài sản, sức khỏe, tính mạng, khả năng lao động của mình bị thiệt hại hoặc được DNBH đảm nhiệm thay trách nhiệm dân sự, thực hiện thay nghĩa vụ trả tiền với bên thứ ba. Trong khi đó, DNBH sẽ được nhận khoản tiền từ việc nộp phí của BMBH và chấp nhận gánh nặng tài chính đó về mình. Vì vậy, lợi ích mà các chủ thể hướng tới ở đây chính là quyền lợi có thể được bảo hiểm của BMBH.
Lợi ích này xuất hiện dựa trên mối liên quan giữa đối tượng bảo hiểm phi nhân thọ và người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm, người được hưởng quyền lợi bảo hiểm trong từng HĐBH phi nhân thọ cụ thể và được biểu hiện thông qua các điều khoản về chi trả bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Các căn cứ để quyền lợi có thể được bảo hiểm của bên được bảo hiểm hình thành là: quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng đối với tài sản, quyền nhân thân, quyền và nghĩa vụ trong và ngoài quan hệ hợp đồng. Ví dụ, người có quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản là những người có quyền ký kết HĐBH cho tài sản và trách nhiệm liên quan (HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba). Nếu đối tượng hợp đồng là thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với bên thứ ba thì người thực hiện nghĩa vụ có thể mua hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng…
Thứ ba, nội dung của quan hệ HĐBH phi nhân thọ
Nội dung của quan hệ pháp luật là tổng hợp quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đó. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể giao kết hợp đồng và các chủ thể của quan hệ nghĩa vụ (đề cập ở dấu hiệu Thứ nhất và Thứ hai) tạo thành nội dung của quan hệ pháp luật tranh chấp về HĐBH phi nhân thọ.
Trong quan hệ pháp luật này, người được bảo hiểm có quyền: yêu cầu DNBH chi trả số tiền bảo hiểm cho sự tổn thất về tài sản hoặc chi trả số tiền bồi thường khi tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động của con người bị tổn thất do tai nạn, bệnh tật, ốm đau, thai sản; thực hiện thay một trách nhiệm dân sự khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện thay một nghĩa vụ trả tiền khi BMBH không hoàn thành nghĩa vụ với người thứ ba; hủy bỏ HĐBH theo quy định của pháp luật/thỏa thuận trong hợp đồng; quyền được cung cấp thông tin về đối tượng bảo hiểm của bên bảo hiểm; yêu cầu DNBH trả tiền bảo hiểm/bồi thường cho người được thụ hưởng; chuyển nhượng HĐBH theo thỏa thuận trong HĐBH; và các quyền khác theo quy định pháp luật…12.
Trong quan hệ pháp luật này, DNBH có quyền: thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong HĐBH; yêu cầu BMBH cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện HĐBH; hủy bỏ HĐBH theo quy định pháp luật/thỏa thuận của các bên; từ chối trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong HĐBH; yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà DNBH đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự; và các quyền khác theo quy định của pháp luật…13.
Thứ tư, hình thức của HĐBH phi nhân thọ
Luật pháp đòi hỏi mọi loại HĐBH nói chung và HĐBH phi nhân thọ nói riêng phải thể hiện dưới dạng văn bản14. Theo đó, giấy yêu cầu bảo hiểm là bộ phận không tách rời của HĐBH và chứng cứ của việc giao kết hợp đồng là giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm.
– Giấy yêu cầu bảo hiểm
Giấy yêu cầu bảo hiểm là một loại ấn chỉ in sẵn, trong đó yêu cầu người có nhu cầu bảo hiểm phải kê khai những thông tin liên quan cần thiết và nộp cho DNBH trước khi HĐBH phi nhân thọ được phát hành.
Giấy yêu cầu bảo hiểm phải được người đề nghị bảo hiểm kê khai đầy đủ, đề ngày, tháng, năm và có ký tên là chứng cứ thể hiện yêu cầu bảo hiểm của BMBH. Nội dung của giấy yêu cầu bảo hiểm là sự cam kết của BMBH khi HĐBH phi nhân thọ được thiết lập. Đồng thời, đây cũng là chứng cứ chứng minh người tham gia bảo hiểm đã hoàn thành nghĩa vụ cung cấp thông tin hay chưa. Tuy nhiên, trước khi HĐBH phi nhân thọ được ký kết, giấy yêu cầu bảo hiểm chưa có giá trị pháp lý ràng buộc trách nhiệm và cả hai bên (DNBH và BMBH) không buộc phải chấp nhận ký kết hợp đồng.
– Giấy chứng nhận bảo hiểm/đơn bảo hiểm
Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm được coi là chứng cứ của việc giao kết HĐBH. Trong khi giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ biểu đạt những thông tin vắn tắt và cơ bản nhất về HĐBH (thông tin về DNBH; người được bảo hiểm; đối tượng bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; phí bảo hiểm…) thì đơn bảo hiểm biểu đạt thông tin một cách đầy đủ hơn. Ngoài những thông tin như trong giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm còn thể hiện các thông tin về phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của các bên, cách tính và thanh toán tiền bồi thường, quy định về giải quyết tranh chấp…
Thông thường, giấy chứng nhận bảo hiểm được DNBH cấp cho BMBH kèm theo một HĐBH. Một HĐBH có thể cấp kèm một hoặc nhiều giấy chứng nhận bảo hiểm, còn đơn bảo hiểm thường được cấp độc lập như một thông lệ trong hoạt động bảo hiểm. Việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm của DNBH cho BMBH là một trong những bằng chứng xác nhận DNBH đã chấp nhận trách nhiệm về rủi ro đối với đối tượng bảo hiểm.
Ngoài những hình thức kể trên của HĐBH phi nhân thọ còn có các tài liệu liên quan đến việc ký kết hợp đồng (phụ lục hợp đồng,…) để chi tiết hóa các thông tin chưa được phản ánh ở đơn bảo hiểm; hoặc để thay đổi, bổ sung, loại bỏ các điều khoản trong hợp đồng; hoặc nhằm mục đích xác định rõ ràng, cụ thể quan hệ giữa các bên trong HĐBH bên cạnh sự điều chỉnh bằng các quy định chung của hệ thống pháp luật về bảo hiểm phi nhân thọ. Ví dụ, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm tăng thêm của BMBH khi ký kết HĐBH xây dựng, ngoài hợp đồng, các bên có thể ký thêm phụ lục hợp đồng về “điều khoản chéo trong bảo hiểm xây dựng”.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn